Tìm hiểu chung về viêm họng do liên cầu khuẩn
Viêm họng do liên cầu khuẩn (Streptococcal Pharyngitis hay Strep Throat) là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở cổ họng và amidan (hạch bạch huyết nằm ở phía sau khoang miệng). Khi mắc bệnh này, amidan của bạn sẽ bị viêm nặng, và tình trạng viêm này thường lan rộng đến các khu vực xung quanh cổ họng, gây ra triệu chứng đau họng (viêm họng).
Viêm họng liên cầu khuẩn có tên gọi như vậy vì nó do vi khuẩn liên cầu nhóm A (Streptococcus nhóm A) gây ra. Có hơn 120 chủng vi khuẩn thuộc nhóm liên cầu khuẩn nhóm A này.
Mặc dù hiếm gặp, viêm họng do liên cầu khuẩn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như sốt thấp khớp, là một căn bệnh có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến tim và van tim. Do đó, việc thăm khám và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh thường sẽ khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày.
Triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn
Các triệu chứng ban đầu của viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm đau họng khởi phát đột ngột. Ngoài ra, bạn có thể bị sốt nhanh chóng, với nhiệt độ cao nhất thường xuất hiện vào ngày thứ hai sau khi nhiễm bệnh.
Những dấu hiệu khác của viêm họng do liên cầu khuẩn có thể bao gồm:
- Ớn lạnh;
- Đau đầu;
- Chán ăn;
- Đau bụng;
- Buồn nôn và nôn mửa.
Một triệu chứng mà viêm họng do liên cầu khuẩn thường không gây ra là ho. Nếu bạn bị ho kèm theo các triệu chứng cảm lạnh khác, rất có thể bạn đang bị viêm họng do nguyên nhân nhiễm virus (ví dụ như cúm) chứ không phải viêm họng do liên cầu khuẩn.
Ngoài ra, một số người nhiễm vi khuẩn liên cầu khuẩn có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm họng do liên cầu khuẩn
Các biến chứng có mủ của viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A (GAS) bao gồm viêm mô tế bào hoặc áp xe quanh amidan hầu họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm cân hoại tử, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp xe não và huyết khối tĩnh mạch cảnh nhiễm trùng.
Các biến chứng không có mủ của viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A bao gồm sốt thấp khớp cấp, viêm khớp phản ứng sau liên cầu, sốt tinh hồng nhiệt, hội chứng sốc nhiễm độc do liên cầu khuẩn, viêm cầu thận cấp và rối loạn thần kinh - tâm thần tự miễn ở trẻ em liên quan đến liên cầu khuẩn nhóm A (PANDAS).
/viem_hong_do_lien_cau_khuan4_1c8c91cd43.png)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn không cảm thấy khá hơn sau 1 - 2 ngày dùng kháng sinh. Ngoài ra, bạn cũng nên gọi bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốt trở lại sau 1 - 2 ngày cảm thấy khỏe hơn;
- Buồn nôn hoặc nôn mửa;
- Đau tai;
- Đau đầu;
- Phát ban trên da;
- Ho;
- Sưng hạch bạch huyết;
- Đau khớp;
- Đau cơ;
- Khó thở;
- Nước tiểu sẫm màu, phát ban hoặc đau ngực (có thể xuất hiện sau 3 - 4 tuần).
Nguyên nhân gây viêm họng do liên cầu khuẩn
Một loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn nhóm A (group A Streptococcus) là nguyên nhân gây ra viêm họng do liên cầu khuẩn. Điều này khiến viêm họng do liên cầu khuẩn khác với hầu hết các trường hợp đau họng khác, vốn thường do virus gây ra.
Viêm họng do liên cầu khuẩn sẽ lây lan từ người sang người rất dễ dàng, đặc biệt là giữa các thành viên trong cùng hộ gia đình. Việc lây nhiễm có thể thông qua các giọt bắn hô hấp và tiếp xúc trực tiếp.
/viem_hong_do_lien_cau_khuan5_124ebd901f.png)
Nguy cơ mắc phải viêm họng do liên cầu khuẩn
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm họng do liên cầu khuẩn?
Viêm họng do liên cầu khuẩn thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học, từ 5 đến 15 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể lây lan sang anh chị em, cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc trẻ có tiếp xúc trực tiếp với trẻ em trong độ tuổi này.
Ngoài ra, những người sống hoặc sinh hoạt trong môi trường tập thể có nguy cơ mắc viêm họng liên cầu cao hơn. Các môi trường này có thể bao gồm hộ gia đình, nhà trẻ, trường học (bao gồm cả đại học) và doanh trại quân đội.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm họng do liên cầu khuẩn
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm họng do liên cầu khuẩn:
- Trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15.
- Tiếp xúc gần với người bị nhiễm trùng đường hô hấp (cha mẹ của trẻ ở độ tuổi đi học).
- Tiếp xúc ở những nơi đông đúc làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn (nhà trẻ, trường học, cơ sở trại giam hoặc cải tạo, khu người vô gia cư, cơ sở huấn luyện quân sự).
/viem_hong_do_lien_cau_khuan6_f3c5c53e56.png)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm họng do liên cầu khuẩn
Để chẩn đoán xác định viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, bác sĩ cần thực hiện một trong hai phương pháp sau:
- Xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RADT);
- Cấy dịch họng.
Xét nghiệm RADT có độ đặc hiệu cao đối với vi khuẩn liên cầu nhóm A nhưng độ nhạy có thể khác nhau khi so sánh với phương pháp cấy dịch họng. Trong đó, cấy dịch họng được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán.
Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn
Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm việc sử dụng kháng sinh. Kháng sinh là một loại thuốc giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Penicillin và amoxicillin là hai loại kháng sinh phổ biến mà bác sĩ thường kê đơn để điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn. Nếu bạn bị dị ứng với penicillin, bác sĩ sẽ chỉ định một loại kháng sinh khác thay thế.
Bác sĩ có thể tiêm kháng sinh cho bạn hoặc kê đơn dưới dạng viên nén hoặc dung dịch lỏng. Thông thường, bạn sẽ dùng thuốc trong 10 ngày. Hãy tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ và uống đủ liều, ngay cả khi bạn đã cảm thấy khỏe hơn. Vi khuẩn có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể dù bạn không còn triệu chứng.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm họng do liên cầu khuẩn
Chế độ sinh hoạt
Để hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn có thể thực hiện như sau:
- Thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và súc miệng giúp giảm vi khuẩn.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng để hỗ trợ quá trình hồi phục.
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi điều trị, cần liên hệ ngay với bác sĩ.
- Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng
Để hỗ trợ trong việc điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn, bạn nên duy trì một chế độ dinh dưỡng phù hợp bao gồm:
- Uống đủ nước.
- Sử dụng các thực phẩm mềm, dễ tiêu hoá trong trường hợp bị đau họng.
- Bổ sung thêm rau củ quả, trái cây để bổ sung vitamin.
- Hạn chế các thực phẩm chiên rán, nướng, nhiều dầu mỡ.
Phòng ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn là giữ gìn vệ sinh cá nhân. Bạn nên rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Đặc biệt, hãy rửa tay trước khi ăn để bảo vệ bản thân và sau khi ho hoặc hắt hơi để tránh lây bệnh cho người khác.
/viem_hong_do_lien_cau_khuan7_22727d3a14.png)
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện thêm một số biện pháp sau để phòng bệnh:
- Nếu không có xà phòng và nước, hãy dùng dung dịch rửa tay có cồn.
- Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng bằng khăn giấy nếu có, sau đó vứt ngay vào thùng rác.
- Nếu không có khăn giấy, hãy ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay, không dùng tay che miệng.
- Không dùng chung ly, chén, đũa, muỗng với người bị bệnh, và nếu bạn đang bị bệnh, cũng không nên chia sẻ đồ dùng cá nhân với người khác.
Viêm họng do liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng kháng sinh đúng cách và duy trì thói quen vệ sinh tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục và ngăn ngừa lây lan.