Khó thở dữ dội, phù chân tay kéo dài, mệt mỏi cực độ hay nhịp tim bất thường là những dấu hiệu suy tim nặng mà người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Việc sớm nhận biết và xử lý kịp thời các dấu hiệu suy tim nặng sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong.
Các cấp độ suy tim theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
Suy tim có thể được phân loại thành nhiều mức độ khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (NYHA), sử dụng hệ thống phân độ dựa trên mức độ ảnh hưởng của triệu chứng đối với sinh hoạt và khả năng hoạt động của người bệnh:
- Suy tim độ 1: Đây là giai đoạn nhẹ nhất của suy tim, khi các hoạt động sinh hoạt và thể chất hàng ngày không bị ảnh hưởng. Người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, khiến việc nhận diện bệnh trở nên khó khăn.
- Suy tim độ 2: Bệnh nhân bắt đầu cảm thấy giới hạn trong hoạt động thể chất và sinh hoạt, nhưng mức độ suy tim vẫn nhẹ. Khi nghỉ ngơi hoặc làm công việc nhẹ, người bệnh cảm thấy bình thường. Tuy nhiên, khi vận động mạnh, họ sẽ gặp triệu chứng như hồi hộp, mệt mỏi và khó thở.
- Suy tim độ 3: Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã suy tim mức độ trung bình, các hoạt động hàng ngày bị ảnh hưởng đáng kể. Mỗi khi gắng sức nhẹ, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó thở và hồi hộp. Tuy nhiên, khi nghỉ ngơi, triệu chứng có thể giảm, nhưng người bệnh cần điều trị liên tục và theo dõi thường xuyên.
- Suy tim độ 4: Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất của suy tim, khi bệnh nhân gặp khó thở và mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng không thuyên giảm dù làm việc hay vận động. Giai đoạn này cần can thiệp y tế khẩn cấp để bảo vệ tính mạng.

Những dấu hiệu suy tim nặng bạn cần lưu ý
Dấu hiệu suy tim nặng rất dễ nhận biết, do người bệnh lúc này đã gặp khó khăn trong sinh hoạt và vận động thể chất hàng ngày. Sau đây là những dấu hiệu điển hình bạn cần lưu ý:
Sưng phù ở mặt, tay chân
Phù là hiện tượng thường thấy khi dịch bị giữ lại trong các mô cơ thể, đặc biệt tại các vùng xa tim như chân, mắt cá, cẳng chân hoặc mặt. Do hoạt động bơm máu bị suy giảm, tuần hoàn máu bị ứ trệ và gây ra hiện tượng sưng phù. Ngoài ra, dịch cũng có thể tích tụ tại vùng bụng hoặc phổi, khiến người bệnh cảm thấy nặng nề, khó chịu. Việc sưng phù ở tứ chi hoặc khuôn mặt là biểu hiện rõ ràng cho thấy tình trạng suy tim đã trở nên nghiêm trọng.
Tình trạng khó thở
Khi suy tim tiến triển, tim mất đi khả năng bơm máu đủ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể. Điều này khiến người bệnh xuất hiện cảm giác khó thở, ngay cả khi chỉ thực hiện những việc nhẹ nhàng. Trong nhiều trường hợp, người bệnh thậm chí cảm thấy hụt hơi hoặc thở dốc ngay cả lúc nghỉ ngơi.

Mệt mỏi, suy nhược
Đây là triệu chứng phổ biến ở người bị suy tim nặng. Do tim không còn đủ khả năng cung cấp lượng máu giàu oxy và dưỡng chất đến các cơ quan, cơ thể dễ rơi vào trạng thái suy nhược. Người bệnh thường xuyên cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi dù không làm việc nặng nhọc. Tình trạng này có thể kéo dài và không thuyên giảm ngay cả sau khi đã nghỉ ngơi đầy đủ.
Nhịp tim rối loạn
Ở giai đoạn suy tim nặng, người bệnh thường gặp tình trạng tim đập nhanh, mạnh hoặc đôi khi nhịp tim lại chậm một cách bất thường. Cảm giác tim đập dồn dập, hồi hộp có thể xuất hiện bất ngờ, nguyên nhân là do tim không còn khả năng kiểm soát nhịp đập và lưu lượng máu một cách ổn định.
Đau tức ngực
Triệu chứng đau ngực do suy tim thường có tính chất co thắt, xuất hiện khi vận động và có xu hướng giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau thường đi kèm với biểu hiện khó thở, tạo cảm giác nặng ngực và khó chịu kéo dài.

