Tìm hiểu chung về co giật
Co giật là các cơn co cơ nhanh, không tự chủ, gây ra hiện tượng run rẩy và cử động chi không kiểm soát được. Co giật thường xảy ra trong các cơn động kinh, nhưng cũng có thể là kết quả của nhiễm trùng, sốt và chấn thương não.
Co giật và động kinh là hai tình trạng khác nhau. Co giật là triệu chứng phổ biến trong các cơn động kinh. Tuy nhiên, không phải ai bị động kinh cũng bị co giật. Ngược lại, người ta cũng có thể bị co giật mà không bị động kinh.
Triệu chứng co giật
Những triệu chứng của co giật
Các triệu chứng của co giật thường dễ nhận thấy và có thể bao gồm:
- Mất nhận thức, mất ý thức.
- Mặt đỏ hoặc tím tái.
- Thay đổi nhịp thở.
- Cứng cơ ở tay, chân hoặc toàn thân.
- Cử động giật cục ở tay, chân, thân mình hoặc đầu.
- Mất kiểm soát cử động.
- Không có khả năng phản ứng.
- Co giật toàn thân hoặc ở một bộ phận cơ thể.
- Hàm nghiến chặt.
- Lú lẫn.
- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang.
- Nghẹn hoặc ngừng thở.
- Mất ý thức hoàn toàn hoặc thoáng qua.
Các triệu chứng này thường kéo dài từ vài giây đến vài phút nhưng cũng có thể kéo dài hơn.
/co_giat1_9e1e83084c.jpg)
Tác động của do giật với sức khỏe
Tác động của co giật đến sức khỏe phụ thuộc vào nguyên nhân, tần suất và thời gian của các cơn co giật. Một cơn co giật đơn độc có thể không gây ra tác động lâu dài. Tuy nhiên, các cơn co giật thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, bao gồm.
Nguy cơ chấn thương: Co giật có thể dẫn đến té ngã, va đập vào các vật xung quanh, gây ra vết thương, gãy xương hoặc các tổn thương khác.
Thiếu oxy não (hypoxia): Đặc biệt trong các cơn co giật kéo dài, có thể dẫn đến tổn thương não.
Tổn thương não: Các cơn co giật kéo dài, đặc biệt là trạng thái động kinh có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.
Các vấn đề về thần kinh: Bao gồm các rối loạn thần kinh mới được chẩn đoán, các khiếm khuyết thần kinh khu trú kéo dài, suy giảm nhận thức và các vấn đề về hành vi.
Các vấn đề về tim mạch và hô hấp: Co giật kéo dài có thể gây ra rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp và suy hô hấp.
Biến chứng có thể gặp co giật
Các biến chứng có thể gặp khi bị co giật bao gồm:
Chấn thương phần mềm: Bầm tím, trầy xước, gãy xương, chấn thương đầu.
Ngạt thở: Do tắc nghẽn đường thở bởi dịch tiết hoặc tụt lưỡi (mặc dù nuốt lưỡi trong cơn co giật là rất hiếm).
Trạng thái động kinh: Tình trạng co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc nhiều cơn co giật xảy ra liên tiếp mà người bệnh không tỉnh lại giữa các cơn. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp.
Tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân trong bệnh động kinh (SUDEP): Mặc dù hiếm gặp, nhưng là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh động kinh.
Các vấn đề tâm lý: Lo lắng, sợ hãi, trầm cảm do lo ngại về các cơn co giật tái phát.
Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Hạn chế trong các hoạt động hàng ngày, học tập, làm việc và giao tiếp xã hội.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên gọi cấp cứu hoặc tìm đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu:
- Đây là cơn co giật đầu tiên của bạn hoặc của người thân.
- Cơn co giật kéo dài hơn 5 phút.
- Người bệnh không tỉnh lại hoặc trông rất yếu sau khi cơn co giật kết thúc.
- Trẻ em đã rất ốm trước khi bị co giật.
- Người bệnh có khó thở hoặc bị thương trong khi co giật.
- Bạn nghi ngờ cơn co giật là do phản ứng với thuốc hoặc ngộ độc gây nên.
Nguyên nhân gây co giật
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra co giật như:
Động kinh: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các cơn co giật tái phát. Động kinh là một tình trạng thần kinh mãn tính đặc trưng bởi các rối loạn điện trong não.
Sốt cao: Thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Các vấn đề về não: Chấn thương đầu, u não, nhiễm trùng não hoặc màng não (viêm màng não, viêm não), đột quỵ,...
Các vấn đề về trao đổi chất: Hạ đường huyết, hạ canxi máu, hạ natri máu, tăng đường huyết, Ure huyết cao.
Các vấn đề về tim mạch: Rối loạn nhịp tim, ngừng tim.
Ngộ độc: Do thuốc, ma túy, rượu hoặc các hóa chất độc hại.
Phản ứng với thuốc: Một số loại thuốc (ví dụ: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kích thích, thuốc kháng histamin) có thể gây co giật ở một số người.
Hội chứng cai nghiện: Cai rượu, barbiturates, benzodiazepines hoặc glucocorticoids đột ngột có thể gây co giật.
Eclampsia: Một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ liên quan đến huyết áp cao và co giật.
/co_giat2_72690efb54.jpg)
Nguy cơ mắc phải co giật
Những ai có nguy cơ mắc phải co giật?
Bất kỳ ai cũng có thể bị co giật dưới những điều kiện nhất định (ví dụ: Sốt cao ở trẻ em, ngộ độc). Tuy nhiên vẫn có một số người có khả năng gặp động kinh hơn như:
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh động kinh.
- Trẻ em dưới 5 tuổi (do nguy cơ động kinh do sốt cao).
- Người đã từng bị chấn thương đầu nghiêm trọng.
- Người mắc các bệnh lý về não (ví dụ: U não, đột quỵ, nhiễm trùng não).
- Người có các vấn đề về sức khỏe làm ảnh hưởng đến sự cân bằng điện giải hoặc lượng đường trong máu.
- Người nghiện rượu hoặc ma túy và trải qua hội chứng cai nghiện.
- Phụ nữ mang thai bị tiền căn sản giật hoặc sản giật.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải co giật
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị co giật bao gồm:
- Tiền sử co giật hoặc động kinh.
- Thiếu ngủ.
- Căng thẳng.
- Uống rượu hoặc sử dụng ma túy.
- Mắc các bệnh nhiễm trùng gây sốt cao (ở trẻ em).
- Tiếp xúc với ánh sáng nhấp nháy (ở những người bị động kinh nhạy cảm với ánh sáng).
Phương pháp chẩn đoán và điều trị co giật
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán co giật
Để chẩn đoán nguyên nhân gây co giật, bác sĩ sẽ tiến hành một số việc sau:
Hỏi bệnh sử: Thu thập thông tin về tiền sử co giật, các triệu chứng trước, trong và sau cơn, các bệnh lý đang mắc, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử gia đình.
Khám thực thể: Đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và các dấu hiệu thần kinh.
Khám thần kinh: Đánh giá trạng thái tinh thần, chức năng vận động, thăng bằng, phối hợp, phản xạ và cảm giác.
Điện não đồ (EEG): Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để phát hiện các hoạt động điện bất thường trong não, có thể giúp xác định xem cơn co giật có phải là động kinh hay không và loại động kinh là gì. Đôi khi EEG cần thực hiện trong thời gian dài hoặc EEG khi ngủ để ghi nhận sóng não bất thường.
/co_giat3_468264f7ae.jpg)
Xét nghiệm máu: Để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, rối loạn điện giải, lượng đường trong máu, chức năng gan thận và nồng độ thuốc (nếu đang điều trị động kinh). Xét nghiệm độc chất có thể được thực hiện nếu nghi ngờ ngộ độc.
