Tìm hiểu chung về sốt phát ban
Sốt phát ban là một thuật ngữ y tế dùng để chỉ tình trạng sốt kết hợp với phát ban trên da. Phát ban có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những nốt mẩn đỏ nhỏ li ti đến những mảng lớn sần sùi. Theo các chuyên gia, sốt phát ban có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau, từ nhiễm trùng nhẹ đến các bệnh nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng sốt phát ban
Những triệu chứng của sốt phát ban
Hình dạng, kích thước và màu sắc của ban có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. phát ban do sởi thường có màu đỏ, phẳng và bắt đầu từ mặt, trong khi phát ban do rubella thường có màu hồng nhạt và lan rộng nhanh chóng.
Các triệu chứng chung
Sốt: Đây là triệu chứng chính, thường là sốt cao có thể lên tới 39-40°C.
Phát ban: Các nốt ban có thể có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Chúng có thể phẳng hoặc nổi lên, màu hồng, đỏ hoặc tím. Vị trí phát ban cũng khác nhau, có thể xuất hiện trên mặt, thân mình, tay chân hoặc toàn thân.
Mệt mỏi: Cảm giác suy nhược, khó chịu.
Đau đầu: Đau nhức đầu, có thể kèm theo chóng mặt.
Đau nhức cơ thể: Đau nhức cơ bắp, các khớp.
Ho, sổ mũi, đau họng: Các triệu chứng này thường gặp trong các trường hợp sốt phát ban do virus.
Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy: Các triệu chứng tiêu hóa có thể xảy ra, đặc biệt ở trẻ em.
Sưng hạch bạch huyết: Hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc bẹn có thể sưng to.
Viêm kết mạc: Mắt đỏ, chảy nước mắt.
/sot_phat_ban1_39fab3d672.jpg)
Đặc điểm triệu chứng theo từng bệnh
Sởi: Phát ban đỏ, phẳng, bắt đầu từ mặt và lan xuống cơ thể. Có thể kèm theo ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc.
Rubella: Phát ban hồng ban, thường nhẹ hơn sởi, lan rộng nhanh chóng. Có thể kèm theo sưng hạch bạch huyết.
Thủy đậu: Mụn nước ngứa, lan rộng khắp cơ thể. Các mụn nước vỡ ra và đóng vảy.
Sốt tinh hồng nhiệt: Phát ban đỏ, sần sùi, kèm theo sốt và đau họng. Lưỡi có thể có màu đỏ dâu.
Tác động của sốt phát ban với sức khỏe
Sốt phát ban có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và trong một số trường hợp, có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.
Ảnh hưởng ngắn hạn
- Sốt cao, phát ban và các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ và mệt mỏi có thể gây ra sự khó chịu đáng kể và suy nhược tạm thời.
- Các triệu chứng có thể khiến người bệnh khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là trẻ em.
Ảnh hưởng lâu dài
- Viêm não do sốt phát ban có thể để lại di chứng thần kinh lâu dài, chẳng hạn như chậm phát triển trí tuệ hoặc co giật.
- Các biến chứng của sốt phát ban có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.
Tác động đến cộng đồng
- Một số loại sốt phát ban như sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm cao có thể gây ra dịch bệnh trong cộng đồng.
- Các biến chứng của sốt phát ban có thể gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế.
Biến chứng có thể gặp sốt phát ban
Sốt phát ban có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và trong một số trường hợp có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.
Biến chứng do nhiễm trùng
Viêm não: Đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do một số loại virus gây sốt phát ban như sởi hoặc rubella. Viêm não có thể gây ra các triệu chứng như co giật, lú lẫn và hôn mê.
Viêm phổi: Nhiễm trùng đường hô hấp có thể xảy ra sau khi bị sốt phát ban, đặc biệt là ở trẻ em và người có hệ miễn dịch suy yếu. Viêm phổi có thể gây ra các triệu chứng như ho, khó thở và đau ngực.
Viêm tai giữa: Đây là một biến chứng phổ biến ở trẻ em bị sốt phát ban do sởi hoặc rubella.
Nhiễm trùng thứ phát: Gãi ngứa do phát ban có thể làm tổn thương da và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng da.
Hội chứng Guillain-Barré: Đây là một rối loạn hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các dây thần kinh.
