Tìm hiểu chung về hen suyễn
Hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản) là một bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ảnh hưởng đến phổi, khiến đường thở bị thu hẹp và sưng lên, thường đi kèm với việc sản xuất chất nhầy dư thừa gây khó thở. Bệnh lý này ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và là bệnh mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh có thể phát triển do sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền và môi trường với các đợt bùng phát thường được kích hoạt bởi các chất gây dị ứng, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá hoặc tập thể dục. Hen suyễn không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng các triệu chứng của nó có thể được kiểm soát hiệu quả bằng phương pháp điều trị phù hợp, cho phép người bệnh duy trì một cuộc sống bình thường, năng động.
Triệu chứng thường gặp của bệnh hen suyễn
Những triệu chứng của hen suyễn
Các triệu chứng hen suyễn có thể khác nhau ở mỗi người, có thể nhẹ hoặc nặng và thường xuất hiện không liên tục. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của hen suyễn bao gồm:
Thở khò khè: Một âm thanh the thé khi thở ra, đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Đôi khi có thể nghe thấy cả khi hít vào.
Ho: Ho dai dẳng đặc biệt là vào ban đêm. Đôi khi ho có thể là triệu chứng duy nhất của hen suyễn.
Khó thở: Cảm giác hụt hơi hoặc khó thở, đôi khi ngay cả khi nghỉ ngơi.
Nặng ngực hoặc đau ngực: Cảm giác bị thắt chặt hoặc đau ở ngực gây khó khăn khi hít thở sâu.
Các triệu chứng này có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc trong khi tập thể dục. Các dấu hiệu cho thấy hen suyễn có thể đang nặng hơn các triệu chứng xảy ra thường xuyên và khó chịu hơn, khó thở ngày càng tăng và cần sử dụng ống hít cắt cơn thường xuyên hơn. Đôi khi, các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn thông thường được gọi là cơn hen suyễn cấp tính.

Tác động của hen suyễn với sức khỏe
Hen suyễn có thể là một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động hàng ngày và thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị đúng cách. Hen suyễn thường bị chẩn đoán và điều trị dưới mức, đặc biệt ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Những người mắc hen suyễn không được điều trị đầy đủ có thể gặp các vấn đề như:
- Rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi và kém tập trung.
- Nghỉ học và nghỉ làm ảnh hưởng tài chính đến gia đình.
- Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể cần chăm sóc y tế khẩn cấp và phải nhập viện để điều trị và theo dõi.
Biến chứng có thể gặp hen suyễn
Các biến chứng của hen suyễn có thể liên quan đến bản thân bệnh hoặc do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị kéo dài. Các biến chứng liên quan đến hen suyễn bao gồm:
- Suy giảm chức năng phổi vĩnh viễn.
- Co thắt vĩnh viễn các ống phế quản ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.
- Trong những trường hợp nặng nhất, hen suyễn có thể dẫn đến tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn nghĩ mình bị hen suyễn hãy đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng như ho hoặc thở khò khè thường xuyên kéo dài hơn vài ngày hoặc bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào khác của hen suyễn. Khi được chẩn đoán bệnh bạn cũng đến đến khám bác sĩ định kỳ hàng tháng để được theo dõi và điều trị duy trì. Đặc biệt hơn khi triệu chứng hen suyễn của bạn trở nên tồi tệ hơn bạn nên đến đơn vị cấp cứu tại các cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng gợi ý bệnh diễn tiến nặng:
- Khó thở hoặc thở khò khè trở nên tồi tệ nhanh chóng.
- Không cải thiện ngay cả sau khi sử dụng ống hít cắt cơn.
- Khó thở ngay cả khi thực hiện các hoạt động thể chất tối thiểu.
- Cảm giác lo lắng hoặc hoảng loạn.
- Móng tay, môi có màu xanh lam (ở người da sáng) hoặc môi, nướu có màu xám hoặc trắng (ở người da sẫm).
- Đau hoặc nặng ngực.
Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn
Nguyên nhân chính xác tại sao một số người mắc hen suyễn còn chưa rõ ràng, nhưng khả năng cao là do sự kết hợp của các yếu tố môi trường và yếu tố di truyền. Hen suyễn phát triển thông qua một sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền và môi trường liên quan đến dị ứng.
Viêm nhiễm đường thở: Viêm và co thắt cơ xung quanh đường thở làm cho việc thở trở nên khó khăn hơn.
Tế bào viêm: Sự kích hoạt của tế bào mast bởi các cytokine và các chất trung gian khác đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của hen suyễn lâm sàng.
Tắc nghẽn đường thở: Sự thu hẹp lòng đường thở là do sự co thắt của cơ trơn đường thở, sự dày lên của thành đường thở (do phù nề, chất nhầy) và sự tái cấu trúc đường thở gây bệnh.
Tái cấu trúc đường thở: Đây là một quá trình liên quan đến sự dày lên của màng đáy, lắng đọng collagen và bong tróc các tế bào biểu mô dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược trong đường thở. Quá trình này làm tăng khối lượng cơ trơn đường thở, góp phần gây ra các triệu chứng hen suyễn.
Rối loạn chuyển hóa axit arachidonic: Trong bệnh đường hô hấp trầm trọng do aspirin (AERD), sự chuyển hóa axit arachidonic bị rối loạn dẫn đến giảm sản xuất PGE2 và mất kiểm soát sản xuất leukotriene.
Hen suyễn do nghề nghiệp: Có hai loại hen suyễn do nghề nghiệp:
- Loại do chất gây mẫn cảm tại nơi làm việc và bệnh là kết quả của quá trình dị ứng hoặc miễn dịch.
- Loại do chất kích ứng, liên quan đến quá trình không dị ứng hoặc không miễn dịch do khí, khói,...

Nguy cơ mắc phải hen suyễn
Những ai có nguy cơ mắc phải hen suyễn?
Hen suyễn phổ biến hơn ở nữ giới (người lớn) và nam giới (dưới 18 tuổi). Tỷ lệ mắc hen suyễn cũng cao hơn đáng kể ở người da đen (10.1%) so với người da trắng (8.1%) ở Hoa Kỳ và đặc biệt cao ở người Puerto Rico (12.8%). Các nhóm thiểu số và những người sống dưới mức nghèo khổ cũng có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do hen suyễn cao nhất.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hen suyễn
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ diễn nặng của hen suyễn bao gồm:
Di truyền: Hen suyễn có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu các thành viên khác trong gia đình cũng mắc bệnh hen suyễn đặc biệt là người thân trực hệ như cha mẹ hoặc anh chị em ruột.
Tình trạng dị ứng khác: Những người có các tình trạng dị ứng khác như chàm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm da dị ứng có nhiều khả năng mắc hen suyễn hơn.
Cân nặng: Trẻ em và người lớn thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc hen suyễn cao hơn.
Tiếp xúc với thuốc lá: Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố môi trường và nghề nghiệp: Tiếp xúc với khí thải xe cộ hoặc các loại ô nhiễm khác hoặc tiếp xúc với các chất gây kích ứng nghề nghiệp như hóa chất trong nông nghiệp, làm tóc và sản xuất.
Các sự kiện trong giai đoạn đầu đời: Ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi và có thể làm tăng nguy cơ hen suyễn. Bao gồm sinh nhẹ cân, sinh non (đặc biệt trước 36 tuần), tiếp xúc với khói thuốc lá và các nguồn ô nhiễm không khí khác, cũng như nhiễm trùng hô hấp do virus (virus hợp bào hô hấp (RSV) và rhinovirus).
Dị nguyên trong không khí: Phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc, vảy da thú cưng hoặc phân của gián.
Nhiễm trùng đường hô hấp: Như cảm lạnh thông thường hoặc cúm.
Hoạt động thể chất: Gây ra hen suyễn khi tập thể dục (còn gọi là co thắt phế quản do tập thể dục). Tình trạng này có thể tồi tệ hơn khi không khí lạnh và thay đổi thời tiết.
Thời tiết: Triệu chứng có thể tồi tệ hơn khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị hen suyễn
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hen suyễn
Để chẩn đoán hen suyễn, các bác sĩ sẽ kết hợp đánh giá tiền sử bệnh, khám thực thể và thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt.
Tiền sử và khám thực thể: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng (như ho, khò khè, khó thở, đau ngực), thời gian xuất hiện, yếu tố kích hoạt và tiền sử gia đình có người mắc hen suyễn hoặc các bệnh dị ứng khác. Khi khám, bác sĩ có thể nghe thấy tiếng khò khè đặc trưng, các dấu hiệu khác có thể gợi ý hen suyễn nặng bao gồm thở nhanh, tim đập nhanh, thì thở ra kéo dài, giảm lưu lượng khí thở,...
Hô hấp ký: Đây là xét nghiệm chẩn đoán chính để xác định tắc nghẽn đường thở có thể thay đổi phân biệt với bệnh COPD có sự tắt nghẽn đường thở không hồi phục. Xét nghiệm này đo lượng khí bạn có thể thở ra trong một giây (FEV1) và tổng lượng khí thở ra sau khi hít sâu tối đa (FVC). Hen suyễn thường biểu hiện bằng kiểu tắc nghẽn với tỷ lệ FEV1/FVC giảm và có sự cải thiện đáng kể (tăng FEV1 hoặc FVC hơn 10% giá trị dự đoán hoặc tăng FEV1 từ 12% hoặc 200 mL trở lên) sau khi dùng thuốc giãn phế quản.
Đo oxy hóa máu: Giúp đánh giá mức độ nặng của cơn hen và theo dõi sự xấu đi của bệnh. Tuy nhiên, giảm nồng độ oxy là dấu hiệu muộn, cho thấy bệnh nhân đang rất nặng.
Một số xét nghiệm có thể được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán hoặc loại trừ các tình trạng khác:
- Công thức máu toàn bộ đánh giá mức độ bạch cầu ái toan và thiếu máu.
- Mức alpha-1 antitrypsin huyết thanh để loại trừ khí phế thũng do thiếu hụt alpha-1 antitrypsin ở bệnh nhân không hút thuốc.
- Xét nghiệm dị ứng nếu nghi ngờ các yếu tố kích hoạt cụ thể.
X-quang ngực: Thường bình thường ở bệnh nhân hen suyễn. Trong các đợt cấp tính, có thể thấy các dấu hiệu bất thường như phổi nở quá mức, tràn khí trung thất và dày thành phế quản. X quang được khuyến nghị cho bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên có hen suyễn khởi phát mới, biểu hiện từ vừa đến nặng hoặc có các triệu chứng khó kiểm soát, sốt, ho đờm mạn tính, thở khò khè khu trú, ho ra máu, sụt cân, ngón tay dùi trống, giảm oxy máu đáng kể hoặc tắc nghẽn đường thở không hồi phục với thuốc giãn phế quản.
Phương pháp điều trị hen suyễn
Hen suyễn không thể chữa khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị sẵn có để kiểm soát bệnh và giúp người bệnh có cuộc sống bình thường, năng động. Mục tiêu chính của điều trị là kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các đợt cấp.
Nội khoa
Các phương pháp điều trị nội khoa là chủ yếu và tập trung vào việc giảm viêm và mở rộng đường thở.
Thuốc hít: Là phương pháp điều trị phổ biến nhất giúp đưa thuốc trực tiếp vào phổi.
- Thuốc giãn phế quản: Ví dụ như salbutamol làm giãn cơ trơn đường thở và giảm triệu chứng nhanh chóng. Chúng được dùng để cắt cơn hen suyễn cấp tính và cũng có thể được sử dụng hàng ngày cho các dạng hen suyễn mạn tính hoặc không liên tục.
- Steroid: Ví dụ như beclometasone, budesonide,... có tác dụng giảm viêm trong đường thở, cải thiện triệu chứng hen suyễn và giảm nguy cơ các cơn hen nặng và tử vong. Nhiều bệnh nhân cần sử dụng thuốc hít steroid hàng ngày.
- Thuốc hít kết hợp: Một số thuốc hít kết hợp corticosteroid hít liều thấp với formoterol (một loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài - LABA) được khuyến nghị cho các triệu chứng hen suyễn.
- Buồng đệm: Sử dụng buồng đệm giúp việc sử dụng thuốc hít dạng xịt dễ dàng hơn, đặc biệt đối với trẻ em và trong trường hợp khẩn cấp giúp thuốc đến phổi hiệu quả hơn. Buồng đệm tự chế từ chai nhựa 500ml cũng có thể hiệu quả như các sản phẩm thương mại.
