Tìm hiểu chung về đau họng
Đau họng là cảm giác đau, khô hoặc rát ở cổ họng. Tình trạng này xảy ra khi lớp niêm mạc lót cổ họng bị viêm. Nếu bạn bị đau họng, bạn sẽ cảm thấy đau khi nuốt hoặc nói chuyện.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng, từ nhiễm virus, vi khuẩn đến dị ứng hoặc do thói quen ngủ mở miệng. Hầu hết các triệu chứng đau họng sẽ tự khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên, bạn cần khám bác sĩ nếu đau họng kéo dài hơn một tuần, trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kèm theo các triệu chứng như sốt hay sưng hạch bạch huyết.
Có hai loại đau họng chính, được phân loại dựa trên thời gian kéo dài của triệu chứng:
- Đau họng cấp tính: Đau họng kéo dài từ khoảng ba đến mười ngày. Hầu hết các trường hợp đau họng thuộc loại này.
- Đau họng mãn tính: Đau họng kéo dài hơn 10 ngày (thường vài tuần) hoặc tái phát nhiều lần sau khi đã khỏi.
Triệu chứng đau họng
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau họng
Các triệu chứng của đau họng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Cảm giác đau họng có thể bao gồm:
- Ngứa;
- Rát cổ họng;
- Khô rát;
- Đau nhức;
- Khó chịu;
- Kích ứng.
Cơn đau có thể nặng hơn khi bạn nuốt hoặc nói. Cổ họng hoặc amidan của bạn cũng có thể bị đỏ.
Đôi khi, các mảng trắng hoặc mủ có thể xuất hiện trên amidan của bạn. Những mảng trắng này thường phổ biến hơn trong bệnh đau họng do liên cầu khuẩn hơn là đau họng do virus gây ra.
/dau_hong_4_c48f4fdd45.jpg)
Ngoài đau họng, bạn có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Nghẹt mũi;
- Chảy nước mũi;
- Hắt hơi;
- Ho;
- Sốt;
- Ớn lạnh;
- Sưng hạch ở cổ;
- Giọng khàn;
- Đau nhức cơ thể;
- Đau đầu;
- Khó nuốt;
- Chán ăn.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đau họng
Biến chứng có thể gặp bao gồm:
- Nhiễm trùng tai;
- Viêm xoang (viêm các hốc xoang quanh mũi);
- Áp-xe quanh amidan (tụ mủ gần amidan).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng đau họng kéo dài hơn một tuần. Bạn cũng nên khám nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau họng dữ dội;
- Khó thở hoặc khó nuốt;
- Sốt, đặc biệt nếu trên 38°C;
- Xuất hiện khối sưng ở phía sau cổ họng;
- Có máu trong nước bọt hoặc đờm;
- Phát ban trên bất kỳ vùng nào của cơ thể.
Nguyên nhân gây đau họng
Đau họng có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nhiễm trùng và chấn thương. Các nguyên nhân phổ biến nhất:
- Cảm lạnh, cúm và các bệnh do virus khác: Hầu hết các trường hợp đau họng là do nhiễm virus như cảm lạnh, cúm, COVID-19, bệnh bạch cầu đơn nhân, sởi, thủy đậu, quai bị.
- Viêm họng liên cầu khuẩn và các bệnh nhiễm khuẩn khác: Các bệnh nhiễm khuẩn có thể gây đau họng, phổ biến nhất là viêm họng liên cầu khuẩn. Các bệnh khác như viêm amidan và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hoặc chlamydia cũng có thể gây đau họng.
- Dị ứng: Dị ứng với phấn hoa, bụi, lông thú cưng có thể gây kích ứng cổ họng do chảy dịch mũi sau.
- Không khí khô: Không khí khô, đặc biệt vào mùa lạnh có thể làm cổ họng bị khô và rát.
- Khói thuốc, hóa chất và chất kích thích: Các chất kích thích như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, hóa chất tẩy rửa hoặc bình xịt có thể gây kích ứng cổ họng.
- Chấn thương: Khi bạn la hét, nói to hoặc hát quá nhiều có thể làm căng dây thanh âm và gây đau họng.
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây nóng rát và đau họng.
- Khối u: Dù hiếm gặp, ung thư vòm họng, thanh quản hoặc lưỡi có thể gây đau họng kéo dài không khỏi.
/dau_hong_2_3961bf7746.jpeg)
Nguy cơ mắc phải đau họng
Những ai có nguy cơ mắc phải đau họng?
Những đối tượng có nguy cơ mắc phải đau họng là:
- Dị ứng: Những người thường có phản ứng dị ứng với bụi, nấm hoặc lông động vật thường tăng nguy cơ đau họng nhiều hơn.
- Viêm xoang tái phát hoặc kéo dài: Việc xì mũi liên tục có thể kích ứng cổ họng và lây lan mầm bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau họng
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau họng là:
- Tuổi: Trẻ em từ 3 đến 15 tuổi có nguy cơ bị đau họng cao nhất do hệ miễn dịch yếu.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá: Cả hút thuốc chủ động và thụ động đều có thể gây kích ứng cổ họng. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư miệng, họng và thanh quản.
- Tiếp xúc với chất kích thích hóa học: Các hạt trong không khí từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và các hóa chất gia dụng có thể gây kích ứng cổ họng.
/dau_hong_5_e58fd93c03.jpg)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị đau họng
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm đau họng
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và sử dụng đèn pin để kiểm tra phần sau của cổ họng nhằm phát hiện tình trạng đỏ, sưng hoặc xuất hiện các đốm trắng. Bác sĩ cũng có thể sờ vào hai bên cổ để kiểm tra xem bạn có bị sưng hạch bạch huyết hay không.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị viêm họng do liên cầu khuẩn, bạn sẽ được làm xét nghiệm nuôi cấy dịch hầu họng để chẩn đoán. Bác sĩ sẽ dùng tăm bông quệt vào phía sau cổ họng để lấy mẫu kiểm tra vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn. Với xét nghiệm nhanh, bác sĩ có thể có kết quả trong vòng vài phút.
Để xác nhận chẩn đoán, mẫu dịch sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra. Xét nghiệm thường mất từ 1 - 2 ngày nhưng có thể xác định chính xác liệu bạn có bị viêm họng liên cầu khuẩn hay không.
Nuôi cấy dịch hầu họng cũng có thể giúp phát hiện các loại nhiễm trùng do vi khuẩn khác, chẳng hạn như chlamydia hoặc lậu. Ngoài ra, xét nghiệm phát hiện kháng thể đơn nhân hoặc xét nghiệm nhanh mononucleosis có thể được sử dụng để loại trừ bệnh bạch cầu đơn nhân.
Đôi khi, bạn có thể cần làm thêm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây đau họng.
Phương pháp điều trị đau họng hiệu quả
Việc điều trị viêm họng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nhiễm virus thường tự khỏi trong vòng một tuần. Trong thời gian đó, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc không kê đơn để giảm đau họng.
Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số loại thuốc giúp giảm tình trạng đau họng như:
- Xịt họng có chứa chất sát trùng gây tê như phenol hoặc thành phần làm mát như menthol hoặc bạch đàn.
- Viên ngậm trị đau họng.
- Siro ho.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm axit dạ dày giúp điều trị đau họng do trào ngược dạ dày (GERD). Bao gồm:
- Thuốc kháng axit như Tums, Rolaids, Maalox và Mylanta giúp trung hòa axit dạ dày.
- Thuốc chẹn H2 như cimetidine và famotidine giúp giảm sản xuất axit dạ dày.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như lansoprazole và omeprazole giúp ngăn chặn quá trình sản xuất axit dạ dày.
Ngoài ra, corticosteroid liều thấp cũng có thể giúp giảm đau họng mà không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, chúng không có tác dụng đối với nhiễm trùng do virus.
Viêm họng do liên cầu khuẩn cần được điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm phế quản và thấp khớp cấp.
Bác sĩ thường kê đơn kháng sinh trong khoảng 10 ngày. Điều quan trọng là phải uống hết liệu trình thuốc theo chỉ định, ngay cả khi bạn cảm thấy khá hơn.
Ngừng dùng kháng sinh quá sớm có thể khiến vi khuẩn còn sót lại, làm bạn bị bệnh trở lại. Điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, khiến việc điều trị nhiễm trùng trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa đau họng
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau họng
Chế độ sinh hoạt:
- Súc miệng bằng nước muối.
- Uống đồ uống ấm như trà mật ong hoặc nước chanh ấm.
- Hạn chế đồ uống có cồn, caffeine, gas.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun hơi nước, đặc biệt là phòng ngủ khi bạn ngủ, giúp làm dịu tình trạng khô họng.
- Nếu cổ họng bạn bị đau do la hét, gào thét, hát hoặc thậm chí nói nhiều, việc nghỉ ngơi giọng nói có thể giúp ích.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và tránh xa các loại thực phẩm cay và chất lỏng rất nóng có thể gây kích ứng cổ họng đau của bạn.
/dau_hong_7_c099493565.jpg)
Chế độ dinh dưỡng:
- Nên ưu tiên những thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, súp, canh hầm (gà, rau củ), khoai tây nghiền, bột yến mạch…
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để tăng cường miễn dịch,
- Tránh thực phẩm cay, nóng, nhiều gia vị, có tính axit cao.
Phương pháp phòng ngừa đau họng hiệu quả
Các bệnh nhiễm virus như cảm lạnh và cúm thường là nguyên nhân gây viêm họng. Bạn có thể giảm nguy cơ bị đau họng bằng cách bảo vệ mình khỏi những bệnh nhiễm trùng phổ biến này. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Tiêm phòng đầy đủ các vắc xin phòng cúm và COVID-19.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hoặc ho, và trước và sau khi ăn.
- Tránh dùng chung thức ăn, đồ uống hoặc dụng cụ ăn uống.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
- Khi bị ốm, hạn chế tiếp xúc với người khác để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Sử dụng khăn lau để khử trùng điện thoại, tay nắm cửa, công tắc đèn, điều khiển từ xa và các vật dụng dùng chung khác.