Tìm hiểu chung về áp xe phổi
Áp xe phổi được đặc trưng bởi sự tập trung khu trú của mủ hoặc mô hoại tử trong nhu mô phổi, dẫn đến hình thành một khoang chứa dịch. Khi xuất hiện lỗ rò phế quản phổi, khoang áp xe thường có hình ảnh mức khí - dịch trên chẩn đoán hình ảnh.
Áp xe phổi thuộc nhóm các nhiễm trùng phổi nặng, bao gồm hoại thư phổi và viêm phổi hoại tử - trong đó viêm phổi hoại tử được đặc trưng bởi sự hình thành nhiều ổ áp xe nhỏ rải rác.
Áp xe phổi thường được phân loại dựa trên tiến trình bệnh:
- Áp xe phổi cấp tính là áp xe khỏi trong vòng dưới 6 tuần.
- Áp xe phổi mạn tính là áp xe kéo dài trên 6 tuần.
Ngoài ra, áp xe phổi còn được phân loại dựa trên căn nguyên gây bệnh:
- Áp xe phổi nguyên phát: Thường là tổn thương đơn ổ, xuất hiện ở những bệnh nhân khỏe mạnh trước đó, không có bệnh lý nền đáng kể.
- Áp xe phổi thứ phát: Xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc yếu tố nguy cơ (như tắc nghẽn đường thở lớn, bệnh phổi mạn tính, nhiễm trùng lan từ các bộ phận khác đến phổi). Áp xe thứ phát thường có nhiều ổ và ít gặp hơn áp xe nguyên phát.
Triệu chứng áp xe phổi
Những dấu hiệu và triệu chứng của áp xe phổi
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của áp xe phổi là ho có đờm. Đờm ho ra có thể lẫn máu hoặc giống như mủ, thường có mùi hôi.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Hơi thở hôi;
- Sốt từ 38°C trở lên;
- Đau ngực, đặc biệt là khi bạn hít vào;
- Khó thở;
- Đổ mồ hôi nhiều hoặc đổ mồ hôi về đêm;
- Sụt cân;
- Mất cảm giác thèm ăn;
- Mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh áp xe phổi
Trong những trường hợp hiếm gặp, áp xe phổi có thể vỡ ra. Đây là một vấn đề y tế nghiêm trọng. Việc điều trị bằng phẫu thuật cũng có thể dẫn đến biến chứng.
Các biến chứng có thể bao gồm:
- Tràn mủ màng phổi (Empyema): Một lượng lớn dịch nhiễm trùng tích tụ quanh phổi gần ổ áp xe. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế kịp thời để dẫn lưu dịch.
- Rò khí phế màng phổi (Bronchopleural fistula): Một kết nối bất thường giữa đường thở lớn trong phổi và khoang màng phổi. Bệnh có thể được điều trị bằng phẫu thuật hoặc nội soi phế quản để đóng kín.
- Chảy máu từ phổi hoặc thành ngực: Có thể là chảy lượng máu ít hoặc nhiều, trong đó chảy máu nhiều là tình trạng đe dọa tính mạng.
- Nhiễm trùng lan ra các bộ phận khác: Nếu nhiễm trùng thoát khỏi phổi, bệnh có thể gây áp xe ở các bộ phận khác, bao gồm cả não.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy khám bác sĩ ngay khi bạn có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ áp xe phổi. Ngoài ra, nếu bạn hoặc người thân có yếu tố nguy cơ cao như rối loạn nuốt, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch hoặc vừa trải qua gây mê cũng cần được đánh giá y tế sớm nếu xuất hiện triệu chứng hô hấp bất thường. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm và cải thiện tiên lượng bệnh.
Nguyên nhân gây áp xe phổi
Áp xe phổi có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân và vi khuẩn gây bệnh như sau:
Dựa vào nguyên nhân:
- Áp xe phổi nguyên phát: Là kết quả của việc hít phải dịch tiết từ vùng hầu họng. Tình trạng này có thể xảy ra thứ phát sau nhiều bệnh lý như nhiễm trùng răng miệng hoặc nha chu, viêm xoang, thay đổi mức độ tỉnh táo, rối loạn nuốt, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nôn mửa thường xuyên, viêm phổi hoại tử hoặc ở người suy giảm miễn dịch.
- Áp xe phổi thứ phát: Phát sinh từ các bệnh lý phổi có sẵn như tắc nghẽn phế quản (Ví dụ: Khối u, dị vật, hạch bạch huyết to), giãn phế quản, khí phế thũng dạng bóng, xơ nang, nhồi máu phổi nhiễm trùng hoặc dập phổi. Áp xe phổi thứ phát cũng có thể xuất hiện do tắc nghẽn nội phế quản (Ví dụ: Ung thư phế quản, dị vật) hoặc ở người suy giảm miễn dịch (Ví dụ: Nhiễm HIV giai đoạn tiến triển, sau ghép tạng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch).

Dựa vào vi khuẩn gây bệnh:
- Phần lớn trường hợp áp xe phổi là nhiễm đa vi khuẩn, chủ yếu là vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides, Prevotella, Peptostreptococcus, Fusobacterium, hoặc các loại streptococci.
- Áp xe phổi đơn vi khuẩn thường do các tác nhân như Streptococcus spp., Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Burkholderia pseudomallei, Haemophilus influenzae type b, Nocardia hoặc Actinomyces.
Nguy cơ gây bệnh áp xe phổi
Những ai có nguy cơ mắc bệnh áp xe phổi?
- Những người mắc rối loạn sử dụng rượu hoặc mới bị bệnh (đặc biệt là viêm phổi) có nguy cơ cao hơn bị áp xe phổi.
- Nguy cơ cũng cao ở những người mới trải qua gây mê hoặc an thần, hoặc mất ý thức do chấn thương hoặc bệnh tật.
- Việc hít phải dị vật làm tắc nghẽn đường thở lớn cũng là một yếu tố nguy cơ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh áp xe phổi
Một số yếu tố phổ biến nhất khiến bệnh nhân dễ bị áp xe phổi bao gồm:
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch (ví dụ, HIV-AIDS, sau ghép tạng hoặc những người đang điều trị ức chế miễn dịch kéo dài).
- Bệnh nhân có nguy cơ cao bị sặc (ví dụ, co giật, rối loạn chức năng hành não, ngộ độc rượu và suy giảm nhận thức).

Phương pháp chẩn đoán và điều trị áp xe phổi
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán áp xe phổi
Để chẩn đoán áp xe phổi, bác sĩ sẽ trước tiên xem xét tiền sử bệnh lý của bạn, bao gồm các cuộc phẫu thuật gần đây có sử dụng gây mê. Nếu nghi ngờ bạn đang bị áp xe phổi, bác sĩ sẽ phân tích đờm hoặc mủ của bạn.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng các kỹ thuật hình ảnh như X-quang hoặc CT-scan để xác định vị trí nhiễm trùng trong phổi và loại trừ các tình trạng khác như ung thư hoặc khí phế thũng.
Đối với các nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch từ khu vực áp xe bằng một dụng cụ gọi là ống soi phế quản.
Nếu bác sĩ nghi ngờ có dị vật trong phổi, họ có thể dùng ống soi phế quản đưa vào khí quản để xác định vị trí dị vật.
Phương pháp điều trị áp xe phổi hiệu quả
Thuốc kháng sinh
Phần lớn bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch trong khoảng 3 - 8 tuần. Sau giai đoạn này, nếu tình trạng cải thiện, bạn có thể được chuyển sang kháng sinh đường uống.
Thời gian sử dụng thuốc kéo dài cho đến khi hình ảnh X-quang ngực xác nhận ổ áp xe đã tiêu biến hoàn toàn.
Dẫn lưu áp xe
Dẫn lưu qua da có thể được chỉ định nếu ổ áp xe lớn (đường kính ≥ 6 cm).
Bác sĩ sẽ dùng chụp CT-scan để hướng dẫn đặt một ống dẫn lưu xuyên qua thành ngực vào ổ áp xe, giúp loại bỏ mủ ra ngoài.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp ít khi cần đến nhưng sẽ được xem xét trong các trường hợp sau:
- Ổ áp xe không đáp ứng với điều trị nội khoa;
- Ổ áp xe quá lớn hoặc phức tạp;
- Cần loại bỏ dị vật gây nhiễm trùng.
Phẫu thuật có thể bao gồm cắt bỏ phân đoạn phổi chứa ổ áp xe. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể cần cắt bỏ toàn bộ phổi để kiểm soát nhiễm trùng.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa áp xe phổi
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của áp xe phổi
Chế độ sinh hoạt:
- Dùng thuốc kháng sinh đúng liều, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi triệu chứng đã cải thiện.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi, tránh làm việc gắng sức hoặc vận động mạnh.
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
Chế độ dinh dưỡng:
- Uống nhiều nước giúp làm loãng đờm.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu protein, vitamin C và kẽm để tăng cường miễn dịch.
- Hạn chế đồ ăn dầu mỡ và thức uống có cồn.
Phương pháp phòng ngừa áp xe phổi hiệu quả
Áp xe phổi là một tình trạng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu bạn chủ động chăm sóc sức khỏe từ sớm. Dưới đây là những biện pháp giúp bạn bảo vệ lá phổi khỏe mạnh mỗi ngày.
- Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và khám nha khoa định kỳ để phòng ngừa các bệnh nha chu. Đây là một nguồn vi khuẩn nguy hiểm dễ gây áp xe phổi.
- Điều trị tích cực các bệnh như trào ngược dạ dày thực quản, tiểu đường, bệnh lý thần kinh trung ương… nhằm hạn chế tình trạng suy giảm phản xạ bảo vệ đường thở.
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
- Điều trị triệt để các nhiễm khuẩn vùng mũi họng, răng miệng, hoặc các ổ nhiễm trùng khác để ngăn ngừa vi khuẩn lan xuống phổi.
