icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Rong kinh sau sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa

Kim Toàn16/07/2025

Rong kinh sau sinh là tình trạng nhiều mẹ bỉm sữa gặp phải, khiến không ít người lo lắng liệu đây có phải dấu hiệu bất thường sau sinh hay không. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.

Rong kinh sau sinh là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều mẹ bỉm sữa. Việc hành kinh kéo dài không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, trong bài viết này, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu sẽ cung cấp thêm những thông tin hữu ích giúp chị em hiểu rõ hơn về tình trạng này.

Rong kinh sau sinh là gì?

Trước khi tìm hiểu về rong kinh sau sinh, chúng ta cần nắm rõ đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Thông thường, một chu kỳ sẽ kéo dài từ 24 đến 38 ngày, thời gian hành kinh khoảng 3 - 7 ngày với lượng máu mất khoảng 50 - 80ml. Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày hoặc lượng máu mất vượt quá 80ml trong một chu kỳ.

Thông thường, sau sinh khoảng 6 tháng, kinh nguyệt của phụ nữ sẽ dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ bị thay đổi, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không còn đều như trước. Có thể kinh nguyệt sẽ dài hơn, ngắn hơn, không đều, thậm chí tạm thời không xuất hiện. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng có các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn gây ra tình trạng chảy máu tử cung bất thường.

Vì vậy, khi có dấu hiệu rong kinh kéo dài hoặc xuất huyết bất thường, chị em nên chủ động thăm khám phụ khoa để được chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân chính xác.

Rong kinh sau sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa 1
Rong kinh là tình trạng kỳ kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày và lượng máu vượt quá 80ml trong một chu kỳ

Nguyên nhân gây rong kinh sau sinh

Kinh nguyệt là quá trình lớp niêm mạc tử cung dày lên, sau đó bong tróc và được thải ra khỏi cơ thể theo chu kỳ hàng tháng ở phụ nữ. Có một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng rong kinh sau sinh, bao gồm:

Rối loạn nội tiết tố

Hai hormone quan trọng chi phối chu kỳ kinh nguyệt là estrogen và progesterone - chúng có vai trò làm dày lớp niêm mạc tử cung. Trong thời kỳ mang thai, hàm lượng các hormone này thay đổi đáng kể. Sau sinh, nội tiết tố chưa kịp ổn định trở lại có thể dẫn đến hiện tượng rong kinh kéo dài.

Rong kinh sau sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa 2
Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân thường gặp gây ra hiện tượng rong kinh

Buồng trứng hoạt động trở lại

Khi mang thai, buồng trứng ngừng hoạt động nên kinh nguyệt không xuất hiện. Sau khi sinh, buồng trứng bắt đầu thực hiện lại chức năng vốn có. Tuy nhiên, do thời gian dài “nghỉ ngơi,” buồng trứng cần thời gian để phục hồi, từ đó dễ gây nên tình trạng kinh nguyệt kéo dài bất thường sau sinh.

Ảnh hưởng từ thuốc tránh thai

Sau sinh, nhiều chị em lựa chọn sử dụng thuốc tránh thai để ngừa thai hiệu quả. Tuy nhiên, loại thuốc này có tác động đến nội tiết tố nữ, làm chậm quá trình rụng trứng nhằm ngăn ngừa sự thụ thai. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc có thể bao gồm đau đầu, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt và rong kinh.

Rong kinh sau sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa 3
Tác dụng phụ từ thuốc tránh thai gây rối loạn kinh nguyệt

Các bệnh lý phụ khoa

Một số vấn đề sức khỏe liên quan đến cơ quan sinh sản như viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung hay hội chứng buồng trứng đa nang… cũng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến hiện tượng rong kinh sau sinh.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng rong kinh sau sinh

Biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng rong kinh sau sinh là lượng máu ra nhiều hơn bình thường trong kỳ kinh. Phụ nữ sau sinh nếu bị rong kinh thường phải thay băng vệ sinh liên tục mỗi giờ để tránh bị tràn ra quần áo, gây bất tiện và khó chịu.

Ngoài ra, các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm:

  • Kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày.
  • Lượng máu mất vượt quá 80ml mỗi chu kỳ, hoặc ra máu quá nhiều khiến cơ thể thiếu máu, mệt mỏi, thậm chí có thể gây chóng mặt, choáng hoặc ngất xỉu.
  • Chu kỳ kinh đến sớm hơn 24 ngày hoặc chậm hơn 38 ngày.
  • Có hiện tượng ra máu giữa các kỳ kinh.
  • Máu kinh xuất hiện từng cục máu đông lớn.

Rong kinh sau sinh có nguy hiểm không?

Mặc dù rong kinh sau sinh không phải là tình trạng phổ biến, nhưng nếu kéo dài và không được xử lý đúng cách, nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của phụ nữ. Trước hết, việc mất máu kéo dài dễ khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí có thể ngất xỉu, đặc biệt là với những người vừa trải qua sinh nở - vốn đã tiêu tốn nhiều máu và sức lực.

Bên cạnh đó, trong kỳ kinh, vùng kín luôn ẩm ướt - điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển. Khi thời gian hành kinh kéo dài do rong kinh, nguy cơ viêm nhiễm âm đạo và các bệnh lý phụ khoa cũng gia tăng.

Cuối cùng, sau sinh, thể trạng người mẹ còn yếu, nếu bị rong kinh kéo dài sẽ càng khiến cơ thể mệt mỏi, tâm lý căng thẳng, ảnh hưởng đến việc chăm sóc em bé và làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Tóm lại, rong kinh sau sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất máu, suy nhược, gia tăng nguy cơ viêm nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của người mẹ.

Rong kinh sau sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa 4
Gặp bác sĩ chuyên khoa nếu tình trạng rong kinh kéo dài

Cách xử lý rong kinh sau sinh ở phụ nữ

Khi nhận thấy tình trạng kinh nguyệt kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều phụ nữ sau sinh thường tìm đến các biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, phương pháp điều trị hiệu quả sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rong kinh.

Nếu rong kinh sau sinh xuất phát từ sự rối loạn nội tiết tố, trong nhiều trường hợp, cơ thể sẽ tự điều chỉnh và cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài, máu ra nhiều hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, xác định chính xác nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị phù hợp.

Để hỗ trợ quá trình hồi phục và cải thiện tình trạng rong kinh, chị em cần lưu ý:

  • Vệ sinh vùng kín hằng ngày sạch sẽ và đúng cách, tránh thụt rửa sâu vào âm đạo để ngăn nguy cơ viêm, nhiễm trùng.
  • Tránh quan hệ tình dục trong thời gian bị rong kinh để hạn chế nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây viêm, nhiễm trùng.
  • Thường xuyên thay băng vệ sinh và quần lót để giữ vùng kín luôn khô thoáng.
  • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất sắt nhằm phòng tránh tình trạng thiếu máu do mất máu kéo dài.
Rong kinh sau sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa 5
Vệ sinh vùng kín đúng cách để phòng ngừa nguy cơ bị viêm, nhiễm trùng

Cách phòng tránh rong kinh sau sinh hiệu quả

Để hạn chế nguy cơ mắc rong kinh sau sinh và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến sức khỏe, chị em nên chú ý thực hiện những biện pháp sau:

  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày và đúng cách để ngăn ngừa vi khuẩn, nấm phát triển.
  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là sắt và vitamin.
  • Giữ tâm lý ổn định, ngủ đủ giấc, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi và ổn định lại nội tiết tố sau sinh.
  • Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và kịp thời xử lý.
  • Tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi áp dụng các phương pháp tránh thai. Nên chọn những biện pháp phù hợp với thể trạng, vừa hiệu quả vừa hạn chế tác dụng phụ.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc lo ngại về tình trạng rong kinh sau sinh, chị em nên đến các cơ sở y tế đáng tin cậy để được kiểm tra và tư vấn điều trị kịp thời.

Rong kinh sau sinh không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ bỉm. Vì vậy, việc chủ động tìm cách xử lý sớm là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Hy vọng những gợi ý về mẹo cải thiện rong kinh sau sinh tại nhà ở trên sẽ phần nào giúp chị em kiểm soát tình trạng này hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và đạt kết quả tốt, mẹ bỉm nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị tại nhà nào.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN