icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
say_thai_9207e72c9dsay_thai_9207e72c9d

Sảy thai: Nguyên nhân, triệu chứng, yếu tố nguy cơ và phòng ngừa sảy thai

Tuyết Ly28/03/2025

Sảy thai (miscarriage) là tình trạng mất thai đột ngột trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Có khoảng 10% đến 20% trường hợp phụ nữ mang thai bị sảy thai. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều trường hợp sảy thai xảy ra rất sớm, trước khi người phụ nữ nhận ra mình đang mang thai. Phần lớn các trường hợp sảy thai xảy ra do thai nhi phát triển không bình thường. Hiểu rõ nguyên nhân gây sảy thai, triệu chứng, các yếu tố làm tăng nguy cơ và cách phòng ngừa có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho thai kỳ của mình.

Tìm hiểu chung về sảy thai

Sảy thai là tình trạng mất thai đột ngột trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Hầu hết các trường hợp sảy thai đều nằm ngoài tầm kiểm soát và xảy ra do thai ngừng phát triển.

Sảy thai có thể phân thành các loại sau:

  • Sảy thai bỏ lỡ (Missed miscarriage): Thai đã ngừng phát triển nhưng bạn không có triệu chứng hay dấu hiệu nhận biết, khi siêu âm phát hiện thai nhi không còn tim thai.
  • Sảy thai hoàn toàn (Complete miscarriage): Sảy thai và trong lòng tử cung không còn mô thai. Bạn đã có tình trạng xuất huyết và tống xuất mô thai. Bác sĩ có thể kiểm tra qua siêu âm.
  • Sảy thai tái phát (Recurrent miscarriage): Xảy ra khi bạn bị sảy thai ba lần liên tiếp. Tình trạng này xuất hiện khoảng 1% ở các cặp vợ chồng.
  • Dọa sảy thai (Threatened miscarriage): Cổ tử cung của bạn vẫn đóng, nhưng bạn bị xuất huyết và đau quặn bụng dưới. Hầu hết các trường hợp thai kỳ vẫn tiếp tục mà không có vấn đề nghiêm trọng, nhưng bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ hơn.
  • Sảy thai khó tránh (Inevitable miscarriage): Bạn bị xuất huyết, đau quặn bụng và cổ tử cung bắt đầu mở. Có thể rỉ nước ối. Nguy cơ sảy thai hoàn toàn rất cao.

Triệu chứng sảy thai

Những dấu hiệu và triệu chứng của sảy thai

Hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ, tức khoảng 13 tuần đầu tiên. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Xuất huyết âm đạo, có hoặc không kèm theo đau, bao gồm cả rỉ máu nhẹ.
  • Đau hoặc co thắt ở vùng chậu hoặc lưng dưới.
  • Dịch hoặc mô bị đẩy ra từ âm đạo.
  • Nhịp tim nhanh.

Hầu hết phụ nữ bị rỉ máu nhẹ trong ba tháng đầu vẫn có thể mang thai thành công. Tuy nhiên, nếu bạn bị xuất huyết nhiều hoặc kèm theo đau quặn, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn có thể không nhận biết rằng mình đang bị sảy thai. Ở những trường hợp có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào nêu trên hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

say-thai 3.png

Nguyên nhân gây sảy thai

Khoảng 50% các trường hợp sảy thai trong ba tháng đầu của thai kỳ (tức là trước 13 tuần) là do các bất thường về nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể là những cấu trúc nhỏ bên trong tế bào mang gen di truyền. Gen quyết định các đặc điểm của một người, chẳng hạn như giới tính, màu tóc, màu mắt và nhóm máu,...

Trong quá trình thụ tinh, khi trứng và tinh trùng kết hợp, hai bộ nhiễm sắc thể hòa trộn với nhau. Nếu một trong hai có nhiễm sắc thể không bình thường, phôi thai sẽ bất thường. Khi trứng đã thụ tinh hình thành phôi thai, các tế bào của nó sẽ phân chia và nhân lên nhiều lần. Nếu có bất thường trong quá trình này, sảy thai có thể xảy ra.

