Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao lên hơn so với nhiệt độ bình thường. Trong trường hợp đo thân nhiệt ở miệng cao hơn 37,5 độ C sẽ được coi là sốt. Vậy bao nhiêu độ là sốt cao và cách xử trí khi bị sốt cao là gì? Hãy cùng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Sốt bao nhiêu độ là sốt cao?
Sốt là phản ứng sinh lý của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus hoặc các tình trạng viêm nhiễm khác. Dựa trên mức độ tăng thân nhiệt, sốt được chia thành nhiều cấp độ, trong đó sốt cao là một dấu hiệu đặc biệt cần quan tâm. Vậy sốt bao nhiêu độ là sốt cao? Theo phân loại y khoa, nhiệt độ cơ thể bình thường dao động từ 36,5 - 37,5 độ C khi đo ở miệng. Trong trường hợp nhiệt độ cơ thể vượt quá 37,5 độ C thì được xem là sốt. Sốt được chia làm các trường hợp như sau:
- Sốt nhẹ: 37,6 - 38,4 độ C;
- Sốt vừa: 38,5 - 39,0 độ C;
- Sốt cao: 39,1 - 40,0 độ C;
- Sốt rất cao: Trên 40,0 độ C.
/sot_bao_nhieu_do_la_sot_cao_va_cach_xu_tri_khi_bi_sot_cao_4_0daf31d446.png)
Như vậy sốt cao là trường hợp sốt trên 39 độ C. Sốt cao có thể gây ra nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Khi nhiệt độ lên đến 40 độ C, cơ thể có thể rơi vào trạng thái rối loạn chức năng thần kinh, co giật hoặc mất nước nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu sốt cao kéo dài hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy đa cơ quan.
Những biểu hiện của sốt cao
Sốt cao có thể gây ra nhiều triệu chứng toàn thân, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau như hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa. Các biểu hiện của sốt cao có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng nhìn chung sốt cao có các biểu hiện sau:
- Biểu hiện toàn thân: Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh, đổ mồ hôi nhiều, da nóng và đỏ. Đối với trẻ nhỏ có thể quấy khóc, bứt rứt hoặc lờ đờ.
- Hệ thần kinh: Khi nhiệt độ tăng cao, đặc biệt là trên 40 độ C, bệnh nhân có thể gặp nhức đầu dữ dội, chóng mặt, lú lẫn, thậm chí co giật do rối loạn dẫn truyền thần kinh. Trẻ em dễ bị co giật do sốt cao (sốt co giật), đặc biệt trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi.
- Hệ hô hấp và tim mạch: Nhịp thở của người bệnh có thể nhanh, nông, kèm theo tim đập nhanh, huyết áp dao động. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị khó thở hoặc tụt huyết áp nếu sốt cao kéo dài.
- Hệ tiêu hóa: Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc chán ăn. Trẻ nhỏ có thể bỏ bú hoặc không muốn ăn uống.
Nếu sốt cao kéo dài hoặc kèm theo triệu chứng nguy hiểm như khó thở, co giật, lơ mơ, mất ý thức thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
/sot_bao_nhieu_do_la_sot_cao_va_cach_xu_tri_khi_bi_sot_cao_2_905f264676.png)
Một số biến chứng của sốt cao
Sốt cao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền. Một số biến chứng của sốt cao có thể kể đến như:
Co giật do sốt
Đây là biến chứng của sốt cao thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Cơn co giật có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút, kèm theo mất ý thức tạm thời. Nếu kéo dài quá 5 phút, trẻ có nguy cơ tổn thương não.
Mất nước và rối loạn điện giải
Sốt cao cũng có thể dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải, gây mệt mỏi, khô miệng, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh có thể rơi vào trạng thái sốc.
Tổn thương não, rối loạn ý thức
Ngoài ra, khi sốt cao vượt quá 40 độ C có thể gặp nguy cơ tổn thương não, rối loạn ý thức, hôn mê tăng cao. Sốt cao ở mức trên 41 độ C, có thể xảy ra suy đa cơ quan, thậm chí là đe dọa tính mạng người bệnh.
