Tìm hiểu chung về nhiễm trùng
Bệnh nhiễm trùng là các rối loạn gây ra bởi các sinh vật chẳng hạn như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng lên cơ thể người. Bệnh nhiễm trùng có thể lây lan trực tiếp hoặc gián tiếp từ người sang người, qua thực phẩm, nguồn nước bị ô nhiễm, qua vết đốt của côn trùng. Bình thường trên cơ thể con người vẫn có những quần thể vi sinh vật thường trú nhưng không gây bệnh thậm chí có lợi. Khi điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy yếu, tổn thương bề mặt cơ thể,... vi sinh vật nhân cơ hội phát triển và gây bệnh.
Triệu chứng nhiễm trùng
Những triệu chứng của nhiễm trùng
Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng phụ thuộc vào loại bệnh, vị trí bệnh, tác nhân gây bệnh,.... Các bệnh nhiễm trùng do nấm thường gây ra các triệu chứng cục bộ, như phát ban và ngứa. Tuy nhiên, các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn có thể có các triệu chứng ở nhiều vùng trên cơ thể.
Các triệu chứng toàn thân:
- Sốt;
- Ớn lạnh;
- Nghẹt mũi;
- Ho;
- Mệt mỏi;
- Đau nhức cơ và đau đầu;
Các triệu chứng tùy từng bộ phận bị bệnh:
- Các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn,...
- Các triệu chứng thần kinh như cổ gượng, co giật,...
- Các triệu chứng hô hấp như ho, khạc đàm xanh,
- Các triệu chứng tiết niệu như tiểu gắt buốt, tiểu máu,...
- Các triệu chứng da như vùng bệnh sưng, nóng, đỏ, có mủ,...
/nhiem_trung_1_e317c221ea.jpg)
Tác động của nhiễm trùng với sức khỏe
Nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc từ nhẹ và có thể tự khỏi như cúm mùa hoặc kéo dài nặng nề dẫn đến tử vong.
Biến chứng có thể gặp nhiễm trùng
Các biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của các bệnh nhiễm trùng khác nhau bao gồm:
Mất nước: Mất nước do sốt, nôn mửa, tiêu chảy,.. kéo dài.
Suy hô hấp: Biến chứng do các viêm nhiễm tại phổi.
Nhiễm trùng huyết: Nhiễm khuẩn huyết là một tình trạng cấp cứu nội khoa do ảnh hưởng nghiêm trọng của nhiễm trùng lên cơ thể, có thể dẫn đến suy da cơ quan, tử vong.
Ung thư gan: Viêm gan B, viêm gan C do virus viêm gan B,C có thể dẫn đến ung thư gan.
Ung thư cổ tử cung: Do virus papilloma ở người (HPV) gây nên.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi các biểu hiện trên kéo dài hoặc có xu hướng nặng lên, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng
Bệnh nhiễm trùng được gây ra bởi nhiều loại tác nhân xâm nhập vào cơ thể như:
Virus: Virus là một vi sinh vật có vật chất di truyền là một đoạn thông tin RNA bên trong một lớp vỏ bảo vệ (capsid). Virus nhỏ hơn nhiều so với tế bào cơ thể và không thể tự sinh sản độc lập. Chúng xâm nhập vào tế bào vật chủ và sử dụng bộ máy di truyền của tế bào vật chủ để tạo ra các bản sao của chính chúng. Virus gây ra nhiều bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh lý nghiêm trọng như AIDS. Các bệnh nhiễm trùng phổ biến do virus bao gồm cảm lạnh thông thường, cúm (influenza), COVID-19, viêm dạ dày ruột (stomach flu), viêm gan và virus hợp bào hô hấp (RSV).
Vi khuẩn: Vi khuẩn là các sinh vật đơn bào với vật chất di truyền là một đoạn DNA. Vi khuẩn có ở khắp mọi nơi, trên da kể cả bên trong cơ. Nhiều vi khuẩn vô hại hoặc thậm chí hữu ích nhưng một số vi khuẩn giải phóng độc tố gây bệnh. Các bệnh nhiễm trùng phổ biến do vi khuẩn bao gồm viêm họng liên cầu khuẩn, Salmonella, lao, ho gà (pertussis), Chlamydia, lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) khác, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), E. coli và Clostridioides difficile (C. diff),...
Nấm: Cũng giống như vi khuẩn có rất nhiều loại nấm khác nhau sống trên và trong cơ thể. Khi nấm phát triển quá mức hoặc khi nấm có hại xâm nhập vào cơ thể bạn qua miệng, mũi hoặc vết cắt trên da,... chúng có thể gây bệnh. Nấm gây ra nhiều bệnh về da, phổi hoặc hệ thần,.... Các bệnh nhiễm trùng phổ biến do nấm bao gồm nấm da (như nấm chân), nhiễm nấm móng, nhiễm nấm Candida âm đạo,....
Ký sinh trùng: Các ký sinh trùng sử dụng cơ thể của các sinh vật khác để sống và sinh sản. Các ký sinh trùng khác có thể lây truyền từ động vật sang người từ nguồn nước, thức ăn có chứa ấu trùng,... Ký sinh trùng đường ruột ở người có thể kể đến giardia, toxoplasma, giun móc và giun kim,...
/nhiem_trung_2_a9ad33202f.jpg)
Nguy cơ mắc phải nhiễm trùng
Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng?
Những người có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao hơn những đối tượng còn lại như:
- Những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu như những người đang điều trị ung thư, sống chung với HIV hoặc đang dùng một số loại thuốc.
- Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn trên 60 tuổi.
- Những người chưa được tiêm chủng ngừa các bệnh nhiễm trùng thông thường.
- Nhân viên y tế.
- Những người đi du lịch đến các khu vực nơi họ có thể tiếp xúc với muỗi mang mầm bệnh như sốt rét, virus dengue và virus Zika.
- Những người đang dùng steroid hoặc các loại thuốc khác như ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như thuốc chống thải ghép cho người ghép tạng.
- Những người có một số loại ung thư hoặc các rối loạn khác ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm trùng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng:
- Mắc một số bệnh nền như tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Các thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể như ống thông, van tim nhân tạo, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Làm việc trong môi trường có nhiều mầm bệnh (ví dụ: nhân viên y tế) hoặc sống trong khu vực có dịch bệnh.
- Vệ sinh kém như không rửa tay thường xuyên và đúng cách, vệ sinh môi trường sống kém,...
- Không tiêm chủng các mũi tiêm quan trọng trong lịch tiêm chủng được khuyến cáo.
- Du lịch đến các vùng có các bệnh nhiễm trùng khác nhau mà cơ thể chưa có miễn dịch.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm trùng
Để chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng các bác sĩ cần khai thác lịch sử bệnh, khám lâm sàng, đưa ra các cận lâm sàng cần thiết để xác định tác nhân gây bệnh:
Sinh hóa máu: Các chỉ số biểu hiện có sự nhiễm trùng CRP, Chỉ số bạch cầu tăng,... gợi ý tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể.
Xét nghiệm nước tiểu: Với sự hiện diện đạm và nitrit trong nước tiểu gợi ý tình trạng nhiễm trùng tiểu.
Soi hoặc cấy máu, dịch tiết từ vết thương: Cận lâm sàng này giúp nhìn thấy hoặc xác định danh tính tác nhân gây bệnh.
PCR: Phương pháp giúp định danh vi khuẩn bằng việc phóng đại bộ máy di truyền của tác nhân gây bệnh.
Kháng sinh đồ: Kháng sinh đồ giúp đánh giá độ nhạy với kháng sinh của các tác nhân gây bệnh, giúp bác sĩ điều trị cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Phương pháp điều trị nhiễm trùng
Nội khoa
Thuốc đặc hiệu được điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Loại kháng sinh phù hợp phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng.
- Hầu hết các bệnh nhiễm trùng do virus có thể được kiểm soát bằng các thuốc điều trị triệu chứng. Một số bệnh nhiễm trùng do virus cần có thuốc đặc trị như liệu pháp kháng virus cho HIV.
- Nhiễm trùng do nấm có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Bạn có thể dùng chúng bằng đường uống hoặc bôi chúng lên da ngay tại nơi bị nấm.
- Ký sinh trùng có thể được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng, chẳng hạn như mebendazole.
/nhiem_trung_3_41b21f37e6.jpg)
Ngoại khoa
Phẫu thuật có thể cần thiết trong một số trường hợp để xử lý các biến chứng nghiêm trọng của nhiễm trùng chẳng hạn như áp xe hoặc loại bỏ các mô bị nhiễm trùng nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm trùng
Chế độ sinh hoạt:
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của nhiễm trùng:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh răng miệng đều đặn để ngăn ngừa nhiễm trùng răng – nướu, một trong những cửa ngõ gây viêm nhiễm toàn thân.
