Tìm hiểu chung về viêm phổi cấp
Viêm phổi cấp là một bệnh nhiễm trùng ở phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Bệnh khiến mô phổi bị viêm và có thể làm tích tụ dịch hoặc mủ trong phổi. Viêm phổi cấp do vi khuẩn thường nghiêm trọng hơn viêm phổi cấp do virus (vốn thường tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu). Viêm phổi cấp có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên phổi.
Triệu chứng viêm phổi cấp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi cấp
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi cấp có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào các yếu tố như loại vi sinh vật gây nhiễm trùng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn. Các triệu chứng nhẹ thường giống cảm lạnh hoặc cúm, nhưng kéo dài lâu hơn.
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi cấp có thể bao gồm:
- Đau ngực khi hít thở hoặc ho;
- Mất phương hướng hoặc thay đổi nhận thức (ở người lớn từ 65 tuổi trở lên);
- Ho, có thể kèm theo đờm;
- Mệt mỏi;
- Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh run người;
- Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường (ở người lớn trên 65 tuổi và người có hệ miễn dịch yếu);
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy;
- Khó thở.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không có dấu hiệu rõ ràng của nhiễm trùng. Hoặc, chúng có thể bị nôn, sốt và ho, trông bồn chồn hoặc mệt mỏi, không có năng lượng, hoặc thở khò khè và ăn kém.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp khó thở, đau ngực, sốt kéo dài từ 39°C trở lên, hoặc ho kéo dài, đặc biệt là ho ra mủ. Đặc biệt quan trọng đối với những nhóm có nguy cơ cao sau đây:
- Người lớn trên 65 tuổi;
- Trẻ em dưới 2 tuổi có dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi cấp;
- Người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu;
- Người đang hóa trị hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Đối với một số người lớn tuổi và những người bị suy tim hoặc bệnh phổi mạn tính, viêm phổi cấp có thể nhanh chóng trở thành tình trạng đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp
Nhiều loại vi sinh vật có thể gây viêm phổi cấp. Phổ biến nhất là vi khuẩn và virus có trong không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày. Thông thường, cơ thể bạn có thể ngăn chặn các mầm bệnh này xâm nhập vào phổi. Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể vượt qua hệ miễn dịch, ngay cả khi bạn vốn có sức khỏe tốt.
Viêm phổi cấp được phân loại dựa trên loại vi sinh vật gây bệnh và nơi bạn mắc phải nhiễm trùng.
Viêm phổi cộng đồng
Đây là loại viêm phổi cấp thường gặp nhất, xảy ra ngoài bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Nguyên nhân có thể do:
- Vi khuẩn: Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm phổi do vi khuẩn ở Hoa Kỳ là Streptococcus pneumoniae. Loại viêm phổi này có thể xảy ra độc lập hoặc sau khi bạn bị cảm lạnh hoặc cúm. Nó có thể ảnh hưởng đến một phần của phổi, được gọi là viêm phổi thùy. Mycoplasma pneumoniae cũng có thể gây viêm phổi cấp, triệu chứng thường nhẹ hơn so với các loại viêm phổi khác.
- Nấm: Loại viêm phổi này phổ biến ở những người có bệnh mạn tính, hệ miễn dịch suy yếu hoặc hít phải số lượng lớn bào tử nấm. Nấm gây bệnh thường có trong đất hoặc phân chim và thay đổi theo khu vực địa lý.
- Virus: Một số virus gây cảm lạnh hoặc cúm cũng có thể gây viêm phổi cấp. Virus là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm phổi cấp ở trẻ dưới 5 tuổi. Viêm phổi do virus thường nhẹ, nhưng trong một số trường hợp có thể nghiêm trọng.
Viêm phổi bệnh viện
Một số người mắc viêm phổi cấp trong khi đang điều trị tại bệnh viện vì một bệnh lý khác. Viêm phổi bệnh viện là loại viêm phổi nghiêm trọng vì vi khuẩn gây bệnh có thể kháng thuốc kháng sinh, và người bệnh thường đang trong tình trạng sức khoẻ yếu. Người phải dùng máy thở trong các khoa hồi sức tích cực có nguy cơ cao mắc loại viêm phổi này.