/sot_bao_nhieu_do_la_sot_cao_va_cach_xu_tri_khi_bi_sot_cao_3_e36a1805b5.png)
Cách xử trí khi bị sốt cao mà bạn có thể tham khảo
Khi gặp tình trạng sốt cao, cần có các biện pháp xử trí kịp thời để hạ sốt và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số phương pháp xử trí mà bạn có thể tham khảo như:
Đo nhiệt độ và theo dõi các triệu chứng
Trước tiên, bạn cần đo nhiệt độ cơ thể để xác định mức độ sốt. Có thể sử dụng nhiệt kế đo ở nách, miệng, hậu môn hoặc tai. Lưu ý rằng nhiệt độ ở hậu môn và tai thường cao hơn nhiệt độ đo ở miệng khoảng 0,3 - 0,5 độ C. Bên cạnh đó, bạn cũng cần theo dõi các triệu chứng đi kèm như co giật, lơ mơ, khó thở hoặc mất ý thức để có hướng xử trí phù hợp.
Hạ sốt bằng phương pháp vật lý
Song song với việc đo nhiệt độ và theo dõi các triệu chứng kèm theo sốt, bạn có thể áp dụng phương pháp hạ sốt bằng cách nới lỏng quần áo, để cơ thể thoáng mát để giúp tản nhiệt tốt hơn. Bên cạnh đó bạn có thể dùng khăn ấm lau người, đặc biệt ở các vị trí như trán, nách, bẹn để giúp hạ nhiệt. Tránh chườm lạnh vì có thể gây co mạch ngoại vi, làm thân nhiệt tăng cao hơn. Ngoài ra, sốt cao có thể gây mất nước, do đó nên uống nhiều nước lọc, nước oresol hoặc nước trái cây để bù nước và điện giải.
/sot_bao_nhieu_do_la_sot_cao_va_cach_xu_tri_khi_bi_sot_cao_1_028c7c5f9b.png)
Sử dụng thuốc hạ sốt
Nếu sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, có thể sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol (acetaminophen) với liều lượng phù hợp, cụ thể:
- Người lớn sử dụng 500mg/lần, mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ, tối đa 4g/ngày.
- Trẻ em: 10 - 15 mg/kg, tối đa 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 - 8 giờ.
Đặc biệt , không sử dụng aspirin cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi do nguy cơ gây hội chứng Reye.
Nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà
Người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế vận động nhiều và bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Người bệnh nên được bổ sung các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu như cháo, súp, sữa,... đây là lựa chọn tốt trong giai đoạn sốt.
Theo dõi dấu hiệu nguy hiểm và đi khám kịp thời
Nếu sốt cao kèm theo các triệu chứng như co giật, lơ mơ, khó thở, đau đầu dữ dội, phát ban, đau ngực hoặc tiêu chảy nặng, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay. Đặc biệt, trẻ em dưới 3 tháng tuổi bị sốt cao luôn cần được thăm khám sớm để loại trừ nhiễm trùng nặng.
/sot_bao_nhieu_do_la_sot_cao_va_cach_xu_tri_khi_bi_sot_cao_5_43e5a459a7.png)
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Trung tâm Tiêm chủng Long Châu về câu hỏi sốt bao nhiêu độ là sốt cao. Sốt cao kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốt cao ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý nền. Vì vậy việc áp dụng các phương pháp hạ sốt và theo dõi các triệu chứng kèm theo là điều cần thiết. Nếu đã áp dụng các phương pháp hạ sốt nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Việc tiêm vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào cung cấp các loại vắc xin thế hệ mới nhất, nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Với hệ thống lưu trữ đạt chuẩn GSP, trung tâm đảm bảo chất lượng và an toàn cho từng liều vắc xin. Đặt lịch hẹn ngay qua hotline miễn phí 18006928 để được tư vấn và đặt lịch tiêm vắc xin nhé!