icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
tut_huyet_ap_1_a22ae6f3edtut_huyet_ap_1_a22ae6f3ed

Tụt huyết áp là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa

Kim Tuyền01/04/2025

Tụt huyết áp hay hạ huyết áp, huyết áp thấp (low blood pressure hoặc hypotension) là khi chỉ số huyết áp bạn đo được dưới 90/60 mmHg. Có nhiều nguyên nhân gây ra tụt huyết áp, và phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Triệu chứng của tụt huyết áp bao gồm chóng mặt và ngất xỉu, hoặc bạn có thể không có triệu chứng. Tiên lượng bệnh cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tụt huyết áp.

Tìm hiểu chung về tụt huyết áp

Tụt huyết áp (hay hạ huyết áp) là tình trạng huyết áp của bạn thấp hơn nhiều so với mức bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra như một bệnh lý hoặc là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Tụt huyết áp có thể không gây ra triệu chứng, nhưng khi xuất hiện triệu chứng, bạn có thể cần được chăm sóc y tế.

Huyết áp được thể hiện bởi hai chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu: Là áp lực trong động mạch của bạn mỗi khi tim đập.
  • Huyết áp tâm trương: Là áp lực trong động mạch giữa các nhịp đập của tim.

Một số loại tụt huyết áp thường gặp gồm:

  • Tụt huyết áp tư thế: Huyết áp giảm đột ngột xảy ra khi bạn thay đổi tư thế từ tư thế nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng. Tình trạng này xảy ra khi hệ tim mạch hoặc thần kinh không phản ứng kịp với sự thay đổi tư thế đột ngột. Khoảng 10% đến 20% người trên 65 tuổi mắc phải tình trạng này.
  • Tụt huyết áp do phản xạ thần kinh: Dạng này xảy ra khi bạn đứng quá lâu. Nguyên nhân được cho là do sự gián đoạn trong giao tiếp giữa não và tim. Tình trạng này phổ biến hơn ở người trẻ tuổi.
  • Tụt huyết áp sau ăn: Đôi khi huyết áp có thể giảm sau bữa ăn khoảng 1 - 2 giờ. Nguyên nhân được cho là do máu dồn xuống hệ tiêu hóa. Tình trạng này phổ biến nhất ở người lớn tuổi mắc bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh thần kinh như Parkinson. Thường xảy ra sau khi ăn những bữa ăn lớn chứa nhiều carbohydrate.
  • Tụt huyết áp thấp do teo đa hệ thống có kèm tụt huyết áp tư thế: Đây là một loại tụt huyết áp hiếm gặp, xảy ra ngay cả khi bạn đang nằm. Tình trạng này liên quan đến hệ thần kinh tự chủ, cơ quan kiểm soát huyết áp, nhịp tim và hô hấp.

Triệu chứng tụt huyết áp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tụt huyết áp

Các triệu chứng của tụt huyết áp thường gặp

  • Chóng mặt hoặc cảm giác lâng lâng;
  • Ngất xỉu hoặc mất ý thức;
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Nhìn mờ hoặc hình ảnh méo mó;
  • Thở nhanh, nông;
  • Cảm giác uể oải, chậm chạp hoặc lờ đờ;
  • Rối loạn ý thức hoặc khó tập trung;
  • Kích động hoặc thay đổi hành vi bất thường (người bệnh không hành động như bình thường).

Nếu huyết áp của bạn giảm quá thấp, cơ thể sẽ không nhận đủ oxy để thực hiện các chức năng bình thường. Điều này có thể làm suy giảm hoạt động của tim và não, gây ra suy hô hấp. Bạn có thể mất ý thức hoặc rơi vào tình trạng sốc.

Các triệu chứng của sốc có thể bao gồm:

  • Da trở nên nhợt nhạt;
  • Cảm giác lạnh trên da;
  • Thở nhanh;
  • Mạch yếu, đập nhanh;
  • Lú lẫn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tụt huyết áp

Ngã và chấn thương do té ngã

Đây là rủi ro thường gặp của tụt huyết áp do bệnh có thể gây chóng mặt và ngất xỉu.

Té ngã có thể dẫn đến tình trạng gãy xương, chấn động não và các chấn thương nghiêm trọng khác, thậm chí đe dọa tính mạng của bạn.

Nếu bạn bị tụt huyết áp, phòng ngừa té ngã nên là một ưu tiên hàng đầu.

tut-huyet-ap 4.jpg

Sốc tuần hoàn

Khi tụt huyết áp, lượng máu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể bị giảm, có thể gây tổn thương cơ quan.

Nếu nghiêm trọng, có thể dẫn đến sốc tuần hoàn, một tình trạng nguy hiểm khi cơ thể bắt đầu suy sụp do thiếu máu và oxy.

Các vấn đề về tim hoặc đột quỵ

Tụt huyết áp có thể khiến tim phải làm việc nhiều hơn, bơm máu nhanh hơn hoặc mạnh hơn để bù đắp.

Theo thời gian, điều này có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn hoặc thậm chí suy tim.

Huyết áp thấp cũng có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu và đột quỵ, do dòng chảy máu không ổn định, tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị tụt huyết áp, hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc gây gián đoạn các hoạt động hàng ngày.

Nếu bạn chưa từng được chẩn đoán tụt huyết áp, hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị chóng mặt hoặc ngất xỉu nhiều lần. Những triệu chứng này có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác.

Bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu có tụt huyết áp kèm theo các dấu hiệu sau:

  • Đau ngực.
  • Ngất xỉu hoặc mất ý thức.
  • Ngã do chóng mặt và bị chấn thương đầu (đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu).
  • Có dấu hiệu sốc tuần hoàn, chẳng hạn như cảm thấy lạnh run hoặc đổ mồ hôi nhiều; thở nhanh hoặc mạch đập nhanh; da có màu xanh tím, đặc biệt là ở môi hoặc dưới móng tay.

Nguyên nhân gây tụt huyết áp

Tụt huyết áp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

Tụt huyết áp tư thế đứng

Xảy ra khi bạn đứng dậy quá nhanh, khiến cơ thể không thể điều chỉnh lưu lượng máu đến não kịp thời, gây chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Bệnh lý hệ thần kinh trung ương

Các bệnh như Parkinson có thể ảnh hưởng đến cách hệ thần kinh điều chỉnh huyết áp.

Nếu bạn mắc bệnh này có thể bị tụt huyết áp sau khi ăn do hệ tiêu hóa cần nhiều máu để hoạt động.

tut-huyet-ap 5.jpg

Bệnh tim và phổi

  • Tim đập quá nhanh hoặc quá chậm có thể gây tụt huyết áp.
  • Phổi hoạt động kém hiệu quả cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp.
  • Suy tim giai đoạn cuối có thể làm yếu cơ tim, dẫn đến tụt huyết áp.

Thuốc kê đơn

Một số loại thuốc có liên quan đến tụt hạ huyết áp. Có thể được chia thành hai loại chính:

  • Thuốc dùng để điều trị huyết áp cao, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc ức chế men chuyển angiotensin.
  • Thuốc có tác dụng phụ gây tụt huyết áp, bao gồm nitrat, thuốc điều trị rối loạn cương dương, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chống loạn thần, thuốc an thần, thuốc chống lo âu, thuốc an thần-gây ngủ và thuốc chống trầm cảm ba vòng.

Rượu và các chất kích thích

Các loại ma túy, rượu bia có thể làm tụt huyết áp trong thời gian ngắn.

Một số thảo dược, vitamin hoặc phương pháp điều trị tại nhà cũng có thể làm tụt huyết áp, vì vậy bạn nên thông báo đầy đủ với bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng.

Mang thai

Tụt huyết áp tư thế đứng có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.

Xuất huyết hoặc các biến chứng thai kỳ khác cũng có thể gây tụt huyết áp.

Nhiệt độ khắc nghiệt

Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể ảnh hưởng đến huyết áp và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tụt huyết áp.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Thiếu vitamin B12 và axit folic thiết yếu có thể gây ra tình trạng thiếu máu, lượng hồng cầu khỏe mạnh thấp hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến tụt huyết áp.

Các tình huống đe dọa tính mạng

  • Các vấn đề về nội tiết tố như suy giáp, đái tháo đường hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết).
  • Sốc nhiễm trùng: Điều này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu. Sau đó, vi khuẩn sản sinh ra độc tố ảnh hưởng đến mạch máu. Điều này có thể dẫn đến tụt huyết áp nguy hiểm.
  • Phản ứng dị ứng: Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng này có thể xảy ra ở những người nhạy cảm với thuốc như penicillin. Bệnh cũng có thể xảy ra sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc bị ong hoặc ong bắp cày đốt.
  • Giảm thể tích máu: Mất máu đáng kể do chấn thương lớn hoặc chảy máu trong nghiêm trọng làm giảm thể tích máu hoặc mất nước nhiều. Điều này có thể dẫn đến tụt huyết áp nghiêm trọng.

Nguy cơ dẫn đến tụt huyết áp

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tụt huyết áp?

Những người có nguy cơ mắc bệnh tụt huyết áp:

  • Tuổi: Người trên 65 tuổi có nguy cơ cao bị tụt huyết áp tư thế. Người lớn tuổi cũng dễ bị tụt huyết áp sau ăn do máu dồn về hệ tiêu hóa.
  • Người mắc các bệnh lý mạn tính như suy tim, nhịp tim chậm, đái tháo đường, Parkinson…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tụt huyết áp

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tụt huyết áp:

  • Tiếp xúc với nhiệt độ cao làm giãn mạch, gây tụt huyết áp.
  • Uống rượu bia quá mức cũng làm tăng nguy cơ tụt huyết áp.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị tụt huyết áp

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tụt huyết áp

Bản thân tụt huyết áp rất dễ chẩn đoán, chỉ cần đo huyết áp là đủ. Tuy nhiên, xác định nguyên nhân gây ra tụt huyết áp có thể phức tạp hơn. Nếu bạn có triệu chứng, bác sĩ có thể sử dụng nhiều xét nghiệm khác nhau để tìm ra nguyên nhân và đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh.

tut-huyet-ap 6.jpg

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Các xét nghiệm này giúp phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như:

  • Bệnh đái tháo đường;
  • Thiếu vitamin;
  • Rối loạn tuyến giáp hoặc nội tiết tố;
  • Thiếu máu (thiếu sắt);
  • Mang thai (đối với người có khả năng mang thai).

Chẩn đoán hình ảnh học

Nếu nghi ngờ tụt huyết áp do vấn đề tim hoặc phổi bác sĩ có thể chỉ định:

  • Chụp X-quang;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan);
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Siêu âm tim hoặc các xét nghiệm siêu âm khác.

Xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu

Những xét nghiệm này giúp phát hiện các vấn đề cụ thể liên quan đến tim hoặc hệ thống tuần hoàn:

  • Điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim.
  • Kiểm tra gắng sức để xem tim hoạt động như thế nào khi vận động.
  • Nghiệm pháp bàn nghiêng để chẩn đoán tụt huyết áp thấp tư thế.

Phương pháp điều trị tụt huyết áp hiệu quả

Bác sĩ sẽ tìm cách điều trị nguyên nhân chính gây ra tụt huyết áp. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Truyền dịch tĩnh mạch để bổ sung nước và tăng thể tích máu.
  • Dùng kháng sinh nếu tụt huyết áp do nhiễm trùng nặng (như nhiễm trùng huyết).
  • Phẫu thuật hoặc ghép tim ( khi huyết áp thấp là do suy tim nặng).
  • Nhập viện nếu tụt huyết áp nặng và đe dọa tính mạng.

