icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
bach_hau_o_mui_167408d194bach_hau_o_mui_167408d194

Bạch hầu ở mũi là gì? Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Hà Phương23/07/2025

Bạch hầu ở mũi là một dạng nhiễm khuẩn khu trú do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, ảnh hưởng chủ yếu đến niêm mạc trong khoang mũi. Mặc dù bạch hầu ở mũi có thể diễn tiến nhẹ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người khác và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các biểu hiện tại chỗ và kiểm soát nguồn lây là yếu tố then chốt trong phòng ngừa lây lan cộng đồng.

Tìm hiểu chung về bạch hầu ở mũi

Bạch hầu ở mũi là một dạng hiếm gặp của bệnh bạch hầu, xảy ra khi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae xâm nhập và gây viêm tại niêm mạc mũi, đặc biệt là ở vách ngăn mũi. Đây là thể khu trú của bệnh, thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc sống trong môi trường đông đúc, điều kiện vệ sinh kém.

So với các thể khác như bạch hầu họng hoặc thanh quản, bạch hầu ở mũi thường có biểu hiện lâm sàng kín đáo, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm mũi thông thường như sổ mũi, nghẹt mũi hay viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc, hình thành màng giả đặc trưng, chảy dịch mũi có mùi hôi, thậm chí gây chảy máu mũi kéo dài.

Triệu chứng bạch hầu ở mũi

Những dấu hiệu và triệu chứng của bạch hầu ở mũi

Bạch hầu ở mũi thường không gây sốt cao như các thể bạch hầu ở họng hay thanh quản, nhưng có những biểu hiện đặc trưng mà người bệnh cần lưu ý. Triệu chứng ban đầu có thể bao gồm:

  • Nghẹt mũi.
  • Chảy nước mũi trong sau đó có thể chuyển sang mủ có màu vàng hoặc lẫn máu.
  • Dịch mũi có mùi hôi khó chịu.

Một đặc điểm điển hình của bạch hầu ở mũi là sự xuất hiện của màng giả bám ở niêm mạc mũi, thường có màu trắng ngà hoặc xám, khó bong, nếu cố gắng lấy ra có thể gây chảy máu. Trường hợp nặng hơn, vùng da xung quanh lỗ mũi có thể bị viêm loét, đỏ tấy và sưng đau.

Trẻ nhỏ mắc bạch hầu ở mũi có thể trở nên biếng ăn, quấy khóc, thở khò khè và ngủ không yên. Đặc biệt, trong những ca nghiêm trọng, vi khuẩn có thể lan xuống họng hoặc các cơ quan khác, gây bạch hầu phối hợp.

Bạch hầu ở mũi 1
Nghẹt mũi, chảy nước mũi là triệu chứng thường gặp của bệnh bạch hầu ở mũi

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bạch hầu ở mũi

Dù bạch hầu ở mũi là một thể nhẹ hơn so với bạch hầu thanh quản hay họng, nhưng vẫn có nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Một số biến chứng bao gồm:

  • Viêm xoang cấp hoặc mãn tính: Vi khuẩn bạch hầu có thể lan rộng lên các xoang mũi, gây viêm xoang với biểu hiện đau nhức vùng trán, má và sốt kéo dài.
  • Nhiễm trùng huyết: Trong một số trường hợp hiếm, vi khuẩn xâm nhập vào máu, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng toàn thân, đe dọa tính mạng.
  • Viêm cơ tim và thần kinh: Độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra có thể tấn công tim và hệ thần kinh, gây rối loạn nhịp tim, yếu liệt cơ hoặc thậm chí ngừng tim.
  • Biến dạng mũi: Nếu bạch hầu mũi dẫn đến viêm loét sâu, có thể gây sẹo và biến dạng mũi về lâu dài.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khám càng sớm càng tốt là yếu tố quan trọng trong việc điều trị thành công bệnh bạch hầu ở mũi. Bạn nên đi khám nếu xuất hiện các triệu chứng như:

  • Chảy mũi kéo dài không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu dịch có màu vàng, hôi hoặc lẫn máu.
  • Sốt nhẹ kéo dài kèm theo sưng tấy vùng mũi.
  • Xuất hiện màng trắng hoặc xám bên trong hốc mũi.
  • Trẻ em có biểu hiện mệt mỏi, bỏ bú, thở khó hoặc co rút vùng ức.

Nếu nghi ngờ mắc bệnh, không nên tự ý điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh không kê đơn, mà cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác.

Nguyên nhân gây ra bạch hầu ở mũi

Nguyên nhân chính của bệnh bạch hầu ở mũi là do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là một loại trực khuẩn gram dương, hình dùi trống, thường sinh sống trong niêm mạc họng và mũi của người bị nhiễm hoặc người lành mang trùng.

Vi khuẩn này lây lan chủ yếu qua đường hô hấp - qua giọt bắn từ người bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói chuyện. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, chén đũa, hoặc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm khuẩn.

Một điểm đáng chú ý là vi khuẩn bạch hầu chỉ gây bệnh khi mang gen tạo độc tố. Chính độc tố này mới là thủ phạm gây tổn thương mô và các biến chứng nghiêm trọng cho cơ thể.

Bạch hầu ở mũi 2
Corynebacterium diphtheriae mang gen độc tố là nguyên chính gây ra bệnh bạch hầu

Nguy cơ mắc phải bạch hầu ở mũi

Những ai có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu ở mũi?

Bạch hầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, người lớn không được tiêm nhắc lại hoặc sống trong khu vực có dịch bùng phát cũng nằm trong nhóm nguy cơ.

Những người sống trong điều kiện vệ sinh kém, không khí ô nhiễm hoặc thường xuyên tiếp xúc với người bệnh mà không có biện pháp bảo hộ cũng dễ bị lây nhiễm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu ở mũi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Không tiêm phòng hoặc tiêm phòng vắc xin không đầy đủ.
  • Suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn do suy dinh dưỡng, bệnh mạn tính hoặc HIV.
  • Môi trường sống chật chội, đông đúc, kém thông thoáng.
  • Tiếp xúc gần với người bị bệnh mà không có biện pháp bảo vệ.
  • Thiếu hiểu biết về bệnh và chậm trễ trong việc phát hiện triệu chứng.
Bạch hầu ở mũi 3
Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bạch hầu ở mũi

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bạch hầu ở mũi

Để chẩn đoán chính xác bệnh bạch hầu ở mũi, bác sĩ sẽ dựa vào kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp. Bác sĩ sẽ quan sát khoang mũi nhằm phát hiện sự hiện diện của màng giả đặc trưng, đồng thời đánh giá mức độ viêm, mức độ sung huyết niêm mạc và lượng dịch mũi – đặc biệt khi dịch có mùi hôi hoặc lẫn máu.

Các xét nghiệm thường được chỉ định giúp chẩn đoán chính xác bệnh gồm:

  • Mẫu dịch mũi: Được lấy bằng tăm bông vô khuẩn và đưa đi nuôi cấy để xác định sự có mặt của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.
  • Xét nghiệm PCR: Có thể được thực hiện nhằm phát hiện gen mã hóa độc tố của vi khuẩn – yếu tố quan trọng gây biến chứng toàn thân.
  • Xét nghiệm máu thường quy: Được chỉ định để đánh giá mức độ viêm nhiễm, kiểm tra chức năng gan thận và theo dõi các biểu hiện toàn thân nghi ngờ biến chứng.

Việc chẩn đoán sớm và chính xác không chỉ giúp điều trị kịp thời mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cách ly người bệnh, ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng.

Điều trị bạch hầu ở mũi

Nội khoa

Điều trị nội khoa là phương pháp chính và thường mang lại hiệu quả cao nếu được tiến hành sớm, đặc biệt trong các trường hợp bạch hầu ở mũi chưa xuất hiện biến chứng toàn thân.

  • Kháng độc tố bạch hầu: Giúp trung hòa độc tố do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae tiết ra, từ đó ngăn chặn độc tố tấn công các cơ quan quan trọng như tim, thần kinh và thận. Thuốc thường được sản xuất từ huyết thanh ngựa, nên cần làm test dị ứng trước khi sử dụng. Việc sử dụng kháng độc tố nên được thực hiện càng sớm càng tốt, ngay khi có nghi ngờ lâm sàng, thay vì chờ kết quả cận lâm sàng, vì hiệu quả của thuốc sẽ giảm dần theo thời gian nhiễm bệnh.
  • Kháng sinh: Dùng để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn chặn sự phát tán sang người khác. Hai kháng sinh thường được lựa chọn là penicillin (tiêm bắp hoặc tĩnh mạch) và erythromycin (uống hoặc tiêm). Liệu trình điều trị thường kéo dài từ 10 đến 14 ngày.
  • Điều trị hỗ trợ: Bạn có thể được chỉ định thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol nếu có sốt nhẹ hoặc cảm giác khó chịu. Rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn nhẹ giúp làm sạch dịch mũi, giảm viêm, cải thiện thông khí và hạn chế hình thành màng giả dày. Trong trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn khác, bác sĩ có thể cân nhắc thêm thuốc điều trị phù hợp.

Ngoài điều trị thuốc, khi mắc bệnh bạch hầu ở mũi bạn cần được cách ly nghiêm ngặt, đảm bảo không tiếp xúc gần với người xung quanh trong suốt thời gian điều trị để ngăn chặn lây lan, đặc biệt trong môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ.

Bạch hầu ở mũi 4
Thuốc kháng độc tố và kháng sinh là các thuốc thường được dùng để điều trị bệnh bạch hầu ở mũi

Ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa trong bệnh bạch hầu ở mũi là không phổ biến và chỉ được xem xét trong một số ít trường hợp có biến chứng tại chỗ nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa.

