icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
30_4_2025_header_web_2_e7f82ebc3b30_4_2025_header_app_1_1fb85f5a69
chong_mats3_2c2366622achong_mats3_2c2366622a

Chóng mặt là gì? Những vấn đề cần biết về chóng mặt

Thu Thảo10/04/2025

Chóng mặt là một triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý. Chóng mặt thường nhầm lẫn với một số tình trạng khác như choáng váng, tiền ngất,... Hiểu đúng về chóng mặt và các biện pháp phòng ngừa giúp bạn nâng cao chất lượng cuộc sống, yên tâm điều trị.

Tìm hiểu chung về chóng mặt

Chóng mặt (Vertigo) được định nghĩa là cảm giác bản thân hoặc môi trường xung quanh đang chuyển động khi thực tế không có sự chuyển động nào. Thông thường, chuyển động cảm nhận được là bạn đang quay hoặc mọi thứ xung quanh bạn đang quay tròn đủ để ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng.

Chóng mặt thường bị nhầm lẫn với các biểu hiện khác như choáng (Dizziness) là một cảm giác mất thăng bằng nói chung, chòng chành khó giữ thăng bằng.

Triệu chứng chóng mặt

Những triệu chứng của chóng mặt

Một cơn chóng mặt có thể kéo dài từ vài giây đến giờ. Nếu chóng mặt nghiêm trọng, nó có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tháng. Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc tăng dần.

Chóng mặt là một triệu chứng nên thường kèm theo các triệu chứng khác trong một bệnh lý cụ thể:

  • Buồn nôn và nôn.
  • Các vấn đề về thăng bằng.
  • Mất thính lực ở một hoặc cả hai tai.
  • Ù tai.
  • Đau đầu.
  • Cảm giác đầy tai.
  • Rung giật nhãn cầu.
chong-mat1.jpg

Tác động của chóng mặt với sức khỏe

Chóng mặt tác động đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống:

Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: Cảm giác mất thăng bằng, quay cuồng và các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, nôn có thể khiến người bệnh khó thực hiện các hoạt động thường ngày như đi lại, đứng vững, làm việc, lái xe. Chóng mặt nghiêm trọng có thể làm cho cuộc sống hàng ngày trở nên rất khó khăn.

Tăng nguy cơ té ngã: Chóng mặt là một yếu tố nguy cơ lớn gây té ngã, đặc biệt ở người lớn tuổi. Té ngã có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng như gãy xương.

Ảnh hưởng đến công việc và học tập: Các cơn chóng mặt có thể khiến người bệnh phải nghỉ làm hoặc nghỉ học, làm giảm hiệu suất và ảnh hưởng đến thu nhập cũng như kết quả học tập.

Gây lo lắng và căng thẳng: Chóng mặt kéo dài hoặc tái phát có thể gây ra lo lắng, sợ hãi, thậm chí dẫn đến các vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu. Sự lo lắng có thể làm cho chóng mặt trở nên tồi tệ hơn.

Hạn chế các hoạt động xã hội: Nỗi sợ bị chóng mặt bất ngờ có thể khiến người bệnh ngại tham gia các hoạt động xã hội, dẫn đến cô lập và giảm chất lượng cuộc sống.

Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc: Do ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng và tập trung, chóng mặt có thể gây nguy hiểm khi lái xe, lái máy bay hoặc vận hành các thiết bị nặng.

Biến chứng có thể gặp chóng mặt

Biến chứng chính và thường gặp nhất của chóng mặt là té ngã

Chấn thương phần mềm: Bầm tím, sưng tấy, bong gân.

Gãy xương: Đặc biệt là gãy xương hông, cổ tay, mắt cá chân, có thể cần phẫu thuật và thời gian phục hồi dài.

Chấn thương đầu: Có thể từ nhẹ đến nặng, gây ra các vấn đề về thần kinh.

Giảm khả năng vận động và độc lập: Nỗi sợ té ngã có thể khiến người bệnh hạn chế vận động, dẫn đến yếu cơ và giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, làm tăng sự phụ thuộc vào người khác.

Ảnh hưởng tâm lý: Sợ hãi, lo lắng về nguy cơ té ngã có thể dẫn đến trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, trong một số trường hợp hiếm gặp, chóng mặt có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn như đột quỵ, khối u não, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp chóng mặt sẽ tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ nếu chóng mặt không biến mất hoặc tái phát thường xuyên, chóng mặt ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, chóng mặt xuất hiện đột ngột, dữ đội khác thường ngày,...

Nguyên nhân gây chóng mặt

Các nguyên nhân thường được phân loại thành 2 nhóm là chóng mặt ngoại biên (peripheral) và chóng mặt trung ương (central).

Nguyên nhân ngoại biên

Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chóng mặt. Trong đó chóng mặt kịch phát lành tính là nguyên nhân phổ biến nhất.

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Benign Paroxysmal Positional Vertigo - BPPV): Nguyên nhân do các tinh thể canxi cacbonat nhỏ bị lệch khỏi vị trí bình thường trong tai trong và di chuyển vào các ống bán khuyên, gây ra chóng mặt khi xoay đầu về một bên.

Viêm mê nhĩ: Nhiễm trùng tai trong do virus (thường sau cảm lạnh hoặc cúm) hoặc vi khuẩn, gây viêm các dây thần kinh giúp duy trì thăng bằng và thính giác, dẫn đến chóng mặt, giảm thính lực và ù tai.

Viêm dây thần kinh tiền đình: Viêm dây thần kinh tiền đình do nhiễm virus, gây chóng mặt dữ dội, đột ngột mà không kèm theo giảm thính lực.

Bệnh Meniere: Một tình trạng hiếm gặp ở tai trong do sự tích tụ chất lỏng và thay đổi áp lực trong tai, gây ra các đợt chóng mặt tái phát kèm theo ù tai, giảm thính lực và cảm giác đầy trong tai.

chong-mat2.png

Suy giảm chức năng tiền đình 2 bên: Sự suy giảm tự nhiên các trung tâm kiểm soát thăng bằng ở tai trong và não do tuổi tác.

Chấn thương: Chấn thương đầu, cổ, tai trong (ví dụ: Vỡ màng nhĩ, chấn động mê nhĩ, rò ngoại dịch, gãy xương thái dương, chấn động sau não) có thể gây chóng mặt.

Khối u dây thần kinh tiền đình hoặc u màng não: Các khối u ở hố sau hoặc ống tai trong, chèn ép dây thần kinh tiền đình, gây chóng mặt, giảm thính lực tiến triển chậm và ù tai.

Thuốc gây độc cho tai: Một số loại thuốc như aminoglycosides (ví dụ: Gentamicin), chloroquine, furosemide, quinine có thể gây tổn thương tai trong và dẫn đến chóng mặt, thường kèm theo giảm thính lực hai bên.

Zona thần kinh tai: Nhiễm virus herpes zoster ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt và dây thần kinh thính giác, có thể gây chóng mặt, đau tai, yếu liệt mặt và mất vị giác.

Nguyên nhân trung ương

Chóng mặt trung ương Ít phổ biến hơn nguyên nhân ngoại biên nhưng thường nghiêm trọng hơn.

Đột quỵ não: Tổn thương não do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu, gây chóng mặt đột ngột, dữ dội, thường kèm theo các triệu chứng thần kinh khác như yếu liệt, tê bì, khó nói, nhìn đôi,...

Bệnh đa xơ cứng: Một bệnh tự miễn tấn công hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra nhiều triệu chứng khác trong đó có chóng mặt.

Nguy cơ mắc phải chóng mặt

Những ai có nguy cơ mắc phải chóng mặt?

Chóng mặt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng một số đối tượng có nguy cơ cao hơn:

Người lớn tuổi: Do sự suy giảm các chức năng liên quan đến thăng bằng như thị lực, chức năng tai trong, cảm thụ bản thể và khả năng kiểm soát huyết áp. Người lớn tuổi cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não, cũng như sử dụng nhiều loại thuốc có thể gây chóng mặt.

Người có tiền sử bệnh liên quan: Người từng chóng mặt hoặc các rối loạn tiền đình, chấn thương đầu mặt cổ.

Người bị migraine: Migraine tiền đình là một nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt.

Người mắc các bệnh lý nền: Tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh (như đa xơ cứng, Parkinson), các bệnh lý về tai trong (như bệnh Meniere).

Người sử dụng một số loại thuốc nhất định: Đặc biệt là các thuốc có tác dụng phụ gây chóng mặt hoặc độc tính trên tai.

Người có mức độ căng thẳng và lo âu cao: Stress có thể là yếu tố nguy cơ gây ra một số loại chóng mặt.

Phụ nữ: Tỷ lệ chóng mặt ở phụ nữ thường cao hơn nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chóng mặt

Ngoài các đối tượng có nguy cơ cao, một số yếu tố có thể làm tăng khả năng bị chóng mặt:

  • Tuổi cao.
  • Tiền sử bị chóng mặt hoặc mất thăng bằng, migraine, chấn thương đầu
  • Uống rượu bia, hút thuốc lá
  • Uống không đủ nước, bỏ bữa, thiếu ngủ
  • Mức độ căng thẳng và lo âu cao.
  • Thay đổi thời tiết hoặc áp suất không khí.
  • Thực hiện các động tác đầu đột ngột.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị chóng mặt

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chóng mặt

Việc chẩn đoán nguyên nhân gây chóng mặt thường bắt đầu bằng việc hỏi kỹ tiền sử bệnh và khám. Bác sĩ sẽ hỏi về cảm giác chóng mặt của bạn (mô tả chi tiết cảm giác), thời gian và tần suất các cơn chóng mặt, các yếu tố khởi phát và làm giảm triệu chứng, các triệu chứng đi kèm (ví dụ: Đau đầu, ù tai, giảm thính lực) và tiền sử các bệnh lý khác.

Khám thực thể có thể bao gồm:

Đo dấu hiệu sinh tồn: Huyết áp (đo cả khi nằm và đứng để kiểm tra hạ huyết áp tư thế đứng), nhịp tim, nhiệt độ.

Khám tai: Kiểm tra ống tai và màng nhĩ để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các bất thường khác.

Khám thần kinh: Đánh giá chức năng thăng bằng, dáng đi, phối hợp động tác, các dây thần kinh sọ.

Nghiệm pháp HINTS (Head Impulse, Nystagmus, Test of Skew): Đây là một khám nghiệm bên giường có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để phân biệt nguyên nhân trung ương và ngoại biên.

Kiểm tra mắt: Quan sát cử động mắt để phát hiện nystagmus tự phát hoặc do các nghiệm pháp kích thích.

Nghiệm pháp Dix-Hallpike: Để đánh giá nystagmus đặc trưng của BPPV ống bán khuyên sau hoặc trước.

Nghiệm pháp lăn nghiêng (Supine Roll Test): Để đánh giá BPPV ống bán khuyên ngang.

Nghiệm pháp Romberg: Đứng thẳng, hai chân khép lại, nhắm mắt để đánh giá khả năng duy trì thăng bằng.

chong-mat3.jpg

Một số cận lâm sàng có thể cần thực hiện thêm như:

Đo thính lực: Để đánh giá chức năng thính giác và phát hiện giảm thính lực, đặc biệt trong các trường hợp nghi ngờ bệnh Meniere hoặc các bệnh lý tai trong khác.

Chụp ảnh thần kinh (MRI hoặc CT scan): Thường được chỉ định nếu nghi ngờ nguyên nhân trung ương ( đột quỵ, khối u não, đa xơ cứng) hoặc để loại trừ các nguyên nhân khác. MRI thường ưu tiên hơn CT scan trong đánh giá các bệnh lý thần kinh

Xét nghiệm máu: Có thể được thực hiện để kiểm tra các tình trạng như thiếu máu, hạ đường huyết, các vấn đề về tuyến giáp hoặc nhiễm trùng. Ở bệnh nhân chóng mặt mạn tính kèm theo giảm thính lực hai bên, có thể xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai.

Điện tâm đồ (ECG): Để đánh giá chức năng tim, đặc biệt nếu nghi ngờ chóng mặt do các vấn đề tim mạch

Phương pháp điều trị Chóng mặt

Phương pháp điều trị chóng mặt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, chóng mặt có thể tự khỏi mà không cần điều trị do khả năng điều tiết của não bộ.

Nội khoa

Thuốc

Thuốc kháng histamin và kháng cholinergic: Có thể giúp giảm các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn trong các đợt chóng mặt cấp tính do bệnh Meniere, viêm dây thần kinh tiền đình hoặc viêm mê nhĩ. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây buồn ngủ và không nên sử dụng kéo dài vì có thể ức chế sự bù trừ trung ương và kéo dài triệu chứng.

Benzodiazepine: Cũng có thể được sử dụng trong các đợt chóng mặt cấp tính nhưng có nguy cơ gây nghiện và tác dụng phụ an thần.

Thuốc chống nôn: Để giảm buồn nôn và nôn.

Kháng sinh hoặc steroid: Nếu chóng mặt do nhiễm trùng (ví dụ: Viêm mê nhĩ) hoặc viêm.

Thuốc lợi tiểu hoặc betahistine: Có thể được sử dụng trong điều trị bệnh Meniere để giảm áp lực dịch trong tai trong.

Bổ sung vitamin D: Nếu có tình trạng thiếu vitamin D và bị BPPV

Các nghiệm pháp tái định vị ống bán khuyên

Nghiệm pháp Epley: Một loạt các động tác thực hiện bởi bác sĩ hoặc hướng dẫn bệnh nhân tự thực hiện để di chuyển các tinh thể canxi bị lệch ra khỏi các ống bán khuyên trong tai trong, thường rất hiệu quả trong điều trị BPPV.

Liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình: Một chương trình tập luyện đặc biệt được thiết kế bởi các chuyên gia vật lý trị liệu để giúp củng cố hệ thống tiền đình, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và giảm các triệu chứng chóng mặt mạn tính do suy yếu tiền đình một bên (ví dụ: sau viêm dây thần kinh tiền đình), migraine tiền đình hoặc PPPD. Liệu pháp này giúp các giác quan khác (thị giác, cảm thụ bản thể) bù trừ cho chức năng tiền đình bị suy giảm.

Điều trị các bệnh lý nền: Điều trị hiệu quả các bệnh lý như migraine, tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn lo âu có thể giúp giảm các triệu chứng chóng mặt liên quan.

Tư vấn tâm lý và điều trị lo âu, trầm cảm: Nếu chóng mặt có liên quan đến các vấn đề tâm lý.

Ngoại khoa

Phẫu thuật hiếm khi cần thiết để điều trị chóng mặt và thường chỉ được cân nhắc trong các trường hợp sau:

Khối u dây thần kinh tiền đình: Phẫu thuật để loại bỏ khối u có thể giúp giảm chóng mặt và các triệu chứng khác.

Bệnh Meniere kháng trị: Các thủ thuật phẫu thuật khác nhau có thể được thực hiện để giảm các triệu chứng chóng mặt nghiêm trọng không đáp ứng với điều trị nội khác.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa chóng mặt

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến chóng mặt

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi trong phòng tối và yên tĩnh khi cơn chóng mặt xảy ra: Khi cảm thấy chóng mặt, việc nằm yên trong một không gian tối và yên tĩnh giúp làm dịu hệ tiền đình, hạn chế kích thích từ môi trường và giảm cảm giác quay cuồng. Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để kiểm soát cơn chóng mặt cấp tính.
  • Di chuyển chậm rãi và cẩn thận trong sinh hoạt hằng ngày: Những động tác đột ngột như quay đầu nhanh, cúi gập người hay đứng lên quá nhanh có thể làm nặng thêm triệu chứng chóng mặt. Hãy di chuyển đầu và cơ thể một cách từ tốn, kiểm soát, đặc biệt khi thức dậy vào buổi sáng hoặc thay đổi tư thế.
  • Ngăn ngừa té ngã bằng cách tạo môi trường an toàn: Khi cảm thấy mất thăng bằng, nên ngồi xuống ngay lập tức để tránh nguy cơ chấn thương. Việc sử dụng đèn ngủ, tay vịn, gậy hỗ trợ và đứng lên từ từ vào buổi sáng sẽ giúp người bệnh cảm thấy an toàn hơn, đặc biệt là người cao tuổi.
  • Thư giãn tinh thần để kiểm soát cảm giác chóng mặt: Lo âu và căng thẳng có thể làm nặng thêm chóng mặt hoặc kích hoạt cơn chóng mặt do nguyên nhân tâm lý. Các kỹ thuật như hít thở sâu, thiền định, hoặc ngồi yên trong tư thế thoải mái sẽ giúp giảm căng thẳng thần kinh và cải thiện triệu chứng.
  • Tránh các yếu tố khởi phát liên quan đến chuyển động: Đối với những người bị rối loạn tiền đình, các chuyển động như xoay đầu nhanh, cúi xuống hoặc thay đổi tư thế đột ngột có thể gây chóng mặt. Việc luyện tập phục hồi tiền đình từ từ hoặc điều chỉnh nhịp sinh hoạt sẽ giúp giảm dần độ nhạy cảm với các kích thích này.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng để tăng khả năng cân bằng: Những bài tập như đi bộ, yoga hoặc các bài tập thăng bằng đơn giản giúp tăng cường lưu thông máu lên não và cải thiện chức năng tiền đình. Việc duy trì luyện tập thường xuyên còn hỗ trợ điều hòa thần kinh và cải thiện giấc ngủ.
  • Thăm khám và bổ sung vitamin D nếu cần thiết: Ở người có tiền sử chóng mặt tư thế lành tính (BPPV), thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ tái phát. Việc xét nghiệm và bổ sung vitamin D theo hướng dẫn bác sĩ là một phần quan trọng trong kế hoạch quản lý chóng mặt lâu dài.
chong-mat4.jpg

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế muối trong khẩu phần ăn, đặc biệt ở người mắc bệnh Meniere: Lượng muối cao có thể làm rối loạn cân bằng dịch trong tai trong, gây ra hoặc làm nặng thêm triệu chứng chóng mặt ở người mắc hội chứng Meniere. Một chế độ ăn ít muối giúp giảm áp lực nội dịch và ổn định chức năng tiền đình.
  • Tránh sử dụng caffeine, rượu và thuốc lá: Các chất kích thích như cà phê, bia rượu và thuốc lá có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu não, gây mất nước hoặc kích thích hệ thần kinh, từ đó làm tăng nguy cơ chóng mặt. Việc hạn chế hoặc loại bỏ các chất này sẽ giúp kiểm soát triệu chứng tốt hơn.
  • Uống đủ nước mỗi ngày để duy trì thể tích tuần hoàn và cân bằng dịch: Mất nước nhẹ cũng có thể gây tụt huyết áp và chóng mặt. Việc bổ sung khoảng 1.5–2 lít nước mỗi ngày (tùy theo thể trạng và mức độ hoạt động) giúp duy trì huyết áp ổn định và hỗ trợ chức năng tiền đình.
  • Duy trì chế độ ăn cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất: Một chế độ ăn đầy đủ các vi chất như vitamin B, D, sắt và magie giúp hỗ trợ dẫn truyền thần kinh, điều hòa áp lực máu và cải thiện chức năng hệ tiền đình. Bổ sung rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, trái cây và cá béo là cách tốt để duy trì dinh dưỡng tối ưu.

Phương pháp phòng ngừa chóng mặt hiệu quả

Đặc hiệu

Phòng ngừa đặc hiệu tập trung vào việc ngăn ngừa các nguyên nhân cụ thể gây chóng mặt:

Đối với BPPV: Hiện tại không có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu hoàn toàn, nhưng việc tránh các động tác đầu đột ngột có thể hữu ích. Duy trì đủ vitamin D có thể giảm nguy cơ tái phát ở người thiếu vitamin D.

Đối với bệnh Meniere: Duy trì chế độ ăn ít muối, tránh caffeine và rượu có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn chóng mặt.

Đối với migraine tiền đình: Tuân thủ kế hoạch điều trị migraine của bác sĩ, tránh các yếu tố kích hoạt migraine (ví dụ: căng thẳng, thiếu ngủ, một số loại thực phẩm) có thể giúp giảm các cơn chóng mặt.

Đối với chóng mặt do thuốc: Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng và khả năng gây chóng mặt. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang thuốc khác nếu cần.

Đối với nhiễm trùng tai: Thực hiện các biện pháp vệ sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng tai.

Không đặc hiệu

Các biện pháp chung giúp duy trì sức khỏe tốt và giảm nguy cơ chóng mặt nói chung như:

  • Uống đủ nước hàng ngày.
  • Ăn uống lành mạnh và điều độ.
  • Đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
  • Tìm các phương pháp giảm căng thẳng hiệu quả.
  • Hạn chế hoặc tránh caffeine, rượu và thuốc lá.
  • Tránh các động tác đầu đột ngột và đứng lên ngồi xuống từ từ.
  • Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây chóng mặt.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Hầu hết các nguyên nhân gây chóng mặt không nghiêm trọng. Tuy nhiên, chóng mặt đôi khi có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn (ví dụ: Đột quỵ, khối u não) và có thể dẫn đến té ngã và chấn thương. Do đó, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân nếu bạn bị chóng mặt kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại.

Có nhiều yếu tố có thể kích hoạt chóng mặt, bao gồm thay đổi tư thế đầu (đặc biệt trong BPPV), migraine, nhiễm trùng, thiếu nước, một số loại thuốc, chấn thương đầu, căng thẳng, thay đổi áp suất không khí, và các yếu tố kích hoạt đặc hiệu cho từng bệnh lý (ví dụ: Chế độ ăn nhiều muối đối với bệnh Meniere).

Trong một số trường hợp BPPV, bạn có thể nhận thấy chóng mặt xảy ra khi nghiêng đầu về một bên cụ thể khi nằm xuống. Các nghiệm pháp chẩn đoán như Dix-Hallpike cũng giúp xác định bên tai bị ảnh hưởng.

Có, nhiều trường hợp chóng mặt có thể tự khỏi khi não bộ thích nghi hoặc khi nguyên nhân gây chóng mặt được giải quyết. Tuy nhiên, nếu chóng mặt kéo dài hoặc tái phát, bạn nên đi khám bác sĩ.

Thời gian chóng mặt có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, từ vài giây đến vài giờ, hoặc thậm chí vài ngày hoặc vài tháng trong trường hợp nghiêm trọng.