Trên thực tế, bà bầu bị nôn sau khi ăn có thể đi kèm các triệu chứng như đau bụng, chóng mặt hoặc đau đầu. Đây không chỉ là biểu hiện khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đang gặp vấn đề cần được lưu ý. Vì vậy, mẹ bầu nên theo dõi kỹ mọi thay đổi bất thường để có hướng xử lý kịp thời. Trong bài viết dưới đây, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu sẽ cùng mẹ tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây nôn sau ăn trong thai kỳ và cách khắc phục hiệu quả, an toàn tại nhà.
Bà bầu bị nôn sau khi ăn do nguyên nhân nào?
Cảm giác buồn nôn kèm theo nôn ói sau bữa ăn là hiện tượng không hiếm gặp trong thai kỳ. Dù phần lớn các trường hợp đều không nguy hiểm, nhưng nếu tình trạng kéo dài hoặc kèm theo các dấu hiệu như tiêu chảy, đau đầu, mẹ bầu tuyệt đối không nên chủ quan. Dưới đây là những lý do phổ biến có thể khiến tình trạng này xuất hiện, giúp mẹ chủ động nhận biết và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Ốm nghén khiến bà bầu bị nôn sau khi ăn
Ốm nghén là một biểu hiện rất quen thuộc trong tam cá nguyệt đầu tiên và là nguyên nhân chính khiến bà bầu bị nôn sau khi ăn. Ốm nghén có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, không chỉ vào buổi sáng. Nguyên nhân được cho là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Mặc dù hầu hết các trường hợp đều không nghiêm trọng, nhưng nếu nôn kéo dài, kèm mất nước hoặc giảm cân nhiều, mẹ nên đi khám để được hỗ trợ kịp thời.
Nhạy cảm với mùi vị thức ăn
Khi mang thai, nhiều mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn với mùi và vị thức ăn. Sự thay đổi này là một phần của cơ chế tự bảo vệ thai nhi trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, chính điều này cũng góp phần làm mẹ bầu nôn ói sau khi ăn hoặc chỉ khi ngửi thấy mùi một số thực phẩm nhất định.
Các vấn đề tiêu hóa và chế độ ăn uống không phù hợp
Một số vấn đề tiêu hóa hoặc thói quen ăn uống chưa hợp lý cũng có thể là nguyên nhân khiến bà bầu bị nôn sau khi ăn. Cụ thể như:
- Ăn quá nhiều trong một lần hoặc tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ dễ khiến mẹ bị đầy bụng, khó tiêu, nôn sau ăn.
- Thay đổi nội tiết tố làm chậm quá trình tiêu hóa, gây trào ngược axit, ợ nóng hoặc nôn mửa.
- Một số bệnh lý như sỏi mật, viêm ruột thừa hay hội chứng ruột kích thích cũng có thể làm mẹ buồn nôn hoặc nôn ói khi mang thai.
Say tàu xe
Di chuyển bằng các phương tiện giao thông có thể khiến mẹ bầu dễ chóng mặt, buồn nôn, đặc biệt sau bữa ăn. Say xe là một nguyên nhân thường gặp gây nôn sau ăn trong thai kỳ, và cảm giác khó chịu này có thể trở nên nghiêm trọng hơn do cơ thể mẹ nhạy cảm hơn khi mang thai.

