Tìm hiểu chung về viêm phổi do virus
Viêm phổi do virus là tình trạng viêm phổi phát triển do nhiễm virus trong phổi. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ho, khó thở, ớn lạnh, mệt mỏi và các triệu chứng khác.
Triệu chứng của viêm phổi do virus có thể tương tự với viêm phổi do vi khuẩn, nhưng tùy thuộc vào loại virus gây bệnh, bạn có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng khác.
Nhiều loại virus có thể gây viêm phổi do virus, bao gồm virus cúm và virus corona, chẳng hạn như SARS-CoV-2 – nguyên nhân gây ra bệnh COVID-19.
Viêm phổi do virus thường nhẹ, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh vẫn có thể đe dọa tính mạng.
Triệu chứng viêm phổi do virus
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi do virus
Các triệu chứng của bệnh viêm phổi do virus thường bắt đầu chậm và lúc đầu có thể không nghiêm trọng. Triệu chứng ban đầu của viêm phổi khá giống với cảm cúm, bao gồm:
- Sốt;
- Ớn lạnh;
- Ho không có đờm;
- Viêm mũi;
- Đau nhức cơ;
- Đau đầu;
- Mệt mỏi.
Viêm phổi do virus và do vi khuẩn có các triệu chứng tương tự nhau, nhưng người mắc viêm phổi do virus có thể phát triển thêm một số triệu chứng như:
- Thở nhanh và/hoặc khó thở;
- Nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm;
- Thở khò khè;
- Co thắt xương ức hoặc liên sườn;
- Tím tái;
- Phát ban;
- Suy hô hấp cấp tính;
Viêm phổi do virus có thể biểu hiện khác nhau ở từng nhóm tuổi.
- Trẻ em bị viêm phổi do virus có thể biểu hiện triệu chứng từ từ và nhẹ hơn. Da có màu xanh tím có thể là dấu hiệu của thiếu oxy. Trẻ cũng có thể biếng ăn hoặc ăn uống kém.
- Người lớn tuổi bị viêm phổi có thể có thân nhiệt thấp hơn bình thường, chóng mặt và lú lẫn.
Viêm phổi do virus có thể nhanh chóng tiến triển thành tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao như người có hệ miễn dịch suy yếu.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phổi do virus
Các biến chứng của bệnh viêm phổi do virus bao gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn đi kèm, dẫn đến áp xe, mủ màng phổi và/hoặc tràn dịch màng phổi.
- Nhiễm trùng huyết với suy đa cơ quan thứ phát.
- Suy hô hấp cấp tính.
- Suy tim mạch.
- Hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Viêm phổi do virus có thể rất nghiêm trọng đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Hãy đi khám bác sĩ ngay khi bạn có một hoặc nhiều dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm phổi. Hãy đi khám hoặc đến bệnh viện ngay nếu bạn có triệu chứng cảm cúm kèm theo:
- Lú lẫn;
- Thở nhanh;
- Huyết áp giảm;
- Khó thở;
- Sốt liên tục trên 39°C;
- Đau ngực.
Nguyên nhân gây viêm phổi do virus
Virus lây lan qua không khí theo nhiều cách. Ho, hắt hơi, hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm là các cách lây bệnh thường gặp. Một số virus có thể gây viêm phổi do virus bao gồm:
- Virus hợp bào hô hấp (RSV): Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do virus ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
- Rhinovirus: Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mọi lứa tuổi, mặc dù không thường gây viêm phổi do virus.
- Virus cúm A, B và C: Virus cúm A là nguyên nhân gây tử vong và bệnh thường gặp nhất trong số các loại viêm phổi do virus. Hai nhóm đáng lo ngại đặc biệt là cúm gia cầm (H5N1) và cúm heo (H1N1).
- Virus metapneumo người: Là một tác nhân virus mới nổi ngày càng được công nhận là nguyên nhân gây viêm phổi do virus và có liên quan đến dịch SARS.
- Parainfluenza virus type 1, 2, 3, 4: Thường gây bệnh giống viêm phổi theo mùa ở trẻ nhỏ, chủ yếu vào mùa xuân và mùa thu.
- Adenovirus: Thường gây viêm phổi ở người được ghép tạng đặc hoặc ghép tế bào tạo máu.
- Corona virus: Bao gồm các chủng gây COVID-19, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
- Varicella-zoster virus: Gây ra bệnh thủy đậu và zona, có thể gây viêm phổi nặng, đặc biệt ở phụ nữ mang thai chưa có miễn dịch, người lớn chưa từng mắc thủy đậu, và khá phổ biến ở người nhiễm HIV sau đợt bùng phát zona.
Những virus này có thể lây lan trong cộng đồng, bệnh viện và các cơ sở y tế khác.
Nguy cơ gây bệnh viêm phổi do virus
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do virus?
Ai cũng có nguy cơ nhiễm viêm phổi do virus vì bệnh lây lan qua không khí. Bạn có nguy cơ cao hơn nếu:
- Tuổi: Viêm phổi do virus phổ biến nhất ở trẻ rất nhỏ (dưới 2 tuổi) và người cao tuổi (trên 65 tuổi).
- Phụ nữ có thai: Viêm phổi do virus là vấn đề đáng lo ngại trong thai kỳ.
- Môi trường xung quanh: Làm việc hoặc sống trong môi trường bệnh viện hoặc viện dưỡng lão.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do virus
- Suy giảm miễn dịch: Bao gồm ung thư hoặc đang hóa trị (và/hoặc) xạ trị, điều trị bệnh bằng liệu pháp ức chế miễn dịch, cấy ghép nội tạng cần dùng thuốc ức chế miễn dịch, HIV, bệnh di truyền.
- Bệnh đi kèm: Gồm bỏng nặng, đái tháo đường không kiểm soát tốt, suy dinh dưỡng.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm phổi do virus
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi do virus
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và khám lâm sàng, cả tiền sử và khám có thể cung cấp cho bác sĩ thêm gợi ý chẩn đoán về nguyên nhân gây viêm phổi (do vi khuẩn so với virus). Bác sĩ sẽ nghe phổi để tìm các âm thanh bất thường khi bạn thở như giảm luồng khí, lạo xạo, khò khè.
Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm bổ sung như:
- X-quang ngực;
- Cấy đờm để kiểm tra dịch tiết từ phổi;
- Xét nghiệm dịch mũi để phát hiện virus;
- Công thức máu (CBC) để đánh giá tình trạng viêm;
- Khí máu động mạch;
- Chụp CT-scan ngực;
- Cấy máu;
- Nội soi phế quản (ít khi được chỉ định).

Phương pháp điều trị viêm phổi do virus hiệu quả
Bạn có nhiều khả năng cần phải nhập viện hơn nếu:
- Đã 65 tuổi hoặc lớn hơn;
- Là trẻ em;
- Không thể tự chăm sóc bản thân ở nhà, ăn hoặc uống;
- Có vấn đề y tế nghiêm trọng khác, chẳng hạn như bệnh tim hoặc thận;
- Đã dùng thuốc kháng sinh tại nhà và không thấy đỡ hơn;
- Có triệu chứng nghiêm trọng.
Tùy theo loại virus, bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus nếu phát hiện sớm. Thuốc kháng sinh không có tác dụng vì bệnh do virus gây ra.
- Ưu tiên hàng đầu của chăm sóc hỗ trợ là duy trì oxy khi cần thiết. Điều này có thể bao gồm sử dụng ống thông mũi, đường thở không xâm lấn hoặc thở máy.
- Ưu tiên thứ hai là duy trì đủ nước thông qua việc uống hoặc truyền dịch.
- Ưu tiên thứ ba là nghỉ ngơi và giảm nhu cầu oxy.
- Bác sĩ có thể kê thuốc giảm ho, nhưng chỉ nên dùng khi có chỉ định, vì ho giúp làm sạch phổi. Với đờm đặc, bác sĩ có thể kê thuốc long đờm.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm phổi do virus
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi do virus
Chế độ sinh hoạt:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Nghỉ ngơi để có thời gian hồi phục và tăng cường hệ miễn dịch. Tránh làm việc quá sức hay thức khuya.
- Bổ sung đủ nước giúp làm loãng đờm, dễ khạc ra và giữ cho niêm mạc hô hấp luôn ẩm, giảm kích thích ho.
- Tránh khói thuốc, bụi bẩn và các chất kích thích có thể làm nặng thêm triệu chứng hô hấp.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C, protein từ thịt, cá, trứng, sữa để tăng sức đề kháng.
- Tránh đồ ăn chiên rán, cay nóng hoặc quá nhiều đường.
Phương pháp phòng ngừa viêm phổi do virus hiệu quả
Đặc hiệu:
- Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi và vắc xin phòng thủy đậu.
- Tiêm vắc xin cúm phù hợp và dự phòng sau phơi nhiễm: CDC khuyến cáo mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin cúm hằng năm.

Không đặc hiệu:
Viêm phổi do virus có thể lây tương tự như cảm lạnh hoặc cúm. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên sau khi xì mũi, đi vệ sinh, thay tã cho em bé và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.
- Tránh tiếp xúc với những người bệnh khác.
- Không hút thuốc. Thuốc lá làm tổn hại đến khả năng chống lại nhiễm trùng của phổi.
- Nếu hệ miễn dịch của bạn yếu, hãy tránh xa đám đông. Yêu cầu du khách bị cảm đeo khẩu trang và rửa tay.
- Ăn uống đúng cách, ăn nhiều trái cây và rau quả.