Tìm hiểu chung về nôn ra máu
Nôn ra máu (hay còn gọi là xuất huyết tiêu hóa) có nghĩa là bạn ói ra máu. Bạn có thể nôn ra máu lẫn với thức ăn trong dạ dày hoặc chỉ có máu. Máu có thể tươi và đỏ sáng hoặc cũ hơn, sẫm màu và đông lại, trông giống như bã cà phê.
Nôn ra máu là dấu hiệu của chảy máu bên trong từ phần trên của đường tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non gọi là tá tràng. Nếu bạn nôn ra máu, hãy tìm đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Triệu chứng nôn ra máu
Những dấu hiệu và triệu chứng của nôn ra máu
Dấu hiệu của nôn ra máu là có máu trong chất nôn của bạn. Những vệt máu nhỏ hoặc đốm máu nhỏ xuất phát từ chảy máu răng, miệng, mũi sau thì thường không được coi là nôn ra máu.
Tính chất máu có thể có màu đỏ tươi nếu mới chảy, hoặc sẫm màu, nôn ra cục máu đông. Bên cạnh đó, bạn có thể gặp phải các triệu chứng do mất máu như:
- Mệt mỏi;
- Vã mồ hôi;
- Đau bụng;
- Khát nước;
- Lú lẫn, kích thích;
- Da lạnh ẩm;
- Tụt huyết áp;
- Ngất.
/non_ra_mau4_f061f14760.jpg)
Biến chứng có thể gặp khi bị nôn ra máu
Nếu bạn nôn ra máu lượng nhiều, không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sau:
- Nhồi máu cơ tim;
- Suy hô hấp;
- Ngất xỉu;
- Sốc;
- Nhiễm trùng;
- Tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nôn ra máu không bao giờ là bình thường. Nếu chỉ có một lượng rất nhỏ, có thể đó là do nguyên nhân không quá nghiêm trọng, chẳng hạn như cổ họng bị tổn thương do nôn quá nhiều. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân nghiêm trọng khác có thể gây ra tình trạng này. Vì vậy, nếu bạn nôn ra máu, dù ít hay nhiều, hãy liên hệ với bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây nôn ra máu
Những nguyên nhân phổ biến nhất gây nôn ra máu bao gồm:
- Loét dạ dày tá tràng: Đây là vết loét hở ở dạ dày hoặc tá tràng, thường do nhiễm vi khuẩn H. pylori hoặc do sử dụng thường xuyên thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và aspirin.
- Viêm cấp tính: Viêm thực quản hoặc viêm niêm mạc dạ dày có thể làm tổn thương các mạch máu bên dưới, gây chảy máu. Nguyên nhân thường gặp bao gồm uống rượu nhiều, sử dụng aspirin, NSAIDs và trào ngược axit nghiêm trọng.
- Vỡ tĩnh mạch thực quản giãn: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, một biến chứng của xơ gan, có thể làm giãn các tĩnh mạch ở thực quản và dạ dày. Những tĩnh mạch này trở nên mỏng manh, dễ vỡ, và khi chảy máu có thể rất nguy hiểm.
- Viêm tụy mãn tính: Viêm tụy kéo dài có thể làm tổn thương các mạch máu xung quanh, gây vỡ mạch và chảy máu, dẫn đến máu đi vào tá tràng.
/non_ra_mau5_cd0c92ad99.jpg)
Các nguyên nhân khác có thể gây nôn ra máu:
- Chấn thương: Tổn thương trực tiếp ở dạ dày hoặc thực quản có thể gây chảy máu cấp tính. Trong một số trường hợp hiếm, nội soi hoặc các thủ thuật y tế khác cũng có thể gây tổn thương bên trong.
- Hội chứng Mallory-Weiss: Đây là tình trạng rách niêm mạc thực quản do nôn quá mạnh, thường xảy ra sau khi uống nhiều rượu.
- Khối u: Cả khối u lành tính và ác tính đều có thể gây chảy máu. Nếu có khối u chảy máu, cần xét nghiệm để kiểm tra ung thư dạ dày, thực quản hoặc tụy.
- Dị dạng mạch máu (Angiodysplasia): Đây là tình trạng bất thường của các mạch máu trên bề mặt niêm mạc dạ dày và ruột, có thể gây chảy máu tiêu hóa.
Ở trẻ em, trẻ sơ sinh cũng có thể bị nôn ra máu do các nguyên nhân sau:
- Dị tật bẩm sinh;
- Rối loạn đông máu;
- Dị ứng sữa;
- Nuốt máu từ mũi hoặc từ núm vú chảy máu của mẹ;
- Thiếu vitamin K.
Nguy cơ mắc phải nôn ra máu
Những ai có nguy cơ mắc phải nôn ra máu?
Nôn ra máu do xuất huyết tiêu hóa trên phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới, và tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi, bất kể chủng tộc.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nôn ra máu
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nôn ra máu bao gồm:
- Dùng aspirin liều thấp kéo dài.
- Nguy cơ cao hơn ở người bệnh dùng nhiều loại thuốc chống đông kết hợp.
- Người bệnh lớn tuổi (trên 75) dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc kháng đông có nguy cơ xuất huyết tiêu hoá cao nhất.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị nôn ra máu
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm nôn ra máu
Bác sĩ sẽ chẩn đoán nôn ra máu bằng việc hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, đồng thời cho các xét nghiệm phù hợp.
Việc hỏi bệnh và thăm khám bao gồm:
- Hỏi bệnh sử của bạn bao gồm đặc điểm máu bạn nôn ra, mô tả lượng máu đã mất.
- Bác sĩ cũng hỏi về tiền căn bệnh cũng như tiền căn sử dụng thuốc, rượu bia của bạn, tiền căn gia đình mắc các bệnh lý ác tính đường tiêu hóa hoặc rối loạn đông máu.
- Bác sĩ sẽ khám tổng quát, khám bụng, khám trực tràng, đánh giá mức độ mất máu của bạn cũng như tìm các bệnh lý có liên quan (bệnh gan).
Tiếp theo, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp, có thể bao gồm:
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Đánh giá được mức độ mất máu.
- Xét nghiệm đông máu: Được thực hiện để đánh giá có rối loạn đông máu hay không.
- Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng: Được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc xác định nguyên nhân của nôn ra máu hay của xuất huyết tiêu hoá trên.
- Chụp cắt lớp mạch máu (CTA): Có thể được sử dụng để xác định nguồn chảy máu nếu nội soi không xác định được nguyên nhân.
/non_ra_mau6_3a77ae4c0e.jpg)
Điều trị nôn ra máu
Nôn ra máu luôn được xem là một tình trạng cấp cứu. Khi đến bệnh viện, đội ngũ y tế sẽ đánh giá tình trạng của bạn để xác định mức độ nguy hiểm và hỗ trợ kịp thời. Nếu bạn có dấu hiệu mất máu nghiêm trọng, bác sĩ sẽ ưu tiên xử lý bằng cách truyền dịch qua tĩnh mạch, truyền máu và cung cấp oxy nếu cần. Quy trình này được gọi là hồi sức cấp cứu.
Sau khi ổn định tình trạng, bác sĩ sẽ tiến hành tìm hiểu nguyên nhân. Kế hoạch điều trị tiếp theo tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến nôn ra máu.
Các biện pháp điều trị có thể bao gồm:
- Nội soi: Can thiệp nội soi sẽ tùy thuộc vào các phát hiện của nội soi. Khi phát hiện vị trí chảy máu, bác sĩ có thể can thiệp để cầm máu ngay lập tức qua nội soi.
- Thuốc: Các thuốc có thể được sử dụng bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc octreotide, somatostatin hoặc terlipressin.
Một số trường hợp sẽ cần các biện pháp điều trị như bột và gel cầm máu, chụp động mạch qua catheter và tắc mạch, shunt cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh hoặc phẫu thuật điều trị.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa nôn ra máu
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của nôn ra máu
Chế độ sinh hoạt
Sau khi điều trị nôn ra máu, bạn có thể duy trì các việc sau để giúp hồi phục và hạn chế diễn tiến bệnh, bao gồm:
- Để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao, bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ một cách nghiêm túc.
- Bên cạnh đó, duy trì tinh thần tích cực và giảm thiểu căng thẳng cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
- Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ giúp theo dõi diễn biến của bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết. Hãy tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi.
- Bạn nên ngừng dùng NSAIDs và các loại thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc.
- Các thuốc chống đông và thuốc chống kết tập tiểu cầu bạn cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch điều trị cho bạn.
Chế độ dinh dưỡng
Bạn nên duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe. Đồng thời chú ý kiêng rượu, bia và các thức uống có cồn.
Phòng ngừa nôn ra máu
Nôn ra máu là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến hệ tiêu hóa. Bạn có thể hạn chế bớt nguy cơ bằng cách áp dụng các biện pháp sau:
Bảo vệ sức khỏe tiêu hóa, gan mật
- Ăn đúng bữa, tránh để quá đói hoặc quá no.
- Tránh lạm dụng thuốc giảm đau, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, aspirin. Nếu phải sử dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Điều trị sớm các bệnh liên quan đến dạ dày, chẳng hạn như viêm loét dạ dày hoặc nhiễm vi khuẩn H. pylori.
- Khám và điều trị sớm các bệnh lý về gan như viêm gan B, tránh để dẫn đến xơ gan.
/non_ra_mau7_33d506aabb.jpg)
Hạn chế rượu bia và các chất kích thích
- Uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm loét và xuất huyết tiêu hóa.
- Nếu cần uống rượu, hãy uống với lượng vừa phải theo khuyến cáo.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng
- Stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Hãy duy trì tinh thần tích cực bằng cách tập thể dục, thiền, yoga hoặc tham gia các hoạt động thư giãn.
- Ngủ đủ giấc và điều chỉnh lối sống khoa học để hệ tiêu hóa hoạt động ổn định.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Khám sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt là bệnh liên quan đến dạ dày, gan và thực quản.
- Nếu có dấu hiệu như ợ nóng, đau thượng vị kéo dài, phân có màu đen hoặc nghi ngờ có vấn đề tiêu hóa, hãy đến bác sĩ ngay để kiểm tra.
Nôn ra máu là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng về các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt liên quan đến hệ tiêu hóa. Việc nhận biết nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị kịp thời có thể giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Quan trọng hơn, duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc phải tình trạng này.