icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
roi_loan_tieu_hoa_1902a75470roi_loan_tieu_hoa_1902a75470

Rối loạn tiêu hóa là gì? Những vấn đề cần biết về rối loạn tiêu hóa

Thu Thảo09/05/2025

Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và bài tiết thức ăn của cơ thể. Hiểu rõ về rối loạn tiêu hóa, nhận biết sớm các triệu chứng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát phù hợp giúp chúng ta có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

Tìm hiểu chung về rối loạn tiêu hóa

Thức ăn sau khi được nạp vào cơ thể sẽ được phân hủy thành các cấu trúc phần nhỏ hơn đủ để cơ thể hấp thu được, sau đó chúng được sử dụng làm năng lượng và nguyên liệu xây dựng tế bào.

Bất kỳ vấn đề sức khỏe nào xảy ra trong đường tiêu hóa đều được xem là rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa có thể được phân loại thành cấp tính tức là rối loạn xảy ra đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn hoặc mãn tính tức là rối loạn ảnh hưởng đến bạn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Rối loạn tiêu hóa có thể liên quan đến sự bất thường về mặt cấu trúc khối u, túi thừa, viêm ruột,... hoặc chỉ đơn thuần là một rối loạn chức năng khi không thấy bất kỳ vấn đề vật lý hoặc cấu trúc nào của đường tiêu hóa.

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa

Những triệu chứng thường gặp của rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa thường phức tạp và đôi khi khó chẩn đoán vì các triệu chứng biểu hiện thường tương tự nhau và thường ít đặc hiệu. Các triệu chứng biểu hiện bệnh lý trên đường tiêu hóa cần chú ý bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Cảm thấy buồn nôn.
  • Nôn mửa.
  • Tiêu chảy.
  • Táo bón.
  • Đầy hơi và chuột rút ở bụng hoặc ruột.
  • Có máu trong phân.
  • Giảm cảm giác thèm ăn.
  • Mệt mỏi.
  • Giảm cân đột ngột, không rõ nguyên nhân.
  • Ợ nóng.
  • Khó nuốt.
  • Không kiểm soát được nhu động ruột.
  • Ợ hơi.
  • Khó tiêu.
  • Phân có chất nhầy.
  • Chảy máu từ hậu môn.

Các dấu hiệu ban đầu của các vấn đề trong đường tiêu hóa thường bao gồm một hoặc nhiều triệu chứng trên.

Rối loạn tiêu hóa là gì? Những vấn đề cần biết về rối loạn tiêu hóa 1
Những rối loạn trên đường tiêu hóa ảnh hưởng đến sự hấp thu và bài tiết thức ăn được gọi là rối loạn tiêu hóa

Tác động của rối loạn tiêu hóa với sức khỏe 

Rối loạn tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể dẫn đến sự thiếu hụt các chất và các vấn đề sức khỏe liên quan khác. Các bệnh lý viêm ruột mạn tính như hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng tái đi tái lại ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và khiến người mắc lo lắng hoang mang.

Biến chứng có thể gặp rối loạn tiêu hóa

Một số biến chứng có thể gặp bao gồm:

  • Ung thư đại trực tràng: Những khối polyp đại trực tràng với kích thước lớn thường là các khối u ác tính cần được điều trị kịp thời. 

  • Tắc nghẽn ruột: Viêm túi thừa hoặc khối u có thể gây tắc nghẽn, ngăn chặn sự di chuyển của thức ăn hoặc chất thải trong ruột gây tắc ruột.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các rối loạn tiêu hóa là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng này.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn thay đổi thói quen đi tiêu kéo dài hơn sáu tuần, giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc các triệu chứng khác kéo dài hoặc diễn tiến tăng dần. Việc đi khám bác sĩ cũng rất quan trọng nếu bạn quá lo lắng về tình trạng bệnh lý của mình thì tình trạng căng thẳng tâm lý có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trên.

Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Vi khuẩn (ngộ độc thực phẩm, Helicobacter pylori) hoặc ký sinh trùng có thể gây viêm và rối loạn chức năng tiêu hóa.

  • Bệnh tự miễn: Các bệnh tự miễn như bệnh celiac và một số loại viêm đại tràng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh trong đường tiêu hóa.

  • Các bệnh lý di truyền: Một số rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh viêm ruột (IBD) và bệnh celiac có thể có liên quan đến yếu tố di truyền.

  • Các tình trạng sức khỏe khác: Các bệnh như tiểu đường, bệnh tuyến giáp và các bệnh thần kinh có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thực phẩm chế biến sẵn hoặc không dung nạp một số loại thực phẩm (lactose, gluten, caffeine) có thể gây ra các triệu chứng trên đường tiêu hóa. Ăn quá nhiều trong một bữa cũng có thể gây quá tải cho hệ tiêu hóa.

  • Yếu tố lối sống: Thiếu tập thể dục, thay đổi thói quen sinh hoạt (đi du lịch), căng thẳng và lo lắng có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.

  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy hoặc buồn nôn.

Rối loạn tiêu hóa là gì? Những vấn đề cần biết về rối loạn tiêu hóa 2
Sự mất cân bằng hệ vi khuẩn thường trú ở ruột có thể gây rối loạn tiêu hóa

Nguy cơ mắc phải rối loạn tiêu hóa

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn tiêu hóa?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải rối loạn tiêu hóa nhưng một số người có nguy cơ cao hơn do các yếu tố khác nhau:

  • Người lớn tuổi: Chức năng tiêu hóa có thể suy giảm theo tuổi tác và người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

  • Trẻ em: Trẻ em dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nghiên cứu GBD 2019 cho thấy các vấn đề như tắc ruột là gánh nặng đáng kể ở trẻ nhỏ.

  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiêu hóa: Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò trong một số rối loạn tiêu hóa như IBD và bệnh celiac.

  • Người có lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo và thực phẩm chế biến sẵn, ít vận động, hút thuốc và uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tiêu hóa.

  • Người bị căng thẳng mãn tính hoặc lo âu: Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột và gây ra các triệu chứng tiêu hóa.

  • Người sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn tiêu hóa

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn tiêu hóa ở bất kỳ ai:

  • Chế độ ăn ít chất xơ: Chất xơ rất quan trọng để duy trì nhu động ruột đều đặn và ngăn ngừa táo bón.

  • Uống không đủ nước: Nước giúp làm mềm phân và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

  • Nằm xuống ngay sau khi ăn: Điều này có thể làm tăng nguy cơ trào ngược axit.

  • Bỏ bữa hoặc ăn không đều đặn: Thói quen ăn uống không đều đặn có thể làm gián đoạn chức năng tiêu hóa bình thường.

  • Hút thuốc: Hút thuốc gây hại cho toàn bộ hệ thống tiêu hóa.

  • Sử dụng thuốc kháng sinh thường xuyên: Kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi trong ruột, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị rối loạn tiêu hóa

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn tiêu hóa

Việc chẩn đoán rối loạn tiêu hóa có thể phức tạp vì nhiều tình trạng có các triệu chứng ít đặc hiệu. Vì thế để đánh giá thêm tình trạng bệnh lý một số cần cận lâm sàng cần được thực hiện như sau:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm sinh hóa máu máu giúp đánh giá tình trạng viêm, tình trạng thiếu máu hoặc các vấn đề khác.

  • Xét nghiệm phân: Soi phân tươi giúp đánh giá sự hiện của vi khuẩn, ấu trùng, ký sinh trùng hay máu ẩn trong phân.

  • Nội soi: Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng hoặc nội soi đại tràng có thể trực tiếp nhìn thấy tổn thương và có thể lấy mẫu sinh thiết.

  • CT scan: CT ổ bụng có thể khảo sát chi tiết tình trạng đường tiêu hóa đồng thời có thể tạo hình ảnh 3D của đường tiêu hóa và phát hiện các bất thường có kích thước nhỏ.

  • Siêu âm nội soi: Sử dụng sóng âm thanh để tạo hình ảnh chi tiết của các lớp thành ruột và các cơ quan lân cận.

  • Xét nghiệm không dung nạp thực phẩm: Để xác định xem bạn có vấn đề tiêu hóa một số loại thực phẩm nhất định hay không.

Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh có vai trò quan trọng để xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Rối loạn tiêu hóa là gì? Những vấn đề cần biết về rối loạn tiêu hóa 3
Nội soi là cận lâm sàng hình ảnh giúp nhìn rõ tổn thương trong đường tiêu hóa

Điều trị rối loạn tiêu hóa

Các phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa bao gồm:

Nội khoa:

  • Thay đổi lối sống: Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể dục thể thao, ngủ đủ giấc cũng có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ vấn đề tiêu hóa liên quan đến rối loạn chức năng.

  • Thuốc: Một số loại thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn,...

  • Probiotics: Bổ sung lợi khuẩn có thể giúp khôi phục sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong ruột và cải thiện một số vấn đề tiêu hóa.

