icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
roi_loan_noi_tiet_to_nu_79e1df3c0froi_loan_noi_tiet_to_nu_79e1df3c0f

Rối loạn nội tiết tố nữ: Những dấu hiệu và nguyên nhân không nên bỏ qua

Hà Phương23/07/2025

Rối loạn nội tiết tố nữ là một tình trạng sức khỏe phổ biến, xảy ra khi các hormone sinh dục nữ bị mất cân bằng trong cơ thể. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, làn da, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản của phụ nữ. Rối loạn nội tiết tố nữ không chỉ xuất hiện ở phụ nữ trung niên hay trong thời kỳ tiền mãn kinh, mà còn gặp ở phụ nữ trẻ tuổi do căng thẳng, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học hay tác động từ môi trường sống.

Tìm hiểu chung về rối loạn nội tiết tố nữ

Rối loạn nội tiết tố nữ là tình trạng mất cân bằng nội tiết tố chủ yếu là estrogen và progesterone trong cơ thể người phụ nữ. Hệ thống nội tiết đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các chức năng sinh lý như kinh nguyệt, sinh sản, chuyển hóa, tâm trạng và cả sức khỏe xương khớp. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ, nhiều vấn đề sức khỏe có thể phát sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Tình trạng rối loạn này có thể xảy ra ở nhiều giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ, từ tuổi dậy thì, độ tuổi sinh sản cho đến giai đoạn tiền mãn kinhmãn kinh. Mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện và ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, rối loạn tiết tố có thể được kiểm soát hiệu quả, giúp phụ nữ duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần ổn định.

Triệu chứng rối loạn nội tiết tố nữ

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nội tiết tố nữ

Rối loạn nội tiết tố nữ có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, tùy vào mức độ rối loạn và độ tuổi của bạn. Những biểu hiện bị rối loạn nội tiết tố nữ​ thường gặp nhất:

  • Kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ kinh kéo dài hoặc rút ngắn, mất kinh, rong kinh, hoặc ra máu giữa kỳ kinh.
  • Thay đổi tâm trạng: Dễ cáu gắt, trầm cảm, lo âu, căng thẳng không rõ nguyên nhân.
  • Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thức giấc giữa đêm.
  • Tăng cân không kiểm soát: Dù không thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống.
  • Da và tóc thay đổi: Da khô, dễ nổi mụn, nám sạm, tóc gãy rụng nhiều.
  • Suy giảm ham muốn tình dục: Do khô âm đạo, giảm sản xuất estrogen.
  • Đổ mồ hôi đêm, bốc hỏa: Đặc biệt phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Mệt mỏi, uể oải kéo dài: Cảm giác thiếu năng lượng dù nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Suy giảm trí nhớ, khó tập trung: Do ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh.

Các dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nữ​ này thường xuất hiện âm thầm và dễ bị nhầm lẫn với căng thẳng, rối loạn thần kinh hoặc các bệnh lý khác, nên bạn có thể bỏ qua việc thăm khám sớm.

Rối loạn nội tiết tố nữ 1
Rối loạn nội tiết tố nữ khiến bạn dễ thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt và bực bội hơn

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh rối loạn tiết tố nữ

Nếu tình trạng rối loạn tiết tố nữ kéo dài mà không được can thiệp đúng cách, nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng:

  • Vô sinh hoặc khó thụ thai: Khi nội tiết tố bị mất cân bằng, quá trình rụng trứng có thể bị gián đoạn hoặc xảy ra không đều, từ đó làm giảm khả năng thụ tinh hoặc không thể tạo môi trường thuận lợi để trứng làm tổ. Ngoài ra, sự mất cân bằng hormone cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng niêm mạc tử cung và dịch nhầy cổ tử cung - những yếu tố quan trọng trong quá trình thụ thai.
  • Loãng xương và nguy cơ gãy xương: Estrogen có vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương và hạn chế sự tiêu xương. Khi estrogen suy giảm, hoạt động của các tế bào hủy xương sẽ tăng lên, trong khi quá trình tạo xương không theo kịp. Điều này dẫn đến loãng xương, khiến xương trở nên mỏng, yếu và dễ gãy.
  • Bệnh lý tim mạch: Estrogen có vai trò bảo vệ hệ tim mạch, giúp điều chỉnh mức cholesterol trong máu bằng cách tăng cholesterol tốt (HDL) và giảm cholesterol xấu (LDL). Khi bị rối loạn nội tiết, đặc biệt là suy giảm estrogen, nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ và nhồi máu cơ tim sẽ tăng lên đáng kể.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Là một rối loạn nội tiết phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thường liên quan đến sự tăng nồng độ androgen - một loại hormone nam trong cơ thể nữ giới. Bệnh dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, rụng trứng bất thường, mụn trứng cá, tăng cân và mọc lông bất thường. PCOS không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như tiểu đường type 2, rối loạn lipid máu và hội chứng chuyển hóa.
  • Ung thư liên quan đến hormone: Rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là tăng estrogen kéo dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư nhạy cảm với hormone như ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú.
  • Rối loạn thần kinh và sa sút trí tuệ: Estrogen giúp tăng sản xuất serotonin, dopamine và acetylcholine - những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng. Khi thiếu hụt hormone này, bạn có thể gặp tình trạng suy giảm trí nhớ, khó tập trung, phản xạ chậm và tăng nguy cơ sa sút trí tuệ sớm.
  • Rối loạn tâm lý và sức khỏe tinh thần: Thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và cảm xúc của phụ nữ. Bao gồm trầm cảm nhẹ đến nặng, rối loạn lo âu, dễ kích động, dễ khóc, cảm giác tuyệt vọng, mất hứng thú với cuộc sống.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính khác: Khi nội tiết tố bị rối loạn, các hệ thống nội tạng khác như gan, thận, tụy, hệ miễn dịch cũng chịu ảnh hưởng. Bạn có thể dễ mắc các bệnh như đái tháo đường tuýp 2 do kháng insulin, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid dẫn đến gan nhiễm mỡ, béo phì, bệnh lý tiêu hóa và rối loạn vi khuẩn đường ruột.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, bạn nên đi khám bác sĩ khi có các triệu chứng sau:

