Sốt phát ban ở trẻ là tình trạng sốt đi kèm với các nốt ban đỏ xuất hiện trên da. Trẻ dưới 3 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao do hệ miễn dịch còn yếu và bệnh có khả năng lây lan nhanh. Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, sốt phát ban có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa hoặc viêm não.
Nguyên nhân gây sốt phát ban ở trẻ nhỏ
Một nghiên cứu cho thấy phần lớn các trường hợp sốt phát ban ở trẻ em là do nhiễm virus (chiếm khoảng 70 – 80%), trong đó phổ biến nhất là các loại virus sau:
Virus gây bệnh sởi
Khi virus sởi xâm nhập vào cơ thể trẻ, bé sẽ bắt đầu sốt. Cơn sốt có xu hướng giảm nhẹ khi những nốt ban bắt đầu xuất hiện. Các nốt ban này có màu đỏ, nổi gồ trên da, xuất hiện trước tiên ở sau tai, rồi dần lan ra mặt và toàn thân. Ngoài phát ban, trẻ còn có thể gặp các biểu hiện như mắt đỏ, chảy nước mắt, ho, sổ mũi,… Sau khi ban lặn, vùng da từng bị nổi ban thường trở nên sẫm màu, tạo thành các vết giống như vằn da hổ.
/sot_phat_ban_o_tre_nguyen_nhan_dau_hieu_va_huong_dan_cham_soc_1_f18574746d.jpg)
Virus Rubella
Trong một số tình huống, trẻ có thể sốt phát ban do bị nhiễm virus Rubella. Cơn sốt do virus này thường kéo dài khoảng 3 ngày, sau đó các nốt ban mịn màu hồng nhạt bắt đầu xuất hiện từ mặt và lan dần xuống các bộ phận khác của cơ thể. Ban thường mọc dày và đều, vì vậy còn được gọi là ban đào. Trẻ cũng có thể kèm theo các triệu chứng như nổi hạch sau tai và ở cổ, đau nhức khớp, đau cơ,…
Virus herpes người loại 6 và 7
Phần lớn trẻ nhỏ bị sốt phát ban là do nhiễm virus Human Herpes loại 6 hoặc 7. Hai loại virus này dễ lây lan từ người sang người, thông qua tiếp xúc gần hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang mang mầm bệnh. Các trường hợp nhiễm virus này thường xảy ra ở trẻ đang trong độ tuổi đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo.
Côn trùng ký sinh như bọ chét, chấy, rận,…
Ngoài các nguyên nhân do virus, một số trẻ có thể bị sốt phát ban do vi khuẩn xâm nhập qua vết cắn của các loài côn trùng như chấy, bọ chét, rận,… Những loài này thường sống ký sinh trên vật nuôi như chó, mèo, đặc biệt ở các khu vực không đảm bảo vệ sinh. Khi bị cắn, trẻ cảm thấy ngứa ngáy, có xu hướng gãi nhiều khiến da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây bệnh. Một vài trường hợp, trẻ có thể nhiễm bệnh dù không trực tiếp gãi.
Dấu hiệu nhận biết sốt phát ban ở trẻ nhỏ
Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, thời gian trẻ bị sốt phát ban thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Các biểu hiện có thể rõ ràng hoặc khá mờ nhạt. Tuy nhiên, phần lớn trẻ sẽ gặp một số triệu chứng như sau:
- Tăng thân nhiệt: Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 38°C, kèm theo những biểu hiện như đau rát cổ họng, ho, chảy nước mũi.
- Nổi ban: Thông thường, sau giai đoạn sốt cao, da trẻ sẽ xuất hiện những nốt phát ban có màu hồng hoặc đỏ, nhỏ li ti và thường tụ thành từng đám. Các nốt này có thể xuất hiện ở vùng ngực, bụng, lưng hoặc lan rộng toàn thân. Phần lớn không gây ngứa và có thể tự biến mất sau vài ngày nếu trẻ được chăm sóc đúng cách.
- Biểu hiện khác: Ngoài những triệu chứng chính, trẻ còn có thể cảm thấy uể oải, cáu gắt, sổ mũi, buồn nôn, tiêu chảy, mắt sưng, ăn uống kém, bỏ bú hoặc quấy khóc nhiều hơn bình thường...
/sot_phat_ban_o_tre_nguyen_nhan_dau_hieu_va_huong_dan_cham_soc_2_d5271d6a98.jpg)
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt phát ban
Khi trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ thường rất lo lắng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xác định nguyên nhân và nhận được hướng dẫn điều trị đúng cách. Trong quá trình chữa trị, việc chăm sóc tại nhà đóng vai trò then chốt giúp trẻ hồi phục nhanh chóng. Dưới đây là những biện pháp chăm sóc tại nhà mà cha mẹ nên áp dụng:
Giảm sốt cho trẻ
Ngay khi trẻ có dấu hiệu sốt phát ban, việc kiểm soát thân nhiệt là ưu tiên hàng đầu. Cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc hạ sốt hoặc giảm đau phù hợp với độ tuổi và thể trạng của trẻ. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các biện pháp như lau người bằng khăn ấm, mặc đồ mỏng nhẹ, thoáng mát để hỗ trợ giảm nhiệt và ngăn ngừa biến chứng như co giật do sốt cao. Lưu ý, tất cả loại thuốc sử dụng cho trẻ đều phải tuân theo chỉ định chuyên môn.
Bổ sung nước và điện giải
Khi sốt cao kèm theo nôn ói, tiêu chảy,… cơ thể trẻ rất dễ bị mất nước và rối loạn điện giải. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước trong ngày. Có thể tham khảo bác sĩ để dùng thêm dung dịch bù nước như Oresol nếu cần. Sau khi trẻ được bù đủ nước và nhiệt độ ổn định, phụ huynh vẫn nên tiếp tục theo dõi diễn tiến sức khỏe và đưa trẻ đi khám nếu có dấu hiệu trở nặng.
Giảm ho và làm thông đường thở
Nếu trẻ ho nhiều hoặc bị nghẹt mũi, cha mẹ có thể xin ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc ho hoặc các sản phẩm hỗ trợ giảm đau họng phù hợp với trẻ nhỏ. Để giúp trẻ dễ thở hơn, nên dùng nước muối sinh lý kết hợp khăn mềm để vệ sinh mũi, từ đó giúp bé cảm thấy thoải mái, ăn uống và bú mẹ dễ hơn.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong giai đoạn bị bệnh, trẻ thường mệt mỏi, biếng ăn. Tuy nhiên, đây lại là lúc trẻ cần nhiều năng lượng để chống lại bệnh tật. Vì vậy, mẹ nên chú ý cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ bằng những món ăn dễ tiêu như cháo, súp, sữa… Có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày để trẻ dễ hấp thu mà không bị no quá. Ngoài ra, tăng cường trái cây, rau củ để bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin A cùng các khoáng chất giúp nâng cao đề kháng và hỗ trợ hệ miễn dịch.
/sot_phat_ban_o_tre_nguyen_nhan_dau_hieu_va_huong_dan_cham_soc_3_5a7c314ff4.jpg)
Vệ sinh cá nhân và giữ môi trường sống sạch sẽ
Khác với quan niệm truyền thống "kiêng nước, kiêng gió", các nghiên cứu cho thấy việc tắm rửa, vệ sinh thường xuyên cho trẻ trong giai đoạn sốt phát ban không chỉ giúp trẻ dễ chịu hơn mà còn hạn chế nguy cơ bội nhiễm da, biến chứng như viêm phổi hay sốt cao co giật. Tuy nhiên, cần chú ý không để trẻ bị nhiễm lạnh. Nên tắm cho trẻ trong phòng kín, dùng nước ấm (khoảng 37 – 38 độ C), thời gian tắm từ 3 – 5 phút, sau đó lau khô người và mặc quần áo ấm ngay.
Cách phòng ngừa bệnh sốt phát ban ở trẻ em
Sốt phát ban là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy chưa có vắc xin đặc hiệu để phòng ngừa trực tiếp, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ sức khỏe cho con một cách hiệu quả.
Tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng vắc xin phòng bệnh
Bên cạnh việc chăm sóc tại nhà, một trong những cách hiệu quả nhất để giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật và nâng cao khả năng miễn dịch chính là tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Vắc xin giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng thể bảo vệ trước nhiều loại virus, vi khuẩn nguy hiểm – trong đó có các bệnh gây sốt phát ban như sởi, rubella, thủy đậu,...
Hiện nay, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín, chuyên cung cấp đa dạng các loại vắc xin chính hãng dành cho trẻ em và người lớn. Với đội ngũ y – bác sĩ có chuyên môn cao, thao tác tiêm nhanh gọn, nhẹ nhàng, cùng hệ thống bảo quản vắc xin đạt chuẩn GSP, Long Châu cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng chất lượng, an toàn và không gây đau cho trẻ.
Phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn tiêm chủng tại Long Châu để bảo vệ sức khỏe và phát triển toàn diện cho con ngay từ những năm đầu đời. Để được tư vấn và đặt lịch tiêm miễn phí, vui lòng gọi đến tổng đài: 1800 6928.
/sot_phat_ban_o_tre_nguyen_nhan_dau_hieu_va_huong_dan_cham_soc_4_5d011f84ad.jpg)
Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây
Cha mẹ nên tránh để trẻ tiếp xúc gần với người đang có biểu hiện sốt phát ban hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Trong trường hợp trẻ đã nhiễm bệnh, cần chủ động cách ly trẻ khỏi những người xung quanh để phòng ngừa lây lan trong cộng đồng. Nếu trẻ đang theo học tại trường hoặc nhà trẻ, hãy thông báo tình trạng sức khỏe cho giáo viên và giữ trẻ ở nhà cho đến khi khỏi hẳn.
Duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Việc giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không sử dụng chung khăn mặt, ly, chén, đồ chơi với người khác. Đồng thời, tránh để trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng – những “cửa ngõ” dễ bị virus tấn công. Nhà cửa cần được lau dọn thường xuyên, không gian sống phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; đồ chơi của trẻ nên được vệ sinh định kỳ.
Tăng cường sức đề kháng qua chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp trẻ chống chọi tốt hơn với các tác nhân gây bệnh. Mẹ nên xây dựng thực đơn cân đối, đa dạng, giàu dưỡng chất, bổ sung đủ nước, vitamin và khoáng chất – đặc biệt là nhóm vitamin A, C, D,… từ rau củ, trái cây tươi. Bên cạnh đó, tránh để trẻ chơi gần bụi rậm, ao tù, nơi ẩm thấp – những khu vực có nguy cơ cao xuất hiện côn trùng như muỗi, bọ chét, có thể gây ra vết cắn và lây bệnh.
Sốt phát ban ở trẻ tuy là một bệnh lý phổ biến và thường lành tính, nhưng không vì thế mà phụ huynh được phép chủ quan. Việc theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ, chăm sóc đúng cách và đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu bất thường là vô cùng cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, chủ động tiêm chủng và nâng cao sức đề kháng cho trẻ cũng là cách hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe con yêu trước các tác nhân gây bệnh. Hãy luôn là người đồng hành tin cậy của trẻ trong hành trình phát triển khỏe mạnh.