icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
30_4_2025_header_web_2_e7f82ebc3b30_4_2025_header_app_1_1fb85f5a69
so_mui_003ccad408so_mui_003ccad408

Sổ mũi là gì? Nguyên nhân, biện pháp điều trị và cách phòng ngừa

Hà Phương10/04/2025

Sổ mũi (Rhinorrhea hoặc Runny Nose) là một triệu chứng phổ biến với mọi người. Bệnh thường xảy ra do dị ứng và nhiễm virus (như cảm lạnh hoặc cúm). Tuy nhiên, một số tình trạng khác cũng có thể gây sổ mũi. Thông thường, sổ mũi sẽ tự khỏi, nhưng một số phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện tình trạng này.

Tìm hiểu chung về sổ mũi

Sổ mũi là tình trạng chất nhầy chảy ra từ mũi. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn như không khí lạnh và/hoặc khô, dị ứng hoặc cảm lạnh thông thường. Thường liên quan là viêm mũi, là tình trạng viêm các mô bên trong mũi.

Hầu như ai cũng từng bị sổ mũi ít nhất một lần. Triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và biểu hiện theo nhiều cách.

Độ đặc và màu sắc của chất nhầy chảy ra từ mũi có thể khác nhau. Dị ứng, ăn đồ cay hoặc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh thường khiến dịch mũi loãng hơn. Khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác, cơ thể thường tạo ra chất nhầy đặc hơn.

Hầu hết các trường hợp sổ mũi chỉ là tạm thời, nhưng một số người có thể bị sổ mũi mãn tính.

Triệu chứng sổ mũi

Những dấu hiệu và triệu chứng của sổ mũi

Khi mũi sản xuất quá nhiều chất nhầy, một phần có thể chảy ra ngoài qua lỗ mũi, trong khi phần còn lại quay trở lại các khoang mũi, gây tắc nghẽn luồng không khí. Sổ mũi có thể là triệu chứng duy nhất của tình trạng này.

Sổ mũi có thể xảy ra riêng lẻ, nhưng thường đi kèm với các triệu chứng sau:

  • Nghẹt mũi;
  • Hắt hơi;
  • Ngứa hoặc chảy nước mắt;
  • Chảy dịch mũi sau: Đây là tình trạng chất nhầy tích tụ nhiều hơn bình thường và chảy xuống phía sau cổ họng, có thể gây đau họng và ho.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh sổ mũi

Sổ mũi thời gian dài nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nhẹ, bao gồm:

  • Chảy dịch mũi sau: Chất nhầy dư thừa có thể tích tụ và chảy xuống phía sau họng, gây đau họng và ho.
  • Viêm xoang: Nếu đường xoang bị tắc nghẽn có thể dẫn đến viêm xoang, thường gây đau nhức. Trường hợp nặng có thể cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
  • Đau tai hoặc viêm tai: Khi chất nhầy dư thừa tràn vào ống eustachian (ống nối tai giữa và vòm họng), có thể gây đau tai hoặc nhiễm trùng tai cho bạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sổ mũi là tình trạng rất phổ biến và thường không cần đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu:

  • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi kéo dài hơn ba tuần hoặc đi kèm với sốt.
  • Dịch mũi chảy ra từ một bên lỗ mũi, đặc biệt nếu có mùi hôi hoặc có máu.
  • Khó khăn trong việc hít thở.
  • Bị sưng ở trán, mắt, hai bên mũi hoặc má.
  • Bị mờ mắt.
  • Chảy dịch mũi sau chấn thương đầu, đặc biệt nếu dịch trong và loãng.
so-mui 4.jpeg

Nguyên nhân gây sổ mũi

Nguyên nhân phổ biến nhất gây sổ mũi bao gồm:

  • Dị ứng (viêm mũi dị ứng): chẳng hạn như dị ứng với phấn hoa, lông thú cưng hoặc bụi. Các chất gây dị ứng là chất vô hại đối với hầu hết mọi người. Nhưng nếu bạn bị viêm mũi dị ứng, hệ miễn dịch của bạn sẽ cho rằng các chất gây dị ứng này là mối đe dọa. Cơ thể sẽ phản ứng bằng gây viêm và ngứa các màng nhầy trong mũi, mắt và cổ họng để đào thải dị nguyên. Dị ứng thường khiến dịch mũi loãng hơn.
  • Nhiễm virus: Như cảm lạnh, cúm và COVID-19. Khi hít phải virus, niêm mạc mũi và xoang mũi bị kích ứng. Mũi bắt đầu tiết ra nhiều dịch nhầy trong để bẫy virus và đào thải ra ngoài. Nếu virus vượt qua lớp chất nhầy này, bạn sẽ bị bệnh. Cơ thể sẽ sản xuất thêm dịch nhầy, có thể chuyển sang màu trắng hoặc vàng. Đôi khi, dịch nhầy có thể có màu xanh lục.