  • Áp xe vùng xoang mũi: Khi vi khuẩn lan rộng và gây viêm mủ trong các xoang vùng mũi như xoang sàng, xoang hàm, có thể hình thành áp xe. Trường hợp này đòi hỏi cần chọc hút hoặc dẫn lưu để làm sạch ổ mủ.
  • Tổn thương hoại tử mô: Trong một số trường hợp hiếm, màng giả bạch hầu gây thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử mô tại vách ngăn mũi hoặc niêm mạc mũi. Cần được can thiệp để loại bỏ mô hoại tử, hạn chế nhiễm trùng lan rộng.
  • Biến dạng cấu trúc mũi: Nếu tổn thương nặng gây viêm phá hủy cấu trúc nâng đỡ mũi (như sụn vách ngăn), có thể để lại biến dạng thẩm mỹ hoặc gây cản trở hô hấp. Trong giai đoạn hồi phục, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật tạo hình nhằm cải thiện chức năng và hình dáng mũi.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bạch hầu ở mũi

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bạch hầu ở mũi

Chế độ sinh hoạt;

  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh gắng sức.
  • Hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài và thay khẩu trang mỗi ngày.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
  • Không tự ý dùng thuốc kháng sinh nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn đủ chất, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin A, C, kẽm và protein như rau xanh, trái cây tươi, thịt nạc, trứng.
  • Uống nhiều nước để giữ ẩm niêm mạc hô hấp.
  • Hạn chế thức ăn cay nóng hoặc dễ gây kích ứng mũi họng như đồ chiên rán, nước có gas.
  • Đối với trẻ nhỏ, cần đảm bảo đủ sữa mẹ hoặc thay thế bằng sữa công thức giàu dưỡng chất.

Phương pháp phòng ngừa bạch hầu ở mũi

Đặc hiệu

Tiêm vắc xin là phương pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả, an toàn và lâu dài nhất hiện nay. Loại vắc xin được sử dụng phổ biến hiện nay là vắc xin phối hợp phòng ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván.

  • Vắc xin Adacel (Canada): Là vắc xin phối hợp phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván. Được chỉ định cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn đến 64 tuổi. Tiêm 1 liều duy nhất để nhắc lại miễn dịch, có thể lặp lại sau mỗi 10 năm nếu cần.
  • Vắc xin Boostrix (Bỉ): Là vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván. Được khuyến nghị cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Tiêm 1 liều duy nhất để nhắc lại miễn dịch, có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
  • Vắc xin Uốn ván Bạch hầu hấp phụ (Td) (Việt Nam): Dành cho trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn để phòng ngừa bạch hầu và uốn ván. Tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại sau mỗi 10 năm nếu cần duy trì miễn dịch.
Bạch hầu ở mũi 5
Tiêm vắc xin giúp bạn chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu

Không đặc hiệu

Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, bạn cần áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn sự lan rộng của vi khuẩn gây bệnh:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên.
  • Hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp.
  • Cải thiện điều kiện sống: Không gian thông thoáng, tránh quá đông người trong cùng không gian.
  • Sát khuẩn bề mặt đồ dùng, đồ chơi, đặc biệt trong môi trường nhà trẻ, trường học.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Có thể bạn quan tâm

Gói vắc xin

Illus_Goi_blue_2_0121d2fee9

14.422.160đ

/ Gói

16.134.800đ

/ Gói
Illus_Goi_blue_3_ad13668bfe

22.919.960đ

/ Gói

23.768.800đ

/ Gói
Illus_Goi_blue_4_3111f89e24

10.764.760đ

/ Gói

11.272.800đ

/ Gói

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Bạch hầu ở mũi thường có dịch mũi màu trắng đục hoặc vàng, có mùi hôi, đôi khi lẫn máu, kèm theo màng giả màu trắng ngà hoặc xám bám ở niêm mạc mũi - đây là dấu hiệu đặc trưng. Tuy nhiên, bạn cần khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Xem thêm thông tin: Làm cách nào để phân biệt bạch hầu và cảm cúm?

Bạn có thể làm xét nghiệm huyết thanh để đo nồng độ kháng thể kháng độc tố bạch hầu. Nếu nồng độ kháng thể thấp, bạn nên tiêm nhắc lại vắc xin.

Câu trả lời là có. Bệnh này lây qua đường hô hấp, đặc biệt khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết mũi họng hoặc bề mặt bị ô nhiễm.

Xem thêm thông tin: Bệnh bạch hầu lây qua đường nào​?

Bạn không nên tự ý điều trị tại nhà bởi vì đây là bệnh nguy hiểm cần được điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế để phòng ngừa biến chứng và kiểm soát lây lan.

consultant-background-desktopconsultant-background-mb

Yêu cầu tư vấn

consultant-doctor-mobileconsultant-doctor-desktop

Yêu cầu tư vấn

Gọi 1800 6928 để được bác sĩ tư vấn

VIDEO NGẮN LIÊN QUAN

Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, Huế ghi nhận 12 ca nhiễm liên cầu lợn, trong đó 1 người tử vong, chủ yếu do ăn tiết canh hoặc thịt lợn chưa chín.

alt

Một bé trai 13 tuổi đã không may tử vong vì bệnh dại sau khi bị chó cắn mà không được tiêm phòng kịp thời. Bệnh dại là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gần như 100% tử vong khi đã phát bệnh. Sự việc là lời cảnh tỉnh về tâm lý chủ quan khi xử lý vết thương do chó mèo cắn.

alt