Hầu hết các vấn đề về nhiễm sắc thể xảy ra ngẫu nhiên và chưa rõ nguyên nhân chính xác. Một số yếu tố có thể dẫn đến sảy thai, bao gồm:

  • Nhiễm trùng;
  • Rối loạn nội tiết tố;
  • Trứng thụ tinh làm tổ không đúng vị trí;
  • Tuổi của người mẹ;
  • Bất thường ở tử cung;
  • Cổ tử cung yếu (mở quá sớm trong thai kỳ);
  • Lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích;
  • Rối loạn miễn dịch như Lupus;
  • Bệnh thận nặng;
  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt;
  • Bệnh tuyến giáp;
  • Tiếp xúc với bức xạ;
  • Một số loại thuốc;
  • Suy dinh dưỡng nặng.
say-thai 4.png

Uống thuốc gì dễ bị sảy thai? Một số loại thuốc uống có thể gây sảy thai, bao gồm:

  • Misoprostol (dùng để điều trị viêm loét dạ dày).
  • Retinoids (dùng để điều trị bệnh chàm (eczema) và mụn trứng cá).
  • Methotrexate (dùng để điều trị các bệnh như viêm khớp dạng thấp).
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) (chẳng hạn như ibuprofen, dùng để giảm đau và viêm).

Để đảm bảo thuốc bạn dùng an toàn trong thai kỳ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Nguy cơ dẫn đến sảy thai

Những ai có nguy cơ sảy thai?

Có khoảng 10% đến 20% trường hợp phụ nữ mang thai bị sảy thai. Phần lớn các trường hợp sảy thai (80%) xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ (trước 13 tuần). Chưa đến 5% trường hợp sảy thai xảy ra sau 20 tuần thai.

Tỷ lệ sảy thai có thể cao hơn nếu tính cả những trường hợp xảy ra ngay sau khi phôi làm tổ. Khi đó, phụ nữ mang thai có thể không nhận ra mình đã mang thai vì hiện tượng xuất huyết xảy ra gần thời điểm hành kinh. Đây được gọi là thai sinh hoá (chemical pregnancy).

Yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai

Các yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai có thể bao gồm:

  • Tuổi: Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ sảy thai là 12% đến 15% ở phụ nữ trong độ tuổi 20 và tăng lên khoảng 25% khi bước sang tuổi 40. Phần lớn các trường hợp sảy thai liên quan đến tuổi là do bất thường nhiễm sắc thể (thai nhi thiếu hoặc thừa nhiễm sắc thể).
  • Tiền căn sảy thai: Nếu bạn đã từng sảy thai, nguy cơ sảy thai lần tiếp theo là 25% (cao hơn một ít so với những người chưa từng sảy thai).
  • Tình trạng sức khỏe: Một số bệnh lý như đái tháo đường không được kiểm soát, nhiễm trùng hoặc các bất thường về tử cung, cổ tử cung có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
say-thai 5.png

Phương pháp chẩn đoán và điều trị sảy thai

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm trong sảy thai

Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để xác định tình trạng sảy thai. Xét nghiệm này giúp kiểm tra tim thai hoặc sự xuất hiện của túi noãn hoàng (một trong những cấu trúc thai nhi đầu tiên có thể thấy trên siêu âm).

Bạn cũng có thể được xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone human chorionic gonadotropin (hCG), đây là hormone do nhau thai sản xuất. Mức hCG giảm thấp có thể xác định tình trạng sảy thai.

Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện khám phụ khoa để kiểm tra xem cổ tử cung có mở hay không.

Điều trị sảy thai

Nếu bạn bị sảy thai, thai nhi cần được lấy ra khỏi tử cung. Nếu còn sót lại bất kỳ phần nào của thai trong cơ thể, bạn có thể gặp phải nhiễm trùng, xuất huyết hoặc các biến chứng khác.

Nếu sảy thai hoàn toàn và tử cung đã tự đào thải toàn bộ mô thai, thì thường không cần điều trị thêm. Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để đảm bảo không còn mô thai trong tử cung.

Nếu cơ thể bạn không tự đào thải hết mô thai hoặc chưa có dấu hiệu xuất huyết, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ mô thai bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa sảy thai

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn sau sảy thai

Sau sảy thai, cơ thể và tinh thần của người phụ nữ cần thời gian để hồi phục. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng giúp phục hồi sức khỏe:

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc nặng trong vài tuần.
  • Tránh quan hệ tình dục trong ít nhất 2 tuần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhiễm trùng.
  • Vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng, không thụt rửa âm đạo.
  • Tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra tử cung đã hồi phục chưa.
  • Chú ý các dấu hiệu bất thường như xuất huyết kéo dài, đau bụng dữ dội, sốt hoặc có dịch tiết bất thường.
  • Nếu có kế hoạch mang thai lại, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
  • Tâm sự với người thân, bạn bè hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ để chia sẻ cảm xúc.
  • Nếu cảm thấy quá đau buồn, lo lắng hoặc trầm cảm, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu sắt: Giúp bù đắp lượng máu đã mất, ngăn ngừa thiếu máu. Bao gồm thịt đỏ (bò, lợn), gan động vật, trứng, hải sản, rau lá xanh (cải bó xôi, rau dền).
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C: Hỗ trợ hấp thu sắt, tăng cường hệ miễn dịch. Có trong cam, chanh, bưởi, ổi, dâu tây, súp lơ.
  • Bổ sung thực phẩm giàu protein: Giúp tái tạo mô và phục hồi cơ thể. Nên ăn thịt gà, cá, trứng, sữa, đậu nành và các loại hạt.
  • Tránh ăn: Đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ; thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh; đồ uống có cồn và cafein; thực phẩm có tính hàn quá mức (như cua, ốc, đồ uống lạnh).
  • Uống đủ nước: Uống khoảng 2 – 2,5 lít/ngày.
say-thai 7.png

Phòng ngừa sảy thai

Thường không thể phòng ngừa sảy thai không do chấn thương. Chăm sóc tốt cho cơ thể là điều quan trọng nhất bạn có thể làm. Một số cách để chăm sóc bản thân bao gồm:

  • Tham gia đầy đủ các buổi khám thai định kỳ.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tránh các yếu tố nguy cơ gây sảy thai, như uống rượu bia và hút thuốc lá.
  • Bổ sung vitamin dành cho phụ nữ mang thai.
  • Tập thể dục đều đặn và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Mức độ đau khi sảy thai khác nhau ở mỗi người. Một số người bị đau co thắt, trong khi những người khác chỉ cảm thấy đau tương tự kỳ kinh nguyệt. Loại sảy thai bạn gặp phải cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ đau. Ví dụ, nếu bạn bị loại sảy thai hoàn toàn, bạn có thể đau nhiều hơn so với trường hợp sảy thai bỏ lỡ.

Nguy cơ sảy thai giảm dần theo từng tuần mang thai. Có khoảng 10% đến 20% trường hợp phụ nữ mang thai bị sảy thai. Nguy cơ sảy thai trong tam cá nguyệt thứ hai (từ 13 đến 19 tuần) dao động từ 1% đến 5%. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ sảy thai, chẳng hạn như tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không có vấn đề sức khỏe nào khác, nguy cơ sảy thai sẽ giảm dần theo từng tuần thai kỳ.

Máu sảy thai có thể thay đổi từ ra máu nhẹ hoặc dịch tiết màu nâu đến xuất huyết nhiều với máu đỏ tươi hoặc cục máu đông. Tình trạng xuất huyết có thể xuất hiện và biến mất trong vài ngày.

Sảy thai có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần, tùy thuộc vào tuổi thai, loại sảy thai và phương pháp điều trị. Sau khi sảy thai kết thúc, bạn có thể bị ra máu nhẹ trong tối đa 2 tuần.

Có. Hầu hết phụ nữ (87%) từng sảy thai vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường sau đó. Sảy thai không có nghĩa là bạn gặp vấn đề về khả năng sinh sản. Phần lớn các trường hợp sảy thai xảy ra do bất thường nhiễm sắc thể, không phải do bạn gây ra.