  • Thay đổi chế độ ăn: Chế độ ăn kiêng có ý nghĩa quan trọng với các trường hợp rối loạn tiêu hóa liên quan đến thức ăn như bệnh celiac cần tránh các thức ăn chứa gluten vì người bệnh không thể hấp thu chất này hoặc trương hợp không dung nạp lactose nên tránh các sản phẩm từ sữa.

Ngoại khoa

Phẫu thuật thường được cân nhắc trong các trường hợp sau:

  • Cắt bỏ polyp đại tràng, khối u;
  • Điều trị viêm túi thừa có biến chứng;
  • Sửa chữa thoát vị;
  • Cắt bỏ túi mật bị sỏi;
  • Phẫu thuật cho bệnh viêm ruột nặng;
  • Điều trị bệnh trĩ nghiêm trọng;
  • Phẫu thuật chống trào ngược cho GERD nghiêm trọng;
  • Ghép tạng (gan, tụy, ruột non) trong các trường hợp suy tạng nặng.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến nặng của rối loạn tiêu hóa

Thực hiện những thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và hạn chế diễn tiến nặng của rối loạn tiêu hóa.

Chế độ sinh hoạt:

  • Ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn: Thay vì ba bữa lớn, hãy thử ăn năm đến sáu bữa nhỏ trong ngày để tránh làm quá tải hệ tiêu hóa.

  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất giúp cải thiện nhu động ruột và giảm căng thẳng.

  • Kiểm soát căng thẳng: Tìm các phương pháp thư giãn như yoga, thiền hoặc các hoạt động yêu thích để giảm căng thẳng vì căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tăng cường chất xơ: Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại đậu để đảm bảo đủ lượng chất xơ hàng ngày.

  • Uống đủ nước: Cố gắng uống ít nhất tám ly nước mỗi ngày để giúp duy trì nhu động ruột đều đặn và làm mềm phân. Tránh đồ uống có đường vì chúng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa.

  • Xác định và tránh các thực phẩm gây kích ứng: Theo dõi những gì bạn ăn và ghi lại bất kỳ triệu chứng nào để xác định các loại thực phẩm có thể gây ra bệnh.

  • Ăn chậm và nhai kỹ: Điều này giúp quá trình tiêu hóa bắt đầu ngay từ miệng và giảm gánh nặng cho dạ dày và ruột.

  • Hạn chế rượu và caffeine: Cả hai chất này đều có thể gây kích ứng đường tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa là gì? Những vấn đề cần biết về rối loạn tiêu hóa 4
Những thực phẩm giàu gluten có thể gây rối loạn tiêu hóa cho người không dung nạp được chất này

Phương pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa hiệu quả

Đặc hiệu

Tiêm phòng các bệnh như viêm gan B và A có thể giúp ngăn ngừa các bệnh gan có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng.

Không đặc hiệu

  • Tầm soát ung thư đại trực tràng: Thực hiện nội soi đại tràng định kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao như polyp có kích thước lớn.

  • Điều trị Helicobacter pylori: Hãy tuân thủ phác đồ điều trị Hp của bác sĩ để ngăn ngừa loét dạ dày và các biến chứng khác.

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chất béo bão hòa và đường.

  • Thực hành vệ sinh tốt: Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa.

  • Hạn chế sử dụng rượu và không hút thuốc: Cả hai đều có tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Bạn có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa bằng cách ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, tập thể dục thường xuyên, quản lý căng thẳng, uống đủ nước,.... và đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào.

Nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể được chữa khỏi khi điều trị nguyên nhân, trong khi các bệnh mãn tính như IBD và IBS có thể được quản lý giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế tái phát nhưng không có cách chữa khỏi hoàn toàn.

Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong quản lý bệnh lý đường tiêu hóa. Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thực phẩm chế biến sẵn và không dung nạp thực phẩm có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa. Ngược lại, chế độ ăn giàu chất xơ và uống đủ nước có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề này.

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào như các triệu chứng xuất hiện thường xuyên, chảy máu trực tràng, giảm cân không rõ nguyên nhân, thay đổi thói quen đi tiêu kéo dài hoặc đau bụng dữ đội,... vì đây là các triệu chứng gợi ý bệnh lý tiến triển nặng lên.

Các triệu chứng phổ biến trong bệnh lý rối loạn tiêu hóa có thể kể đến như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, ợ nóng, buồn nôn và nôn mửa,... các triệu chứng có thể xuất hiện với tần suất khác nhau tùy nguyên nhân gây bệnh. Cần thực hiện các cận lâm sàng để đánh giá đúng tình trạng bệnh.