Trong những tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên các vấn đề về phân, đặc biệt là hiện tượng trẻ sơ sinh đi phân lỏng, xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải lúc nào đi phân lỏng cũng là dấu hiệu bình thường. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu đi kèm và cách xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn cho bé.
Trẻ sơ sinh đi phân lỏng có bất thường không?
Trẻ sơ sinh đi phân lỏng không nhất thiết là bất thường, đặc biệt nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Khi bắt đầu bú sữa mẹ, bé sẽ đi phân lỏng màu vàng hoặc hơi xanh, có thể có mùi chua nhẹ và đôi khi lẫn các hạt trắng nhỏ. Nhiều cha mẹ lo lắng không biết đây có phải dấu hiệu tiêu chảy không. Thực tế, trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn có thể đi ngoài lỏng 5 – 6 lần mỗi ngày trong tháng đầu mà vẫn khỏe mạnh. Đây không phải là tiêu chảy.

Đối với trẻ dùng sữa công thức, phân thường có màu vàng nâu hoặc xanh nâu, kết cấu đặc hơn nhưng vẫn mềm như bơ và có mùi nặng hơn so với phân của trẻ bú mẹ. Trong 6 tuần đầu đời, trẻ uống sữa công thức có thể đi ngoài 2 – 4 lần/ngày là điều bình thường.
Thông thường, hiện tượng phân lỏng ở trẻ sơ sinh sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn và hệ tiêu hóa dần hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài phân lỏng kèm theo dấu hiệu như:
- Đi ngoài phân lỏng trên 3 ngày.
- Phân có mùi hôi, máu hoặc nhầy.
- Sốt cao trên 38,5 độ C.
- Nôn nhiều lần.
- Quấy khóc, khó chịu.
- Biểu hiện mất nước: Da khô, mắt trũng, mệt mỏi.
Khi phát hiện các biểu hiện bất thường hoặc có bất kỳ nghi ngờ liên quan đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đi khám hoặc trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Tại sao trẻ sơ sinh hay đi ngoài phân lỏng?
Ngoài vấn đề dinh dưỡng, phân lỏng ở trẻ sơ sinh thường là dấu hiệu cảnh báo các rối loạn tiêu hóa như nhiễm khuẩn đường ruột. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này:
Dị ứng và kém dung nạp thực phẩm
Một số trẻ sơ sinh bị phân lỏng do dị ứng với sữa hoặc không dung nạp lactose. Hệ tiêu hóa non yếu dễ phản ứng với thay đổi dinh dưỡng. Nếu mẹ ăn quá nhiều đồ chiên xào, cay nóng, hoặc thay đổi đột ngột sữa công thức cho bé, sữa mẹ hoặc sữa công thức có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây phân lỏng.
Nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh
Đường ruột của bé dễ bị tấn công bởi vi khuẩn do yếu tố vệ sinh không được đảm bảo trong quá trình chăm sóc.
Ví dụ như mẹ không rửa tay sạch trước khi tiếp xúc, không vệ sinh núm vú, bình sữa đúng cách hoặc bảo quản sữa không hợp lý.
Các vi sinh vật gây bệnh như rotavirus, salmonella hay ký sinh trùng giardia có thể xâm nhập, gây tổn thương niêm mạc tiêu hóa. Trẻ thường đi phân lỏng kèm theo triệu chứng như đau bụng, sốt, nôn mửa.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ
Việc dùng thuốc kháng sinh hoặc điều kiện vệ sinh kém có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến lợi khuẩn suy giảm, làm bé đi phân lỏng thường xuyên hơn.
Các nguyên nhân khác cần lưu ý
Ngoài ra, phân lỏng ở trẻ sơ sinh cũng có thể liên quan đến các bệnh lý như suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp, rối loạn nội tiết hay viêm tai giữa.
Phải làm gì khi trẻ sơ sinh đi phân lỏng?
Khi trẻ sơ sinh bị đi phân lỏng dẫn đến mất nước nghiêm trọng, mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Nếu tình trạng mất nước chỉ ở mức nhẹ, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà như sau:
Chú ý dinh dưỡng cho mẹ để đảm bảo nguồn sữa tốt
Trẻ sơ sinh chủ yếu nhận dinh dưỡng qua sữa mẹ, vì thế mẹ cần duy trì chế độ ăn lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Hạn chế các món dầu mỡ, cay nóng hay đồ uống có ga để sữa mẹ có chất lượng tốt hơn, giúp bé hấp thu đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này.

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ
Trẻ đi phân lỏng nhiều lần sẽ gây khó chịu và dễ bị hăm tã. Mẹ nên thay tã cho bé thường xuyên để vùng da luôn khô ráo, sạch sẽ. Sau mỗi lần thay tã hoặc tiếp xúc với chất thải của trẻ, cần rửa tay kỹ bằng xà phòng để tránh nhiễm khuẩn. Đồng thời, xử lý tã bẩn và các dụng cụ của bé sạch sẽ để ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm và hạn chế lây lan vi khuẩn.
Bù nước bằng cách cho trẻ bú nhiều hơn
Điều quan trọng nhất khi trẻ bị đi phân lỏng là phải bổ sung đủ nước cho bé. Mẹ nên tăng số lần cho bé bú sữa nhằm cung cấp lượng nước và điện giải cần thiết, giúp ngăn ngừa mất nước kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trẻ sơ sinh đi phân lỏng là tình trạng phổ biến nhưng có thể tiềm ẩn nhiều nguyên nhân khác nhau. Cha mẹ cần quan sát kỹ đặc điểm phân, tần suất đi tiêu và các biểu hiện kèm theo để đánh giá mức độ nghiêm trọng. Trong mọi trường hợp, đảm bảo vệ sinh, duy trì bú mẹ, không tự ý điều trị và chủ động phòng bệnh bằng tiêm chủng sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Khi hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu, việc tiêm chủng đầy đủ là cách tốt nhất giúp con phòng ngừa bệnh tật, bao gồm cả các tác nhân gây rối loạn tiêu hóa. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu hiện cung cấp gói tiêm cho trẻ sơ sinh với các vắc xin quan trọng như vắc xin viêm gan B, vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván, vắc xin Rota, vắc xin cúm… Đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, đảm bảo an toàn và theo dõi sát sao sau tiêm. Phụ huynh có thể an tâm đồng hành cùng con trong những năm tháng đầu đời.