Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là hai bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, có thể gây suy hô hấp nếu không điều trị đúng cách. Hai bệnh này thường bị nhầm lẫn do có nhiều điểm giống nhau, nhưng thực tế lại khác nhau về nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là gì?
COPD là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn luồng khí không hồi phục hoàn toàn, tiến triển chậm nhưng liên tục xấu đi, thường gặp ở người trên 40 tuổi, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm hoặc tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Ho mãn tính, nhiều đờm, nhất là buổi sáng;
- Khó thở tăng dần, lúc đầu khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi;
- Thở khò khè, nặng ngực.
COPD gây viêm đường thở mạn tính và phá hủy nhu mô phổi (khí phế thũng), khiến chức năng hô hấp ngày càng giảm sút. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp, tâm phế mạn, tăng nguy cơ tử vong.

Hen phế quản là gì?
Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở gây co thắt phế quản, làm hẹp đường dẫn khí, thường gặp nhất ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hen phế quản đặc trưng bởi các cơn khó thở, khò khè, nặng ngực và ho, thường xuất hiện về đêm hoặc sáng sớm, có tính chất tái đi tái lại và hồi phục hoàn toàn giữa các cơn nếu được kiểm soát tốt.
Nguyên nhân hen phế quản chủ yếu liên quan đến yếu tố cơ địa dị ứng (hen dị ứng), tiếp xúc dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, lông động vật, thay đổi thời tiết, nhiễm trùng hô hấp hoặc gắng sức.

Phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản
Giống nhau
Về nguyên nhân gây bệnh, cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đều là tình trạng niêm mạc phế quản bị tổn thương, nguyên nhân chủ yếu do các tác nhân bên ngoài như chất độc hại, dị nguyên gây dị ứng, yếu tố môi trường, thay đổi thời tiết… Các yếu tố này làm niêm mạc đường thở bị kích thích, dẫn đến phù nề, co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy, gây tắc nghẽn luồng khí hô hấp.
Về triệu chứng, hai bệnh lý này có biểu hiện khá tương đồng, dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh. Cả hai đều gây ho, khó thở, thở khò khè, các triệu chứng trở nên rõ rệt hơn khi thời tiết thay đổi. Ngoài ra, hen phế quản và COPD đều có thể xuất hiện các đợt cấp với triệu chứng nguy hiểm như suy hô hấp, rối loạn ý thức, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Khi nghe phổi bằng ống nghe, cả hai bệnh có thể có tiếng ran rít hai bên, bệnh nhân đau tức ngực, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, lo âu.
Về chẩn đoán, khi xuất hiện các triệu chứng trên, cả bệnh nhân COPD và hen phế quản đều được chỉ định thực hiện các thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cần thiết như đo chức năng hô hấp - cho thấy rối loạn thông khí tắc nghẽn, hoặc chụp X-quang phổi để quan sát hình ảnh phổi căng giãn, hỗ trợ chẩn đoán chính xác.

Khác nhau
Đừng lo lắng nếu bạn đang băn khoăn chưa biết cách phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, bởi những khác biệt dưới đây sẽ giúp nhận diện rõ ràng hơn hai bệnh lý này.
Về nguyên nhân
COPD chủ yếu do sự tấn công kéo dài của các phân tử, khí độc hại như khói thuốc lá, bụi, hóa chất… gây tổn thương mạn tính đường thở. Tình trạng tắc nghẽn đường thở trong COPD diễn tiến liên tục, nặng dần theo thời gian.
Ngược lại, hen phế quản thường do các tác nhân dị ứng (dị nguyên) khởi phát cơn hen, làm hẹp tạm thời đường thở. Các cơn hen chỉ xảy ra từng cơn, không liên tục và đường thở có thể hồi phục gần như hoàn toàn sau cơn hen. Hen phế quản không gây phá hủy cấu trúc mô phổi, tiểu phế quản không bị xẹp, trong khi COPD làm tổn thương nhu mô phổi, đứt gãy sợi liên kết quanh phế nang, tiểu phế quản, khiến tiểu phế quản bị xẹp và chức năng phổi giảm sút.
Về triệu chứng
Hen phế quản thường khởi phát các cơn khó thở đột ngột, không liên tục, giữa các cơn, bệnh nhân gần như không có biểu hiện gì bất thường. Trái lại, COPD đặc trưng bởi các triệu chứng kéo dài liên tục ngay cả khi bệnh nhân không trong đợt cấp, khiến chức năng hô hấp không hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, bệnh nhân COPD thường xuất hiện dấu hiệu tâm phế mạn - biến chứng do tăng áp lực động mạch phổi, trong khi bệnh nhân hen không gặp tình trạng này.
Khi bác sĩ nghe phổi, bệnh nhân hen phế quản có tiếng ran rít, thở khò khè, nhưng tiếng rì rào phế nang nghe không rõ. Ở COPD, âm thở đặc trưng hơn với tiếng rì rào giảm rõ rệt do hiện tượng xẹp phế nang, kèm nhiều đờm nhầy và ho mãn tính kéo dài - điều hiếm gặp ở bệnh nhân hen.
Về đối tượng mắc bệnh
COPD thường khởi phát ở người có tiền sử hút thuốc lá lâu năm, tuổi khởi phát từ 40 tuổi trở lên. Ngược lại, hen phế quản có thể xuất hiện ngay ở trẻ nhỏ hoặc bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng hoặc gia đình có người từng mắc hen.

Về chẩn đoán
Đo chức năng hô hấp là xét nghiệm quan trọng để phân biệt hen phế quản và COPD. Ở bệnh nhân COPD, kết quả đo chức năng hô hấp cho thấy tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục, ngay cả khi được điều trị. Trong khi đó, ở bệnh nhân hen phế quản, hiện tượng rối loạn thông khí chỉ xuất hiện trong các cơn hen cấp, giữa các cơn các chỉ số có thể trở về bình thường.
Chụp X-quang phổi cũng hỗ trợ phân biệt hai bệnh lý này. Với bệnh nhân hen phế quản, hình ảnh phổi căng giãn chỉ xuất hiện tạm thời trong các cơn hen cấp. Ngược lại, ở bệnh nhân COPD, phổi thường xuyên ở trạng thái căng giãn do tổn thương nhu mô phổi mạn tính, đây là đặc điểm điển hình để nhận diện COPD trên hình ảnh X-quang.
Chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân COPD và hen phế quản
Để chăm sóc người bệnh COPD hoặc hen phế quản cần giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí, tránh khói thuốc lá, bụi bẩn, lông thú cưng hoặc nấm mốc - những yếu tố dễ khởi phát cơn hen hoặc đợt cấp COPD. Nên lắp máy lọc không khí nếu điều kiện cho phép. Vào mùa lạnh, cần giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi họng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp.
Người bệnh cần luyện tập các bài thở phục hồi chức năng hô hấp, chẳng hạn:
- Thở mím môi (hít vào bằng mũi, thở ra chậm qua môi hơi chúm lại) để giảm khó thở.
- Thở cơ hoành (hít sâu phình bụng, thở ra hóp bụng) giúp tăng cường hiệu quả hô hấp.
Nên tập luyện thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, tùy theo khả năng, tránh gắng sức quá mức. Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân thủ lịch uống thuốc, tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu định kỳ là biện pháp quan trọng để phòng ngừa đợt cấp nguy hiểm. Cần lưu ý rằng nếu người bệnh xuất hiện dấu hiệu khó thở, tím môi, không nói được, lơ mơ, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Như vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đều là những bệnh hô hấp mạn tính nghiêm trọng, dễ bị nhầm lẫn, nhưng cách điều trị và tiên lượng hoàn toàn khác nhau. Hiểu đúng bệnh, tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống và tái khám định kỳ sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt triệu chứng, giảm đợt cấp, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn nào hoặc quan tâm đến các chương trình tiêm chủng giúp bảo vệ sức khỏe hô hấp, hãy liên hệ ngay Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được hỗ trợ nhé!