icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
30_4_2025_header_web_2_e7f82ebc3b30_4_2025_header_app_1_1fb85f5a69
chay_mau_cam1_02f6544dc2chay_mau_cam1_02f6544dc2

Chảy máu cam là gì? Những vấn đề cần biết về chảy máu cam

Thu Thảo01/05/2025

Chảy máu cam là tình trạng chảy máu từ đám mạch máu trước mũi thường xuất hiện ở trẻ và ít gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng này cần được quan tâm tích cực khi sự chảy máu xảy ra thường xuyên, kéo dài,... Bài viết sau cung cấp nhiều thông tin cơ bản về chứng chảy máu cam.

Tìm hiểu chung về chảy máu cam

Chảy máu cam là tình trạng chảy máu từ mũi, hốc mũi hoặc vòm họng đủ nghiêm trọng để cần đến điều trị y tế gồm chảy máu nặng, dai dẳng và/hoặc tái phát cũng như chảy máu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các biện pháp can thiệp cho chảy máu cam rất đa dạng từ tự điều trị và các biện pháp khắc phục tại nhà đến các can thiệp thủ thuật chuyên sâu hơn tại phòng khám, khoa cấp cứu, bệnh viện và phòng mổ. Chảy máu cam ước tính chiếm 0,5% tổng số lượt khám cấp cứu và lên đến một phần ba số lượt khám cấp cứu liên quan đến tai mũi họng. Tỷ lệ nhập viện để điều trị tích cực các trường hợp chảy máu cam nghiêm trọng được báo cáo là 0,2% trong số bệnh nhân bị chảy máu cam.

Triệu chứng thường gặp của chứng chảy máu cam

Những triệu chứng của chảy máu cam

Triệu chứng chính của chảy máu cam là chảy máu từ một hoặc cả hai lỗ mũi, chảy máu vào hốc mũi hoặc chảy máu xuống vòm họng. Mức độ chảy máu có thể khác nhau từ rỉ máu nhẹ đến chảy máu ồ ạt. Các triệu chứng khác kèm theo gợi ý nguyên nhân hoặc biến chứng như:

  • Mệt mỏi;
  • Suy nhược;
  • Da xanh xao;
  • Khó thở;
  • Khối u vùng mũi.

Tác động của chảy máu cam với sức khỏe 

Trong phần lớn các trường hợp, chảy máu cam chỉ là một tình trạng nhẹ và tự giới hạn. Tuy nhiên, khi chảy máu cam trở nên nghiêm trọng, dai dẳng hoặc tái phát, nó có thể gây ra những tác động đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

  • Thiếu máu: Chảy máu cam kéo dài hoặc chảy máu nhiều lần có thể dẫn đến thiếu máu.

  • Lo lắng và căng thẳng: Chảy máu cam, đặc biệt là khi xảy ra thường xuyên hoặc khó kiểm soát, có thể gây lo lắng, sợ hãi và ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh và gia đình

  • Gián đoạn sinh hoạt hàng ngày: Chảy máu cam có thể làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, công việc và giấc ngủ đặc biệt là khi xảy ra vào ban đêm.

Biến chứng có thể gặp chảy máu cam

Mặc dù hiếm gặp, chảy máu cam có thể dẫn đến một số biến chứng đặc biệt là khi cần đến các biện pháp can thiệp như nhét gạc mũi. Các biến chứng liên quan đến nhét gạc mũi bao gồm:

  • Nhiễm trùngGạc mũi là vật lạ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong mũi và xoang dẫn đến nhiễm trùng.

  • Tổn thương do áp lực: Gạc mũi tạo áp lực bên trong mũi có thể làm giảm lưu lượng máu đến các mô và gây tổn thương, thủng vách ngăn mũi.

  • Dính trong hốc mũi: Sau khi tháo gạc, có thể hình thành các dải xơ dính trong hốc mũi.

  • Loét da bên ngoài mũi: Nếu gạc được cố định bằng kẹp ở lỗ mũi, áp lực có thể gây loét da và sẹo bên ngoài.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế khi chảy máu nhiều và không cầm được sau các biện pháp sơ cứu tại nhà, dai dẳng, kéo dài hơn 20 phút dù đã cố gắng ép chặt mũi, chảy máu tái phát thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, bệnh nhân nên gọi cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây khi đang được điều trị chảy máu cam bằng gạc mũi như chảy máu trở lại từ mũi hoặc miệng, sốt cao trên 38 độ, da quanh mũi nhợt nhạt,...

