Tìm hiểu chung về đau khớp
Đau khớp hay dân gian còn gọi đau nhức xương khớp, là cảm giác khó chịu xảy ra ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Khớp là nơi mà hai hoặc nhiều đầu xương gặp nhau, chẳng hạn như khớp háng là nơi xương đùi kết nối với xương chậu.
Đau khớp là tình trạng thường gặp, đặc biệt ở tay, chân, háng, đầu gối hoặc cột sống. Cơn đau có thể liên tục hoặc từng đợt, kèm theo cảm giác cứng, nhức hoặc ê ẩm. Một số người có cảm giác nóng rát, đau nhói hoặc như có tiếng “lạo xạo” trong khớp. Tình trạng cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng nhưng có thể cải thiện sau khi vận động. Tuy nhiên, vận động quá mức có thể khiến cơn đau nặng hơn.
Đau khớp có thể ảnh hưởng đến chức năng của khớp, hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Khi đau nhiều, nó có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc điều trị không chỉ tập trung vào kiểm soát cơn đau mà còn giúp người bệnh trở lại sinh hoạt bình thường và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.
Triệu chứng đau khớp
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau khớp
Các triệu chứng thường đi kèm với đau khớp bao gồm:
- Đau khi chạm vào khớp;
- Cứng khớp;
- Sưng khớp;
- Hạn chế vận động khớp;
- Yếu khớp hoặc khớp kém ổn định;
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp giảm đau và duy trì chức năng khớp.
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:
- Đau khớp kèm theo sốt.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đau khớp khiến bạn không thể vận động bình thường.
/3_649326b12a.png)
Nguyên nhân gây đau khớp
Các nguyên nhân thường gặp nhất gây đau khớp bao gồm:
- Thoái hóa khớp: Đây là dạng viêm khớp thường gặp, xảy ra khi lớp sụn bảo vệ giữa các đầu xương bị bào mòn theo thời gian, khiến khớp đau và cứng. Thoái hóa khớp tiến triển chậm và thường gặp sau tuổi 45.
- Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh mạn tính gây sưng và đau khớp, thường dẫn đến biến dạng khớp, đặc biệt ở ngón tay và cổ tay.
- Gút: Do sự lắng đọng tinh thể acid uric trong khớp, gây đau dữ dội và sưng, thường gặp ở ngón chân cái.
- Viêm bao hoạt dịch: Do hoạt động quá mức ảnh hưởng đến bao hoạt dịch, thường xảy ra ở háng, đầu gối, khuỷu tay hoặc vai.
- Viêm gân: Tình trạng viêm của gân, là dải mô liên kết giữa cơ và xương, thường gặp ở khuỷu tay, gót chân hoặc vai. Nguyên nhân chủ yếu do vận động quá mức.
Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm (vi khuẩn, virus) hoặc chấn thương như gãy xương, bong gân cũng có thể gây đau khớp.
/4_ef409179d2.png)
Nguy cơ mắc phải đau khớp
Những ai có nguy cơ mắc phải đau khớp?
Đau khớp thường gặp ở người:
- Từng bị chấn thương khớp trước đó.
- Hoạt động thường xuyên lặp đi lặp lại hoặc sử dụng quá mức một nhóm cơ.
- Căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Sau 45 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau khớp
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau khớp bao gồm:
- Tuổi: Sụn và khớp bị bào mòn theo thời gian, đặc biệt sau 45 tuổi.
- Béo phì: Trọng lượng cơ thể lớn gây áp lực lên khớp, đặc biệt là khớp gối và háng.
- Tiền căn chấn thương: Chấn thương trước đó có thể làm suy yếu khớp, tăng nguy cơ đau khớp về sau.
- Hoạt động lặp lại hoặc quá tải khớp: Công việc hoặc thói quen sinh hoạt đòi hỏi cử động lặp đi lặp lại có thể gây tổn thương khớp.
- Mắc bệnh lý mạn tính: Các bệnh như viêm khớp dạng thấp, gút, đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ đau khớp.
- Căng thẳng, lo âu, trầm cảm: Tình trạng tâm lý tiêu cực có thể làm tăng cảm giác đau và giảm khả năng chịu đau.
- Di truyền: Nếu gia đình có người mắc các bệnh về khớp, nguy cơ của bạn cũng sẽ cao hơn.
- Nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn: Một số bệnh nhiễm trùng hoặc rối loạn miễn dịch có thể làm viêm và tổn thương khớp.
/5_610e6129f5.png)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị đau khớp
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm đau khớp
Nếu đau khớp ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày hoặc kèm theo các triệu chứng như sưng, đỏ, nóng hoặc sốt, bạn nên đi khám bác sĩ.
Bác sĩ có thể hỏi:
- Bạn cảm thấy đau ở vị trí nào?
- Bạn nghĩ nguyên nhân gây ra cơn đau là gì?
- Cơn đau bắt đầu từ khi nào?
- Cơn đau có đặc điểm như thế nào?
- Bạn có triệu chứng nào khác không?
Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra khớp để đánh giá mức độ đau khi vận động và biên độ vận động. Bạn có thể cần chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh học như MRI, CT scan để kiểm tra tổn thương ở cơ, xương và khớp. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc lấy dịch khớp để kiểm tra viêm khớp, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác gây đau khớp.
Điều trị đau khớp
Mặc dù nhiều loại bệnh có thể không có cách chữa khỏi hoàn toàn đau khớp, nhưng có nhiều cách để kiểm soát nó. Đôi khi, cơn đau có thể biến mất bằng cách dùng thuốc không kê đơn hoặc bằng cách thực hiện các bài tập đơn giản hàng ngày.
Điều trị đau khớp bao gồm:
Nội khoa
- Biện pháp khắc phục tại nhà đơn giản: Bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng túi chườm vào khớp đau trong thời gian ngắn, vài lần một ngày. Ngâm trong bồn tắm ấm cũng có thể hỗ trợ.
- Tập luyện: Tập thể dục có thể giúp lấy lại sức cơ và chức năng khớp. Đi bộ, đạp xe, bơi lội hoặc tập aerobic tác động thấp là tốt nhất. Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu hoặc tiếp tục bất kỳ chương trình tập luyện nào.
- Giảm cân: Bác sĩ có thể đề nghị giảm cân nếu bạn thừa cân nhằm giảm bớt áp lực lên các khớp của bạn.
- Thuốc: Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể giúp giảm bớt cơn đau của bạn. Nếu bạn có tiền căn viêm loét dạ dày, bệnh thận hoặc rối loạn chức năng gan, hãy gặp bác sĩ để được xem các loại thuốc này có phù hợp với bạn không.
- Điều trị tại chỗ: Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị giảm đau tại chỗ như thuốc mỡ hoặc gel mà bạn có thể thoa vào da trên vùng khớp đau.
Nếu thuốc hoặc phương pháp điều trị trên không giúp làm giảm cơn đau của bạn, bác sĩ có thể sử dụng:
- Các phương pháp Y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt,…
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng giúp giảm đau và cải thiện tính linh hoạt.
- Thuốc chống trầm cảm giúp cải thiện giấc ngủ.
- Steroid tiêm vào khớp để giảm đau và sưng ngắn hạn.
Ngoại khoa
Phẫu thuật có thể được cân nhắc nếu tình trạng đau khớp của bạn kéo dài và không cải thiện khi đã được điều trị nội khoa tối ưu.
/6_54953a2dfb.png)
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa đau khớp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau khớp
Việc duy trì chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chế độ sinh hoạt:
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Đi bộ, bơi lội, yoga hoặc đạp xe giúp duy trì sự linh hoạt và tăng cường sức cơ quanh khớp.
- Tránh vận động quá sức: Hạn chế các động tác mạnh như chạy bộ, nhảy hoặc nâng vật nặng để tránh làm tổn thương khớp.
- Khởi động trước khi tập: Giúp giảm nguy cơ chấn thương và tăng hiệu quả luyện tập.
- Duy trì tư thế đúng: Ngồi, đứng và nâng vật đúng cách để giảm áp lực lên khớp.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giúp giảm áp lực lên khớp, đặc biệt là khớp gối và háng.
- Ngủ đủ giấc: Nghỉ ngơi hợp lý giúp cơ thể phục hồi và giảm viêm khớp.
- Tránh căng thẳng: Tập luyện thiền, hít thở sâu hoặc nghe nhạc thư giãn để giảm căng thẳng thần kinh và xương khớp.
- Tái khám định kỳ: Theo dõi tình trạng khớp và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết.
- Uống thuốc đúng theo chỉ định: Không tự ý dùng hoặc bỏ thuốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khớp.
Chế độ dinh dưỡng:
Thực phẩm nên bổ sung:
- Omega-3 (cá hồi, cá thu, hạt lanh) giúp giảm viêm.
- Canxi, vitamin D (sữa, rau xanh) tăng cường sức khỏe xương.
- Rau củ, trái cây (cam, dâu tây, việt quất) chống oxy hóa, giảm viêm.
- Collagen (nước hầm xương, gelatin) hỗ trợ tái tạo sụn.
- Gia vị kháng viêm (nghệ, gừng, tỏi) giúp giảm đau.
Thực phẩm cần hạn chế:
- Thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, đồ hộp) làm tăng viêm.
- Đường, đồ ngọt (bánh kẹo, nước ngọt) làm tăng viêm.
- Chất béo bão hòa (thịt đỏ, đồ chiên) làm tăng viêm.
- Rượu, bia, cà phê (ảnh hưởng hấp thu canxi) làm khớp yếu hơn.
Phòng ngừa đau khớp
Để phòng ngừa đau khớp và duy trì sức khỏe xương khớp tốt, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm áp lực lên khớp, đặc biệt là khớp gối và háng.
- Tập thể dục đều đặn: Chọn bài tập nhẹ như đi bộ, bơi lội, yoga giúp khớp linh hoạt.
- Chế độ ăn lành mạnh: Bổ sung canxi, vitamin D, omega-3, tránh thực phẩm chế biến sẵn.
- Tránh chấn thương: Khởi động kỹ trước khi vận động, mang giày phù hợp.
- Giữ tư thế đúng: Hạn chế ngồi lâu, tránh mang vác nặng sai tư thế.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Phát hiện sớm các vấn đề về khớp để điều trị kịp thời.