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc.
- Ngủ đủ giấc và đúng giờ: Giấc ngủ chất lượng giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Thiếu ngủ kéo dài làm suy giảm chức năng bảo vệ của cơ thể trước tác nhân gây bệnh.
- Tập thể dục đều đặn: Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện chức năng hô hấp, tiêu hóa và nâng cao khả năng đề kháng tự nhiên.
- Tránh lạm dụng kháng sinh và tự ý dùng thuốc: Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định có thể dẫn đến kháng thuốc, làm cho nhiễm trùng khó điều trị hơn. Hãy tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ và không tự ý ngừng thuốc khi chưa đủ liều.
- Tiêm phòng đầy đủ: Tiêm vắc xin theo lịch khuyến cáo (ví dụ: cúm, viêm gan, uốn ván, viêm phổi...) giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân nhiễm trùng nguy hiểm và hạn chế diễn tiến bệnh.
- Quản lý căng thẳng: Stress kéo dài làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hãy duy trì trạng thái tinh thần tích cực thông qua thiền, yoga, các hoạt động thư giãn hoặc sở thích cá nhân.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi: Nguồn vitamin C, E, beta-carotene, flavonoid tự nhiên giúp trung hòa gốc tự do và hỗ trợ cơ thể chống lại tác nhân gây nhiễm.
- Bổ sung thực phẩm giàu kẽm, selen, sắt và vitamin D: Các vi chất này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch. Có thể tìm thấy trong hải sản, trứng, ngũ cốc nguyên cám, nấm, sữa và cá béo.
- Uống đủ nước: Nước giúp cơ thể đào thải độc tố, duy trì độ ẩm cho niêm mạc và hỗ trợ các quá trình trao đổi chất diễn ra trơn tru – đây là hàng rào bảo vệ đầu tiên chống lại vi khuẩn và virus.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo bão hòa: Chế độ ăn giàu đường và chất béo xấu có thể thúc đẩy phản ứng viêm, làm suy giảm hoạt động miễn dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển.
- Bổ sung lợi khuẩn (probiotic): Các loại sữa chua, kim chi, dưa cải hoặc thực phẩm bổ sung probiotic giúp duy trì cân bằng hệ vi sinh đường ruột – yếu tố then chốt trong việc kiểm soát nhiễm trùng đường tiêu hóa và tăng cường miễn dịch toàn thân.
Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng hiệu quả
Có nhiều cách đơn giản để giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và thậm chí ngăn ngừa hoàn toàn một số bệnh.
Đặc hiệu:
Tiêm ngừa là một biện pháp phổ biến và hiệu quả trong công tác phòng bệnh. Vắc xin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch của bạn nhận biết và chống lại các tác nhân gây bệnh có hại. Vắc xin có sẵn cho nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến bao gồm thủy đậu, COVID-19, bạch hầu, uốn ván và ho gà, viêm gan A, viêm gan B, HPV, cúm, sởi, quai bị và rubella, bại liệt, rotavirus, dại, zona và lao. CDC có các khuyến nghị cập nhật về tiêm chủng cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và những đối tượng du lịch đến vùng dịch tễ.
/nhiem_trung_4_aeb3572b76.jpg)
Không đặc hiệu:
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của nhiều bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt quan trọng trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Cố gắng không chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng, vì đó là con đường phổ biến để vi trùng xâm nhập vào cơ thể.
- Thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách rửa kỹ trái cây và rau quả, nấu chín kỹ thịt và gia cầm, không uống nước chưa được xử lý và sữa chưa tiệt trùng.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng cách sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay để che miệng và mũi giúp hạn chế bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp.
- Khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như trong nhà và nơi làm việc, khu vực vui chơi của trẻ.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh và không dùng chung đồ dùng cá nhân giúp phòng bệnh lý lây qua đường tiêu hóa như viêm gan, Hp,
- Tránh tiếp xúc với người khác khi bạn đang bị bệnh.
- Đeo khẩu trang khi bạn bị bệnh hoặc theo khuyến nghị của cơ quan y tế.
- Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục.
- Phòng tránh côn trùng đốt như sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo dài tay và quần dài, kiểm tra cơ thể để tìm ve sau khi ở trong rừng hoặc khu vực có cỏ cao.
- Thận trọng khi tiếp xúc với động vật như tránh bị cắn hoặc cào, và xử lý chất thải của động vật một cách cẩn thận