Tìm hiểu chung về bệnh viêm xoang
Xoang là bốn cặp khoang nằm trong hộp sọ. Các xoang được nối với nhau qua các ống dẫn hẹp. Chúng tiết ra chất nhầy (dịch mũi) để dẫn lưu qua các ống này ra ngoài mũi. Chất nhầy giúp làm sạch mũi và loại bỏ vi khuẩn, chất gây dị ứng và các mầm bệnh khác.
Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng lớp niêm mạc lót bên trong các xoang. Xoang là các cấu trúc nằm trong khuôn mặt, bình thường sẽ chứa đầy không khí. Khi xảy ra các nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và dị ứng sẽ gây kích ứng các xoang, khiến chúng bị tắc nghẽn và chứa đầy dịch. Điều này có thể gây ra cảm giác áp lực và đau ở mặt, nghẹt mũi và các triệu chứng khác.
Viêm xoang được phân loại gồm:
- Viêm xoang cấp tính: Các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy dịch mũi, đau lực vùng mặt và giảm khứu giác kéo dài dưới 4 tuần. Thường do virus như cảm lạnh gây ra.
- Viêm xoang bán cấp: Các triệu chứng trên kéo dài từ 4 đến 12 tuần.
- Viêm xoang mạn tính: Các triệu chứng trên kéo dài ít nhất 12 tuần. Nguyên nhân thường do vi khuẩn.
- Viêm xoang cấp tái phát: Các triệu chứng xuất hiện lại từ 4 lần trở lên trong một năm, mỗi đợt kéo dài dưới 2 tuần.
Triệu chứng bệnh viêm xoang
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang
Các triệu chứng phổ biến của viêm xoang bao gồm:
- Chảy dịch mũi sau (dịch nhầy chảy xuống họng).
- Sổ mũi với dịch đặc màu vàng hoặc xanh lá.
- Nghẹt mũi.
- Cảm giác nặng hoặc áp lực vùng mặt (đặc biệt quanh mũi, mắt và trán), có thể nặng hơn khi bạn cúi đầu hoặc xoay đầu.
- Đau hoặc cảm giác áp lực ở răng.
- Áp lực hoặc đau tai.
- Sốt.
- Hơi thở hôi hoặc có vị khó chịu trong miệng.
- Ho.
- Đau đầu.
- Cảm giác mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm xoang
Viêm xoang cấp tính thường không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm xoang nặng hoặc có hệ miễn dịch yếu, bạn có thể cần nhập viện. Viêm xoang do nhiễm nấm cũng có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có thể có các triệu chứng ban đầu giống như viêm xoang. Biến chứng nghiêm trọng do viêm xoang là rất hiếm, các biến chứng này bao gồm:
- Áp xe, là một khối mủ trong xoang.
- Viêm tủy xương: Nhiễm trùng xoang lan sang các xương xung quanh.
- Viêm màng não: Một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể gây tổn thương não và tủy sống.
- Viêm mô tế bào quanh mắt: Một tình trạng nhiễm trùng mô xung quanh mắt.
Ngoài ra, viêm xoang cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý đường hô hấp trên và dưới có sẵn, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến phòng cấp cứu gần nhất hoặc khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng sau:
- Sốt cao (trên 40 độ C).
- Lú lẫn hoặc những thay đổi về tinh thần khác.
- Thị lực thay đổi, đặc biệt nếu bạn bị đau hoặc sưng quanh mắt.
- Cơn động kinh.
- Cứng cổ.
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang
Virus, vi khuẩn, nấm và dị nguyên đều có thể gây viêm xoang. Một số tác nhân cụ thể gây viêm xoang bao gồm:
- Cảm lạnh;
- Cúm;
- Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae;
- Vi khuẩn Haemophilus influenzae;
- Vi khuẩn Moraxella catarrhalis;
- Dị ứng mũi và dị ứng theo mùa.

Nguy cơ gây bệnh viêm xoang
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang?
Bạn có nguy cơ bị viêm xoang cao hơn những người khác nếu có một trong những yếu tố nguy cơ như:
- Dị ứng mũi.
- Hen suyễn.
- Polyp mũi (các khối u lành tính trong mũi).
- Vách ngăn mũi lệch: Vách ngăn là mô phân chia hai bên mũi. Khi bị lệch, nó có thể làm hẹp một bên khoang mũi, gây tắc nghẽn.
- Hệ miễn dịch suy yếu, do các bệnh như HIV, ung thư hoặc do một số loại thuốc.
- Hút thuốc lá.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang
Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang:
- Viêm mũi dị ứng hoặc sốt cỏ khô.
- Bệnh xơ nang.
- Đi nhà trẻ.
- Các bệnh ngăn cản lông mao hoạt động bình thường.
- Thay đổi độ cao (bay hoặc lặn biển).
- Nhiễm trùng răng/thủ thuật.
- Sưng niêm mạc mũi.
- Các tình trạng di truyền ảnh hưởng đến sự di chuyển của chất nhầy.
- Các phương pháp điều trị/liệu pháp có thể ảnh hưởng đến sự di chuyển của chất nhầy như xạ trị vào mũi và miệng.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm xoang
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm xoang
Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ chẩn đoán viêm xoang dựa trên các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra tai, mũi và họng để tìm dấu hiệu sưng, dịch tiết hoặc tắc nghẽn. Họ có thể sử dụng ống nội soi mũi để quan sát bên trong mũi của bạn.
Các xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán viêm xoang:
- Nội soi mũi.
- Lấy dịch mũi: Bác sĩ có thể dùng một que mềm để lấy mẫu dịch trong mũi bạn, rồi xét nghiệm để phát hiện virus hoặc vi khuẩn gây ra triệu chứng.
- Chẩn đoán hình ảnh: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT-scan để quan sát kỹ hơn bên trong xoang mũi.
- Xét nghiệm dị ứng: Nếu bạn bị viêm xoang mạn tính, bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có bị dị ứng góp phần gây bệnh hay không.
- Sinh thiết: Hiếm gặp hơn, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô trong mũi để xét nghiệm.

Phương pháp điều trị viêm xoang hiệu quả
Nội khoa
Mặc dù thuốc có thể giúp ích, nhưng nhiều trường hợp viêm xoang sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp y tế.
Điều trị viêm xoang sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như nguyên nhân gây viêm xoang và thời gian kéo dài của bệnh. Ví dụ, viêm xoang do vi khuẩn có thể cần sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu viêm xoang kéo dài hơn 3 tháng (viêm xoang mãn tính), điều trị có thể phức tạp hơn.
- Kháng sinh: Nếu bác sĩ nghĩ rằng vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh. Đối với viêm xoang cấp tính, bạn thường sẽ dùng trong 10 - 14 ngày. Đối với viêm xoang mãn tính, có thể sẽ dùng lâu hơn. Kháng sinh chỉ có tác dụng với nhiễm khuẩn, không có tác dụng nếu viêm xoang do virus hoặc các vấn đề khác gây ra.
- Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen, để giảm khó chịu cho bạn.
- Thuốc giảm nghẹt mũi: Những loại thuốc này làm giảm lượng dịch nhầy trong xoang. Một số có dạng xịt mũi, trong khi các loại khác có dạng viên.
- Thuốc chống dị ứng: Nhiều trường hợp viêm xoang là do dị ứng không được kiểm soát. Nếu bạn chưa bao giờ được chẩn đoán dị ứng, có thể thử làm xét nghiệm dị ứng để xem bạn có bị dị ứng không. Nếu có, thuốc chống dị ứng như antihistamines và tránh các tác nhân kích thích sẽ giúp ích.
- Steroid: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn steroid dạng hít để giảm sưng tấy trong màng xoang. Đối với các trường hợp viêm xoang mãn tính nặng, bạn có thể cần dùng steroid dạng uống.
Ngoại khoa
Nếu thuốc bác sĩ kê đơn không làm giảm các triệu chứng viêm xoang mãn tính của bạn, bạn có thể cần phẫu thuật xoang. Các phương pháp phẫu thuật xoang bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng có gắn camera và đèn ở một đầu vào mũi của bạn. Thiết bị này cho phép bác sĩ nhìn thấy chính xác vị trí cần phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ nhỏ để cạo mô hoặc xương, nhổ bỏ nhiễm trùng nấm hoặc cắt bỏ polyp.
- Phẫu thuật vách ngăn mũi: Thủ thuật này nhằm chỉnh sửa vách ngăn mũi bị lệch. Bao gồm việc định hình lại và có thể loại bỏ một số xương hoặc sụn bên trong mũi của bạn.
- Phẫu thuật nong xoang bằng bóng: Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng và mềm dẻo gọi là ống thông vào mũi bạn và luồn nó vào chỗ tắc nghẽn trong xoang. Khi đã vào đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ thổi phồng một quả bóng nhỏ ở đầu ống thông, sau đó xì hơi và thổi phồng lại. Việc này sẽ mở xoang của bạn, cho phép chúng thoát dịch và cải thiện luồng không khí.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh viêm xoang
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm xoang
Chế độ sinh hoạt
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày, nhất là sau khi đi ngoài đường hoặc tiếp xúc với khói bụi, dị nguyên.
- Tránh ngoáy mũi, xì mũi mạnh khiến dịch chảy ngược vào xoang.
- Đeo khẩu trang, khăn choàng khi ra ngoài trời lạnh.
- Sử dụng máy tạo ẩm hoặc đặt chậu nước trong phòng khi dùng điều hòa.
- Hạn chế ở những nơi ô nhiễm, đông người.
- Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm, tránh thức khuya, căng thẳng kéo dài.

Chế độ dinh dưỡng
- Uống 1,5 - 2 lít nước/ngày giúp loãng dịch nhầy.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
- Tránh đồ cay nóng, lạnh, thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản nếu có cơ địa dị ứng.
Phương pháp phòng ngừa viêm xoang hiệu quả
Tùy vào nguyên nhân, có một số cách để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng xoang, bao gồm:
- Rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý mỗi ngày.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dị ứng, như dùng thuốc, tiêm phòng dị ứng, và tránh các tác nhân gây dị ứng đã biết (như bụi, phấn hoa hoặc khói).
- Duy trì thói quen rửa tay để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc.