Tìm hiểu chung về suy hô hấp cấp
Suy hô hấp cấp là gì?
Bình thường, cấu trúc phế nang có lớp màng mỏng bảo vệ và bên trong chứa đầy không khí để thực hiện quá trình trao đổi khí oxy và cacbonic. Trong suy hô hấp cấp, do tổn thương từ viêm hoặc chấn thương tại phổi, màng bảo vệ của phế nang bị phá hủy, khiến dịch và protein từ mao mạch rò rỉ vào phế nang. Khi dịch tích tụ, phổi không thể mở rộng đầy đủ để hấp thụ không khí, dẫn đến thiếu oxy nghiêm trọng trong máu.
Suy hô hấp cấp thường được phân loại thành ba giai đoạn bao gồm xuất tiết, tăng sinh và xơ hóa. Phân loại này chủ yếu mô tả mức độ viêm và dịch tụ dịch bên trong phế nang, quá trình sửa chữa tiếp theo của phổi.
Suy hô hấp cấp rất nguy hiểm và có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Bệnh lý này ảnh hưởng đến khoảng 200.000 người ở Hoa Kỳ và khoảng 3 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Đây cũng là bệnh lý chiếm khoảng 10% tổng số ca nhập viện tại khoa Hồi sức cấp cứu (ICU).
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa suy hô hấp cấp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy hô hấp cấp
Chế độ sinh hoạt:
Đối với người có nguy cơ cao hoặc đang phục hồi sau suy hô hấp cấp, chế độ sinh hoạt hợp lý đóng vai trò rất quan trọng:
- Không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại để bảo vệ phổi.
- Thực hiện vệ sinh tay, đeo khẩu trang để phòng ngừa nhiễm trùng.
- Tập hít thở sâu, phục hồi chức năng hô hấp dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.
- Tập vận động nhẹ nhàng sau khi hồi phục để cải thiện chức năng hô hấp, tránh teo cơ, loét do nằm lâu.
- Kiểm soát bệnh nền (như đái tháo đường, tim mạch...) tốt để hạn chế biến chứng nặng.
- Giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tránh ẩm mốc.

Chế độ dinh dưỡng:
Dinh dưỡng đóng vai trò sống còn với bệnh nhân suy hô hấp cấp trong giai đoạn cấp tính và phục hồi:
Giai đoạn cấp tính (nằm ICU, thở máy):
- Cần cung cấp đủ calo và protein qua đường tĩnh mạch hoặc sonde dạ dày.
- Dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa (vitamin C, E, selen), omega-3, và kẽm để hỗ trợ giảm viêm và tăng cường miễn dịch.
- Hạn chế đường và chất béo bão hòa.
Giai đoạn phục hồi:
- Ăn đầy đủ các nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất.
- Bổ sung các thực phẩm hỗ trợ hô hấp: cá béo, rau xanh đậm, trái cây giàu vitamin C.
- Uống nhiều nước, tránh mất nước gây đặc đờm.
- Kiêng rượu bia, thức ăn cay nóng, thực phẩm gây viêm như đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.

Phòng ngừa suy hô hấp cấp
Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn suy hô hấp cấp, nhưng có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Tiêm ngừa đầy đủ: Cúm, phế cầu, COVID-19 để giảm nguy cơ viêm phổi nặng.
- Điều trị tích cực các bệnh lý có nguy cơ gây ARDS (nhiễm trùng, chấn thương, viêm tụy...).
- Dự phòng hít sặc ở bệnh nhân có nguy cơ cao (người cao tuổi, hôn mê, rối loạn nuốt).
- Quản lý tốt các bệnh nền như tiểu đường, suy tim, suy thận.
- Sử dụng thuốc hợp lý: Không lạm dụng thuốc an thần, opioid gây ức chế hô hấp.
- Thực hiện chăm sóc y tế sớm và đúng cách khi có dấu hiệu nhiễm trùng, khó thở.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm suy hô hấp cấp
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán suy hô hấp cấp dựa trên khám tổng quát và kết quả của một số xét nghiệm. Vì các triệu chứng của suy hô hấp cấp tương tự như các bệnh phổi hoặc tim mạn tính, nên bác sĩ cần loại trừ các nguyên nhân khác trước khi chẩn đoán xác định bệnh lý này.
Một số xét nghiệm có thể được yêu cầu làm, bao gồm:
- Chụp X-quang ngực để đánh giá hình ảnh tổng quát của phổi (tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, xẹp phổi,...).
- Xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ oxy trong máu và xác định mức độ nghiêm trọng của suy hô hấp cấp.
- Siêu âm tim để đánh giá chức năng tim;
- Điện tâm đồ để đánh giá hoạt động điện của tim;
- Theo dõi đo nồng độ oxy trong máu bằng cảm biến kẹp ở đầu ngón tay để theo dõi liên tục nồng độ oxy.
- Chụp cắt lớp vi tính để cung cấp thông tin chi tiết hơn về phổi hoặc một số tình trạng khác có liên quan.
- Lấy mẫu dịch tiết từ đường hô hấp để tìm nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Điều trị
Điều trị suy hô hấp cấp bao gồm việc tăng nồng độ oxy trong máu để ngăn ngừa suy đa cơ quan. Những người mắc suy hô hấp cấp cần máy thở và/hoặc liệu pháp oxy để cải thiện nồng độ oxy trong máu. Với những trường hợp nặng, việc mở khí quản cũng có thể được tiến hành nếu có các chấn thương nặng đường hô hấp trên
Bác sĩ có thể thực hiện các bước để giảm thiểu các biến chứng từ suy hô hấp cấp. Bao gồm:
- Thuốc an thần giúp kiểm soát cơn đau và giúp bệnh nhân thư giãn.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm sấp thay vì nằm ngửa giúp phổi nhận được nhiều oxy hơn trong quá trình thở máy.
- Kiểm tra hơi thở để xác định thời điểm an toàn để tháo ống và máy thở.
- Thuốc chống đông máu để ngăn ngừa cục máu đông gây thuyên tắc mạch sâu.
- Thuốc lợi tiểu để nếu có tình trạng quá tải tuần hoàn.
- Thuốc giúp giảm thiểu tình trạng tích tụ dịch trong phổi.
- Thuốc kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng.
- Vận động tích cực và vật lý trị liệu để ngăn ngừa yếu cơ.
- Phục hồi chức năng phổi giúp tăng cường sức mạnh và dung tích phổi.
Triệu chứng thường gặp của suy hô hấp cấp
Những dấu hiệu và triệu chứng của suy hô hấp cấp
Các triệu chứng của hội chứng suy hô hấp cấp phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, cũng như tình trạng hoạt động của tim và phổi. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Khó thở nghiêm trọng;
- Thở nhanh;
- Ho;
- Nặng ngực, khó chịu vùng ngực;
- Nhịp tim nhanh;
- Da tay chân lạnh;
- Móng tay và môi xanh xao hoặc xanh tím do lượng oxy trong máu thấp.

Biến chứng của suy hô hấp cấp
Các biến chứng của hội chứng suy hô hấp cấp có thể gặp bao gồm:
- Thuyên tắc do huyết khối tĩnh mạch sâu;
- Xẹp phổi có thể do tràn khí màng phổi, nguyên nhân có thể là do áp lực từ máy thở tác động lên phổi bị xơ cứng hoặc tổn thương.
- Xơ phổi;
- Lú lẫn, mê sảng;
- Suy đa cơ quan;
- Yếu cơ;
- Nhiễm trùng tiểu;
- Viêm loét dạ dày do căng thẳng;
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn;
- Bất ổn tâm lý kéo dài dẫn đến rối loạn lo âu và trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp phải nhập viện do bệnh nặng hoặc chấn thương. Bác sĩ cần nắm rõ thông tin về tiền căn bệnh lý hoặc cơ chế chấn thương mà bạn hoặc người thân đang gặp phải, để đưa ra chiến lược điều trị kịp thời vì bệnh lý này rất nghiêm trọng và ảnh hưởng tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh suy hô hấp cấp
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp bao gồm:
- Viêm phổi nặng: Các trường hợp viêm phổi nặng thường ảnh hưởng đến cả năm thùy phổi.
- Nhiễm trùng huyết: Nguyên nhân phổ biến nhất của suy hô hấp cấp là nhiễm trùng huyết, một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng có thể có nguyên nhân từ phổi hoặc các cơ quan khác lan rộng đến.
- Bệnh do vi-rút Corona 2019 (COVID-19): Những người mắc COVID-19 nặng có thể bị suy hô hấp cấp. Vì COVID-19 chủ yếu ảnh hưởng đến hệ hô hấp nên nó có thể gây tổn thương phổi.
- Chấn thương đầu, ngực hoặc chấn thương lớn khác: Tai nạn, chẳng hạn như té ngã hoặc tai nạn xe hơi, có thể gây tổn thương phổi hoặc phần thân não điều khiển hô hấp.
- Hít phải các chất độc hại: Hít phải nhiều khói hoặc hơi hóa chất có thể dẫn đến suy hô hấp cấp, cũng như hít phải chất nôn từ dạ dày (viêm phổi hít).
- Đuối nước: Nguyên nhân này cũng có thể gây ra suy hô hấp cấp.
- Truyền máu: Nếu nhận hơn 15 đơn vị máu trong một thời gian ngắn cũng có nguy cơ mắc suy hô hấp cấp.
- Các tình trạng khác: Viêm tụy, quá liều thuốc (cocaine, thuốc phiện,...) và bỏng nặng có thể dẫn đến suy hô hấp cấp.

Nguy cơ gây bệnh suy hô hấp cấp
Những ai có nguy cơ mắc phải suy hô hấp cấp?
Một số đối tượng có nguy cơ mắc suy hô hấp cấp cao hơn:
- Người có sử dụng các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy, thuốc phiện;
- Người có các bệnh lý nền liên quan đến tim, phổi, hội chứng chuyển hóa;
- Bệnh nhân trên 65 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy hô hấp cấp
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy hô hấp cấp:
- Các tình trạng bệnh lý nặng như nhiễm trùng, chấn thương trực tiếp vùng ngực nặng, toan chuyển hóa, COVID-19;
- Phẫu thuật lớn cần điều trị hồi sức kéo dài, nằm viện lâu dài;
- Các bệnh lý cần truyền máu nhiều lần;
- Các loại sốc nặng như sốc mất máu, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim,...