Giảm khả năng tập trung, chán ăn, buồn nôn
Khi tình trạng suy tim trở nên nghiêm trọng, lượng máu và oxy tới não bị hạn chế, dẫn đến hiện tượng khó tập trung, trí nhớ suy giảm, choáng váng, mệt mỏi kéo dài. Đồng thời, do dạ dày cũng không được cung cấp đủ máu nên chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng, người bệnh dễ bị đầy hơi, ăn uống không ngon, thường xuyên buồn nôn. Hậu quả là cân nặng giảm nhanh và cơ thể ngày càng suy yếu.
Các biện pháp điều trị và ngăn ngừa suy tim
Sau khi chẩn đoán bệnh lý qua các kỹ thuật như xét nghiệm máu, thăm khám lâm sàng, siêu âm tim, điện tâm đồ,... bác sĩ sẽ xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp. Mục tiêu điều trị suy tim là kiểm soát triệu chứng, nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Tùy theo mức độ và nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Sử dụng thuốc điều trị suy tim
Sử dụng thuốc là yếu tố trọng tâm trong quá trình điều trị suy tim, giúp giảm áp lực cho tim, làm chậm tiến trình bệnh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Một số nhóm thuốc thường được chỉ định bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: Phương pháp này giúp loại bỏ muối và nước qua thận, giảm phù chân và áp lực phổi. Tuy nhiên, cần theo dõi chức năng thận và điện giải để tránh hạ kali và loạn nhịp.
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors): Điều trị này làm giảm co mạch, hạ huyết áp, làm chậm quá trình tái cấu trúc tim, cải thiện phân suất tống máu (EF<40%) và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ho khan, tăng kali máu, do đó cần theo dõi chức năng thận.
- Thuốc chẹn beta (Beta - blockers): Làm chậm nhịp tim, giảm gánh nặng tim, ngừa rối loạn nhịp và đột tử. Nó có hiệu quả tốt trong điều trị suy tim mạn. Liều dùng bắt đầu từ thấp và được tăng dần theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc chống đông: Phòng ngừa cục máu đông và đột quỵ ở bệnh nhân có rung nhĩ, huyết khối thất trái hoặc van tim nhân tạo.
Thay đổi lối sống
Điều chỉnh lối sống đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh, giúp kiểm soát triệu chứng, hạn chế biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Duy trì huyết áp ổn định: Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây dày thất trái và dẫn đến suy tim. Người bệnh cần đo huyết áp thường xuyên và tuân thủ hướng dẫn điều trị để giảm gánh nặng lên tim.
- Giảm lượng muối trong khẩu phần: Ăn mặn khiến cơ thể tích nước, làm tăng tình trạng phù và áp lực cho tim. Bạn nên hạn chế lượng muối dưới 2g/ngày và tránh các món ăn chế biến sẵn, đồ hộp, nước chấm mặn.
- Kiểm soát đường huyết hiệu quả: Tiểu đường ảnh hưởng đến hệ mạch máu nhỏ và làm tim làm việc quá sức. Người bệnh cần theo dõi đường huyết định kỳ, ăn uống lành mạnh và dùng thuốc theo chỉ định.
- Vận động nhẹ nhàng, phù hợp thể trạng: Tập thể dục nhẹ như đi bộ, hít thở sâu hoặc yoga giúp tăng lưu thông máu, cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên cần tránh gắng sức và tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
- Ngưng hút thuốc, hạn chế đồ uống có cồn: Hút thuốc gây hẹp mạch máu, giảm lưu lượng máu nuôi tim, trong khi rượu bia có thể làm yếu cơ tim và gây suy tim tiến triển. Việc loại bỏ những thói quen này là bước quan trọng để bảo vệ tim.

Sử dụng thiết bị y tế để hỗ trợ điều trị
Người bệnh có thể sử dụng thiết bị y tế để hỗ trợ chức năng tim, đặc biệt trong giai đoạn bệnh đang tiến triển như:
- Máy tạo nhịp tim (Pacemaker): Giúp điều chỉnh nhịp tim đều đặn, hiệu quả với nhịp chậm hoặc block nhĩ-thất.
- Thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD): Hỗ trợ bơm máu từ thất trái, hoạt động như tim nhân tạo tạm thời. Thiết bị này áp dụng cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối chờ ghép tim hoặc cần hỗ trợ lâu dài khi không thể phẫu thuật.
Phẫu thuật
Phương pháp này được các bác sĩ áp dụng khi điều trị bệnh bằng thuốc và thiết bị không còn hiệu quả.
- Thay van tim: Dành cho bệnh nhân bị hẹp/hở van tim nặng (van hai lá, van động mạch chủ).
- Thông tim can thiệp (PCI): Dùng khi suy tim do bệnh mạch vành/nhồi máu cơ tim. Đặt stent mở rộng động mạch bị tắc, cải thiện dòng máu nuôi tim.
- Ghép tim: Chỉ định cho suy tim giai đoạn cuối không đáp ứng điều trị khác, giúp kéo dài tuổi thọ nhưng đối mặt với nguy cơ thải ghép và hạn chế nguồn tạng hiến.
Suy tim là bệnh lý mạn tính nghiêm trọng, tiến triển âm thầm nhưng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm dấu hiệu suy tim nặng như khó thở, phù nề, mệt mỏi kéo dài hay nhịp tim bất thường sẽ giúp người bệnh chủ động đi khám và can thiệp đúng lúc. Kết hợp điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống và can thiệp y học hiện đại sẽ góp phần cải thiện chức năng tim, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh suy tim.
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình và cộng đồng. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín, chuyên cung cấp đầy đủ các loại vắc xin dành cho mọi lứa tuổi với nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Khi tiêm tại đây, khách hàng sẽ được tư vấn bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, quy trình tiêm an toàn, không gian sạch sẽ và dịch vụ thân thiện, chuyên nghiệp. Để được phục vụ tốt nhất, vui lòng liên hệ Trung tâm Tiêm chủng Long Châu qua hotline miễn phí 1800 6928 để đặt lịch hẹn.