Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, lây truyền qua muỗi vằn Aedes aegypti. Bệnh không chỉ bùng phát theo mùa mà còn có thể gây biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu. Việc hiểu rõ các giai đoạn của sốt xuất huyết sẽ giúp người bệnh và gia đình có phương án theo dõi, xử trí đúng cách và kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết nội, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, thuộc họ Flaviviridae, là một nhóm virus RNA phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong những năm gần đây, số ca mắc bệnh này đã tăng đáng kể, đặc biệt là ở các khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ, khiến bệnh trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Virus Dengue lây truyền qua vết đốt của muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus, hai loài muỗi thường gặp ở các khu vực đô thị và nông thôn. Do đó, việc kiểm soát sinh sản và phát triển của muỗi là một biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh. Có 4 tuýp virus Dengue (DENV - 1, DENV - 2, DENV - 3 và DENV - 4), mỗi người có thể mắc bệnh với mỗi tuýp ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, người bệnh chỉ có miễn dịch suốt đời đối với một tuýp virus đó, còn miễn dịch chéo với các tuýp khác sẽ không bền vững và sẽ nhanh chóng suy giảm.
Điều này có nghĩa là người đã từng mắc sốt xuất huyết vẫn có thể bị tái nhiễm với các tuýp virus khác và lần tái nhiễm này thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm hơn so với lần mắc đầu tiên.

Các giai đoạn của sốt xuất huyết
Các giai đoạn của sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí tử vong do xuất huyết.
Bệnh diễn tiến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn sốt
Giai đoạn đầu tiên trong các giai đoạn của sốt xuất huyết là giai đoạn sốt cao cao đột ngột, kéo dài từ 4 đến 7 ngày sau khi bị muỗi đốt và truyền virus vào cơ thể. Ngoài sốt, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng cảnh báo sau:
- Đau đầu liên tục.
- Đau nhức vùng hốc mắt.
- Đau cơ và khớp.
- Chán ăn và cảm giác buồn nôn.
- Xuất hiện ban xuất huyết dưới da.
- Chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Các ban sốt xuất huyết thường xuất hiện từ 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sẽ giảm dần sau 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, người bệnh có thể lại bị nổi ban thêm một lần nữa trong các ngày tiếp theo. Trong giai đoạn này, xét nghiệm có thể cho kết quả số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm nhẹ (nhưng vẫn trên 100.000/mm3). Đồng thời, số lượng bạch cầu thường giảm.
Giai đoạn nguy hiểm (giai đoạn xuất huyết)
Giai đoạn này thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Sốt có thể giảm hoặc vẫn tiếp tục, và xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết, từ nhẹ đến nặng. Đây là thời điểm bệnh dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
- Xuất huyết dưới da nhẹ: Thấy các vết xuất huyết nhỏ dưới da, có thể kèm cảm giác ngứa.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, hoặc phụ nữ có thể gặp chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt.
- Xuất huyết đường tiêu hóa: Đi ngoài phân đen, phân có máu, hoặc nôn ra máu tươi hoặc máu đông.
- Xuất huyết nghiêm trọng hơn có thể xảy ra ở não hoặc trong ổ bụng, đe dọa tính mạng.
- Khi máu bị cô đặc, nếu không được bổ sung đủ dịch, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, thậm chí có thể rơi vào trạng thái sốc do giảm thể tích tuần hoàn.

Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu như vật vã, kích động, hoặc ngược lại là li bì, nôn nhiều, đau bụng không rõ nguyên nhân, đau đầu dữ dội, tiểu ít hoặc có dấu hiệu xuất huyết, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
Giai đoạn phục hồi
Khi bệnh nhân đã hết sốt hơn 48 giờ, cơ thể sẽ dần hồi phục, cảm giác mệt mỏi giảm, ăn uống trở lại bình thường và tiểu tiện cũng tăng lên. Xét nghiệm tiểu cầu sẽ bắt đầu tăng lên, cho thấy cơ thể đang hồi phục tốt.
Các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng đầu tiên và nghiêm trọng nhất là sốc do thoát huyết tương. Virus gây bệnh làm tăng tính thấm của mao mạch, dẫn đến thoát huyết tương, làm cô đặc máu và gây sốc. Nếu tình trạng này kéo dài, dịch huyết tương có thể tích tụ trong màng não, gây phù não và hội chứng thần kinh, thậm chí dẫn đến hôn mê.
Ngoài sốc, thoát huyết tương cũng có thể gây tràn dịch màng phổi, viêm phổi, và phù phổi cấp. Tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết, suy tim và tử vong. Các biến chứng này đe dọa tính mạng của bệnh nhân, đặc biệt nếu không được cấp cứu nhanh chóng.
Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết cũng có thể gây ra suy thận cấp và các vấn đề về mắt như mù đột ngột hoặc giảm thị lực. Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể gặp nguy cơ cao đối với thai nhi, bao gồm sảy thai nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ.
Cách chăm sóc và phòng bệnh sốt xuất huyết
Chế độ chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết
- Theo dõi triệu chứng: Cần theo dõi thường xuyên các triệu chứng của người bệnh. Nếu không có cải thiện hoặc có dấu hiệu bất thường, nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Bệnh nhân cần nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe và giảm các triệu chứng như đau nhức cơ thể. Nghỉ ngơi giúp cơ thể có đủ năng lượng để chống lại virus.
- Không tự ý truyền dịch tại nhà: Truyền dịch tại nhà có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như phù nề và suy hô hấp. Chỉ nên thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ.
- Bổ sung dinh dưỡng: Cung cấp các thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa để tăng sức đề kháng. Thực phẩm giàu vitamin A và kẽm như gà, bò cũng rất quan trọng.
- Đối với trẻ em: Trẻ đang bú mẹ vẫn cần được cho bú bình thường. Trẻ ăn dặm cần được bổ sung thực phẩm giàu vitamin D, kẽm, sắt. Bữa ăn phụ có thể bao gồm sữa, nước cam, nước ép lựu, ổi để cung cấp vitamin và khoáng chất cho trẻ.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả gồm:
- Theo dõi tình trạng sức khỏe: Luôn chú ý các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, đau mỏi người hay xuất huyết dưới da. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và theo dõi kịp thời.
- Ngăn ngừa muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay, đặc biệt là vào ban ngày – thời điểm muỗi vằn hoạt động mạnh. Ngủ trong màn kể cả ban ngày và ban đêm. Hay có thể dụng các biện pháp xua muỗi như: kem chống muỗi, hương muỗi, bình xịt côn trùng, màn tẩm hóa chất…
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: Giữ nhà cửa và khu vực xung quanh luôn sạch sẽ, thông thoáng, không để nước đọng lâu ngày. Đậy kín các vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, đồng thời vệ sinh lu, khạp, xô, chậu thường xuyên. Thả cá vào dụng cụ trữ nước để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết: Là một trong những giải pháp chủ động và hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Khi được tiêm, vắc xin sẽ kích thích cơ thể sản sinh kháng thể, giúp nâng cao khả năng miễn dịch, từ đó giảm nguy cơ nhiễm virus Dengue và hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đang cung cấp vắc xin Qdenga – loại vắc xin sống giảm độc lực, có khả năng bảo vệ trước cả 4 chủng virus DenDengue Fever

Hiểu rõ các giai đoạn của sốt xuất huyết là chìa khóa giúp bạn nhận biết sớm và xử trí kịp thời căn bệnh nguy hiểm này. Đừng chủ quan khi thấy hạ sốt, và đừng chờ đến khi có biến chứng mới đến cơ sở y tế. Việc phòng ngừa hiệu quả thông qua tiêm vắc xin, diệt muỗi và giữ vệ sinh môi trường là cách bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi những đợt bùng phát dịch.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín giúp bạn an tâm bảo vệ sức khỏe qua từng mũi tiêm. Với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm, quy trình tiêm chủng tại đây luôn đảm bảo an toàn, chuyên nghiệp. Khách hàng được tư vấn kỹ lưỡng, hướng dẫn tận tình trước khi tiêm, mang đến trải nghiệm y tế chất lượng và tin cậy cho mọi độ tuổi.