Viêm phổi thùy ở trẻ em thường khởi phát đột ngột với các biểu hiện như sốt cao, ho nhiều, khó thở và mệt mỏi. Tình trạng này có thể khiến trẻ suy hô hấp nhanh chóng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Do đó, cha mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu của viêm phổi thùy ở trẻ em để đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi cần thiết.
Biểu hiện viêm phổi thùy ở trẻ
Triệu chứng của viêm phổi thùy ở trẻ em thay đổi theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo và đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Các giai đoạn có thể diễn biến nhanh chóng và phức tạp, một số trẻ có thể xuất hiện đồng thời các biểu hiện của nhiều giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn khởi phát
Ở giai đoạn ban đầu, trẻ thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau tức ngực, ho khan và rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp có thể xuất hiện co giật. Trong vòng 24 giờ đầu sau khi nhiễm vi khuẩn, số lượng vi khuẩn tăng nhanh trong phổi trong khi các tế bào bạch cầu còn chưa kịp đáp ứng. Mô phổi bắt đầu sưng viêm, nhu mô chuyển đỏ do sung huyết và tăng lưu lượng máu đến vùng tổn thương.

Giai đoạn toàn phát
Sau khoảng 3 ngày, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát và có thể kéo dài trong vài ngày. Trẻ có thể bị sốt cao liên tục, nôn ói, kém ăn, ho có đờm đặc, tiểu ít,… Lúc này, phổi bị khô, các phế nang bị tắc nghẽn do tích tụ hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn và các mảnh tế bào chết, cản trở việc trao đổi oxy với máu.
Nếu trong giai đoạn này trẻ xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm sau thì cần cấp cứu khẩn cấp để ngăn chặn biến chứng do thiếu oxy:
- Môi và móng tay tím tái;
- Lú lẫn, hoa mắt chóng mặt;
- Khó thở nặng;
- Tim đập nhanh bất thường;
- Thở nông, ngắt quãng.

Giai đoạn lui bệnh
Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 10, trẻ bước vào giai đoạn lui bệnh. Lúc này, hệ miễn dịch bắt đầu sản sinh đủ kháng thể, các enzyme hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, làm thông đường thở và cải thiện chức năng phổi. Trẻ bắt đầu hạ sốt, ăn ngon miệng trở lại, lượng nước tiểu tăng và cảm giác đau tức ngực cũng thuyên giảm dần.
Chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em
Việc chẩn đoán viêm phổi thùy ở trẻ em bắt đầu bằng thăm khám lâm sàng nhằm đánh giá biểu hiện ban đầu và nghi ngờ nguy cơ mắc bệnh. Để xác định chính xác nguyên nhân và mức độ nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm sau:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp phát hiện các chỉ số viêm như CRP, Procalcitonin, đây là các chỉ điểm sinh học cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng. Đồng thời, xét nghiệm khí máu động mạch có thể được thực hiện để đánh giá lượng oxy và carbon dioxide trong máu, giúp xác định mức độ ảnh hưởng đến hô hấp.
Xét nghiệm đờm
Mẫu đờm được lấy từ đường hô hấp dưới để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn hoặc virus gây bệnh. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, việc thu thập mẫu đờm thường gặp khó khăn vì trẻ chưa có khả năng khạc nhổ tốt như người lớn.
Chụp X-quang phổi
Phương pháp này được sử dụng phổ biến để kiểm tra tình trạng tổn thương phổi. Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ quan sát được vùng phổi bị viêm, mức độ lan rộng và các biến chứng đi kèm như tràn dịch màng phổi hoặc xẹp phổi.

Chụp CT ngực
Dù ít được sử dụng thường quy, nhưng trong một số trường hợp phức tạp hoặc nghi ngờ tổn thương sâu, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT. Phương pháp này cho hình ảnh chi tiết hơn, giúp xác định chính xác khu vực phổi bị ảnh hưởng, đặc biệt khi phát hiện đám mờ hoặc xẹp ở thùy phổi.
Phương pháp điều trị viêm phổi thùy ở trẻ em
Việc điều trị viêm phổi thùy ở trẻ cần được thực hiện dựa trên nguyên nhân gây bệnh và mức độ nặng nhẹ của triệu chứng. Trong trường hợp do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh phù hợp. Tuy nhiên, nếu bệnh do virus hoặc nấm gây ra, phác đồ điều trị sẽ khác biệt, thường không sử dụng kháng sinh mà áp dụng các phương pháp hỗ trợ hoặc dùng thuốc chuyên biệt.
Khi bệnh mới bắt đầu và chưa có biến chứng, trẻ khỏe mạnh bình thường thường được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng. Một số loại thường được lựa chọn gồm azithromycin, clarithromycin, levofloxacin, moxifloxacin hay gemifloxacin.
Trường hợp nặng hơn, trẻ có thể phải dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh như fluoroquinolone, beta-lactam, cephalosporin hoặc macrolide. Trong một số tình huống, việc truyền thuốc qua đường tĩnh mạch là cần thiết. Nếu xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như tràn dịch màng phổi, bác sĩ có thể chỉ định dẫn lưu dịch qua ống đặt vào khoang màng phổi. Đồng thời, trẻ cũng có thể cần thở oxy để hỗ trợ hô hấp.
Song song với việc dùng thuốc, trẻ cần được chăm sóc kỹ lưỡng như uống nhiều nước để làm loãng đờm, duy trì chế độ ăn dễ tiêu, nghỉ ngơi hợp lý và sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Ba mẹ có thể dùng thêm máy tạo độ ẩm trong phòng để hỗ trợ đường hô hấp. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh hoặc mặc quần áo thoáng mát khi trời nóng cũng là yếu tố quan trọng giúp trẻ phục hồi nhanh hơn.
Với những trẻ mắc bệnh mãn tính hoặc có hệ miễn dịch yếu, việc theo dõi cần được thực hiện chặt chẽ hơn để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng lan rộng, tổn thương đa cơ quan hoặc nguy cơ tử vong.

Viêm phổi thùy ở trẻ em là một bệnh lý hô hấp nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, phụ huynh cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ, đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường và tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ để giúp trẻ mau chóng hồi phục, hạn chế tối đa các rủi ro về sau.
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa viêm phổi, giảm nguy cơ biến chứng nặng và bảo vệ sức khỏe lâu dài. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ đáng tin cậy, chuyên cung cấp các loại vắc xin chất lượng cao, phù hợp cho mọi đối tượng. Khi tiêm chủng tại đây, khách hàng sẽ được đội ngũ nhân viên y tế tận tâm tư vấn, theo dõi sau tiêm cẩn thận và trải nghiệm không gian sạch sẽ, quy trình tiêm chủng nhanh chóng. Để đặt lịch hẹn, quý khách vui lòng liên hệ hotline miễn phí 18006928.