Viêm phổi liên quan đến chăm sóc y tế
Là nhiễm khuẩn do vi khuẩn ở những người sống trong cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc nhận chăm sóc tại các phòng khám ngoại trú như trung tâm lọc thận. Tương tự như viêm phổi trong bệnh viện, viêm phổi này cũng thường do các vi khuẩn kháng thuốc gây ra.
Viêm phổi hít
Xảy ra khi bạn hít phải thức ăn, đồ uống, chất nôn hoặc nước bọt vào phổi. Việc hít sặc có khả năng xảy ra cao hơn nếu phản xạ ho tự nhiên bị suy giảm do tổn thương não, rối loạn nuốt, hoặc do sử dụng rượu hay ma túy quá mức.

Nguy cơ mắc phải viêm phổi cấp
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phổi cấp?
Viêm phổi cấp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng có hai nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là:
- Trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở xuống;
- Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm phổi cấp
Một số yếu tố nguy cơ của viêm phổi cấp bao gồm:
- Nằm viện: Những người đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU), đặc biệt là phải thở máy, có nguy cơ cao hơn mắc viêm phổi.
- Bệnh lý mạn tính: Những ai mắc các bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay bệnh tim có khả năng bị viêm phổi cao hơn.
- Hút thuốc lá: Khói thuốc làm tổn hại hệ miễn dịch tự nhiên của phổi, khiến cơ thể dễ bị vi khuẩn và virus tấn công.
- Suy giảm miễn dịch: Những người có hệ miễn dịch yếu như người bệnh HIV/AIDS, người ghép tạng, đang điều trị hóa trị hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài cũng thuộc nhóm dễ mắc bệnh.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm phổi cấp
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm phổi cấp
Để chẩn đoán viêm phổi cấp, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền căn và thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để kiểm tra âm phổi và có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm hỗ trợ như chụp X-quang ngực, đo nồng độ oxy trong máu, xét nghiệm máu hoặc kiểm tra đờm.
Tuy nhiên, ngay cả khi được xác định mắc viêm phổi, đôi khi bác sĩ vẫn không thể xác định chính xác loại vi sinh vật gây bệnh.
Điều trị viêm phổi cấp
Điều trị viêm phổi cấp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus hay nấm và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong nhiều trường hợp, không thể xác định được chính xác tác nhân gây bệnh, nên việc điều trị chủ yếu tập trung vào kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
Một số phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Dùng để điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Dù không có tác dụng với virus, bác sĩ vẫn có thể kê đơn nếu bạn đồng thời bị nhiễm vi khuẩn khi mắc virus.
- Thuốc kháng nấm: Được sử dụng khi viêm phổi là do nhiễm nấm.
- Thuốc kháng virus: Viêm phổi do virus thường không cần điều trị bằng thuốc và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê các loại thuốc kháng virus để rút ngắn thời gian bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng.
- Liệu pháp oxy: Nếu cơ thể bạn không nhận đủ oxy, bác sĩ có thể cho bạn thở oxy qua ống thông mũi hoặc mặt nạ.
- Truyền dịch tĩnh mạch (IV): Giúp điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng mất nước.
- Dẫn lưu dịch: Nếu có nhiều dịch tích tụ ở phổi và thành ngực (tràn dịch màng phổi), bác sĩ có thể tiến hành dẫn lưu dịch.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm phổi cấp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi cấp
Người bệnh viêm phổi cấp cần có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình hồi phục.
Chế độ sinh hoạt:
Nghỉ ngơi đầy đủ:
- Hạn chế vận động mạnh, dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường.
- Ngủ đủ giấc, ít nhất 7 – 8 tiếng mỗi đêm để cơ thể phục hồi.
Tránh khói thuốc lá và môi trường ô nhiễm:
- Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với người hút thuốc lá.
- Hạn chế ra ngoài khi không khí ô nhiễm, dùng khẩu trang nếu cần thiết.
Giữ ấm cơ thể và môi trường sống:
- Mặc ấm, đặc biệt khi thời tiết lạnh hoặc thay đổi thất thường.
- Phòng ở nên thoáng khí nhưng tránh gió lùa trực tiếp.
Tuân thủ điều trị:
- Uống thuốc đúng liều, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng đã giảm.
Theo dõi triệu chứng và tái khám:
- Nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc xuất hiện triệu chứng mới cần đi khám ngay.
- Tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá tiến trình hồi phục.
Chế độ dinh dưỡng:
Ăn các món dễ tiêu hóa:
- Ưu tiên cháo, súp, canh, đồ hấp hoặc luộc.
- Tránh đồ ăn cứng, dai hoặc quá khô gây khó nuốt và kích thích ho.
Bổ sung đầy đủ đạm (protein):
- Giúp tái tạo mô, phục hồi tổn thương phổi.
- Nguồn đạm tốt như thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ, sữa.
Tăng cường vitamin C và khoáng chất:
- Hỗ trợ hệ miễn dịch, giảm viêm.
- Có nhiều trong cam, quýt, bưởi, kiwi, dâu, ớt chuông, súp lơ xanh.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây:
- Cung cấp chất xơ, vitamin A, E giúp hỗ trợ chống oxy hóa và giảm viêm.
- Nên ăn các loại rau luộc/hấp, trái cây chín mềm.
Uống nhiều nước:
- 2 – 2,5 lít nước/ngày để làm loãng đờm, hỗ trợ hô hấp.
- Ưu tiên nước ấm, nước điện giải, nước ép trái cây loãng.
Tránh thực phẩm gây hại:
- Không nên dùng các thực phẩm chiên rán, quá nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, nước ngọt có gas, cà phê, rượu bia.
- Tránh thức ăn gây dị ứng hoặc kích ứng ho.

Phòng ngừa bệnh viêm phổi cấp
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm phổi cấp là tiêm ngừa các loại vi khuẩn và virus thường gây bệnh. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng những thói quen hằng ngày để giảm nguy cơ mắc viêm phổi cấp.
Đặc hiệu
Có hai loại vắc xin giúp ngăn ngừa viêm phổi do phế cầu gây ra. Tương tự như vắc xin cúm, những loại vắc xin này không thể bảo vệ bạn khỏi mọi loại viêm phổi, nhưng nếu mắc bệnh, triệu chứng thường nhẹ hơn.
- Vắc xin phế cầu: Pneumovax23 và Prevnar13 giúp phòng ngừa viêm phổi do phế cầu. Mỗi loại vắc xin được khuyến nghị cho các nhóm tuổi hoặc đối tượng có nguy cơ cao khác nhau. Hãy hỏi bác sĩ xem loại vắc xin nào phù hợp với bạn hoặc người thân.
- Vắc xin phòng virus: Một số virus như cúm hoặc COVID-19 có thể dẫn đến viêm phổi cấp, vì vậy tiêm vắc xin ngừa cúm và COVID-19 cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Vắc xin cho trẻ em: Nếu bạn có con nhỏ, hãy hỏi bác sĩ về các loại vắc xin cần tiêm để phòng các bệnh nhiễm khuẩn có thể gây viêm phổi cấp.
Ngoài ra, bạn có thể đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được tư vấn và tiêm các loại vắc xin phòng viêm phổi cấp cho mọi lứa tuổi. Trung tâm cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, nhanh chóng và an toàn, giúp bạn và gia đình yên tâm phòng bệnh hiệu quả.

Không đặc hiệu
Ngoài việc tiêm vắc xin, bạn có thể thực hiện những thói quen lành mạnh sau để bảo vệ bản thân và người xung quanh:
- Bỏ thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động. Thuốc lá làm tổn thương phổi và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chế biến thực phẩm, và sau khi đi vệ sinh. Nếu không có xà phòng, hãy dùng dung dịch rửa tay có cồn.
- Tránh tiếp xúc gần hoặc dùng chung đồ dùng với người bị cúm, cảm lạnh hoặc COVID-19.
- Nếu bạn nằm viện, hãy hỏi nhân viên y tế cách phòng ngừa nhiễm trùng trong thời gian nằm viện.
- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý nền hoặc nhiễm trùng khác, vì chúng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ viêm phổi.
- Hạn chế uống rượu bia quá mức.