Tìm hiểu chung về bệnh viêm phổi bệnh viện
Viêm phổi bệnh viện được định nghĩa là viêm phổi xảy ra ở người bệnh đã nhập viện ít nhất 48 giờ. Bản thân viêm phổi được xác định khi có hình ảnh thâm nhiễm mới ở phổi trên X-quang, cùng với bằng chứng cho thấy thâm nhiễm này có nguồn gốc nhiễm trùng như sốt, tăng bạch cầu hoặc đờm mủ.
- Viêm phổi bệnh viện khởi phát sớm (xảy ra trong vòng 4 ngày sau nhập viện) thường do các vi khuẩn và virus giống như trong viêm phổi cộng đồng gây ra, và tiên lượng thường tốt.
- Viêm phổi bệnh viện khởi phát muộn (xảy ra từ ngày thứ 5 trở đi sau nhập viện) có tiên lượng xấu hơn và thường do các vi sinh vật có nguồn gốc từ môi trường bệnh viện gây ra. Các tác nhân phổ biến nhất bao gồm MRSA, Pseudomonas aeruginosa và các vi khuẩn gram âm không thuộc nhóm Pseudomonas.
Viêm phổi bệnh viện là nhiễm trùng bệnh viện phổ biến thứ hai và là nhiễm trùng mắc phải phổ biến nhất tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) chỉ sau nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến ống thông tiểu. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi bệnh viện ở những bệnh nhân phải thở máy dao động từ 30 - 50%, với tỷ lệ tử vong trực tiếp ước tính từ 10 - 50%.
Triệu chứng bệnh viêm phổi bệnh viện
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi bệnh viện
Các triệu chứng của viêm phổi mắc phải trong bệnh viện nhìn chung giống với viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, bao gồm:
- Cảm giác mệt mỏi, suy nhược toàn thân;
- Ho có đờm (đờm đặc hoặc đổi màu);
- Khó thở;
- Sốt;
- Ớn lạnh;
- Đau ngực.
Tuy nhiên, viêm phổi mắc phải trong bệnh viện có thể khó được bác sĩ chẩn đoán hơn, đặc biệt ở những đối tượng như người lớn tuổi, người đang đặt ống thở và thở máy, người bị sa sút trí tuệ, người bệnh nặng, không thể tự mô tả các triệu chứng
Trong những trường hợp này, viêm phổi thường được nghi ngờ khi có các dấu hiệu như sốt, nhịp thở nhanh và nhịp tim tăng.
Ngoài ra, người cao tuổi bị viêm phổi còn có thể xuất hiện các biểu hiện như lú lẫn, chán ăn, bồn chồn, kích động, té ngã và tiểu không tự chủ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phổi bệnh viện
Viêm phổi bệnh viện có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có các bệnh lý nền hoặc sức khỏe yếu.
- Suy hô hấp: Viêm phổi bệnh viện có thể gây suy hô hấp cấp tính, khiến bệnh nhân khó thở và cần hỗ trợ thở máy.
- Nhiễm khuẩn huyết: Một tình trạng nguy hiểm khi vi khuẩn từ phổi xâm nhập vào máu và lan ra toàn cơ thể, gây viêm nhiễm các cơ quan khác. Nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn đến suy các cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Áp xe phổi: Áp xe phổi có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng và gây đau ngực, khó thở.
- Tràn dịch màng phổi: Là tình trạng dịch tích tụ giữa lớp màng phổi và phổi, gây ra tình trạng đau ngực và khó thở. Tràn dịch màng phổi có thể cần phải điều trị bằng cách chọc hút dịch.
- Suy đa tạng: Trong trường hợp nặng, viêm phổi bệnh viện có thể dẫn đến suy đa tạng, khi nhiều cơ quan trong cơ thể, như thận, gan và tim, không thể hoạt động bình thường.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên hãy báo ngay với bác sĩ điều trị.
- Khó thở;
- Sốt cao kéo dài;
- Đau ngực;
- Ho có đờm mủ hoặc máu;
- Khó nuốt.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi bệnh viện
Các nguyên nhân thường gặp
Các loại vi khuẩn thường gặp liên quan đến viêm phổi bệnh viện (HAP) bao gồm các vi khuẩn sau:
- P. aeruginosa.
- Staphylococcus aureus, bao gồm Staphylococcus aureus nhạy cảm với methicillin (MSSA) và Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA)
- Klebsiella pneumoniae.
- Escherichia coli.
- Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae được tìm thấy trong viêm phổi bệnh viện khởi phát sớm.

Các tác nhân ít gặp
Các tác nhân sau đây ít khi được liên quan đến các đợt bùng phát viêm phổi bệnh viện, thường ảnh hưởng đến các bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng:
- Legionella sp;
- Virus cúm A;
- Virus hợp bào hô hấp (RSV);
- Virus parainfluenza type 3;
- Virus metapneumovirus.
Các vi khuẩn liên quan đến viêm phổi liên quan đến máy thở
Các vi khuẩn liên quan đến viêm phổi liên quan đến máy thở (VAP) bao gồm các vi khuẩn sau:
- P. aeruginosa;
- S. aureus;
- S. maltophilia;
- Acinetobacter sp.
Nguy cơ gây bệnh viêm phổi bệnh viện
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bệnh viện?
Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bệnh viện:
- Tuổi trên 70.
- Người đặt nội khí quản.
- Thời gian thở máy dài.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bệnh viện
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bệnh viện có thể kể đến như:
- Điều trị kháng sinh trước đó.
- Bệnh lý đi kèm như rối loạn chức năng tim, phổi, gan hoặc thận.
- Phẫu thuật vùng bụng hoặc ngực gần đây.
- Suy kiệt.
- Suy giảm ý thức.
- Hít phải các hạt nhỏ từ miệng vào đường thở (hít sặc).
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi bệnh viện
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi bệnh viện
Các phương pháp chẩn đoán viêm phổi mắc phải trong bệnh viện bao gồm:
- Chụp X-quang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) ngực.
- Cấy máu (trong một số trường hợp).
- Nội soi phế quản hoặc chọc dò màng phổi (nếu cần thiết).
Việc chẩn đoán viêm phổi bệnh viện dựa trên triệu chứng lâm sàng và hình ảnh X-quang hoặc CT ngực. Bác sĩ thường lấy mẫu máu để cấy, nhằm xác định loại vi khuẩn gây bệnh.
Do viêm phổi bệnh viện thường diễn tiến rất nặng, nên việc xác định chính xác tác nhân gây bệnh là rất quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Vì lý do này, đôi khi bác sĩ sẽ tiến hành nội soi phế quản để lấy mẫu bệnh phẩm trực tiếp từ phổi.
Trong thủ thuật nội soi phế quản, một ống soi mềm được đưa vào khí quản và phổi. Mẫu mủ, dịch tiết hoặc mô phổi có thể được bác sĩ lấy ra để xét nghiệm. Nếu không thấy dịch tiết, bác sĩ có thể rửa phế nang bằng cách bơm nước muối sinh lý vào một vùng phổi rồi hút dịch đó ra để phân tích.
Nếu bạn bị tràn dịch màng phổi (dịch tích tụ ở màng bao quanh phổi), bác sĩ có thể chọc hút dịch bằng kim để đem đi nuôi cấy, xét nghiệm vi sinh.
Phương pháp điều trị viêm phổi bệnh viện hiệu quả
Kháng sinh được chọn dựa theo kinh nghiệm và phổ vi khuẩn thường gặp trong bệnh viện. Điều trị bằng kháng sinh được chọn kinh nghiệm dựa trên:
- Các tác nhân vi khuẩn thường gặp tại địa phương.
- Yếu tố nguy cơ của bệnh nhân đối với các tác nhân kháng kháng sinh.
- Kết quả nhuộm Gram của mẫu đờm.

Mặc dù việc sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi là một yếu tố chính góp phần vào tình trạng kháng thuốc kháng sinh, nhưng việc sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm ban đầu lại là yếu tố quyết định đến kết quả điều trị thuận lợi. Do đó, điều trị phải bắt đầu bằng việc sử dụng kháng sinh phổ rộng, đặc biệt là ở những người có dấu hiệu nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng.
Bạn sẽ được đánh giá lại sau 2-3 ngày bắt đầu điều trị, và kháng sinh sẽ được thay đổi thành phác đồ dựa trên triệu chứng lâm sàng và kết quả cấy mẫu cũng như xét nghiệm độ nhạy kháng sinh.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh viêm phổi bệnh viện
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi bệnh viện
Chế độ sinh hoạt
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và đủ liều kháng sinh.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh làm việc quá sức.
- Uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây tươi hoặc nước canh) giúp làm loãng đờm và dễ dàng ho ra ngoài.
- Ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Thực hiện các bài tập thở sâu để giúp cải thiện khả năng thở và cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
- Hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là khi bạn có các triệu chứng như ho hoặc sốt.

Chế độ dinh dưỡng
- Ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa như súp, cháo, cơm, trái cây mềm, rau củ.
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C (như cam, chanh, dâu tây) và kẽm (như hải sản, thịt gà, ngũ cốc) giúp tăng cường hệ miễn dịch và phục hồi nhanh hơn.
Phương pháp phòng ngừa viêm phổi bệnh viện hiệu quả
Phương pháp phòng ngừa đặc hiệu:
Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp phòng ngừa viêm phổi hiệu quả - căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền. Các loại vắc xin như Synflorix, Prevenar 13 và Pneumovax 23 giúp ngăn ngừa nhiều chủng phế cầu khuẩn, giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nghiêm trọng.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín tại Việt Nam, cung cấp đa dạng các loại vắc xin cho mọi lứa tuổi. Trung tâm có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại, không gian sạch sẽ và thoáng đãng, mang đến trải nghiệm thoải mái cho khách hàng
Khi tiêm vắc xin tại Long Châu, khách hàng được khám sàng lọc kỹ lưỡng, tư vấn chi tiết về loại vắc xin phù hợp, theo dõi sau tiêm và nhắc lịch hẹn miễn phí. Trung tâm cam kết cung cấp vắc xin chính hãng, bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Để bảo vệ sức khỏe cho bạn và gia đình, hãy liên hệ Trung tâm Tiêm chủng Long Châu qua số hotline miễn phí 1800 6928 để được tư vấn và đặt lịch hẹn tiêm chủng.
Phương pháp phòng ngừa đặc hiệu:
Phòng ngừa viêm phổi bệnh viện rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là nếu bạn phải nhập viện trong thời gian dài hoặc có các bệnh lý kèm theo. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Cả nhân viên y tế, người bệnh và người thân cần rửa tay đúng cách, đặc biệt trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh, thay băng vết thương, hoặc xử lý các dụng cụ y tế.
- Các bề mặt trong phòng bệnh, đặc biệt là các thiết bị y tế và tay nắm cửa, cần được làm sạch và khử trùng định kỳ để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Xử lý chất thải y tế đúng cách để ngăn ngừa lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Khi có triệu chứng hô hấp (ho, sốt), bạn nên đeo khẩu trang để ngăn ngừa lây lan vi khuẩn hoặc virus sang người khác.
- Đánh răng, súc miệng với nước muối sinh lý và vệ sinh họng thường xuyên giúp giảm vi khuẩn trong miệng, ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu (đặc biệt là vitamin C và kẽm) giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý như tiểu đường, bệnh tim mạch, hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch để tránh làm suy yếu hệ miễn dịch và giảm khả năng chống lại vi khuẩn.