  • Kinh nguyệt của bạn thay đổi rõ rệt (trễ kinh, mất kinh, rong kinh…).
  • Gặp khó khăn trong việc mang thai sau hơn 1 năm quan hệ đều đặn không dùng biện pháp tránh thai.
  • Có dấu hiệu bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm kéo dài.
  • Cảm thấy tâm trạng thất thường, trầm cảm, lo âu không lý do.
  • Giảm ham muốn tình dục và có dấu hiệu khô âm đạo.
  • Tăng hoặc giảm cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố nữ

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nội tiết tố nữ rất đa dạng và phức tạp có thể bạn nên biết như sau:

  • Lão hóa tự nhiên: Là nguyên nhân phổ biến nhất, đặc biệt trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Stress kéo dài: Căng thẳng làm tăng hormone cortisol, ảnh hưởng đến trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng.
  • Chế độ ăn uống mất cân đối: Thiếu chất béo tốt, vitamin, khoáng chất có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất hormone.
  • Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hormone.
  • Tập luyện quá mức hoặc quá ít: Ảnh hưởng đến sự cân bằng estrogen và progesterone.
  • Lạm dụng thuốc tránh thai hoặc nội tiết: Ảnh hưởng trực tiếp đến trục nội tiết.
  • Bệnh lý tuyến giáp: Cường giáp, suy giáp có thể gây rối loạn kinh nguyệt và các triệu chứng khác.
  • Sử dụng rượu bia, chất kích thích: Làm rối loạn quá trình tổng hợp hormone.
  • Tăng cân hoặc sụt cân đột ngột: Gây mất cân bằng hormone ảnh hưởng đến nội tiết.
Rối loạn nội tiết tố nữ 2
Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn nội tiết tố nữ là do sự thay đổi nội tiết tố nữ theo tự nhiên

Nguy cơ mắc phải rối loạn nội tiết tố nữ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh rối loạn nội tiết tố nữ?

Một số phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn nội tiết tố nữ cao hơn:

  • Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, đặc biệt giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Người có tiền sử bệnh tuyến giáp, buồng trứng đa nang.
  • Người có chu kỳ kinh nguyệt không đều từ trẻ.
  • Phụ nữ sử dụng thuốc nội tiết kéo dài.
  • Người từng phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc tử cung.
  • Phụ nữ sinh con muộn hoặc không sinh con.
Rối loạn nội tiết tố nữ 3
Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc sử dụng thuốc nội tiết kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn nội tiết tố nữ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được biết đến:

  • Lối sống ít vận động, ngồi nhiều.
  • Thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc.
  • Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên.
  • Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất độc hại.
  • Thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Áp lực công việc, cuộc sống kéo dài không được giải tỏa.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh rối loạn nội tiết tố nữ

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn nội tiết tố nữ

Để chẩn đoán chính xác xem bạn có đang gặp tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ hay không, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm và kiểm tra cần thiết nhằm đánh giá toàn diện các yếu tố liên quan đến nội tiết tố.

  • Xét nghiệm máu: Để định lượng các hormone như FSH, LH, estrogen, progesterone và testosterone - những chỉ số phản ánh hoạt động của buồng trứng và trục nội tiết sinh sản.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Bao gồm TSH, T3 và T4 để loại trừ nguyên nhân rối loạn từ tuyến giáp.
  • Siêu âm vùng chậu: Nhằm kiểm tra tình trạng của buồng trứng và tử cung, đặc biệt trong các trường hợp nghi ngờ hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc u xơ tử cung.
  • Xét nghiệm hormon tuyến thượng thận: Nếu có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa hoặc bất thường tuyến thượng thận.
Rối loạn nội tiết tố nữ 4
Siêu âm vùng chậu đánh giá tình trạng buồng trứng, tử cung và giúp loại trừ các bệnh lý gây rối loạn nội tiết tố nữ

