icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Viêm phế quản mãn tính ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ánh Vũ30/06/2025

Viêm phế quản mãn tính ở người già là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tình trạng này thường kéo dài, dễ tái phát và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...

Người cao tuổi là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm và thường sống chung với nhiều bệnh lý nền. Khi mắc viêm phế quản mãn tính, các biểu hiện có thể âm thầm nhưng kéo dài, khiến người bệnh dễ bỏ qua cho đến khi triệu chứng trở nặng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về viêm phế quản mãn tính ở người già, từ nguyên nhân, dấu hiệu đến hướng điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Tổng quan về viêm phế quản mãn tính ở người già

Viêm phế quản mãn tính ở người già là tình trạng viêm kéo dài ở lớp niêm mạc các ống phế quản - nơi có chức năng dẫn khí ra vào phổi. Đây là bệnh lý hô hấp thường gặp ở người cao tuổi, gây ra các triệu chứng điển hình như ho có đờm kéo dài, thở khò khè, khó thở, sốt nhẹ và mệt mỏi.

Viêm phế quản được chia thành hai thể là cấp tính và mãn tính. Ở người già, viêm phế quản cấp tính thường cải thiện trong khoảng 10 ngày nếu được điều trị đúng phác đồ. Trong khi đó, tình trạng viêm phế quản được xác định là mãn tính nếu kéo dài ít nhất 3 tháng trong một năm và lặp lại liên tục trong hai năm, đồng thời không xuất phát từ các nguyên nhân khác như lao phổi, giãn phế quản hay áp xe phổi.

Đặc biệt, viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi có thể tiến triển nặng hơn nếu người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc kèm các bệnh lý nền. Sự viêm nhiễm kéo dài làm tăng tiết đờm nhầy và gây hẹp lòng phế quản, từ đó làm cản trở hô hấp và tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm phế quản mãn tính ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 1
Viêm phế quản mãn tính ở người già là tình trạng viêm nhiễm kéo dài ở các ống phế quản

Diễn tiến qua các giai đoạn của viêm phế quản mãn tính ở người già

Viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi không diễn tiến đồng loạt mà phát triển qua ba giai đoạn rõ rệt, với mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe hô hấp nếu không được can thiệp kịp thời. Dưới đây là diễn tiến của bệnh viêm phế quản mãn tính ở người già qua các giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: Người bệnh thường ho và khạc đờm vào buổi sáng, các đợt ho xuất hiện theo chu kỳ và nặng hơn khi thời tiết thay đổi, đặc biệt lúc giao mùa. Mỗi đợt ho có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, gây mệt mỏi và khó chịu. Trung bình trong một năm, người bệnh có thể trải qua từ 5 đến 6 đợt như vậy.
  • Giai đoạn giữa: Tình trạng ho vẫn tiếp diễn nhưng kèm theo đờm có màu trắng, đặc hoặc lỏng, đôi khi có bọt. Khi bệnh kéo dài, đờm có thể chuyển sang màu vàng, biểu hiện tình trạng viêm đang nặng dần. Số lần ho tăng lên và thời gian mỗi đợt cũng kéo dài hơn, cho thấy bệnh không còn ở mức ổn định mà đang tiến triển.
  • Giai đoạn nặng: Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất khi người bệnh bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, nặng ngực, đặc biệt khi gắng sức. Tình trạng thiếu hụt oxy ngày càng rõ rệt, gây mệt mỏi, sút cân và ảnh hưởng đến các hệ cơ quan như tuần hoàn và thần kinh trung ương. Nếu không được điều trị phù hợp, chất lượng cuộc sống người bệnh sẽ giảm sút nghiêm trọng.

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm phế quản mãn tính ở người già

Viêm phế quản mãn tính là một bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, dễ bị bỏ qua trong giai đoạn đầu do triệu chứng không rõ ràng hoặc dễ nhầm với cảm lạnh thông thường. Việc nhận biết nguyên nhân và triệu chứng đặc trưng sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó có hướng điều trị hiệu quả và kịp thời. Cụ thể:

Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính ở người già

Có nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi. Cùng với sự suy giảm sức đề kháng do tuổi tác, cơ thể trở nên nhạy cảm hơn trước sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Tuổi cao, hệ miễn dịch yếu, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây viêm tấn công đường hô hấp.
  • Thói quen hút thuốc lá hoặc thuốc lào kéo dài nhiều năm.
  • Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi hoặc sử dụng nhiên liệu như than tổ ong, rơm rạ, củi đốt trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Cơ địa dị ứng hoặc mắc bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản tái phát nhiều lần.
  • Các dị dạng về cấu trúc như gù vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Viêm phế quản mãn tính ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 2
Thói quen hút thuốc lá là một nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính ở người già

Triệu chứng viêm phế quản mãn tính ở người già

Giai đoạn đầu của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cúm thông thường. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng cảm lạnh đã thuyên giảm nhưng cơn ho kéo dài liên tục, đó có thể là dấu hiệu của viêm phế quản mãn tính. Những biểu hiện thường gặp gồm:

  • Ho kéo dài, đôi khi không có đờm ở giai đoạn đầu, sau đó đờm tăng dần.
  • Thở khò khè, khó thở hoặc thở nhanh.
  • Đau ngực hoặc cảm giác nặng ngực khi ho.
  • Sốt nhẹ, ớn lạnh, cảm giác mệt mỏi toàn thân.
  • Đau họng, đau cơ, đau đầu, sổ mũi.
  • Có thể nôn khi ho quá mức, đặc biệt ở người lớn tuổi yếu sức.
  • Khó ăn, chán ăn do tình trạng thở kém.

Trong trường hợp các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên trầm trọng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến hệ hô hấp và toàn thân.

Viêm phế quản mãn tính ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 3
Ho kéo dài là triệu chứng điển hình của viêm phế quản mãn tính

Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phế quản mãn tính ở người già

Việc chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Dưới đây là quy trình chẩn đoán và các phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng trong thực hành lâm sàng:

Chẩn đoán viêm phế quản mãn tính ở người già

Chẩn đoán thường bắt đầu bằng khai thác triệu chứng điển hình như ho kéo dài và khạc đờm dai dẳng theo từng đợt hoặc liên tục. Dựa trên biểu hiện lâm sàng, bệnh viêm phế quản mãn tính được phân thành 3 thể chính:

  • Viêm phế quản mãn tính đơn thuần: Ho khạc đờm nhiều vào buổi sáng, đờm nhầy trong hoặc vàng đục khi có bội nhiễm, thường nặng lên vào mùa thu đông.
  • Viêm phế quản mãn tính tắc nghẽn: Khó thở, thở khò khè do lớp niêm mạc phế quản dày lên và tăng tiết đờm.
  • Viêm phế quản mãn tính nhầy mủ: Đờm đặc và mủ xuất hiện theo từng đợt hoặc liên tục, thường đi kèm các đợt bội nhiễm.

Để loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như lao phổi, hen suyễn, giãn phế quản hoặc ung thư phế quản, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang phổi. Hình ảnh X-quang có thể cho thấy:

  • Hội chứng phế quản: Thành phế quản dày, hình ảnh giống đường ray.
  • Hội chứng phế nang: Mô phổi tăng sáng.
  • Hội chứng mạch máu: Mạch máu trung tâm đậm, ngoại vi thưa thớt.

Phương pháp điều trị viêm phế quản mãn tính ở người già

Việc điều trị tập trung vào cải thiện triệu chứng, duy trì chức năng hô hấp và ngăn ngừa đợt cấp của bệnh:

  • Điều trị triệu chứng: Sử dụng thuốc giúp làm loãng đờm, giảm ho, cải thiện thông khí. Kháng sinh chỉ được dùng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn và phải theo chỉ định của bác sĩ.
  • Dùng thuốc hỗ trợ: Bao gồm thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản, corticosteroid chống viêm. Việc sử dụng thuốc cần cá thể hóa theo tình trạng bệnh của từng người.
  • Kết hợp phục hồi chức năng: Các bài tập thở và vận động nhẹ giúp cải thiện khả năng thông khí, tăng cường chức năng phổi và giảm tình trạng ứ đọng đờm. Đây là phần quan trọng trong điều trị lâu dài ở người cao tuổi.

Chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp không chỉ giúp người cao tuổi kiểm soát triệu chứng mà còn góp phần ngăn ngừa tiến triển nặng như suy hô hấp hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Viêm phế quản mãn tính ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 4
Thuốc kháng sinh được dùng để điều trị viêm phế quản mãn tính ở người già

Viêm phế quản mãn tính ở người già là bệnh lý hô hấp phổ biến, dễ bị xem nhẹ trong giai đoạn đầu nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, giai đoạn tiến triển và cách điều trị không chỉ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Chủ động thăm khám, tuân thủ hướng dẫn y tế và duy trì lối sống lành mạnh là chìa khóa giúp người già sống khỏe mạnh dù đang đối mặt với viêm phế quản mãn tính.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN