Viêm phổi cộng đồng là một trong những bệnh nhiễm trùng hô hấp phổ biến, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể do nhiều tác nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là vi khuẩn và virus. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa viêm phổi cộng đồng sẽ giúp mỗi người chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Viêm phổi cộng đồng là gì?
Viêm phổi cộng đồng có tên đầy đủ là viêm phổi mắc phải trong cộng đồng (CAP), là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất hiện nay. Đây là tình trạng viêm nhiễm cấp tính xảy ra tại nhu mô phổi, xảy ra bên ngoài môi trường bệnh viện.
Căn bệnh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, những đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi trên 65 tuổi, những người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc đang mắc bệnh mạn tính có nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với người khỏe mạnh.
/viem_phoi_cong_dong_la_gi_phac_do_dieu_tri_viem_phoi_cong_dong_1_aae3863cf1.png)
Tại Việt Nam, viêm phổi mắc phải trong cộng đồng là một trong những bệnh nhiễm khuẩn phổ biến nhất trong thực hành lâm sàng. Bệnh chiếm khoảng 12% trong tổng số các bệnh lý liên quan đến phổi, cho thấy mức độ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cộng đồng.
Nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng
Viêm phổi cộng đồng là dạng viêm phổi phổ biến nhất, xảy ra bên ngoài môi trường bệnh viện hoặc các cơ sở y tế. Bệnh có thể do nhiều tác nhân gây ra, bao gồm:
- Vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân chủ yếu gây viêm phổi do vi khuẩn, đặc biệt tại Mỹ. Tình trạng này có thể khởi phát độc lập hoặc xuất hiện sau khi người bệnh bị cảm lạnh hoặc cúm. Dạng viêm phổi này thường ảnh hưởng đến một phần của phổi, được gọi là viêm phổi thùy.
- Vi sinh vật tương tự vi khuẩn: Mycoplasma pneumoniae cũng có thể là tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng do loại vi khuẩn này gây ra thường nhẹ hơn so với các dạng viêm phổi khác.
- Nấm: Đây là nguyên nhân phổ biến ở những người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc mắc bệnh mạn tính. Nấm gây viêm phổi thường có trong đất hoặc phân chim và mức độ lây nhiễm có thể khác nhau tùy theo khu vực địa lý.
- Virus: Một số virus gây cảm lạnh và cúm cũng có thể dẫn đến viêm phổi, đặc biệt khi hệ miễn dịch bị suy yếu.
/viem_phoi_cong_dong_la_gi_phac_do_dieu_tri_viem_phoi_cong_dong_5_23f655fcd8.png)
Triệu chứng của viêm phổi cộng đồng
Các triệu chứng của viêm phổi cộng đồng có thể biểu hiện từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào loại tác nhân gây bệnh, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Những dấu hiệu nhẹ thường giống với cảm lạnh hoặc cúm nhưng kéo dài hơn và không thuyên giảm nhanh chóng.
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của viêm phổi:
- Đau tức ngực khi ho hoặc hít thở sâu.
- Rối loạn nhận thức hoặc lú lẫn (thường xảy ra ở người cao tuổi trên 65 tuổi).
- Ho có thể kèm theo đờm.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Sốt cao, vã mồ hôi, cảm giác ớn lạnh.
- Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường (thường gặp ở người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm).
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
- Khó thở, cảm giác hụt hơi khi vận động hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.
/viem_phoi_cong_dong_la_gi_phac_do_dieu_tri_viem_phoi_cong_dong_2_b06b2720f4.png)
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi cộng đồng
Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc viêm phổi trong cộng đồng bao gồm:
- Hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia: Việc hút thuốc, lạm dụng rượu hoặc dùng các chất kích thích như thuốc phiện có thể làm suy yếu hệ hô hấp, từ đó tăng nguy cơ mắc viêm phổi.
- Mắc bệnh mãn tính: Những người có tiền sử bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc bệnh tim có nguy cơ cao hơn bị viêm phổi do hệ hô hấp đã bị tổn thương từ trước.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Người bị HIV/AIDS, người đã trải qua cấy ghép nội tạng, đang trong quá trình hóa trị hoặc sử dụng corticosteroid kéo dài có hệ miễn dịch kém, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn.
- Tuổi tác cao: Nguy cơ mắc viêm phổi trong cộng đồng tăng dần theo độ tuổi. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ nhập viện do viêm phổi ở người từ 65 tuổi trở lên là khoảng 2.000/100.000 người mỗi năm, cao gấp 3 lần so với dân số chung. Điều này cho thấy khoảng 2% người cao tuổi phải nhập viện do bệnh lý này hàng năm.
- Nhiễm trùng đường hô hấp do virus: Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus, chẳng hạn như cúm mùa, có thể dẫn đến viêm phổi nguyên phát do virus hoặc gây bội nhiễm vi khuẩn, làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Yếu tố liên quan đến lối sống và môi trường: Những người sống trong điều kiện đông đúc như nhà tù, khu tạm trú cho người vô gia cư hoặc làm việc trong môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại (sơn, dung môi, xăng,...) cũng có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn.
Phác đồ điều trị viêm phổi cộng đồng
Phác đồ điều trị viêm phổi cộng đồng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như tác nhân gây nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng trường hợp. Nếu bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể phải nhập viện để theo dõi và điều trị. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe.
Điều trị tại bệnh viện
Đối với viêm phổi do vi khuẩn, bệnh nhân thường được chỉ định dùng kháng sinh ngay khi nhập viện. Loại kháng sinh và liều lượng cụ thể sẽ được bác sĩ lựa chọn dựa trên kết quả xét nghiệm cấy đờm hoặc cấy máu nhằm xác định vi khuẩn gây bệnh. Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng hoặc người bệnh không thể uống thuốc, kháng sinh sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch để đảm bảo hiệu quả điều trị.
/viem_phoi_cong_dong_la_gi_phac_do_dieu_tri_viem_phoi_cong_dong_3_1d7aab805f.png)
Trong trường hợp viêm phổi do virus, kháng sinh không có tác dụng thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng virus phù hợp. Khi điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân có thể được truyền dịch nếu bị mất nước, tập luyện các bài tập hỗ trợ hô hấp, cung cấp oxy để cải thiện tình trạng thở khó khăn. Nếu bệnh diễn biến nặng, có thể cần đến sự hỗ trợ của máy thở.
Điều trị tại nhà
Những trường hợp viêm phổi nhẹ có thể được điều trị ngoại trú bằng cách sử dụng kháng sinh đường uống trong khoảng 5 – 7 ngày. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể phục hồi nhanh hơn.
- Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc kháng sinh, uống đúng liều lượng, đúng thời gian quy định và không tự ý ngừng thuốc dù cảm thấy khỏe hơn.
- Không tự ý sử dụng thuốc cảm hay thuốc ho nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Uống nhiều nước như nước lọc, trà loãng hoặc nước ép trái cây để hỗ trợ làm loãng đờm và giúp đường hô hấp thông thoáng hơn.
- Hít không khí ấm có thể giúp làm loãng chất nhầy, từ đó giảm cảm giác khó thở.
- Tránh sử dụng rượu bia trong quá trình điều trị để không ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc và quá trình hồi phục.
Phòng ngừa viêm phổi cộng đồng
Ngoài việc thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, mỗi người có thể chủ động phòng ngừa viêm phổi cộng đồng bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
- Hạn chế tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh hoặc có triệu chứng nghi nhiễm.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng.
- Giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, thông thoáng để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc ở những nơi đông người để bảo vệ hệ hô hấp.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, thuốc lào nhằm giảm nguy cơ tổn thương phổi.
- Giữ ấm vùng cổ và ngực khi thời tiết lạnh hoặc chuyển mùa để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
- Điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm ở tai, mũi, họng và răng miệng để tránh tình trạng lây lan vi khuẩn gây viêm phổi.
- Tiêm vắc xin cúm mỗi năm một lần. Đối với những người có bệnh lý nền như suy tim, viêm phổi mạn tính, người từng cắt lách hoặc trên 65 tuổi, nên tiêm ngừa phế cầu định kỳ 5 năm một lần để giảm nguy cơ mắc bệnh.
/viem_phoi_cong_dong_la_gi_phac_do_dieu_tri_viem_phoi_cong_dong_4_a64b53819c.png)
Viêm phổi cộng đồng là một bệnh lý có thể phòng tránh được nếu có biện pháp bảo vệ sức khỏe đúng cách. Việc duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tiêm chủng đầy đủ và chủ động thăm khám khi có dấu hiệu bất thường là những yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đang cung cấp đầy đủ các loại vắc xin, bao gồm các loại vắc xin phòng ngừa viêm phổi cộng đồng dành cho trẻ em, người lớn và các nhóm đối tượng đặc biệt, với hệ thống đặt lịch linh hoạt, giúp bạn tiết kiệm thời gian. Tại đây, bạn sẽ được tư vấn bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, quy trình tiêm chủng đảm bảo đúng tiêu chuẩn y tế, giúp bạn an tâm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Hãy đến ngay Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được hỗ trợ tiêm phòng an toàn và hiệu quả nhé!