- Các loại thuốc hít khác bao gồm thuốc hít bột khô (DPI) và thuốc hít dạng sương mềm (SMI).

Thuốc uống: Một số loại thuốc uống có thể được kê đơn để kiểm soát triệu chứng như montelukast.
Liệu pháp sinh học: Được sử dụng cho hen suyễn nặng khi các triệu chứng vẫn dai dẳng mặc dù đã dùng thuốc hít đúng cách. Các liệu pháp này nhắm mục tiêu vào các phân tử cụ thể trong hệ miễn dịch:
Kháng thể đơn dòng kháng IgE: Có thể hữu ích cho những người vẫn bị kiểm soát không đầy đủ và có tiền sử nhạy cảm với dị ứng quanh năm với mức IgE trong khoảng 30 đến 700 IU/mL.
Kháng thể đơn dòng kháng IL-5: Dùng cho hen suyễn nặng có tăng bạch cầu ái toan.
Ngoại khoa
Không có phương pháp điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) trực tiếp cho bệnh hen suyễn. Việc điều trị hen suyễn chủ yếu tập trung vào nội khoa và quản lý bệnh thông qua thuốc và thay đổi lối sống.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa hen suyễn
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của hen suyễn
Chế độ dinh dưỡng
Tránh các chất gây dị ứng và kích ứng trong thực phẩm: Một số người có thể bị kích ứng như chất bảo quản trong thực phẩm và đồ uống, một số loại thực phẩm tôm, trái cây, bia và rượu.
Chế độ ăn của mẹ khi mang thai: Có thể ảnh hưởng đến nguy cơ hen suyễn ở trẻ. Chế độ ăn thiếu vitamin D hoặc giàu axit béo không bão hòa omega-6 có thể làm tăng nguy cơ, trong khi vitamin E, C và kẽm có thể có tác dụng bảo vệ.
Chế độ sinh hoạt
Quản lý hen suyễn hiệu quả đòi hỏi sự tự giác và tuân thủ các thói quen sinh hoạt lành mạnh:
- Luôn mang theo ống hít bên mình.
- Sử dụng thuốc hít theo đúng khuyến nghị của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên: Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tập thể dục an toàn nếu tập thể dục gây khởi phát triệu chứng hen suyễn của bạn.
- Khám theo dõi định kỳ mỗi 1 đến 6 tháng để đảm bảo kiểm soát triệu chứng đầy đủ.
- Giảm tiếp xúc với khói thuốc lá kể cả hút thuốc và tránh khói thuốc lá thụ động.
Phương pháp phòng ngừa hen suyễn hiệu quả
Đặc hiệu
Tiêm vắc xin cúm và viêm phổi đầy đủ có thể ngăn ngừa các bệnh này gây bùng phát hen suyễn.
Không đặc hiệu
Mặc dù không có cách nào để ngăn ngừa hen suyễn hoàn toàn nhưng các chiến lược phòng ngừa tập trung vào việc ngăn ngừa các cơn hen và quản lý bệnh hiệu quả.
Giáo dục bệnh nhân: Bệnh nhân và gia đình cần được giáo dục để hiểu rõ hơn về bệnh hen suyễn gồm các lựa chọn điều trị, yếu tố kích hoạt cần tránh và cách quản lý triệu chứng tại nhà.
Kế hoạch hành động hen suyễn: Kế hoạch này hướng dẫn cách tăng cường điều trị khi triệu chứng xấu đi để tránh một cơn hen nặng.
Theo dõi thường xuyên: Theo dõi thường xuyên các triệu chứng và chức năng phổi.
Tuân thủ điều trị: Việc tuân thủ phác đồ thuốc và kỹ thuật sử dụng ống hít đúng cách là rất quan trọng trong phòng ngừa bệnh tái phát.
Nhận biết sớm và xử lý nhanh: Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sớm của một cơn hen và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời khi cần thiết.
Giảm tiếp xúc với khói thuốc lá: Đặc biệt quan trọng cho cả việc phòng ngừa hen suyễn nguyên phát (trước khi mắc bệnh) và quản lý bệnh.
Kiểm soát các yếu tố môi trường: Giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng và kích ứng môi trường như mạt bụi nhà, nấm mốc, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời và tiếp xúc nghề nghiệp với hóa chất, khói hoặc bụi.