Chọc dịch não tủy: Có thể được thực hiện nếu nghi ngờ nhiễm trùng não hoặc màng não.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) não: Để phát hiện các tổn thương cấu trúc như u não, chảy máu não, chấn thương.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) não: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về não và có thể phát hiện các bất thường nhỏ hơn mà CT scan bỏ sót.
Các xét nghiệm khác: Tùy thuộc vào nghi ngờ lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác.
Phương pháp điều trị co giật
Phương pháp điều trị co giật sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Nội khoa
Thuốc chống động kinh (AEDs): Đây là phương pháp điều trị chính cho bệnh động kinh và giúp ngăn ngừa các cơn co giật tái phát. Có nhiều loại thuốc chống động kinh khác nhau, và bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất dựa trên loại động kinh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác của người bệnh. Điều quan trọng là phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc.
Điều trị các nguyên nhân khác: Nếu co giật do sốt cao, cần hạ sốt tích cực. Nếu do hạ đường huyết, cần bù đường. Nếu do nhiễm trùng, cần điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus. Nếu do ngộ độc, cần thực hiện các biện pháp giải độc.
Điều trị trạng thái động kinh: Đây là một tình trạng khẩn cấp cần được điều trị ngay lập tức bằng các loại thuốc như benzodiazepines (ví dụ: lorazepam, midazolam, diazepam) để cắt cơn, sau đó dùng các thuốc chống động kinh tác dụng kéo dài hơn (ví dụ: phenytoin, fosphenytoin, phenobarbital, levetiracetam, valproic acid) để ngăn ngừa tái phát.
Ngoại khoa
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn điều trị cho những người bị động kinh không đáp ứng với thuốc (động kinh kháng trị). Các loại phẫu thuật bao gồm:
Cắt bỏ vùng não gây ra cơn động kinh: Chỉ thực hiện khi xác định được chính xác vùng não gây ra cơn và việc cắt bỏ vùng này không gây ra các khiếm khuyết thần kinh nghiêm trọng.
Phẫu thuật cắt thể chai: Có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn động kinh toàn thể, đặc biệt là các cơn té ngã (drop attacks).
Kích thích thần kinh phế vị: Một thiết bị được cấy ghép dưới da và gửi các xung điện nhẹ đến dây thần kinh phế vị, có thể giúp giảm tần suất cơn động kinh.
Kích thích não sâu (deep brain stimulation - DBS): Các điện cực được cấy vào các vùng não cụ thể để điều chỉnh hoạt động điện và giảm cơn động kinh.
Phẫu thuật cắt bỏ nhiều vùng dưới vỏ (multiple subpial transection - MST): Có thể được sử dụng cho các cơn động kinh bắt nguồn từ các vùng chức năng quan trọng của não mà không thể cắt bỏ.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến co giật
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ điều trị và không tự ý ngưng thuốc: Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tái phát co giật ở người bệnh động kinh là tự ý ngưng thuốc hoặc dùng thuốc không đúng liều. Việc tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị, tái khám định kỳ và không bỏ liều sẽ giúp kiểm soát cơn co giật hiệu quả và ổn định lâu dài.
- Ngủ đủ giấc và duy trì giờ giấc sinh hoạt điều độ: Thiếu ngủ là yếu tố dễ khởi phát cơn co giật ở người có tiền sử động kinh. Việc ngủ đủ 7–8 giờ mỗi đêm, ngủ đúng giờ và tránh thức khuya sẽ giúp não bộ được nghỉ ngơi đúng cách và duy trì hoạt động điện ổn định.
- Hạn chế căng thẳng tâm lý và học cách kiểm soát cảm xúc: Stress kéo dài có thể làm mất cân bằng dẫn truyền thần kinh và là yếu tố góp phần gây co giật. Các phương pháp như thiền, yoga, hít thở sâu và thư giãn cơ có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt cảm xúc và hạn chế nguy cơ lên cơn.