Chay-mau-cam-la-gi-nhung-dieu-can-biet-ve-chay-mau-cam2.jpg
Khi triệu chứng chảy máu cam xuất hiện thường xuyên và kéo dài bạn nên đến khám bác sĩ ngay

Nguyên nhân gây chứng chảy máu cam

Chảy máu cam có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả các yếu tố tại chỗ ở mũi và các bệnh lý toàn thân.

Các nguyên nhân tại chỗ

  • Khô niêm mạc mũi: Không khí khô đặc biệt là trong mùa đông hoặc khi sử dụng hệ thống sưởi ấm có thể làm khô và nứt niêm mạc mũi gây chảy máu.

  • Chấn thương mũi: Ngoáy mũi, va đập vào mũi, phẫu thuật mũi hoặc gãy xương mũi có thể gây tổn thương mạch máu và chảy máu.

  • Viêm mũi xoang: Viêm nhiễm ở mũi và xoang có thể làm tăng tính nhạy cảm và dễ chảy máu của niêm mạc mũi.

  • Hóa chất kích ứng: Tiếp xúc với các hóa chất kích ứng trong không khí cũng có thể gây chảy máu cam.

  • Dị vật trong mũi: Đặc biệt ở trẻ em, dị vật mắc kẹt trong mũi có thể gây kích ứng và chảy máu.

  • Sử dụng thuốc xịt mũi chứa chất co mạch: Mặc dù được sử dụng để điều trị nghẹt mũi, việc lạm dụng các thuốc xịt mũi chứa oxymetazoline có thể gây phản ứng ngược và làm tăng nguy cơ chảy máu.

  • Sử dụng cocaine: Hít cocain có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến niêm mạc mũi và dẫn đến chảy máu.

Các nguyên nhân toàn thân

  • Tăng huyết áp: Mặc dù mối liên hệ trực tiếp vẫn đang được nghiên cứu, tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của chảy máu cam ở một số người. Tuy nhiên các hướng dẫn hiện tại có ít thông tin về vấn đề này.

  • Rối loạn đông máu: Các bệnh lý như bệnh máu khó đông, bệnh von Willebrand, giảm tiểu cầu hoặc các rối loạn đông máu khác có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cam.

  • Sử dụng thuốc chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu: Các loại thuốc như warfarin, heparin, dabigatran, apixaban, aspirin, clopidogrel có thể làm tăng nguy cơ và kéo dài thời gian chảy máu cam.

  • Bệnh gan và thận mãn tính: Các bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến chức năng đông máu và làm tăng nguy cơ chảy máu.

  • U mạch máu (Hereditary Hemorrhagic Telangiectasia - HHT): Đây là một bệnh di truyền gây ra sự hình thành các mạch máu bất thường (telangiectasia) ở mũi và các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến chảy máu cam tái phát.

  • Khối u ở mũi và vòm họng: Hiếm gặp, nhưng các khối u lành tính hoặc ác tính trong hốc mũi và vòm họng có thể gây chảy máu.

  • Thay đổi nội tiết tố: Đôi khi, sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cam.

Nguy cơ mắc phải chứng chảy máu cam

Những ai có nguy cơ mắc phải chảy máu cam?

Chảy máu cam là một tình trạng phổ biến nhưng một số đối tượng có nguy cơ mắc phải cao hơn:

  • Trẻ em do niêm mạc mũi mỏng manh và thói quen ngoáy mũi.
  • Người lớn tuổi do niêm mạc mũi khô hơn và các bệnh lý nền.
  • Người có tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc các rối loạn đông máu.
  • Người đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu.
  • Người mắc các bệnh gan hoặc thận mãn tính, bệnh tăng huyết áp.
  • Người sống trong môi trường không khí khô, làm việc trong môi trường tiếp xúc với các hóa chất kích ứng.
Chay-mau-cam-la-gi-nhung-dieu-can-biet-ve-chay-mau-cam4.jpg
Ngoái mũi thường xuyên có thể gây tổn thương niêm mạc mũi dẫn đến chảy máu cam

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chảy máu cam

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu cam như:

  • Không khí khô.
  • Ngoáy mũi.
  • Chấn thương mũi.
  • Viêm mũi xoang.
  • Sử dụng thuốc xịt mũi không đúng cách.
  • Tiếp xúc với hóa chất kích ứng.
  • Tiền sử rối loạn đông máu.
  • Sử dụng thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu.
  • Tăng huyết áp.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị chảy máu cam

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chảy máu cam

Khi bệnh nhân đến khám vì chảy máu cam, các bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:

  • Hỏi tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về tần suất, thời gian, mức độ chảy máu, các yếu tố khởi phát, tiền sử các bệnh lý toàn thân, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử gia đình có người bị rối loạn đông máu hoặc HHT.

