Tìm hiểu chung về ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn là sự phát triển bất thường của các tế bào bắt đầu từ tinh hoàn. Tinh hoàn bình thường nằm trong bìu, một túi da lỏng bên dưới dương vật. Tinh hoàn có chức năng sản xuất tinh trùng và hormone testosterone.
Ung thư tinh hoàn không phải một loại ung thư thường gặp. Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn là bệnh ác tính phổ biến nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 45.
Dấu hiệu đầu tiên của ung thư tinh hoàn thường là một cục u hoặc bướu nhỏ ở tinh hoàn. Các tế bào ung thư có thể phát triển nhanh chóng và lan rộng từ tinh hoàn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư tinh hoàn có khả năng điều trị rất cao, ngay cả khi đã di căn. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại ung thư tinh hoàn và mức độ lan rộng. Các phương pháp phổ biến bao gồm phẫu thuật và hóa trị.
Triệu chứng ung thư tinh hoàn
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tinh hoàn
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tinh hoàn bao gồm:
- Một khối u hoặc sưng ở một trong hai tinh hoàn;
- Cảm giác nặng ở bìu;
- Đau âm ỉ ở vùng bụng dưới hoặc bẹn;
- Sưng đột ngột ở bìu;
- Đau ở tinh hoàn hoặc bìu;
- Mô vú to lên hoặc nhạy cảm hơn;
- Đau lưng.
/ung_thu_tinh_hoan3_8c1d697257.jpg)
Thông thường, ung thư tinh hoàn chỉ xảy ra ở một bên tinh hoàn.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư tinh hoàn
Biến chứng do bệnh gây ra:
- Mệt mỏi mãn tính;
- Rối loạn lo âu;
- Biến chứng di căn;
- Huyết khối tĩnh mạch.
Biến chứng do điều trị gây ra:
- Suy sinh dục, dẫn đến trầm cảm, rối loạn tình dục và suy giảm sức khỏe thể chất;
- Bệnh thần kinh ngoại biên (do sử dụng cisplatin);
- Mất thính lực (do sử dụng cisplatin);
- Ù tai (do sử dụng cisplatin);
- Hiện tượng Raynaud (do sử dụng cisplatin);
- Ung thư thứ phát;
- Bệnh tim mạch;
- Nhiễm trùng;
- Biến chứng phẫu thuật (rối loạn xuất tinh ngược dòng, tắc ruột non…).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kéo dài hơn hai tuần, bao gồm đau, sưng hoặc xuất hiện khối u ở tinh hoàn hoặc vùng bẹn.
Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn
Nguyên nhân chính xác của ung thư tinh hoàn vẫn chưa được biết đến. Các yếu tố di truyền và môi trường đều đã được nghiên cứu trong quá trình phát triển ung thư tinh hoàn.
Nguy cơ mắc phải ung thư tinh hoàn
Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư tinh hoàn?
Hầu hết nam giới ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn. Tỷ lệ ung thư tinh hoàn cao nhất là ở độ tuổi từ 15 đến 45 tuổi. Tỷ lệ mắc ung thư tinh hoàn cũng cao hơn ở các nước công nghiệp hoá, so với các nước đang phát triển. Nam giới da trắng cũng có tỷ lệ bệnh cao hơn so với nhóm nam giới khác.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư tinh hoàn
Các yếu tố nguy cơ môi trường phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn có thể được tóm tắt như sau:
- Tinh hoàn ẩn (Cryptorchidism): Tăng nguy cơ gấp 2 đến 4 lần. Do tinh hoàn ẩn thường xảy ra ở bên phải, tỷ lệ ung thư tinh hoàn bên phải cũng cao hơn một chút.
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ tăng 6 đến 10 lần ở anh em trai hoặc con trai của người mắc bệnh.
- Nhiễm trùng: Liên quan đến một số virus như virus u nhú ở người (virus HPV), virus Epstein-Barr (EBV), virus Cytomegalo (CMV), Parvovirus B-19 và virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV).
- Chấn thương tinh hoàn: Trong một nghiên cứu về dịch tễ học ung thư tinh hoàn tại Mỹ, cho thấy rằng chấn thương tinh hoàn có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.
- Nồng độ estrogen cao ở mẹ trong thai kỳ: Phơi nhiễm estrogen ngoại sinh trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn ở con trai.
- Ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ): Tân sinh tế bào mầm trong ống sinh tinh.
- Tiền sử bệnh: Ung thư tinh hoàn hoặc u tế bào mầm ngoài tuyến sinh dục trước đó.
- Yếu tố di truyền: Nhiều biến đổi di truyền đã được xác định có liên quan đến nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn.
/ung_thu_tinh_hoan5_413a8cacca.jpg)
Tiếp theo, để trả lời cho câu hỏi “Ung thư tinh hoàn có chữa được không?”. Mời quý vị theo dõi phần chẩn đoán và điều trị ung thư tinh hoàn.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư tinh hoàn
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm ung thư tinh hoàn
Bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư tinh hoàn nếu phát hiện khối u hoặc thay đổi bất thường khi bạn tự kiểm tra hoặc trong khám sức khỏe định kỳ. Chẩn đoán bao gồm chẩn đoán xác định ung thư tinh hoàn và phân giai đoạn ung thư để phục vụ điều trị.
Chẩn đoán ung thư tinh hoàn
Các xét nghiệm chẩn đoán phổ biến bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra tinh hoàn và hạch bạch huyết để tìm dấu hiệu ung thư.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh tinh hoàn, giúp xác định bất thường.
- Phẫu thuật cắt tinh hoàn và sinh thiết: Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ loại bỏ tinh hoàn bị ảnh hưởng và kiểm tra mô dưới kính hiển vi.
- Xét nghiệm máu: Đo mức độ dấu ấn ung thư như AFP, HCG và LDH để đánh giá loại ung thư.
- Chụp CT, X-quang, MRI: Kiểm tra xem ung thư có lan đến bụng, phổi hoặc não hay không.
Phân giai đoạn ung thư tinh hoàn
Chẩn đoán ung thư tinh hoàn cũng bao gồm việc xác định giai đoạn bệnh. Việc phân giai đoạn giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị, dựa trên kích thước khối u và mức độ lan rộng của ung thư.
- Giai đoạn 0: Các tế bào bất thường đã phát triển nhưng vẫn nằm bên trong tinh hoàn. Giai đoạn này còn được gọi là tân sinh tế bào mầm tại chỗ (GCNIS).
- Giai đoạn I: Ung thư chỉ giới hạn trong tinh hoàn. Dấu ấn khối u có thể tăng hoặc không.
- Giai đoạn II: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở phía sau bụng (khoang sau phúc mạc) nhưng chưa di căn đến nơi khác.
- Giai đoạn III: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ngoài vùng bụng hoặc đến các cơ quan khác trong cơ thể.
/ung_thu_tinh_hoan6_3fdafa0407.jpg)
Điều trị ung thư tinh hoàn
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và loại ung thư tinh hoàn được xác định.
- Giai đoạn 0: Lựa chọn điều trị bao gồm theo dõi chặt chẽ bằng siêu âm, cắt tinh hoàn và xạ trị. Nếu nam giới mong muốn duy trì khả năng sinh sản, việc siêu âm theo dõi thường xuyên được ưu tiên.
- Giai đoạn I: Phẫu thuật cắt tinh hoàn là phương pháp điều trị ban đầu. Điều trị tiếp theo sẽ tùy thuộc vào loại ung thư, vì nguy cơ tái phát khác nhau giữa u tế bào mầm (seminoma) và u không phải tế bào mầm (non-seminoma).
- Giai đoạn IIA và IIB: Cắt tinh hoàn là chiến lược điều trị ban đầu, điều trị tiếp theo sẽ tùy thuộc vào mô bệnh học. Điều trị tiếp theo có thể bao gồm xạ trị, hoá trị.
- Giai đoạn IIC và III: Phác đồ điều trị chuẩn cho tình trạng ung thư tiến triển bao gồm hoá trị liệu với BEP (bleomycin, etoposide và cisplatin) hoặc EP (etoposide và cisplatin), hoặc phác đồ dựa trên cisplatin.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa ung thư tinh hoàn
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của ung thư tinh hoàn
Chế độ sinh hoạt
Những việc bạn nên làm nếu mắc ung thư tinh hoàn bao gồm:
- Tái khám và tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Sau khi điều trị, bạn vẫn cần phải theo dõi định kỳ theo kịch hẹn của bác sĩ, việc này có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí phải theo dõi cả đời.
- Bạn cũng nên duy trì lối sống lành mạnh bằng cách không hút thuốc, hoạt động thể chất thường xuyên và duy trì cân nặng khoẻ mạnh.
Chế độ dinh dưỡng
Không có một chế độ ăn cụ thể cho người ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, việc áp dụng và duy trì một lối sống, chế độ ăn lành mạnh có thể hữu ích cho bạn. Bao gồm một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giàu rau củ quả, tránh các thực phẩm chế biến sẵn hay chiên rán.
/ung_thu_tinh_hoan7_a720cb00f9.jpg)
Phòng ngừa ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn không thể phòng ngừa, nhưng bạn có thể tự kiểm tra tinh hoàn (TSE) để phát hiện sớm những thay đổi bất thường. Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy khối u, cục cứng, tinh hoàn trở nên to hơn hoặc nhỏ đi.
Bạn có thể tự kiểm tra tinh hoàn theo các bước sau:
- Kiểm tra sau khi tắm nước ấm: Nhiệt độ ấm giúp bìu thư giãn, giúp bạn dễ cảm nhận những bất thường.
- Dùng cả hai tay: Đặt ngón trỏ và ngón giữa dưới tinh hoàn, ngón cái trên, rồi nhẹ nhàng lăn tinh hoàn giữa các ngón tay.
- Làm quen với cấu trúc bình thường: Bạn có thể cảm nhận một sợi dây nhỏ ở phía trên và sau tinh hoàn (đó là mào tinh hoàn), nơi lưu trữ và vận chuyển tinh trùng, không phải khối u. Kích thước hai tinh hoàn có thể hơi khác nhau, nhưng thường không chênh lệch quá lớn.
- Kiểm tra cục u: Nếu phát hiện khối u nhỏ như hạt đậu hoặc lớn hơn, dù không đau, hãy đi khám bác sĩ ngay.
Ung thư tinh hoàn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Việc tự kiểm tra tinh hoàn thường xuyên giúp bạn nhận biết những thay đổi bất thường và kịp thời thăm khám bác sĩ. Nếu phát hiện dấu hiệu lạ như khối u, sưng đau hoặc thay đổi kích thước tinh hoàn, đừng ngần ngại tìm đến sự tư vấn y khoa.