Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ về những chỉ số ung thư gan quan trọng cùng một số xét nghiệm hỗ trợ khác giúp đánh giá và tầm soát nguy cơ ung thư. Việc hiểu rõ các chỉ số này sẽ giúp phát hiện sớm bất thường ở gan, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh.
Chỉ số ung thư gan có ý nghĩa như thế nào?
Ung thư gan là tình trạng xuất hiện khối u ác tính trong gan gây tổn thương các tế bào và làm suy giảm chức năng gan. Bệnh được chia thành ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ở giai đoạn đầu, ung thư gan thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn. Người bệnh thường chỉ nhận ra khi bệnh đã tiến triển nặng các dấu hiệu như đau tức vùng hạ sườn phải, vàng da, chán ăn, sụt cân hoặc trướng bụng.
Để phát hiện ung thư gan sớm khi chưa có dấu hiệu rõ ràng, việc xét nghiệm các chỉ số ung thư gan như AFP, DCP, AFP-L3 đóng vai trò rất quan trọng. Những chỉ số này giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác, theo dõi tiến triển và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.

Các chỉ số ung thư gan
Dưới đây là các chỉ số quan trọng thường được sử dụng trong tầm soát và chẩn đoán ung thư gan, mỗi chỉ số phản ánh một khía cạnh khác nhau về tình trạng hoạt động và tổn thương của gan.
Chỉ số AFP, AFP-L3
AFP là một loại protein do tế bào gan của thai nhi sản xuất và sau khi sinh, nồng độ AFP trong máu của người khỏe mạnh thường giữ ở mức thấp, dưới 10 ng/mL. Tuy nhiên, khi xuất hiện các khối u ác tính ở gan, tế bào ung thư có thể sản sinh AFP một cách bất thường, khiến chỉ số này tăng cao.
Chỉ số AFP trong máu được dùng làm dấu hiệu quan trọng giúp phát hiện ung thư gan. Cụ thể:
- AFP dưới 200 ng/mL có thể cảnh báo nguy cơ mắc bệnh hoặc tổn thương gan nhẹ.
- AFP từ 200 đến 500 ng/mL thường liên quan đến viêm gan mãn tính hoặc ung thư gan.
- AFP trên 500 ng/mL cho thấy nguy cơ ung thư gan hoặc các loại ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn hoặc ung thư tế bào gan ở mức độ nghiêm trọng.
Xét nghiệm AFP có độ chính xác lên đến 90% trong việc hỗ trợ chẩn đoán ung thư gan, đồng thời giúp bác sĩ theo dõi tiến triển bệnh và hiệu quả điều trị.
Chỉ số AFP-L3
AFP gồm ba dạng chính là AFP-L1, AFP-L2 và AFP-L3, nhưng chỉ có AFP-L3 liên quan mật thiết đến ung thư gan, đặc biệt là trong giai đoạn đầu với kích thước khối u nhỏ. Nghiên cứu thống kê cho thấy khoảng 35% bệnh nhân ung thư gan có chỉ số AFP-L3 tăng cao vượt mức bình thường (trong khi nồng độ AFP-L3 trong huyết thanh ở người khỏe mạnh thường dưới 10%).
Khi chỉ số AFP-L3 vượt ngưỡng 10%, nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan tăng gấp 7 lần chỉ trong vòng 21 tháng, giúp cảnh báo sớm và hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán, theo dõi bệnh hiệu quả hơn.

Chỉ số DCP
DCP (còn gọi là PIVKA-II) là một loại protein bất thường xuất hiện khi gan thiếu hụt vitamin K có liên quan đến sự phát triển của tế bào ung thư gan. Chỉ số DCP được xem là dấu hiệu quan trọng trong chẩn đoán ung thư gan nguyên phát, đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các khối u gan có kích thước nhỏ mà các xét nghiệm khác khó phát hiện.
Khi chỉ số DCP tăng cao, điều này cho thấy kích thước khối u gan có thể đang gia tăng. Sau phẫu thuật loại bỏ khối u, nếu ca mổ thành công, chỉ số DCP thường giảm trở lại mức bình thường. Ngược lại, nếu ung thư gan tái phát hoặc phẫu thuật không loại bỏ hoàn toàn khối u, chỉ số DCP sẽ tăng lên bất thường, giúp bác sĩ theo dõi hiệu quả điều trị và phát hiện sớm dấu hiệu tái phát bệnh.
Chỉ số xét nghiệm sinh hoá máu
Để chẩn đoán ung thư gan một cách chính xác, bác sĩ thường kết hợp với xét nghiệm sinh hóa máu nhằm phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể. Khi có ung thư gan, các chỉ số trong máu có thể biến đổi như giảm tỷ lệ hồng cầu và huyết sắc tố, giảm bạch cầu, tỷ lệ albumin/globulin giảm dưới 1, tăng nồng độ bilirubin, tăng men transaminase, giảm glucose máu, men arginase gan thấp hơn 40 đơn vị và tỷ lệ LDH5/LDH1 cao hơn 1.
Bên cạnh đó, để đánh giá chính xác vị trí, kích thước và mức độ di căn của khối u gan, bác sĩ thường chỉ định thêm các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm ổ bụng, chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI), sinh thiết gan và chụp X-quang lồng ngực.

Yếu tố nguy cơ và phòng ngừa ung thư gan
Đối tượng nguy cơ cao
Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ mắc ngày càng tăng. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan bao gồm người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan, người nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C, hoặc đã từng mắc ung thư gan nguyên phát. Ngoài ra, những người bị tiểu đường, béo phì, uống rượu bia lâu dài, hoặc mắc các bệnh gan như xơ gan cũng có nguy cơ cao bị ung thư gan.
Phòng ngừa ung thư gan như thế nào?
Tiêm vắc xin viêm gan B là biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ mắc viêm gan B (một trong những nguyên nhân chính gây bệnh) để phòng tránh sự tiến triển của bệnh. Hiện nay, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào là địa chỉ tiêm chủng uy tín, chất lượng với đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp và trang thiết bị hiện đại, liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch tiêm nhanh chóng, tiện lợi.
Bên cạnh việc chủ động tiêm phòng, xây dựng lối sống lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, bao gồm:
- Tránh lạm dụng rượu bia và thuốc lá giúp giảm tổn thương gan, bảo vệ chức năng gan và ngăn ngừa nguy cơ phát triển ung thư gan. Ngoài ra, bạn nên kết hợp lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Quan hệ tình dục an toàn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B từ bạn tình. Đặc biệt, bạn không dùng chung đồ dùng cá nhân, nhất là với người nhiễm virus viêm gan C cũng là cách quan trọng để tránh lây truyền bệnh.
- Duy trì cân nặng phù hợp và giảm cân khi cần thiết sẽ giúp hạn chế nguy cơ béo phì (một trong những yếu tố làm tăng khả năng mắc ung thư gan). Đồng thời, chỉ sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ giúp bảo vệ gan tránh bị tổn thương do thuốc không đúng cách.
- Khám sức khỏe và kiểm tra chức năng gan định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Vì vậy, bạn nên tầm soát ung thư gan định kỳ từ 6 - 12 tháng/lần đặc biệt cần thiết cho đối tượng có nguy cơ cao.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về các chỉ số ung thư gan và tầm quan trọng của việc theo dõi sức khỏe định kỳ. Việc phát hiện sớm thông qua xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán khác sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và nâng cao cơ hội sống khỏe. Hãy chủ động chăm sóc sức khỏe gan để phòng tránh nguy cơ ung thư gan một cách tốt nhất.