Các nguyên nhân khác gây sổ mũi

Ngoài ra, sổ mũi còn có thể do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:

  • Nhiệt độ lạnh: Khi bạn hít không khí vào qua mũi, mũi sẽ làm ấm không khí và bổ sung độ ẩm trước khi đưa vào phổi. Không khí lạnh, khô có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, khiến các tuyến nhầy tiết ra nhiều dịch hơn để giữ ẩm, dẫn đến sổ mũi.
  • Chảy nước mắt quá nhiều: Khi cơ thể tạo ra quá nhiều nước mắt (do khóc hoặc kích ứng mắt), nước mắt sẽ chảy qua ống dẫn lệ vào khoang mũi. Điều này có thể khiến mũi chảy dịch nhiều hơn.
  • Viêm xoang: Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng có thể làm xoang bị viêm, dẫn đến tắc nghẽn và tích tụ dịch. Điều này có thể gây áp lực, đau nhức mặt, nghẹt mũi và sổ mũi với dịch nhầy đặc màu vàng hoặc xanh lục.
  • Polyp mũi: Đây là những khối u lành tính phát triển bên trong mũi và xoang. Khi phát triển lớn, chúng có thể gây sổ mũi và các triệu chứng khác.
  • Vật lạ trong mũi: Nếu có vật lạ kẹt trong mũi, cơ thể sẽ tạo ra nhiều dịch nhầy để cố gắng đào thải nó ra ngoài. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em và có thể khiến dịch mũi có mùi hôi chỉ chảy ra từ một bên mũi.
  • Viêm mũi không do dị ứng: Xảy ra khi bạn bị sổ mũi, hắt hơi trong nhiều tuần đến nhiều tháng mà không có nguyên nhân dị ứng rõ ràng. Các chất kích thích như khói thuốc lá, khói xe hoặc mùi mạnh có thể gây viêm mũi không do dị ứng. Viêm mũi vận mạch là bệnh lý phổ biến nhất.
  • Viêm mũi do thức ăn: Gây sổ mũi khi ăn một số loại thực phẩm, đặc biệt là thức ăn cay hoặc nóng.
  • Viêm mũi thai kỳ: Đây là tình trạng sổ mũi và/hoặc nghẹt mũi kéo dài ít nhất sáu tuần trong thai kỳ, do thay đổi lưu lượng máu và hormone ảnh hưởng đến màng nhầy.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là sổ mũi, bao gồm thuốc tránh thai, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị rối loạn cương dương.
  • Rò dịch não tủy: Đây là tình trạng dịch bao quanh não và tủy sống rò rỉ ra khỏi vị trí bình thường. Trong một số trường hợp, dịch này có thể chảy ra từ mũi. Dịch thường trong suốt, lỏng và chỉ chảy ra từ một bên mũi.
  • Cai thuốc giảm đau opioid: Khi bạn đang bị phụ thuộc vào thuốc giảm đau nhóm opioid và đột ngột ngừng sử dụng, bạn sẽ gặp nhiều triệu chứng, bao gồm sổ mũi và chảy nước mắt nhiều.

Nguy cơ mắc phải sổ mũi

Những ai có nguy cơ mắc bệnh sổ mũi?

Những người có tiền sử dị ứng có nguy cơ cao bị sổ mũi do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các tác nhân gây dị ứng.

Trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến sổ mũi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sổ mũi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sổ mũi là:

  • Sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ bị sổ mũi.
  • Thời tiết lạnh hoặc hanh khô.
  • Thuốc (như thuốc điều trị tăng huyết áp hay thuốc tránh thai) có thể gây tác dụng phụ sổ mũi.
so-mui 5.jpeg

Phương pháp chẩn đoán và điều trị sổ mũi

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sổ mũi

Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn, bao gồm tiền sử dị ứng, đồng thời đặt câu hỏi về các yếu tố có thể gây ra tình trạng sổ mũi.

Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và có thể chỉ định các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây sổ mũi. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm dịch mũi để phát hiện các bệnh nhiễm trùng như COVID-19.
  • Kiểm tra dị ứng, bao gồm xét nghiệm lẩy da (skin prick test) và xét nghiệm máu.
  • Nội soi mũi để kiểm tra tình trạng của các xoang.
  • Chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT-scan, để kiểm tra xem có hiện tượng rò dịch não tủy hay không.
so-mui 6.jpg

Điều trị sổ mũi

Phần lớn các trường hợp, sổ mũi sẽ tự khỏi mà bạn không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ gồm:

  • Viêm xoang: Nếu triệu chứng viêm xoang không cải thiện sau 10 ngày, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh, thuốc thông mũi dạng uống hoặc xịt, hoặc thuốc xịt corticosteroid đường mũi.
  • Viêm mũi mạn tính: Nếu bạn bị sổ mũi kéo dài, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia tai mũi họng để xác định nguyên nhân tiềm ẩn khác. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phẫu thuật để điều chỉnh các vấn đề cấu trúc như polyp mũi, vách ngăn mũi lệch hoặc amidan phì đại.
  • Vật lạ trong mũi: Nếu có vật thể lạ mắc kẹt trong mũi của bạn (hoặc con bạn), chúng cần được loại bỏ ngay. Bác sĩ sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để lấy dị vật ra, bao gồm kẹp gắp, nhíp y tế, kỹ thuật thổi mạnh hoặc hút dị vật ra ngoài.

Không có cách nào để ngừng sổ mũi ngay lập tức, tuy nhiên một số biện pháp tại nhà và thuốc có thể giúp giảm bớt triệu chứng sổ mũi cho bạn.

Biện pháp giảm sổ mũi tại nhà

Hãy thử các cách sau để giúp giảm triệu chứng sổ mũi:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc.
  • Dùng máy tạo độ ẩm hoặc máy xông hơi cạnh giường ngủ để giảm nghẹt mũi do không khí khô.
  • Rửa mũi với nước muối sinh lý để làm sạch chất nhầy trong mũi.

Thuốc hỗ trợ giảm sổ mũi

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn giúp giảm triệu chứng, bao gồm:

  • Thuốc long đờm: Giúp làm loãng chất nhầy để dễ tống ra ngoài, có thể hỗ trợ giảm sổ mũi.
  • Thuốc thông mũi: Giúp làm co mạch và khô niêm mạc mũi, giúp giảm nghẹt và sổ mũi.
  • Thuốc kháng histamin: Có hiệu quả nếu sổ mũi do dị ứng.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa sổ mũi

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sổ mũi

Chế độ sinh hoạt:

  • Hạn chế đưa tay lên mũi, miệng, mắt để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và kích ứng mũi.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch để ngăn ngừa lây nhiễm virus, vi khuẩn.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng nếu có tiền sử dị ứng trước đây.
  • Vệ sinh chăn, gối, rèm cửa, thảm trải sàn thường xuyên để loại bỏ bụi và vi khuẩn.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, hít thở sâu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, kiwi để tăng cường hệ miễn dịch.
  • Ăn thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, hải sản, đậu, hạt để hỗ trợ sức đề kháng.
  • Uống đủ nước để giúp làm loãng dịch nhầy và giảm tắc nghẽn mũi.

Phương pháp phòng ngừa sổ mũi hiệu quả

Không phải lúc nào bạn cũng phòng ngừa được tình trạng sổ mũi. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Tránh tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh hoặc nhiễm virus.
  • Ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để tăng cường hệ miễn dịch.
  • Ho và hắt hơi vào khuỷu tay, không vào tay.
  • Vệ sinh và khử trùng các bề mặt thường dùng như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, điện thoại và thiết bị vệ sinh.
so-mui 7.jpg

Nếu bạn có tiền sử dị ứng, các biện pháp sau có thể hữu ích với bạn:

  • Hạn chế ra ngoài khi lượng phấn hoa cao, thường vào sáng sớm và những ngày có gió.
  • Đóng cửa sổ trong mùa dị ứng và sử dụng điều hòa không khí khi có thể.
  • Đeo khẩu trang chống bụi khi làm việc ngoài trời. Thay quần áo và tắm ngay sau khi vào nhà.
  • Tránh tiếp xúc với chó mèo nếu bạn nhạy cảm với lông động vật.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Phần lớn các trường hợp sổ mũi không nguy hiểm và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu bạn bị sổ mũi kéo dài hơn 10 ngày, đi kèm sốt cao, đau đầu hoặc có dịch mũi màu xanh đặc, có mùi hôi, bạn nên đi khám bác sĩ vì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh lý nghiêm trọng hơn.

Thuốc xịt mũi chứa chất co mạch có thể giúp giảm sổ mũi và nghẹt mũi nhanh chóng nhưng không nên dùng quá 3 ngày liên tục vì có thể gây lệ thuộc và làm tình trạng bệnh trở nên tệ hơn. Nếu bạn muốn dùng lâu dài, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Phụ nữ mang thai có thể bị sổ mũi do thay đổi hormone, gọi là "viêm mũi thai kỳ". Tình trạng này không nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu. Một số cách để giảm triệu chứng gồm:

  • Uống nhiều nước;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm;
  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý;
  • Tránh các tác nhân kích thích như khói thuốc, bụi bẩn.

Nếu sổ mũi kèm theo sốt, ho dai dẳng hoặc khó thở, mẹ bầu nên đi khám để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Sổ mũi có thể gây tình trạng nghẹt mũi khiến bạn khó ngủ, đặc biệt khi nằm ngửa. Một số mẹo để cải thiện giấc ngủ gồm:

  • Nằm nghiêng hoặc nâng cao đầu khi ngủ;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ;
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ.

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý sẽ giúp làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn và làm loãng dịch nhầy, giảm nguy cơ sổ mũi. Tuy nhiên, không nên lạm dụng rửa mũi quá nhiều vì có thể làm mất đi lớp nhầy bảo vệ tự nhiên trong mũi, gây khô và kích ứng niêm mạc. Bạn chỉ nên rửa mũi khi:

  • Cảm thấy mũi bị tắc nghẽn, khó chịu;
  • Sau khi tiếp xúc với khói bụi hoặc chất gây dị ứng;
  • Khi bị cảm lạnh hoặc viêm xoang.