Điều trị rối loạn nội tiết tố nữ

Nội khoa

Hiện nay phương pháp điều trị bệnh rối loạn nội tiết tố nữ​ chủ yếu là điều trị nội khoa nhằm điều chỉnh lại sự cân bằng hormone trong cơ thể. Một trong những phương pháp hiệu quả là liệu pháp hormon thay thế (HRT) - sử dụng estrogen và progesterone tổng hợp để điều chỉnh nồng độ nội tiết tố, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Tuy nhiên, phương pháp này cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ do có nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc các biến cố tim mạch.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thuốc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm thuốc tránh thai kết hợp hoặc các loại thuốc điều hòa nội tiết khác, giúp ổn định kinh nguyệt, giảm mụn và giảm các triệu chứng khó chịu do mất cân bằng hormone.

Ngoài thuốc tân dược, nhiều phụ nữ lựa chọn kết hợp với thảo dược hỗ trợ nội tiết như mầm đậu nành (giàu isoflavone - một loại phytoestrogen tự nhiên), dầu hoa anh thảo... nhằm cải thiện triệu chứng nhẹ một cách an toàn.

Ngoại khoa

Trong những trường hợp rối loạn nội tiết có liên quan đến tổn thương cấu trúc cơ quan sinh sản như u xơ tử cung, u buồng trứng, hoặc buồng trứng đa nang (PCOS) - các phương pháp điều trị ngoại khoa có thể được chỉ định.

Tùy vào mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ khối u hay can thiệp bảo tồn nhằm duy trì chức năng nội tiết, đặc biệt với những phụ nữ còn nhu cầu sinh sản.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh rối loạn tiết tố nữ

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn tiết tố nữ

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngủ đủ giấc (7 - 8 giờ/ngày), đi ngủ trước 23h.
  • Tập thể dục đều đặn: Yoga, đi bộ nhanh, bơi lội,... giúp điều hòa nội tiết.
  • Giảm stress: Thiền, hít thở sâu, massage.
  • Hạn chế dùng điện thoại, máy tính trước khi ngủ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tăng cường thực phẩm giàu phytoestrogen như đậu nành, hạt lanh, đậu xanh.
  • Bổ sung omega-3 từ cá hồi, cá thu, dầu hạt lanh.
  • Tránh thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, dầu mỡ.
  • Uống nhiều nước, tối thiểu 1.5 - 2 lít mỗi ngày.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi cung cấp chất chống oxy hóa.
Rối loạn nội tiết tố nữ 5
Bổ sung thực phẩm giàu omega-3 giúp hỗ trợ tình trạng rối loạn nội tiết tố

Phòng ngừa rối loạn tiết tố nữ

Phòng ngừa rối loạn tiết tố nữ là biện pháp nhằm hỗ trợ cơ thể duy trì cân bằng nội tiết thông qua lối sống, thói quen sinh hoạt và môi trường sống lành mạnh. Dù không dùng thuốc, nhưng đây là nền tảng quan trọng để giảm nguy cơ rối loạn hormone.

  • Giữ cân nặng hợp lý: Duy trì cân nặng ổn định giúp ngăn estrogen dư thừa từ mỡ thừa hoặc thiếu hụt hormone. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn giúp ổn định nội tiết.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích: Tránh hút thuốc lá, rượu bia, cà phê quá mức vì chúng ảnh hưởng đến gan - cơ quan chuyển hóa hormone - và làm tăng cortisol, từ đó gây rối loạn nội tiết.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại: Tránh dùng mỹ phẩm chứa paraben, hộp nhựa có BPA, thực phẩm nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Ưu tiên sản phẩm hữu cơ, thủy tinh, gốm và vệ sinh kỹ trước khi sử dụng.
  • Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi: Căng thẳng kéo dài làm rối loạn trục nội tiết. Cần ngủ đủ mỗi ngày, tránh thức khuya, dành thời gian thư giãn, thiền, hít thở sâu để giảm stress.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Có. Mất cân bằng hormone, đặc biệt là tăng androgen ở nữ, có thể làm tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn trứng cá, thường xuất hiện ở cằm, hàm hoặc vùng lưng.

Thuốc hoặc thực phẩm chức năng chỉ nên dùng theo chỉ định bác sĩ. Tự ý dùng có thể gây dư thừa estrogen và tăng nguy cơ ung thư.

Có. Bệnh có thể gây khó rụng trứng, chu kỳ kinh không đều hoặc không có kinh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên.

Có. Không chỉ phụ nữ trung niên, ngay cả phụ nữ trẻ tuổi cũng có thể gặp rối loạn nội tiết do stress, thiếu ngủ, giảm cân cấp tốc, tập luyện quá sức, sử dụng thuốc tránh thai kéo dài hoặc mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Một số tình trạng rối loạn nội tiết nhẹ, do căng thẳng hoặc rối loạn tạm thời, có thể tự ổn định khi bạn nghỉ ngơi và điều chỉnh lại lối sống. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, cần được thăm khám và điều trị sớm.