Sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt khi căn bệnh này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết cũng như các biện pháp phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Câu trả lời cho thắc mắc “Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?” là có. Trong thời gian gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo về sự gia tăng sốt xuất huyết trên toàn cầu. Căn bệnh này được đánh giá là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và được xếp vào mức 3 (cấp độ cao nhất trong tình trạng khẩn cấp y tế).
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm bởi những lý do sau:
- Tiến triển khó lường;
- Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu;
- Biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.
/sot_xuat_huyet_co_nguy_hiem_khong_01_9204ef56f3.png)
Diễn biến của sốt xuất huyết rất khó lường, bệnh nhân có thể đột ngột rơi vào tình trạng sốc, thoát dịch, xuất huyết nặng hoặc suy đa tạng ngay cả khi không có dấu hiệu cảnh báo trước đó, khiến nguy cơ tử vong tăng cao.
Do triệu chứng ban đầu là sốt, dễ bị nhầm với nhiều bệnh lý khác, đặc biệt ở trẻ nhỏ nên thường bị bỏ qua trong giai đoạn đầu. Không ít trường hợp chỉ được đưa đến bệnh viện khi tình trạng đã trở nặng, gây khó khăn trong điều trị và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết. Các phương pháp chủ yếu tập trung vào kiểm soát triệu chứng đối với trường hợp nhẹ và điều chỉnh các rối loạn bệnh lý ở những ca nặng. Nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sốt xuất huyết có triệu chứng gì?
Các biểu hiện sốt xuất huyết rất đa dạng và có thể dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác có dấu hiệu tương tự. Bệnh thường diễn tiến qua ba giai đoạn chính:
Giai đoạn khởi phát
Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân có thể sốt cao đột ngột và liên tục, thường kéo dài từ 4 - 7 ngày sau khi bị muỗi mang virus đốt. Một số triệu chứng đi kèm có thể bao gồm:
- Đau đầu kéo dài;
- Nhức sâu trong hốc mắt;
- Đau nhức cơ và khớp;
- Chán ăn, cảm giác buồn nôn;
- Xuất hiện các ban xuất huyết dưới da;
- Chảy máu cam, chân răng.
Những nốt ban do sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên da sau 3 - 4 ngày kể từ khi bắt đầu sốt, sau đó có thể mờ dần trong vòng 1 - 2 ngày. Một số trường hợp có thể nổi ban lại lần nữa sau đó. Kết quả xét nghiệm trong giai đoạn này có thể cho thấy lượng tiểu cầu ở mức bình thường hoặc bắt đầu giảm dần nhưng vẫn trên 100.000/mm³. Đồng thời, số lượng bạch cầu cũng có xu hướng giảm.
/sot_xuat_huyet_co_nguy_hiem_khong_2_4eb97d259c.png)
Giai đoạn nguy hiểm
Sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Thời điểm nguy hiểm của bệnh thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Người bệnh có thể vẫn còn sốt hoặc bắt đầu giảm sốt nhưng xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Đau bụng liên tục, dữ dội, đặc biệt ở vùng gan;
- Tình trạng li bì, vật vã, nôn mửa kéo dài;
- Dấu hiệu thất thoát huyết tương, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc với biểu hiện như lo lắng, bồn chồn, chân tay lạnh, mạch yếu nhanh, huyết áp thấp, da tái nhợt và nổi vân tím;
- Tích tụ dịch trong phổi hoặc mô kẽ, gây khó thở, phù mi mắt.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị xuất huyết dưới da với các chấm xuất huyết nhỏ xuất hiện trên mặt trước của cẳng chân, mặt trong cánh tay, vùng bụng, đùi hoặc mạng sườn. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gặp xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc có máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu ra máu.
Khi bệnh diễn tiến nặng, có thể xảy ra tổn thương nhiều cơ quan quan trọng như gan, thận, tim, phổi hoặc hệ thần kinh trung ương, thậm chí suy đa tạng. Những triệu chứng này có thể xuất hiện dù bệnh nhân có hoặc không bị sốc do thoát huyết tương.
Giai đoạn phục hồi
Giai đoạn hồi phục thường diễn ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10. Lúc này, bệnh nhân hết sốt, cơ thể dần hồi phục, cảm giác thèm ăn quay trở lại và lượng nước tiểu tăng lên. Kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng tiểu cầu bắt đầu cải thiện và trở về mức bình thường.
/sot_xuat_huyet_co_nguy_hiem_khong_3_ad83f6f98d.jpg)
Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Theo các chuyên gia, để phòng tránh sốt xuất huyết, có thể thực hiện những phương pháp sau:
Hạn chế muỗi đốt
Việc chủ động ngăn ngừa muỗi tấn công là một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh, có thể thực hiện bằng cách:
- Ngủ trong màn: Dùng màn khi ngủ giúp bảo vệ khỏi muỗi, đặc biệt vào ban đêm. Đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.
- Mặc quần áo dài tay: Khi ra ngoài, nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối, nên mặc quần áo dài để che chắn cơ thể.
- Ưu tiên trang phục màu sáng: Mặc quần áo có gam màu sáng giúp giảm nguy cơ bị muỗi tấn công, do màu tối thường thu hút muỗi hơn.
- Dùng thuốc chống muỗi: Có thể bôi các loại kem xua muỗi hoặc sử dụng tinh dầu thiên nhiên có tác dụng đuổi muỗi.
/sot_xuat_huyet_co_nguy_hiem_khong_4_989d1d8f79.png)
Loại bỏ môi trường sinh sản của muỗi
Ngoài việc tránh bị muỗi đốt, cần thực hiện các biện pháp để giảm số lượng muỗi bằng cách:
- Dọn dẹp nơi ở: Loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng như chai lọ cũ, lốp xe hoặc đồ đựng nước mưa để ngăn muỗi sinh sản.
- Vệ sinh đồ chứa nước: Thay nước bình hoa, lọ cắm hoa thường xuyên để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.
- Đậy kín các bể chứa nước: Ngăn muỗi tiếp cận và đẻ trứng bằng cách đậy nắp các chum vại, bể nước.
- Nuôi cá diệt lăng quăng: Cá có thể ăn bọ gậy, giúp giảm thiểu lượng muỗi trong môi trường sống.
Tiêm vắc xin phòng bệnh
Tiêm chủng là giải pháp hiệu quả để bảo vệ cơ thể trước virus gây sốt xuất huyết. Vắc xin giúp kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể, giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, vắc xin Qdenga (sản xuất bởi Takeda - Nhật Bản, tại Đức) có thể phòng ngừa cả bốn tuýp virus Dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). Những người từng mắc sốt xuất huyết vẫn nên tiêm vắc xin để giảm khả năng tái nhiễm với các chủng virus khác. Việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ khỏi những lần nhiễm bệnh trong tương lai mà còn giúp hạn chế các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Lịch tiêm vắc xin Qdenga khuyến cáo cho người từ 4 tuổi trở lên:
- Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm.
- Mũi 2: 03 tháng sau mũi 1.
/sot_xuat_huyet_co_nguy_hiem_khong_5_d0891f1009.jpg)
Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Tóm lại, sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Việc nâng cao ý thức phòng bệnh, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và tiêm vắc xin phòng ngừa là những cách hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn Aedes. Bệnh có thể gây sốt cao, đau đầu, đau cơ, buồn nôn, nôn, phát ban và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, sốc, suy tạng, thậm chí tử vong. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa điểm đáng tin cậy để bạn và gia đình an tâm tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết vì cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng vắc xin hiệu quả, độ ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm. Hãy liên hệ hotline 1800 6928 ngay để bảo vệ sức khỏe cho bạn và gia đình.