Khô rát cổ họng là triệu chứng thường gặp, có thể xuất hiện sau khi nói nhiều, ngủ dưới điều hòa trong thời gian dài hoặc trong giai đoạn nhiễm cảm lạnh. Tuy nhiên, khi tình trạng này tái diễn thường xuyên mà không rõ nguyên nhân, nhiều người bắt đầu lo ngại liệu đó có phải là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý nghiêm trọng hơn. Việc nhận diện đúng nguyên nhân và hiểu rõ bản chất của khô rát cổ họng sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc theo dõi và bảo vệ sức khỏe đường hô hấp một cách hiệu quả.
Khô rát cổ họng do nguyên nhân nào gây ra?
Thông thường, cổ họng bị khô rát do các yếu tố bên ngoài như không khí khô, dị ứng theo mùa, thở bằng miệng khi ngủ, hoặc do hút thuốc. Ngoài ra, việc dùng một số loại thuốc như thuốc dị ứng, thuốc trầm cảm hoặc thuốc huyết áp cũng có thể làm giảm lượng nước bọt, khiến cổ họng trở nên khô rát khó chịu.
Khi ai đó bị dị ứng theo mùa, hệ miễn dịch của họ có thể phản ứng mạnh mẽ với những chất tưởng chừng vô hại trong không khí, như phấn hoa hay bụi. Những chất này khiến cơ thể giải phóng một hợp chất hóa học gọi là histamine chính “thủ phạm” gây ra hàng loạt triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mắt và đặc biệt là khô rát cổ họng.
Không chỉ dị ứng, thói quen ngủ cũng có thể là nguyên nhân khiến cổ họng khô khi thức dậy. Nếu ngủ mà miệng mở to hoặc thở bằng miệng do nghẹt mũi, không khí sẽ khiến nước bọt bay hơi nhanh hơn. Khi mất đi lớp màng ẩm tự nhiên này, cổ họng và miệng dễ bị khô, gây cảm giác khó chịu vào buổi sáng.

Thở bằng miệng trong lúc ngủ có thể chỉ đơn giản là do cảm lạnh, nhưng đôi khi đó cũng là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng hơn: Chứng ngưng thở khi ngủ, một tình trạng cần được phát hiện và điều trị sớm.
Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến khô họng là mất nước. Khi cơ thể không nhận đủ nước, cổ họng có thể cảm thấy khát thường xuyên, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, và dễ mệt mỏi hay chóng mặt. Tất cả những dấu hiệu đó đều cho thấy cơ thể đang “kêu cứu” vì thiếu nước.
Ngoài ra, khô rát cổ họng cũng có thể là triệu chứng của những bệnh nhiễm vi-rút phổ biến như cảm lạnh hay cúm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), người lớn có thể bị cảm từ 2 đến 3 lần mỗi năm. Cảm lạnh thường gây đau họng nhẹ đến vừa, trong khi cúm có thể khiến cổ họng đau và khô hơn nhiều, kèm theo sốt và mệt mỏi toàn thân. Một tình trạng vi-rút khác cũng gây khô họng là bệnh bạch cầu đơn nhân do vi-rút Epstein-Barr gây ra, thường lây qua nước bọt.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng). Một dạng khác là trào ngược thanh quản-hầu (LPR), khi axit trào ngược lên đến cổ họng và thanh quản, có thể gây khô rát cổ họng, khàn tiếng, khó nuốt và ho kéo dài.

Cuối cùng, viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn cũng có thể khiến bạn bị khô rát cổ họng, dù triệu chứng nổi bật hơn thường là đau rát. Viêm họng liên cầu khuẩn do vi khuẩn Streptococcus gây ra còn kèm theo sốt, sưng amidan, phát ban và đau nhức toàn thân, những dấu hiệu không nên bỏ qua.
Cảm giác khô rát cổ họng thường xuyên có nguy hiểm không?
Khô rát cổ họng là một tình trạng phổ biến và phần lớn không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu cảm giác này diễn ra thường xuyên, kéo dài trong nhiều tuần mà không rõ nguyên nhân, bạn không nên chủ quan. Trong nhiều trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cần được thăm khám và điều trị đúng cách.
Nếu tình trạng khô họng kéo dài hơn 6 đến 8 tuần, đặc biệt là không liên quan đến thời tiết, môi trường hay thuốc men, nên cân nhắc đi khám bác sĩ. Một số bệnh lý mãn tính có thể là nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là hội chứng Sjögren, một rối loạn tự miễn khiến cơ thể tấn công chính các tuyến tiết dịch như tuyến nước bọt, tuyến lệ. Người mắc hội chứng này không chỉ cảm thấy khô họng, mà còn có thể gặp hiện tượng khô mắt, sưng tuyến nước bọt, khó nuốt và khô da.

Đặc biệt nếu tình trạng khô họng đi kèm các dấu hiệu nghiêm trọng như sốt cao, phát ban, mệt mỏi quá mức, sụt cân, khó thở hoặc đau ngực là những dấu hiệu này cần được đánh giá y tế càng sớm càng tốt, vì nó có thể liên quan đến các bệnh nguy hiểm hơn như ung thư vòm họng.
Tóm lại, đừng xem nhẹ cảm giác khô họng nếu nó kéo dài hoặc kèm theo nhiều triệu chứng bất thường. Một cuộc hẹn khám đơn giản có thể giúp bạn yên tâm hoặc phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mà bạn chưa từng nghĩ tới.
Các cách giảm khô rát cổ họng tại nhà hiệu quả, an toàn
Điều đầu tiên nên làm là uống đủ nước. Việc giữ cơ thể đủ nước là chìa khóa để duy trì độ ẩm cho niêm mạc họng. Hãy ưu tiên nước lọc, nước ấm, hoặc các loại trà thảo mộc không chứa caffeine như trà hoa cúc, trà gừng, trà cam thảo, những loại này không chỉ cấp nước mà còn có đặc tính làm dịu tự nhiên.
Bên cạnh đó, hãy xem xét môi trường sống. Nếu đang sống hoặc làm việc ở nơi có không khí khô, việc sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ hoặc không gian sinh hoạt có thể mang lại sự khác biệt rõ rệt. Một giấc ngủ với không khí đủ ẩm sẽ giúp cổ họng bạn không còn bị khô căng khi thức dậy.

Hãy chú ý xem các loại thuốc mới sử dụng, đọc kỹ thông tin về tác dụng phụ. Một số loại thuốc như thuốc dị ứng, thuốc huyết áp hoặc thuốc chống trầm cảm có thể gây khô miệng và cổ họng. Trong trường hợp đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn thay đổi liều hoặc tìm giải pháp thay thế phù hợp.
Ngoài ra, đừng quên lắng nghe cơ thể mình. Cổ họng khô có thể trầm trọng hơn nếu bạn đang bị viêm mũi dị ứng, chảy dịch xoang hoặc tiếp xúc với bụi, khói hay hóa chất. Khi đó, việc sử dụng thuốc xịt mũi, thuốc dị ứng hoặc máy lọc không khí có thể giúp giảm triệu chứng tận gốc.
Trong lúc triệu chứng vẫn còn, có thể tạm thời làm dịu cổ họng bằng trà ấm hoặc viên ngậm thảo dược. Những viên ngậm này giúp kích thích tiết nước bọt và giảm cảm giác ngứa rát, nhưng nên tránh loại có hương bạc hà mạnh vì chúng có thể khiến cổ họng thêm khô. Ngậm một viên ngậm dịu nhẹ trước khi đi ngủ hoặc khi phải nói nhiều cũng là cách đơn giản mà hiệu quả.
Tóm lại, cảm giác khô rát cổ họng thường xuyên không nên bị xem nhẹ, đặc biệt khi nó kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác. Dù nguyên nhân có thể chỉ là do môi trường hoặc thói quen sinh hoạt, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu sớm của các bệnh. Vì vậy, lắng nghe cơ thể mình và chủ động thăm khám khi cần thiết chính là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe lâu dài.