Tìm hiểu chung về viêm họng
Viêm họng là tình trạng viêm của hầu họng phần nằm ở phía sau cổ họng. Viêm họng cũng có thể gây cảm giác ngứa rát trong cổ họng và khó nuốt.
Viêm họng là một trong những lý do phổ biến nhất khiến người bệnh đến gặp bác sĩ. Số ca viêm họng thường gia tăng vào những tháng lạnh trong năm.
Có hai loại viêm họng chính:
- Viêm họng cấp tính: Đây là loại viêm họng phổ biến hơn. Bệnh thường kéo dài tới 10 ngày.
- Viêm họng mãn tính: Đây là tình trạng viêm họng kéo dài hơn 10 ngày hoặc tái phát liên tục.
Triệu chứng viêm họng
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm họng
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ hai đến năm ngày. Các triệu chứng kèm theo viêm họng có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh.
Viêm họng thường đi kèm với nhiều triệu chứng đau rát. Các triệu chứng cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm họng, bao gồm:
- Cảm giác rát, nóng trong cổ họng.
- Đau tăng lên khi nói hoặc nuốt.
- Khó nuốt.
- Hạch bạch huyết sưng và đau ở cổ.
- Amidan sưng đỏ.
- Xuất hiện đốm trắng, mảng hoặc vệt trắng trong cổ họng hoặc trên amidan.
- Mủ trên amidan hoặc phía sau cổ họng.
- Khàn giọng.
/viem_hong_4_2aa265789e.png)
Triệu chứng kèm theo nhiễm virus
Do viêm họng thường do virus gây ra, bạn có thể gặp thêm các triệu chứng khác liên quan đến nhiễm virus, như:
- Hắt hơi;
- Sổ mũi;
- Ho;
- Sốt (có thể nhẹ hoặc cao);
- Đau nhức cơ thể;
- Đau đầu;
- Ớn lạnh.
Triệu chứng kèm theo viêm họng liên cầu khuẩn
Nếu viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A gây ra, bạn cũng có thể gặp thêm:
- Chán ăn;
- Thay đổi vị giác;
- Buồn nôn.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm họng
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm họng là nhiễm virus, bệnh thường tự khỏi mà không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm khuẩn như viêm họng do liên cầu khuẩn. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm họng do liên cầu khuẩn có thể dẫn đến:
- Viêm nắp thanh quản: Tình trạng viêm này có thể chặn đường thở, đe dọa tính mạng.
- Nhiễm trùng tai.
- Viêm xương chũm: Nhiễm trùng xương chũm nằm phía sau tai.
- Viêm xoang.
- Sốt thấp khớp: Một bệnh viêm ảnh hưởng đến tim, não, da và khớp. Thường gặp ở trẻ em hơn người lớn.
- Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu: Một bệnh viêm hiếm gặp ảnh hưởng đến thận.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy khám bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên. Ngoài ra, bạn nên đi khám nếu:
- Triệu chứng không thuyên giảm sau một tuần;
- Xuất hiện hạch bạch huyết sưng ở cổ;
- Có mủ hoặc mảng trắng ở phía sau họng;
- Có máu trong nước bọt hoặc đờm;
- Phát ban trên da.
Những dấu hiệu này có thể gây ra bởi tình trạng nghiêm trọng hơn, cần được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm họng
Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng, trong đó nhiễm virus là phổ biến nhất, chiếm tới 80% số ca viêm họng. Các loại virus gây viêm họng bao gồm:
- Cảm thường;
- Cúm;
- Sởi;
- Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân;
- Viêm thanh khí phế quản;
- COVID-19;
- Adenovirus (gây nhiễm trùng đường hô hấp).
Một số virus ít phổ biến hơn cũng có thể gây viêm họng, bao gồm:
- Herpes virus;
- HIV;
- Virus Epstein-Barr;
- Coxsackievirus (gây bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em);
- Viêm họng do vi khuẩn.
Nhiễm khuẩn cũng có thể gây viêm họng, trong đó liên cầu khuẩn nhóm A là nguyên nhân gây viêm họng liên cầu khuẩn, chiếm khoảng 1/3 số ca viêm họng cấp tính. Nhiễm khuẩn thường gây viêm họng nghiêm trọng hơn và có thể tiến triển sau khi bị nhiễm virus.
Các nguyên nhân khác gây viêm họng:
- Viêm amidan: Nhiễm trùng amidan có thể gây viêm họng mãn tính.
- Trào ngược axit: Dịch dạ dày trào ngược lên cổ họng có thể gây cảm giác nóng rát và dẫn đến viêm họng mãn tính.
- Dị ứng: Các tác nhân như phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, lông thú cưng có thể gây chảy dịch mũi sau và dẫn đến viêm họng mãn tính.
- Khối u (lành tính hoặc ác tính): Dù hiếm gặp, ung thư vòm họng cũng có thể là nguyên nhân gây đau họng kéo dài.
- Không khí khô và thở bằng miệng: Điều này làm khô niêm mạc họng, gây cảm giác rát họng.
- Lạm dụng giọng nói: La hét, nói liên tục trong thời gian dài có thể gây đau họng.
- Nhiễm HIV: Có thể là nguyên nhân của viêm họng mãn tính.
- Tiếp xúc với chất kích thích: Khói thuốc, hóa chất, rượu, thực phẩm cay có thể gây kích ứng cổ họng và dẫn đến viêm họng mãn tính.
/viem_hong_2_a9c190c2ba.png)
Nguy cơ mắc phải viêm họng
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm họng?
Những người có nguy cơ mắc bệnh viêm họng là:
- Tuổi: Trẻ em từ 3 đến 15 tuổi có nguy cơ bị viêm họng cao hơn do hệ miễn dịch yếu.
- Viêm xoang tái phát hoặc kéo dài: Xì mũi thường xuyên có thể gây kích ứng cổ họng và lây lan mầm bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng:
- Dị ứng: Dị ứng với bụi, nấm mốc hoặc lông động vật có thể làm tăng nguy cơ bị viêm họng.
- Tiếp xúc với chất kích thích hóa học: Các hạt trong không khí từ khói đốt nhiên liệu và hóa chất gia dụng có thể gây kích ứng cổ họng.
- Tiếp xúc với khói thuốc: Cả hút thuốc lá chủ động và thụ động đều có thể kích thích cổ họng. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng, họng và thanh quản.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm họng
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm họng
Khám lâm sàng
Nếu bạn có các triệu chứng của viêm họng, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ họng để tìm các dấu hiệu như mảng trắng hoặc xám, sưng và đỏ. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra tai và mũi của bạn. Để xác định xem hạch bạch huyết có sưng hay không, bác sĩ sẽ sờ vào hai bên cổ của bạn.
/viem_hong_6_ca9d8192ed.png)
Cấy dịch họng
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị viêm họng do liên cầu khuẩn, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm cấy dịch hầu họng. Xét nghiệm này sẽ cho kết quả trong vòng vài phút để xác định có vi khuẩn liên cầu khuẩn hay không.
Xét nghiệm máu
Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm họng do nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu. Xét nghiệm này có thể giúp xác định xem bạn có mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân hay không. Ngoài ra, xét nghiệm công thức máu toàn phần có thể được thực hiện để kiểm tra xem bạn có bị nhiễm trùng do tác nhân khác hay không.
Điều trị viêm họng
Phương pháp điều trị viêm họng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, viêm họng là do nhiễm virus, và kháng sinh không có tác dụng với loại nhiễm trùng này. Tuy nhiên, các triệu chứng thường tự thuyên giảm sau khoảng một tuần.
Bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây để giúp giảm đau họng:
- Dùng thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen. Những thuốc này cũng có thể giúp hạ sốt. Chú ý không cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dùng aspirin, vì có thể gây hội chứng Reye.
- Dùng thuốc kháng histamin nếu bạn bị viêm họng do dị ứng.
- Dùng thuốc kháng axit nếu viêm họng là do trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Nếu viêm họng do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh cho bạn. Thông thường, bạn sẽ cần uống thuốc trong 10 ngày. Hãy đảm bảo dùng đúng liều lượng và hoàn thành toàn bộ liệu trình, ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn. Nếu không điều trị dứt điểm, vi khuẩn có thể lây lan hoặc gây biến chứng nghiêm trọng như sốt thấp khớp, viêm thận, hoặc các bệnh lý khác.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm họng
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm họng
Chế độ sinh hoạt:
- Súc miệng bằng nước muối: Hòa tan muối vào cốc nước ấm, súc miệng rồi nhổ ra. Có thể làm nhiều lần trong ngày.
- Uống đủ nước và dùng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm cho cổ họng.
- Tránh uống rượu và cà phê, vì có thể gây mất nước.
- Ngậm kẹo ngậm ho hoặc kẹo cứng để làm dịu cổ họng.
- Tránh xa khói thuốc, hóa chất tẩy rửa, và các chất kích thích khác.
- Nghỉ ngơi nhiều để cơ thể hồi phục và hạn chế lây nhiễm cho người khác.
- Không ăn quá no trước khi đi ngủ, vì có thể làm trầm trọng hơn tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
- Dùng mật ong: Uống trực tiếp hoặc pha với trà có thể giúp giảm đau họng. (tránh dùng cho trẻ dưới 1 tuổi).
/viem_hong_7_91e046db59.jpg)
Chế độ dinh dưỡng:
- Ưu tiên thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, súp…
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và A để tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm như cam, quýt, bưởi, rau xanh.
- Tránh thức ăn cay, nóng, có tính axit cao.
Phương pháp phòng ngừa viêm họng hiệu quả
Duy trì vệ sinh cá nhân đúng cách có thể giúp ngăn ngừa nhiều trường hợp viêm họng. Để phòng tránh viêm họng, bạn nên:
- Tránh dùng chung thức ăn, đồ uống và dụng cụ ăn uống.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và sau khi ho hoặc hắt hơi.
- Sử dụng dung dịch rửa tay chứa cồn khi không có xà phòng và nước.
- Tránh hút thuốc và hít phải khói thuốc thụ động.