  • Khám thực thể: Bác sĩ sẽ khám mũi bằng đèn soi mũi để xác định vị trí chảy máu và loại trừ các nguyên nhân tại chỗ như dị vật, khối u. Việc loại bỏ cục máu đông có thể giúp xác định rõ vị trí chảy máu.

  • Nội soi mũi: Trong trường hợp chảy máu cam tái phát, khó kiểm soát hoặc nghi ngờ có các bệnh lý tiềm ẩn khác nội soi mũi để quan sát toàn bộ hốc mũi và vòm họng một cách chi tiết hơn. Nội soi mũi được khuyến cáo cho bệnh nhân chảy máu mũi tái phát dù đã điều trị bằng nhét gạc hoặc đốt điện hoặc chảy máu mũi một bên tái phát. Bác sĩ cũng có thể lựa chọn nội soi mũi cho các trường hợp chảy máu khó kiểm soát hoặc nghi ngờ có bệnh lý khác góp phần gây chảy máu.

chay-mau-cam5.jpg
Nội soi mũi có thể giúp xác định vị trí chảy máu và phát hiện các bất thường như khối u hoặc dị vật trong mũi

Xét nghiệm máu: Trong một số trường hợp nghi ngờ có rối loạn đông máu các xét nghiệm máu để đánh giá chức năng đông máu và số lượng tiểu cầu.

Phương pháp điều trị chảy máu cam

Mục tiêu của điều trị chảy máu cam là cầm máu nhanh chóng, ngăn ngừa tái phát và điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn.

Nội khoa

  • Ép chặt mũi: Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất để tự sơ cứu khi bị chảy máu cam là dùng ngón tay ép chặt phần mềm của mũi (phía dưới) vào vách ngăn mũi trong ít nhất 5 phút, tốt nhất là 15-20 phút liên tục. Bệnh nhân nên ngồi thẳng, hơi cúi đầu về phía trước để tránh nuốt phải máu. Có thể sử dụng kẹp mũi thay vì dùng tay nếu có sẵn và bệnh nhân dung nạp được.

  • Thuốc co mạch tại chỗ: Các loại thuốc xịt hoặc nhỏ mũi có chứa chất co mạch như oxymetazoline có thể giúp làm co các mạch máu trong mũi và giảm chảy máu. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng ở những người có bệnh tim mạch và tránh lạm dụng. Các loại thuốc khác như epinephrine cũng có thể được sử dụng tại chỗ bởi bác sĩ. Xylometazoline và adrenaline cũng cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát chảy máu cam trước.

  • Thuốc làm ẩm và bôi trơn: Sử dụng nước muối sinh lý dạng xịt hoặc nhỏ mũi và các loại thuốc mỡ bôi trơn như vaseline có thể giúp giữ ẩm niêm mạc mũi và ngăn ngừa khô nứt, đặc biệt là ở những người sống trong môi trường khô.

  • Nhét gạc mũi: Đối với các trường hợp chảy máu không cầm được bằng ép mũi, bác sĩ sẽ tiến hành nhét gạc mũi để tạo áp lực trực tiếp lên vị trí chảy máu. Có nhiều loại gạc mũi như gạc tự tiêu và gạc không tiêu. Gạc tự tiêu được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu.Gạc không tự tiêu cần được bác sĩ lấy ra sau một thời gian nhất định thường không quá 5 ngày.

  • Đốt điện hoặc đốt hóa chất: Nếu xác định được chính xác vị trí chảy máu, bác sĩ có thể sử dụng đốt điện (electrocautery) hoặc đốt hóa chất (thường là bằng que bạc nitrat) để làm tắc các mạch máu bị tổn thương. Cần gây tê tại chỗ trước khi thực hiện thủ thuật và chỉ đốt vào vị trí đang chảy máu hoặc nghi ngờ chảy máu để tránh gây tổn thương lan rộng và tăng nguy cơ thủng vách ngăn mũi.

Chay-mau-cam-la-gi-nhung-dieu-can-biet-ve-chay-mau-cam3.jpg
Ép mũi đúng cách giúp ngừng chảy máu cam và đảm bảo an toàn cho người bệnh

Ngoại khoa

Đối với các trường hợp chảy máu cam nghiêm trọng, tái phát nhiều lần và không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa, bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp phẫu thuật.

  • Thắt động mạch: Phẫu thuật thắt các động mạch cung cấp máu cho mũi, như động mạch bướm khẩu cái hoặc động mạch sàng trước và sau, có thể được thực hiện qua nội soi hoặc phẫu thuật mở. 

  • Gây tắc mạch máu bằng nội mạch: Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ sẽ đưa một ống thông nhỏ qua mạch máu đến vị trí chảy máu và bơm các vật liệu gây tắc để chặn dòng máu đến khu vực đó. Gây tắc mạch máu động mạch cảnh ngoài được sử dụng trong điều trị chảy máu cam. Tuy nhiên, gây tắc mạch máu động mạch sàng trước và sau được chống chỉ định do chúng xuất phát từ động mạch mắt, có nguy cơ gây mù.

Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào vị trí chảy máu, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa chảy máu cam

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến nặng của chảy máu cam

Chế độ sinh hoạt

  • Tránh các hoạt động gắng sức: Hạn chế khuân vác vật nặng trên 4,5 kg, cúi người xuống thấp, tập thể dục mạnh để tránh làm tăng áp lực máu lên mũi và gây chảy máu.

  • Nằm ngủ kê cao đầu: Khi ngủ, nên kê cao đầu bằng gối để giảm áp lực lên các mạch máu ở mũi.

  • Không cố gắng xì mũi mạnh: Khi đang bị chảy máu cam hoặc sau khi nhét gạc mũi, tránh xì mũi mạnh.

  • Duy trì độ ẩm trong nhà: Sử dụng máy tạo ẩm, đặc biệt trong mùa đông hoặc khi sử dụng máy sưởi, để giữ cho không khí trong nhà đủ ẩm, giúp niêm mạc mũi không bị khô.

Chế độ dinh dưỡng

Không có nguồn thông tin cụ thể về chế độ dinh dưỡng giúp hạn chế diễn tiến nặng của chảy máu cam. Tuy nhiên, duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và đủ nước là quan trọng cho sức khỏe tổng thể.

Phương pháp phòng ngừa chảy máu cam hiệu quả

Giữ ẩm niêm mạc mũi: Thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý dạng xịt hoặc nhỏ mũi, đặc biệt khi thời tiết khô hanh hoặc khi ở trong môi trường sử dụng máy sưởi hoặc điều hòa. Bôi một lượng nhỏ thuốc mỡ bôi trơn (như vaseline) vào bên trong lỗ mũi, đặc biệt là trước khi đi ngủ, có thể giúp giữ ẩm và ngăn ngừa khô nứt.

Tránh ngoáy mũi: Cố gắng bỏ thói quen ngoáy mũi để tránh gây tổn thương niêm mạc và mạch máu trong mũi. Đặc biệt ở trẻ em, cần nhắc nhở và hướng dẫn các em không ngoáy mũi.

Sử dụng thuốc xịt mũi đúng cách: Tuân thủ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ khi dùng các loại thuốc xịt mũi. Tránh xịt quá mạnh hoặc quá thường xuyên.

Tránh tiếp xúc với các chất kích ứng: Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, hóa chất độc hại và các tác nhân gây dị ứng có thể gây kích ứng niêm mạc mũi.

Điều trị kịp thời các bệnh viêm mũi xoang: Việc kiểm soát tốt các tình trạng viêm nhiễm ở mũi và xoang có thể giúp giảm nguy cơ chảy máu cam.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Bạn nên gọi cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây như chảy máu trở lại từ mũi hoặc miệng, sốt trên 38,3°C, đau tăng lên, thay đổi thị lực, khó thở, da quanh mũi nhợt nhạt, sưng mặt hoặc phát ban lan rộng,... vì đây là những triệu chứng gợi ý tình trạng nặng cần sự hỗ trợ y tế.

Với gạc không tự tiêu, việc để gạc quá lâu so với khuyến cáo của bác sĩ có thể dẫn đến các biến chứng như loét mũi, thủng vách ngăn mũi,.... Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn tái khám là rất quan trọng.

Nếu áp lực từ gạc không đủ để tác động đến vị trí chảy máu, bạn vẫn có thể bị chảy máu. Nếu điều này xảy ra, hãy dùng tay ép chặt phần mềm của mũi, gọi cho bác sĩ hoặc đến khoa cấp cứu để được xử trí thêm.

Gạc mũi chiếm không gian trong mũi và làm giảm lưu thông khí. Nó cũng có thể chặn sự dẫn lưu của xoang và nước mắt vào mũi. Bạn có thể gặp các triệu chứng giống như cảm lạnh khi đặt gạc bao gồm nghẹt mũi, giảm khả năng ngửi, nặng mặt, đau đầu, chảy dịch mũi và chảy nước mắt.

Thời gian đặt gạc sẽ được bác sĩ quyết định nhưng thường không quá 5 ngày. Thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ và vị trí chảy máu, các bệnh lý nền và sự thoải mái của bạn. Nếu gạc là loại tự tiêu, nó có thể không cần tháo ra mà sẽ tự tiêu theo thời gian khi bạn sử dụng nước muối sinh lý xịt mũi.