Hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính của đường hô hấp, khiến các ống phế quản bị thu hẹp và co thắt khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích như dị ứng, không khí lạnh, khói bụi, vận động mạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc trưng của bệnh là các cơn khó thở, thở khò khè, ho và tức ngực tái phát. Việc nhận biết triệu chứng hen suyễn là bước quan trọng giúp người bệnh chủ động điều trị sớm, phòng tránh những cơn hen cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Hiểu về bệnh hen suyễn
Hen suyễn, hay còn gọi là hen phế quản, là một bệnh lý viêm mãn tính ở đường hô hấp. Tình trạng này xảy ra khi đường thở bị viêm, sưng tấy, tiết nhiều dịch nhầy và co thắt lại khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích. Những thay đổi này khiến luồng không khí khó lưu thông vào phổi, gây ra tình trạng thiếu oxy và khó thở. Người mắc hen thường có các biểu hiện như: Ho, tức ngực, cảm giác bị đè nén ở lồng ngực, khó thở, thở khò khè...
Hiện nay, chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh hen suyễn. Việc điều trị chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát bệnh và giảm tần suất tái phát. Do đó, người bệnh cần được theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ bởi bác sĩ để duy trì hiệu quả điều trị.

Dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn
Triệu chứng điển hình gồm: Khó thở, thở khò khè, ho, tức ngực, xuất hiện tái diễn hoặc khi gặp yếu tố kích thích.
Cơn hen điển hình
Đây là biểu hiện thường thấy ở người bị hen phế quản. Cơn hen xuất hiện với triệu chứng khó thở tiến triển chậm, kèm theo tiếng khò khè, hay gặp vào ban đêm hoặc khi thời tiết thay đổi.
Một số dấu hiệu kèm theo như hắt hơi, chảy nước mũi, đau tức ngực, ho khan, khó thở khi thở ra. Trường hợp nặng, người bệnh phải ngồi chống tay, há miệng để thở. Cơn hen có thể xảy ra đột ngột hoặc kéo dài liên tục. Về cuối cơn, cảm giác khó thở giảm dần và có thể ho khạc ra đờm trong, dính.
Các triệu chứng hen suyễn không điển hình có thể gặp
- Ho kéo dài, đặc biệt tăng về đêm.
- Khó thở.
- Cảm giác nặng ngực, tức ngực hoặc đau ngực.
- Thở khò khè, đây là biểu hiện khá phổ biến ở trẻ em bị hen.
- Khó thở dẫn đến khó ngủ, kèm theo ho hoặc khò khè.
Các triệu chứng này có thể trở nặng khi nhiễm vi rút đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh.

Những dấu hiệu hen suyễn cho thấy tình trạng đang xấu đi
- Các triệu chứng hen tái phát thường xuyên và gây khó chịu hơn.
- Mức độ khó thở tăng lên, có thể được ghi nhận bằng thiết bị đo chức năng phổi như máy đo lưu lượng đỉnh.
- Cần sử dụng thuốc cắt cơn thường xuyên hơn.
Một số trường hợp có thể bùng phát biểu hiện của hen suyễn
- Hen suyễn do gắng sức: Thường xảy ra khi vận động thể chất như chơi thể thao, và có xu hướng nghiêm trọng hơn nếu trời lạnh và khô.
- Hen suyễn nghề nghiệp: Xuất hiện do tiếp xúc với các chất kích thích tại nơi làm việc như khói, bụi, hóa chất.
- Hen suyễn do dị ứng: Kích hoạt bởi các tác nhân trong không khí như phấn hoa, bào tử nấm mốc, chất thải của gián, lông và nước bọt của vật nuôi.

Ai dễ mắc bệnh hen suyễn?
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân gây hen suyễn, cách xử lý khi lên cơn hen hoặc cách kiểm soát triệu chứng khó thở, điều quan trọng là xác định được những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp phổ biến, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao hơn, bao gồm:
- Người có cơ địa dị ứng.
- Trẻ nhỏ thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát.
- Trẻ có cha hoặc mẹ từng mắc hen suyễn.
- Người sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, hoặc khói thuốc lá.
- Người bị thừa cân hoặc béo phì.
- Người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng ngoài da hoặc bệnh lý dị ứng đường hô hấp...

Tác nhân gây cơn hen suyễn thường gặp
Triệu chứng hen suyễn có thể bùng phát bất ngờ do nhiều yếu tố khác nhau. Hiểu rõ nguyên nhân hen suyễn sẽ giúp người bệnh kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả hơn. Dưới đây là các tác nhân phổ biến có thể làm khởi phát cơn hen.
- Khói thuốc lá: Khói thuốc, kể cả khói thuốc thụ động, có thể kích thích đường hô hấp và gây cơn hen.
- Mạt bụi: Mạt bụi là loại vi sinh vật nhỏ, thường sống trong gối, chăn, nệm. Cần vệ sinh kỹ và tránh dùng đồ có lông vũ.
- Ô nhiễm không khí: Khói bụi từ xe cộ, nhà máy… làm tăng nguy cơ lên cơn hen. Nên theo dõi chất lượng không khí mỗi ngày.
- Dị ứng với gián: Phân gián có thể gây dị ứng. Cần giữ vệ sinh nhà cửa và dùng bẫy để kiểm soát số lượng gián.
- Thú nuôi: Lông và vảy da thú nuôi có thể gây kích ứng. Nên hút bụi và vệ sinh nhà thường xuyên.
- Nấm mốc: Môi trường ẩm dễ sinh nấm mốc, là một yếu tố gây hen. Nên dùng máy hút ẩm và sửa chỗ rò rỉ nước.
- Khói đốt: Loại khói này chứa nhiều chất kích ứng đường hô hấp, dễ gây hen suyễn.
- Nguyên nhân khác: Cảm lạnh, viêm xoang, hóa chất, trào ngược dạ dày, không khí lạnh, stress, thực phẩm có chất bảo quản, mùi thơm… đều có thể là yếu tố gây cơn hen.

Triệu chứng hen suyễn có thể khởi phát âm thầm nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời. Việc lắng nghe cơ thể, nhận diện sớm các dấu hiệu hen suyễn, biểu hiện của hen suyễn và chủ động khám – điều trị – tiêm phòng là cách tốt nhất để kiểm soát bệnh. Hãy bảo vệ sức khỏe hô hấp của chính bạn và gia đình ngay từ hôm nay.
Để bảo vệ bản thân và người thân trước nguy cơ các bệnh hô hấp, đặc biệt là những người mắc hen suyễn, việc tiêm chủng đầy đủ là giải pháp thiết thực. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu mang đến các gói tiêm phòng toàn diện, an toàn, được tư vấn bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao. Hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, quy trình tiêm nhanh chóng, thân thiện giúp khách hàng yên tâm tuyệt đối. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe hô hấp bằng cách lựa chọn tiêm chủng định kỳ tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu.