Nhiều người không ngờ rằng, acid dạ dày khi trào ngược lên thực quản rồi đến vùng họng có thể gây tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến viêm họng kéo dài, thậm chí chuyển sang mạn tính nếu không điều trị kịp thời. Vậy bệnh trào ngược dạ dày gây viêm họng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây!
Bệnh trào ngược dạ dày gây viêm họng như thế nào?
Trào ngược dạ dày gây viêm họng là tình trạng xảy ra khi acid và các dịch tiêu hóa trong dạ dày trào ngược lên trên thực quản, vượt qua cả hai cơ vòng thực quản bao gồm cơ thắt thực quản dưới (LES) và cơ thắt thực quản trên (UES) rồi lan đến vùng hầu họng và thanh quản. Khi đó, lớp niêm mạc tại cổ họng vốn rất nhạy cảm bị kích ứng và tổn thương do tiếp xúc với acid dạ dày, gây ra hiện tượng viêm họng kéo dài, khó chịu.
Theo thống kê y khoa, có đến khoảng 70% bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gặp phải các biểu hiện liên quan đến họng, trong đó phổ biến nhất là viêm họng. Các triệu chứng điển hình bao gồm: Cảm giác nóng rát ở cổ họng, ngứa họng, khàn tiếng, đau rát khi nuốt hoặc nói chuyện, nhất là vào buổi sáng. Đáng lưu ý, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, viêm họng do trào ngược có thể tiến triển thành viêm họng hạt mạn tính, khiến quá trình điều trị kéo dài và nguy cơ tái phát cao hơn.

Thông thường, hai cơ thắt thực quản LES và UES đóng vai trò như “van ngăn” dòng dịch tiêu hóa chảy ngược. Tuy nhiên, khi hoạt động của chúng bị rối loạn do stress, chế độ ăn uống không hợp lý, béo phì, hoặc dùng thuốc không đúng cách acid HCl trong dạ dày (với nồng độ đậm đặc khoảng 150 mmol/lít và độ pH chỉ từ 1,5 đến 2,5) có thể dễ dàng vượt qua các cơ vòng này và tràn lên cổ họng. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tổn thương niêm mạc họng, gây sưng viêm, đau rát, cảm giác vướng nghẹn hoặc ho kéo dài.
Hiểu rõ mối liên hệ giữa trào ngược dạ dày và viêm họng không chỉ giúp người bệnh có hướng điều trị đúng đắn từ nguyên nhân gốc rễ, mà còn ngăn ngừa được những biến chứng mạn tính về sau. Việc kết hợp điều trị cả hai vấn đề song song sẽ mang lại hiệu quả cao và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Cách phân biệt viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản và viêm họng thông thường
Viêm họng là triệu chứng phổ biến và có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm cả nhiễm khuẩn thông thường và bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Việc phân biệt hai dạng viêm họng này là điều cần thiết để có phương pháp điều trị phù hợp, tránh tái phát kéo dài.
Ở giai đoạn đầu, viêm họng thông thường và viêm họng do trào ngược có thể gây ra những biểu hiện tương tự như: Đau rát vùng họng, cảm giác ngứa cổ, khó nuốt, ho nhẹ hoặc khan tiếng. Tuy nhiên, viêm họng do trào ngược thường kèm theo những triệu chứng điển hình hơn, mang tính nội khoa tiêu hóa, giúp người bệnh dễ nhận diện hơn nếu quan sát kỹ.

Các dấu hiệu đặc trưng giúp phân biệt viêm họng do trào ngược gồm:
- Cảm giác nóng rát ở vùng ngực (ợ nóng), thường xuất hiện sau khi ăn no hoặc khi nằm xuống.
- Ợ chua, ợ hơi, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sáng sớm.
- Cảm giác cồn cào, đầy bụng, ăn không tiêu và khó ngủ.

Viêm họng tái đi tái lại nhiều lần, dù người bệnh đã vệ sinh răng miệng và họng sạch sẽ, cho thấy nguyên nhân là từ bên trong (dịch vị acid trào ngược) chứ không phải do vi khuẩn hoặc virus bên ngoài.
Một phương pháp kiểm tra hữu ích thường được các bác sĩ chỉ định trong trường hợp nghi ngờ GERD là PPI test, sử dụng thuốc ức chế bơm proton (như esomeprazole hoặc omeprazole) trong khoảng 7 ngày. Nếu triệu chứng viêm họng và ợ nóng thuyên giảm rõ rệt sau dùng thuốc, điều đó cho thấy người bệnh có thể đang mắc viêm họng do trào ngược. PPI test có độ nhạy cao (khoảng 95 – 98%) nên thường được dùng như một cách hỗ trợ chẩn đoán trong lâm sàng.
Việc phân biệt đúng nguyên nhân viêm họng không chỉ giúp điều trị hiệu quả, mà còn phòng ngừa được những biến chứng về đường hô hấp và tiêu hóa trong tương lai. Nếu bạn thường xuyên bị đau họng kèm theo các dấu hiệu trên, nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị đúng cách.
Cách điều trị hiệu quả viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản
Viêm họng do trào ngược dạ dày là một bệnh lý mang tính chất dai dẳng và dễ tái phát nếu không điều trị đúng nguyên nhân. Để kiểm soát tình trạng này hiệu quả, người bệnh cần kết hợp giữa điều trị triệu chứng và điều trị căn nguyên gây trào ngược.
Bác sĩ sẽ tìm hiểu các biểu hiện như ợ chua, nóng rát ngực, đau họng kéo dài… để nghi ngờ nguyên nhân đến từ trào ngược.
Nội soi dạ dày – họng: Giúp phát hiện tổn thương niêm mạc thực quản, họng hoặc các bất thường khác như viêm, loét, polyp… Đây là bước quan trọng để chẩn đoán chính xác bệnh.
Điều trị theo phác đồ cá nhân hóa: Sau khi xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ kê toa phù hợp và theo dõi tiến triển. Trong một số trường hợp, nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc gây tác dụng phụ, có thể cân nhắc phẫu thuật LES nhằm tái tạo cơ thắt thực quản dưới, giúp ngăn acid trào ngược lâu dài.
Điều trị triệu chứng: Người bệnh có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng khó chịu như đau rát họng, ngứa họng, ho... Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không xử lý được gốc rễ của vấn đề.

Điều trị nguyên nhân gây trào ngược, đây là hướng điều trị trọng tâm. Các nhóm thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng bao gồm:
- Thuốc kháng acid: Giúp trung hòa acid trong dạ dày, giảm nhanh cảm giác nóng rát và khó chịu (ví dụ: Aluminium hydroxide, magnesium hydroxide, calcium carbonate...).
- Thuốc ức chế thụ thể histamin H2: Làm giảm tiết acid thông qua cơ chế ức chế histamin tại niêm mạc dạ dày. Một số loại phổ biến là ranitidine, famotidine.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Có tác dụng mạnh và lâu dài trong việc ức chế tiết acid, từ đó làm lành tổn thương thực quản và ngăn chặn tình trạng acid trào ngược gây tổn thương họng (omeprazole, esomeprazole...).
Việc điều trị cần phối hợp chặt chẽ giữa thuốc, thay đổi lối sống và tái khám định kỳ để đạt kết quả bền vững và ngăn bệnh tái phát.
Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin trào ngược dạ dày gây viêm họng. Viêm họng do trào ngược dạ dày là một tình trạng không thể xem nhẹ, bởi nó vừa gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày, vừa tiềm ẩn nguy cơ trở nặng nếu không được xử lý đúng cách. Hiểu rõ mối liên hệ giữa dạ dày và họng sẽ giúp người bệnh có hướng điều trị hiệu quả hơn, không chỉ giảm nhanh triệu chứng đau rát cổ họng mà còn cải thiện sức khỏe tiêu hóa toàn diện.