Biến chứng khi mang thai: Rubella khi mang thai có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở thai nhi, bao gồm các vấn đề về tim, thính giác, và thị lực.
Biến chứng khác
Co giật do sốt cao: Sốt cao có thể gây ra co giật ở trẻ em.
Mất nước: Sốt cao có thể dẫn đến mất nước.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Sốt cao không hạ, phát ban lan rộng nhanh chóng, khó thở, co giật, lơ mơ hoặc có dấu hiệu mất nước,... là những dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế khi xuất hiện các triệu chứng trên bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.
Nguyên nhân gây sốt phát ban
Nguyên nhân do virus (chiếm đa số trường hợp)
Các tác nhân virus là nguyên nhân phổ biến nhất của sốt phát ban, bao gồm:
- Virus sởi (Measles virus): Gây bệnh sởi, khởi phát với sốt cao, ho, chảy mũi, viêm kết mạc và ban dát sẩn lan từ đầu xuống thân mình. Thường kèm theo dấu Koplik trong niêm mạc miệng.
- Virus rubella (Rubella virus): Gây bệnh rubella (ban đào), với ban màu hồng nhạt, không ngứa, kèm theo sốt nhẹ và nổi hạch sau tai hoặc sau gáy.
- Virus HHV-6 và HHV-7 (Human Herpesvirus 6/7): Gây bệnh sốt phát ban dạng hồng ban đột ngột (roseola infantum), thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Đặc điểm lâm sàng là sốt cao đột ngột kéo dài 3–5 ngày, sau đó hạ sốt nhanh và xuất hiện ban hồng trên thân mình.
- Virus thủy đậu và zona thần kinh (Varicella-zoster virus): Gây thủy đậu, đặc trưng bởi ban dạng mụn nước nhiều giai đoạn kèm theo sốt.
- Enterovirus (như Coxsackievirus, Echovirus): Có thể gây sốt phát ban dạng không đặc hiệu, thường kèm theo viêm họng, viêm kết mạc, hoặc viêm màng não nước.
- Virus Epstein-Barr (EBV) và Cytomegalovirus (CMV): Có thể gây hội chứng giống tăng bạch cầu đơn nhân kèm sốt phát ban, đặc biệt khi sử dụng kháng sinh nhóm aminopenicillin (như amoxicillin).
- Virus cúm và adenovirus: Trong một số trường hợp có thể gây sốt phát ban thoáng qua, không đặc hiệu.
/sot_phat_ban2_0a9e8e3f04.jpg)
Nguyên nhân do vi khuẩn
Một số tác nhân vi khuẩn cũng có thể gây sốt kèm phát ban:
- Streptococcus pyogenes (liên cầu nhóm A): Gây bệnh sốt tinh hồng nhiệt, biểu hiện sốt cao, đau họng, ban đỏ như giấy nhám lan từ ngực ra toàn thân, lưỡi đỏ như dâu (lưỡi dâu).
- Rickettsia spp.: Gây sốt phát ban do rickettsia (như sốt phát ban do ve, bọ chét), thường gặp ở vùng có điều kiện vệ sinh kém.
- Treponema pallidum (giang mai): Ở giai đoạn 2 của giang mai có thể xuất hiện sốt nhẹ kèm phát ban lan tỏa, đặc biệt ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Nguyên nhân do thuốc
Một số trường hợp sốt phát ban không nhiễm trùng có liên quan đến phản ứng dị ứng thuốc (drug-induced exanthema), thường là phản ứng quá mẫn type IV. Các thuốc thường gặp bao gồm:
- Kháng sinh (penicillin, cephalosporin, sulfonamide).
- Thuốc chống co giật (phenytoin, carbamazepine).
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).
Ban thường là dát sẩn đối xứng, xuất hiện sau vài ngày dùng thuốc và có thể kèm theo ngứa.
Nguyên nhân khác
Một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Still ở người lớn, hoặc bệnh Kawasaki (ở trẻ em) cũng có biểu hiện sốt kèm phát ban, tuy nhiên cần dựa vào các dấu hiệu đi kèm và xét nghiệm để phân biệt.
Nguy cơ mắc phải sốt phát ban
Những ai có nguy cơ mắc phải sốt phát ban?
Một số đối tượng dễ mắc sốt phát ban như trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu, người chưa được tiêm phòng vắc xin.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sốt phát ban
Những yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh như tiếp xúc với người bệnh, không tiêm phòng vắc xin,...
Phương pháp chẩn đoán và điều trị sốt phát ban
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sốt phát ban
Để chẩn đoán bệnh cần khám lâm sàng và thực hiện một số cận lâm sàng như:
Xét nghiệm máu
Tổng phân tích tế bào máu: Xét nghiệm này đánh giá số lượng tế bào máu khác nhau có thể giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.
Xét nghiệm huyết thanh học: Các xét nghiệm này phát hiện kháng thể đối với các bệnh nhiễm trùng cụ thể như rubella hoặc sởi.
Phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Xét nghiệm này có thể phát hiện vật liệu di truyền của virus hoặc vi khuẩn giúp xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.
/sot_phat_ban3_97ea41b684.jpg)
Xét nghiệm da
Sinh thiết da: Trong những trường hợp hiếm gặp một mẫu da nhỏ có thể được lấy để kiểm tra dưới kính hiển vi.
Xét nghiệm dị ứng da: Những xét nghiệm này có thể giúp xác định dị ứng với các chất cụ thể.
Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện để đánh giá chức năng thận và phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng.
Các phương pháp chẩn đoán khác
Chụp X-quang ngực: Nếu có nghi ngờ viêm phổi.
Chọc dò tủy sống: Trong những trường hợp nghi ngờ viêm màng não hoặc viêm não có thể thực hiện chọc dò tủy sống để phân tích dịch não tủy.
Phương pháp điều trị sốt phát ban
Nội khoa
Hạ sốt, bù nước và điện giải, thuốc kháng virus (trong một số trường hợp), thuốc kháng histamine (đối với dị ứng) là những biện pháp thường được sử dụng điều trị sốt phát ban.Trong đó bù nước được thực hiện cụ thể như sau:
Đánh giá tình trạng mất nước
Dấu hiệu mất nước nhẹ: Khát nước, nước tiểu sẫm màu, da khô.
Dấu hiệu mất nước trung bình: Khô miệng và niêm mạc, giảm lượng nước tiểu, mệt mỏi, lờ đờ.
Dấu hiệu mất nước nặng: Lú lẫn, kích động hoặc hôn mê, mạch nhanh, yếu, huyết áp thấp, mắt trũng.
Phương pháp bù nước
Bù nước đường uống với các loại dung dịch sau:
- Oresol (ORS) là dung dịch bù điện giải lý tưởng. Pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên bao bì.
- Uống từng ngụm nhỏ thường xuyên.
- Nước cam, nước dừa (tránh các loại nước ép quá ngọt).
- Súp, cháo loãng vừa cung cấp nước, vừa cung cấp dinh dưỡng.
Bù nước đường tĩnh mạch với các dung dịch:
- Chỉ thực hiện khi có dấu hiệu mất nước trung bình hoặc nặng hoặc khi bệnh nhân không thể uống được.
- Dung dịch thường dùng là Ringer Lactate hoặc NaCl 0.9%.
- Việc truyền dịch qua đường tĩnh mạch cần được thực hiện tại các cơ sở y tế.
Liều lượng bù nước:
- Đối với trẻ em, liều lượng ORS được tính dựa trên cân nặng hoặc độ tuổi. Ví dụ: 75ml/kg trong 4 giờ đầu đối với mất nước vừa.
- Đối với người lớn, uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu sốt cao.
Ngoại khoa
Không có phương pháp ngoại khoa đặc hiệu cho sốt phát ban.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa sốt phát ban
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến sốt phát ban
Chế độ sinh hoạt:
- Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể phục hồi: Khi bị sốt phát ban, cơ thể cần nhiều năng lượng để chống lại virus. Nghỉ ngơi hợp lý, tránh hoạt động thể lực nặng giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giảm thời gian bệnh và làm dịu các triệu chứng đi kèm như mệt mỏi, đau đầu hoặc đau nhức cơ.
- Giữ da sạch sẽ và thoáng mát: Vệ sinh thân thể hằng ngày bằng nước ấm giúp làm sạch mồ hôi, vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng da khi nổi ban. Nên dùng khăn mềm lau nhẹ, tránh chà xát mạnh vùng da phát ban để không làm tổn thương bề mặt da.
- Mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi: Trang phục nhẹ nhàng, làm từ chất liệu cotton giúp da thông thoáng, hạn chế kích ứng da và hỗ trợ làm dịu cảm giác ngứa rát khi ban nổi. Cần tránh mặc đồ bó sát hoặc quá dày, đặc biệt trong môi trường nóng ẩm.
- Tránh gãi hoặc chà xát vùng da bị phát ban: Hành động gãi có thể làm tổn thương lớp biểu bì và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng da. Nếu người bệnh bị ngứa, có thể sử dụng kem dưỡng hoặc thuốc bôi giảm ngứa theo chỉ định của nhân viên y tế.
- Hạ sốt đúng cách và theo dõi dấu hiệu cảnh báo: Dùng thuốc hạ sốt đúng liều (thường là paracetamol) theo hướng dẫn, kết hợp chườm mát giúp kiểm soát thân nhiệt hiệu quả. Cần theo dõi sát các dấu hiệu bất thường như co giật, sốt cao liên tục, phát ban lan nhanh hoặc lừ đừ – đây có thể là dấu hiệu biến chứng và cần đi khám ngay.
- Hạn chế tiếp xúc với người khác trong thời gian còn sốt: Sốt phát ban do virus có thể lây qua giọt bắn hoặc tiếp xúc gần, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Người bệnh nên nghỉ học, nghỉ làm và tránh tụ tập đông người để hạn chế lây lan trong cộng đồng, nhất là với trẻ nhỏ và người có miễn dịch yếu.
Chế độ dinh dưỡng:
- Uống nhiều nước để hạ sốt và bù dịch: Sốt khiến cơ thể mất nước nhanh chóng, vì vậy cần uống đủ nước (nước lọc, nước ép trái cây, nước oresol nếu có tiêu chảy) để duy trì thể tích tuần hoàn, hỗ trợ quá trình đào thải độc tố và làm mát cơ thể một cách tự nhiên.
- Ăn các món ăn mềm, dễ tiêu và giàu dinh dưỡng: Khi sốt, người bệnh thường chán ăn, mệt mỏi nên ưu tiên các món như cháo, súp, canh rau, cơm mềm... Các món ăn này vừa giúp dễ tiêu hóa, vừa cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất để cơ thể hồi phục.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C: Rau xanh và trái cây tươi như cam, quýt, đu đủ, cà chua cung cấp nhiều vitamin C, chất chống oxy hóa và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại virus gây bệnh.
- Tránh thức ăn cay nóng, dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn: Thức ăn nhiều dầu, cay hoặc chứa chất bảo quản có thể làm tăng cảm giác nóng trong người, kích ứng da và làm nặng hơn triệu chứng phát ban. Tốt nhất nên chọn thực phẩm tự nấu, ít gia vị, tươi sạch và đảm bảo vệ sinh.
Phương pháp phòng ngừa sốt phát ban hiệu quả
Phương pháp phòng ngừa đặc hiệu
Tiêm phòng giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chủ động, thông qua việc kích thích sản sinh kháng thể đặc hiệu với các tác nhân gây bệnh. Tại Việt Nam, có nhiều loại vắc xin phòng ngừa sởi, rubella và thủy đậu được sử dụng trong cả Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng dịch vụ:
- Vắc xin sởi – quai bị – rubella (MMR): Ngăn ngừa ba bệnh truyền nhiễm chính có phát ban, đặc biệt là sởi và rubella – hai nguyên nhân hàng đầu gây sốt phát ban dạng dát sẩn ở trẻ nhỏ.
- Vắc xin thủy đậu (Varicella): Giúp phòng tránh thủy đậu, một bệnh lý thường gặp với ban dạng mụn nước điển hình kèm theo sốt.
- Vắc xin cúm mùa: Mặc dù không đặc hiệu cho phát ban, nhưng trong một số trường hợp, cúm có thể gây biểu hiện phát ban ngoài da, và tiêm phòng vẫn mang lại lợi ích gián tiếp.
/sot_phat_ban4_d853413d9c.jpg)
Phương pháp phòng ngừa không đặc hiệu
Tránh tiếp xúc với người bệnh, rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh môi trường sống giúp hạn chế lây lan bệnh.