Ngộ độc thực phẩm
Nếu bà bầu bị nôn sau khi ăn, rất có thể đó là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm. Mẹ có thể đã ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn hoặc chứa độc tố. Những trường hợp nhẹ có thể chỉ cần nghỉ ngơi và uống đủ nước, nhưng nếu tình trạng không cải thiện trong 1 - 2 ngày, mẹ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Bí quyết giúp bà bầu hạn chế nôn sau khi ăn
Khi bà bầu bị nôn sau khi ăn nhưng tình trạng không nghiêm trọng, mẹ có thể áp dụng một vài mẹo đơn giản để giảm cảm giác buồn nôn:
- Sử dụng gừng: Đây là một loại thảo mộc giúp làm dịu dạ dày và giảm triệu chứng buồn nôn ở phụ nữ mang thai. Mẹ bầu có thể ngậm kẹo gừng, pha trà gừng hoặc thêm gừng vào món ăn hằng ngày.
- Tránh những món ăn gây buồn nôn: Phụ nữ mang thai nên tránh xa các thực phẩm có mùi mạnh hoặc gây khó chịu, vì chúng có thể kích thích cảm giác buồn nôn.
- Chia nhỏ bữa ăn và tránh thực phẩm khó tiêu: Việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và tránh thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc chứa nhiều axit có thể giúp giảm triệu chứng buồn nôn và nôn.
- Bổ sung nước đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý: Uống đủ nước và đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp có thể hỗ trợ cơ thể phục hồi và giảm cảm giác buồn nôn.
- Không tự ý sử dụng thuốc chống nôn: Phụ nữ mang thai không nên tự ý sử dụng thuốc chống nôn mà không có chỉ định của bác sĩ. Việc bổ sung vitamin B6 có thể hữu ích trong việc giảm buồn nôn, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Gợi ý món ăn phù hợp cho bà bầu sau khi nôn
Sau khi nôn, bà bầu nên ưu tiên những món ăn nhẹ, dễ tiêu để làm dịu dạ dày. Dưới đây là một số món ăn để mẹ bầu tham khảo:
Bánh quy
Bánh quy là một món ăn nhẹ đơn giản nhưng rất hữu ích trong việc làm dịu cảm giác buồn nôn ở mẹ bầu, đặc biệt là khi bụng đói. Với vị thanh nhẹ và thành phần dễ tiêu như bột mì, bơ, đường, bánh quy không gây cảm giác ngấy hay quá ngọt. Nhiều sản phẩm hiện nay còn được thiết kế riêng cho phụ nữ mang thai, giúp mẹ dễ dàng lựa chọn. Ăn vài chiếc bánh quy vào buổi sáng, đặc biệt trước khi ra khỏi giường, có thể hỗ trợ giảm cơn buồn nôn và ổn định dạ dày sau khi nôn.

Sữa chua
Sữa chua là một lựa chọn dễ tiêu hóa hơn sữa tươi thông thường. Tuy nhiên, mẹ nên chọn loại sữa chua không có hương liệu để giảm bớt kích thích dạ dày. Với lượng lợi khuẩn cao, sữa chua giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và tạo lớp bảo vệ cho niêm mạc ruột. Ngoài ra, nhờ chứa chất xơ, sữa chua còn hỗ trợ cải thiện nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón trong thai kỳ.
Nước cam
Nước cam là lựa chọn phổ biến giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn sau cơn buồn nôn nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào và vị chua dịu mát. Tuy nhiên, do có tính axit nhẹ, mẹ nên cân nhắc khi sử dụng nếu cảm thấy dạ dày bị kích ứng hoặc khó chịu.
Nước ấm
Sau khi nôn, mẹ bầu có thể uống một cốc nước ấm để làm dịu dạ dày, giảm cảm giác đau rát ở cổ họng và hỗ trợ loại bỏ lượng axit còn tồn đọng trong thực quản. Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp giảm bớt khó chịu và ngăn mất nước.

Chuối
Chuối là nguồn bổ sung kali tự nhiên, hỗ trợ cân bằng điện giải sau khi nôn. Nhờ kết cấu mềm, dễ tiêu cùng vị ngọt dịu, loại trái cây này không chỉ giúp làm dịu cổ họng mà còn giảm cảm giác buồn nôn và nhanh chóng phục hồi năng lượng cho mẹ bầu.
Táo
Táo là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp hỗ trợ tiêu hóa và loại bỏ các yếu tố gây buồn nôn. Bên cạnh đó, loại trái cây này còn bổ sung năng lượng, góp phần giảm cảm giác khó chịu và cải thiện thể trạng sau mỗi lần nôn ói.
Tình trạng bà bầu bị nôn sau khi ăn là hiện tượng phổ biến trong thai kỳ, nhưng không vì thế mà mẹ bầu được phép chủ quan. Việc nhận biết nguyên nhân và áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nếu tình trạng nôn kéo dài, kèm theo các dấu hiệu bất thường, mẹ nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Mang thai là hành trình tuyệt vời nhưng cũng không ít lo lắng, đặc biệt là về sức khỏe của cả mẹ và bé. Hiểu được điều đó, Trung tâm tiêm chủng Long Châu luôn sẵn sàng đồng hành cùng mẹ bầu bằng dịch vụ tiêm chủng an toàn, tiện lợi và tận tâm. Tại đây, mẹ có thể dễ dàng tiêm các loại vắc xin quan trọng trong thai kỳ như vắc xin phòng cúm, uốn ván, ho gà,... giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ bé yêu ngay từ trong bụng mẹ. Với đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm và không gian hiện đại, Long Châu cam kết mang đến cho mẹ sự yên tâm và thoải mái nhất.