Tìm hiểu chung về ho khan
Ho là một phản xạ tự nhiên giúp làm sạch đường thở khỏi các chất kích thích từ bên ngoài và chất nhầy.
Ho khan là cảm giác ngứa rát trong cổ họng hoặc đường hô hấp, không tạo ra đờm hay chất nhầy khi ho. Vì không có chất nhầy làm tắc nghẽn phổi hoặc đường thở, nên khi ho, không có gì được tống ra ngoài.
Ho là cách cơ thể làm sạch phổi và đường hô hấp khỏi các chất kích thích và tác nhân lạ có thể gây bệnh (như virus và vi khuẩn). Bạn thường bị ho khan khi đường thở bị viêm hoặc có thứ gì đó kích thích chúng. Ngược lại, ho có đờm thường xảy ra khi bạn bị nhiễm trùng, khiến cơ thể sản sinh nhiều chất nhầy để đào thải nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Đôi khi, ho khan có thể đi kèm với các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường hô hấp hoặc gây cảm giác tức ngực do ho quá nhiều.
Ho khan kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của bạn, đặc biệt nếu điều này làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm.
Triệu chứng ho khan
Những dấu hiệu và triệu chứng của ho khan
Ho khan là tình trạng ho không có đờm hoặc chất nhầy, thường gây cảm giác ngứa rát hoặc kích thích trong cổ họng. Một số triệu chứng đi kèm có thể bao gồm:
- Cảm giác ngứa ở cổ họng;
- Ho kéo dài, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi nằm xuống;
- Khàn giọng hoặc mất giọng do ho liên tục;
- Đau rát họng;
- Cảm giác có vật mắc kẹt trong cổ họng;
- Đau ngực hoặc tức ngực nếu ho kéo dài hoặc dữ dội;
- Mệt mỏi, khó chịu do ho liên tục làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
/ho_khan_4_e5a527f16f.jpg)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Những người bị ho khan ngày càng nặng hơn, không thuyên giảm hoặc bắt đầu ho ra máu hoặc đờm màu xanh nên đi khám bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng cần đi khám ngay nếu ho khan đi kèm với các triệu chứng sau:
- Thở khò khè;
- Cảm giác có vật mắc kẹt trong cổ họng;
- Khó thở hoặc hụt hơi;
- Khó nuốt;
- Ho ra máu;
- Mệt mỏi;
- Sốt cao và ớn lạnh;
- Đau ngực không rõ nguyên nhân;
- Thở khò khè.
Nếu ho kéo dài hơn 8 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang mắc bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị.
Nguyên nhân gây ho khan
Hen suyễn
Hen suyễn là một tình trạng trong đó đường thở bị viêm và thu hẹp lại. Ho do hen suyễn có thể có đờm hoặc không có đờm, nhưng thường là ho khan. Ho là một triệu chứng phổ biến của hen suyễn, nhưng không phải lúc nào cũng là triệu chứng chính. Tuy nhiên, bạn có thể mắc một dạng hen suyễn đặc biệt gọi là hen suyễn thể ho.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một dạng trào ngược acid mạn tính. Nó xảy ra khi acid dạ dày thường xuyên trào ngược vào thực quản – ống nối từ miệng xuống dạ dày. Acid dạ dày có thể kích thích thực quản và kích hoạt phản xạ ho của bạn.
/ho_khan_5_f252ee209b.jpg)
Chảy dịch mũi sau
Khi bạn bị cảm lạnh hoặc dị ứng theo mùa, màng nhầy trong mũi sẽ phản ứng bằng cách sản xuất nhiều chất nhầy hơn bình thường. Chất nhầy này thường loãng và chảy nhiều hơn bình thường, vì vậy nó có thể chảy xuống phía sau cổ họng. Chảy dịch mũi sau có thể kích thích dây thần kinh ở cổ họng, gây ra ho.
Nhiễm virus
Khi bạn mắc một trong nhiều loại virus gây cảm lạnh, các triệu chứng thường kéo dài chưa đến một tuần. Tuy nhiên, không có gì lạ khi cơn ho kéo dài ngay cả sau khi các triệu chứng khác đã thuyên giảm.
Những cơn ho sau cảm lạnh này thường là ho khan và có thể kéo dài đến 2 tháng. Nguyên nhân chính là do đường thở bị kích ứng và trở nên nhạy cảm hơn sau khi bị nhiễm virus.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Nhiễm trùng đường hô hấp trên là tình trạng nhiễm virus hoặc vi khuẩn ở mũi, họng, hầu họng, thanh quản và phế quản. Cảm cúm là một ví dụ về nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Ngoài cảm cúm, các nhiễm trùng đường hô hấp trên khác bao gồm viêm xoang và viêm họng.
Dị ứng
Khi hệ miễn dịch của bạn nhầm lẫn một chất vô hại, chẳng hạn như phấn hoa, là một mối nguy hiểm, nó sẽ phản ứng bằng cách tấn công chất đó. Điều này gây ra các triệu chứng dị ứng, bao gồm cả ho.
Dị ứng theo mùa, còn được gọi là sốt cỏ khô hoặc viêm mũi dị ứng, thường do phấn hoa thực vật gây ra.
Nguyên nhân ít phổ biến
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ho khan bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển;
- Xẹp phổi;
- Ung thư phổi;
- Suy tim;
- Xơ phổi vô căn.
Nguy cơ mắc phải ho khan
Những ai có nguy cơ mắc phải ho khan?
Những người có nguy cơ mắc phải ho khan là:
- Người có cơ địa dị ứng hoặc mắc bệnh hen suyễn sẽ dễ bị kích thích đường hô hấp, dẫn đến tình trạng ho khan kéo dài.
- Acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây kích thích cổ họng của bạn, dẫn đến ho khan kéo dài, nhất là vào ban đêm.
- Người dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, như người cao tuổi, trẻ nhỏ, hoặc người có bệnh lý nền như đái tháo đường, ung thư, HIV/AIDS.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ho khan
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ho khan là:
- Hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thụ động có thể gây kích ứng cổ họng và phổi, làm tăng nguy cơ ho khan.
- Người làm việc trong môi trường có bụi bẩn, hóa chất, khói, hoặc ô nhiễm không khí có thể bị kích ứng đường hô hấp, dẫn đến ho khan kéo dài.
- Một số loại thuốc điều trị huyết áp, đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển có thể gây tác dụng phụ là ho khan.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị ho khan
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm ho khan
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ho khan, bác sĩ thường bắt đầu bằng cách hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. Sau đó, sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm:
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang hoặc CT-scan ngực giúp tạo hình ảnh bên trong lồng ngực, cho phép bác sĩ kiểm tra xem có vấn đề nào bất thường hay không.
- Đo chức năng hô hấp (Spirometry): Người bệnh sẽ thở vào một thiết bị nhựa để kiểm tra chức năng phổi. Bác sĩ sử dụng phương pháp này để chẩn đoán các bệnh như hen suyễn hoặc xơ phổi vô căn.
- Nội soi tiêu hóa trên: Một ống dài, mỏng có gắn camera và đèn ở đầu được đưa qua miệng xuống cổ họng để kiểm tra bên trong thực quản, dạ dày và một phần ruột non.
- Nội soi phế quản: Bác sĩ đưa một ống qua miệng để kiểm tra khí quản và đường hô hấp.
/ho_khan_6_d4e48c5ab8.jpg)
Phương pháp điều trị ho khan hiệu quả
Việc điều trị ho khan phụ thuộc vào nguyên nhân gây ho. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn.
- Thuốc giảm ho: Các loại thuốc như dextromethorphan có thể giúp ức chế phản xạ ho.
- Thuốc kháng histamin: Nếu ho khan do dị ứng, thuốc kháng histamin như loratadine hoặc cetirizine có thể giúp giảm triệu chứng.
- Thuốc giãn phế quản: Nếu ho liên quan đến hen suyễn hoặc COPD, bác sĩ có thể kê thuốc giãn phế quản để mở đường thở.
- Thuốc ức chế acid: Nếu ho khan do trào ngược dạ dày (GERD), các thuốc như omeprazole có thể giúp kiểm soát triệu chứng.
- Kháng sinh: Nếu ho do nhiễm khuẩn (viêm phổi, viêm phế quản do vi khuẩn), bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh cho bạn.
Ngoài ra bạn có thể áp dụng tại nhà một số cách giúp giảm tình trạng ho khan:
- Uống nhiều nước: Giữ cổ họng ẩm để làm dịu cảm giác ngứa rát.
- Mật ong: Uống một muỗng mật ong hoặc pha với nước ấm giúp làm dịu cổ họng và giảm ho.
- Xông hơi: Hít hơi nước từ nước nóng giúp làm dịu đường thở và giảm ho.
- Nước muối sinh lý: Súc miệng bằng nước muối ấm giúp giảm kích thích cổ họng.
- Gừng, chanh, cam thảo: Trà gừng hoặc chanh mật ong giúp làm dịu cổ họng và giảm tình trạng ho.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa ho khan
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ho khan
Chế độ sinh hoạt:
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, hóa chất hoặc mùi hương mạnh.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để tránh làm cổ họng bị kích thích.
- Tránh khói thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh hô hấp.
- Giữ ấm cơ thể nhất là vào mùa lạnh.
/ho_khan_7_90473dcadb.jpg)
Chế độ dinh dưỡng:
- Bổ sung vitamin C như cam, bưởi, kiwi giúp tăng sức đề kháng.
- Nếu ho do trào ngược dạ dày (GERD), tránh ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn.
- Hạn chế đồ lạnh, cay nóng gây kích ứng cổ họng.
Phương pháp phòng ngừa ho khan hiệu quả
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa ho khan. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh gây ho khan như:
- Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí càng nhiều càng tốt.
- Uống đủ nước để giữ ẩm cho cổ họng.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí trong nhà.
- Tránh các tác nhân gây kích thích hen suyễn nếu bạn có tiền sử bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh để tránh lây nhiễm.
- Thực hành rửa tay thường xuyên để bảo vệ sức khỏe.