- Tránh ánh sáng nhấp nháy và các kích thích thị giác mạnh: Ở một số người, đặc biệt là động kinh cảm quang, ánh sáng chớp nháy như trong trò chơi điện tử, tiệc nhạc, hoặc màn hình có ánh sáng mạnh có thể gây khởi phát cơn co giật. Người bệnh cần tránh tiếp xúc với các nguồn kích thích thị giác này hoặc sử dụng kính lọc chuyên dụng nếu cần thiết.
- Không sử dụng chất kích thích thần kinh như rượu, ma túy và thuốc lá: Các chất này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương và có thể làm giảm ngưỡng co giật. Người bệnh cần tuyệt đối kiêng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
- Luôn chuẩn bị phương án an toàn khi có nguy cơ co giật: Người bệnh nên thông báo tình trạng bệnh của mình cho người thân, bạn bè hoặc người làm việc chung. Việc trang bị vòng tay y tế, thẻ bệnh nhân và hướng dẫn sơ cứu khi co giật sẽ giúp xử trí kịp thời, giảm nguy cơ chấn thương trong cơn.
/co_giat4_c4ce91afd8.jpg)
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn uống đầy đủ, tránh bỏ bữa và kiểm soát đường huyết: Hạ đường huyết là một trong những yếu tố khởi phát co giật ở cả người có bệnh lý nền và người bình thường. Việc ăn đúng giờ, không bỏ bữa và bổ sung năng lượng hợp lý sẽ giúp duy trì chức năng não ổn định và ngăn ngừa rối loạn chuyển hóa.
- Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện và chất béo xấu: Chế độ ăn giàu đường và chất béo bão hòa có thể gây rối loạn chuyển hóa và làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nên ưu tiên thực phẩm tươi, ít qua chế biến, và hạn chế các món chiên, thức ăn nhanh, nước ngọt có gas.
- Duy trì chế độ ăn cân bằng giàu vitamin và khoáng chất: Vitamin nhóm B, đặc biệt là B6 và B12, cùng với magie và kẽm có vai trò trong ổn định hoạt động thần kinh và ngăn ngừa cơn co giật. Rau xanh, hạt nguyên cám, cá, trứng và các loại đậu là những nguồn thực phẩm nên có trong khẩu phần hàng ngày.
- Áp dụng chế độ ăn ketogenic nếu được chỉ định bởi bác sĩ: Đối với một số người bệnh động kinh kháng thuốc, chế độ ăn ketogenic (giàu chất béo, ít carbohydrate) có thể giúp giảm tần suất cơn co giật. Tuy nhiên, đây là chế độ ăn chuyên biệt, cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Phương pháp phòng ngừa co giật hiệu quả
Đặc hiệu
Đối với bệnh động kinh: Sử dụng thuốc chống động kinh theo đúng chỉ định của bác sĩ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất các cơn co giật tái phát.
Đối với động kinh do sốt: Hạ sốt kịp thời và tích cực khi trẻ bị sốt có thể giúp giảm nguy cơ co giật do sốt cao ở trẻ có tiền sử.
Phòng ngừa chấn thương đầu: Sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc các hoạt động có nguy cơ chấn thương đầu.
Tránh các yếu tố kích thích: Tránh các chất độc hại và lạm dụng thuốc, rượu, ma túy.
Quản lý tốt các bệnh lý nền: Quản lý tốt các bệnh lý như tiểu đường, các bệnh tim mạch, rối loạn điện giải.
Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai cần được theo dõi và quản lý thai kỳ chặt chẽ để phòng ngừa tiền sản giật và sản giật.
Không đặc hiệu
Duy trì lối sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý có thể dẫn đến co giật.
Giáo dục cộng đồng: Nâng cao nhận thức về co giật và động kinh, cách sơ cứu đúng cách khi có người bị co giật.