Bác sĩ cũng có thể điều trị ngay lập tức tụt huyết áp bằng ba cách sau:

  • Tăng thể tích máu: Truyền dịch, huyết tương hoặc truyền máu.
  • Làm co mạch máu: Một số loại thuốc giúp thu hẹp mạch máu, hỗ trợ làm tăng huyết áp.
  • Hỗ trợ cơ thể xử lý chất lỏng: Các loại thuốc giúp thận giữ lại nước và muối, giúp tăng huyết áp.

Nếu bạn được chẩn đoán bị tụt huyết áp, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Tăng lượng muối trong khẩu phần có thể giúp tăng huyết áp.
  • Học cách nhận biết và xử lý triệu chứng: Nhận biết dấu hiệu chóng mặt, choáng váng sớm có thể giúp bạn ngăn ngừa ngất xỉu và té ngã.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa tụt huyết áp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tụt huyết áp

Chế độ sinh hoạt:

  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Một số loại thuốc có thể giúp bạn tránh các triệu chứng khó chịu do tụt huyết áp gây ra.
  • Mặc đồ hỗ trợ: Mang vớ y khoa có thể giúp máu lưu thông từ chân lên tim, từ đó giúp tăng huyết áp.
  • Thay đổi tư thế chậm rãi: Tránh đứng dậy quá nhanh, đặc biệt nếu bạn bị tụt huyết áp tư thế, để giảm nguy cơ chóng mặt, choáng váng.
  • Ngồi xuống ngay khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt: Điều này giúp tránh té ngã, giảm nguy cơ chấn thương nghiêm trọng như gãy xương hông, chấn thương sọ não hoặc gãy xương sườn.
  • Uống rượu ở mức độ vừa phải (vì rượu có thể làm giãn mạch máu, gây giảm huyết áp nếu uống quá nhiều).
  • Nâng cao đầu giường vào ban đêm.

Chế độ dinh dưỡng

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tuân thủ chế độ ăn do bác sĩ khuyến nghị, đặc biệt là về lượng muối tiêu thụ, có thể giúp ngăn ngừa triệu chứng huyết áp thấp.
  • Uống nhiều nước để duy trì thể tích máu. Uống nhiều nước hơn khi thời tiết nóng và khi bị bệnh do vi-rút, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.
tut-huyet-ap 7.jpg

Phương pháp phòng ngừa tụt huyết áp hiệu quả

Thông thường, không thể ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng tụt huyết áp. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách:

  • Không sử dụng thuốc kích thích, rượu bia hoặc thảo dược có thể làm giảm huyết áp.
  • Tránh đứng dậy quá nhanh để giảm nguy cơ tụt huyết áp tư thế.
  • Chia nhỏ bữa ăn và giảm lượng tinh bột trong mỗi bữa ăn để ngăn ngừa tụt huyết áp sau khi ăn.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Ở những người khỏe mạnh, tụt huyết áp mà không có triệu chứng thường không đáng lo ngại và không cần điều trị. Nhưng tụt huyết áp có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt là ở người lớn tuổi và có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim, não và các cơ quan quan trọng khác.

Tụt huyết áp không trực tiếp gây đột quỵ như tăng huyết áp. Tuy nhiên, nếu huyết áp của bạn quá thấp, máu không đủ để nuôi não, có thể gây ngất xỉu, té ngã hoặc thậm chí đột quỵ do thiếu máu não thoáng qua.

Có thể. Trà và cà phê có chứa caffeine, giúp kích thích thần kinh, tăng nhịp tim, và co mạch, từ đó làm tăng huyết áp tạm thời. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng vì có thể gây mất nước hoặc làm rối loạn nhịp tim.

Có. Tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội có thể giúp bạn cải thiện tuần hoàn máu và ổn định huyết áp. Tuy nhiên, bạn cần tránh tập quá sức, đặc biệt với người bị tụt huyết áp tư thế đứng.

Có thể. Thiếu ngủ kéo dài làm giảm tuần hoàn máu, gây mệt mỏi, chóng mặt, khó tập trung. Bạn nên ngủ đủ 7 - 8 tiếng/ngày và tránh thức khuya.