Kinh nguyệt là một biểu hiện sinh lý bình thường, phản ánh sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Khi kỳ kinh kéo dài bất thường, máu ra nhiều hơn bình thường thì rất có thể bạn đang gặp phải hiện tượng rong kinh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm lý mà còn có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của các bệnh lý nghiêm trọng. Vậy rong kinh có sao không, nguyên nhân là gì và nên làm gì khi gặp phải tình trạng rong kinh? Theo dõi ngay bài viết dưới đây để có được lời giải đáp bạn nhé.
Rong kinh có sao không?
Rong kinh có sao không? Câu trả lời là có, nếu tình trạng này kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần. Rong kinh là hiện tượng chảy máu kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày hoặc có lượng máu kinh vượt quá 80ml mỗi chu kỳ. Khi bị rong kinh, cơ thể mất máu nhiều dẫn đến mệt mỏi, thiếu máu, chóng mặt, dễ ngất xỉu, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu nguyên nhân là do bệnh lý phụ khoa.
Rong kinh kéo dài không chỉ gây bất tiện mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Chẳng hạn như:
- Thiếu máu mãn tính: Mất máu kéo dài gây suy nhược cơ thể, tim đập nhanh, khó tập trung, giảm hiệu suất làm việc và học tập.
- Rối loạn nội tiết tố: Gây mất cân bằng hormone sinh dục nữ, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và quá trình rụng trứng, làm giảm khả năng thụ thai.
- Nguy cơ vô sinh - hiếm muộn: Rong kinh có thể là biểu hiện của các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc u xơ tử cung… Đây đều là những nguyên nhân gây khó khăn trong việc mang thai.
- Tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa: Môi trường âm đạo ẩm ướt kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm nhiễm vùng kín.
Như vậy, rong kinh có sao không? Theo đánh giá từ phía chuyên gia, rong kinh không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn nếu không được thăm khám sớm.

Nguyên nhân gây rong kinh thường gặp ở phụ nữ
Rong kinh không phải là một bệnh riêng biệt mà là biểu hiện của một rối loạn nào đó trong cơ thể. Để điều trị hiệu quả, việc xác định nguyên nhân là rất quan trọng. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây rong kinh, bạn đọc có thể tham khảo:
Rối loạn nội tiết tố nữ
Rối loạn nội tiết tố nữ là tình trạng thường gặp ở tuổi dậy thì, tiền mãn kinh. Tình trạng này có thể do căng thẳng kéo dài, thiếu ngủ hoặc chế độ ăn uống không khoa học. Sự mất cân bằng giữa estrogen và progesterone khiến nội mạc tử cung phát triển quá mức, dẫn đến chảy máu kéo dài và bất thường.
Ngoài ra, phụ nữ sau sinh hoặc đang cho con bú cũng dễ gặp tình trạng này do hormone chưa ổn định.
Bệnh lý phụ khoa
Rong kinh có thể là triệu chứng gây ra bởi các bệnh lý phụ khoa, bao gồm:
- U xơ tử cung: Đây là khối u lành tính nhưng làm tăng kích thước tử cung, gây chảy máu nhiều và kéo dài trong chu kỳ kinh.
- Lạc nội mạc tử cung: Mô nội mạc tử cung phát triển ở ngoài tử cung (như ở buồng trứng, ống dẫn trứng), gây đau bụng kinh dữ dội và rong kinh.
- Polyp nội mạc tử cung: Những khối u nhỏ trong lòng tử cung dễ gây xuất huyết bất thường, kể cả ngoài chu kỳ kinh.
- Ung thư nội mạc tử cung hoặc cổ tử cung: Dù hiếm gặp nhưng rong kinh ở giai đoạn sớm có thể là dấu hiệu của các bệnh lý ác tính này, đặc biệt ở phụ nữ trên 40 tuổi.

Rối loạn đông máu
Các bệnh lý như bệnh Von Willebrand hoặc thiếu yếu tố đông máu khiến cơ thể khó cầm máu dẫn đến máu kinh ra nhiều và kéo dài. Trên thực tế, rong kinh đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của các rối loạn đông máu, đặc biệt ở phụ nữ trẻ.
Tác dụng phụ từ thuốc
Một số loại thuốc tránh thai (thuốc uống hoặc vòng tránh thai), thuốc chống đông máu hoặc thuốc nội tiết tố có thể gây rong kinh nếu không phù hợp với cơ địa. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc không theo chỉ định bác sĩ cũng làm tăng nguy cơ rối loạn kinh nguyệt.
Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân phổ biến nêu trên, rong kinh còn có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác như:
- Rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp hoặc suy giáp) có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây rong kinh.
- Béo phì hoặc suy dinh dưỡng làm thay đổi nồng độ hormone dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

Rong kinh phải làm sao?
Như đã trình bày phía trên, rong kinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của chị em phái đẹp. Vậy rong kinh phải làm sao?
Khi phát hiện dấu hiệu rong kinh, bạn cần hành động ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các bước xử lý an toàn và hiệu quả mà bạn nên thực hiện:
Theo dõi chu kỳ và triệu chứng
Việc làm đầu tiên bạn cần làm khi nhận thấy tình trạng rong kinh đó là theo dõi chu kỳ kinh nguyệt cũng như các triệu chứng. Cụ thể, bạn cần:
- Ghi lại số ngày hành kinh, số lượng băng vệ sinh sử dụng mỗi ngày, màu sắc máu kinh và xem có cục máu đông hay không.
- Theo dõi các triệu chứng đi kèm như mệt mỏi, đau bụng, sốt, chóng mặt hoặc da xanh xao.
Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây rong kinh.
Thăm khám chuyên khoa phụ sản
Thăm khám chuyên khoa phụ sản giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn gây rong kinh từ đó giúp chị em có hướng can thiệp kịp thời. Do vậy, ngay khi nhận thấy tình trạng rong kinh, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám.
Tại đây, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm một số thăm dò cận lâm sàng như siêu âm tử cung - buồng trứng, nội soi buồng tử cung, xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm đông máu… và trong trường hợp cần thiết có thể sinh thiết nội mạc tử cung để xác định chính xác nguyên nhân gây rong kinh từ đó có hướng can thiệp kịp thời.

Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định một trong các phương pháp sau:
Điều trị nội khoa:
- Thuốc tránh thai phối hợp hoặc progesterone để điều chỉnh chu kỳ kinh và giảm lượng máu kinh.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như Ibuprofen giúp giảm đau và giảm chảy máu.
- Thuốc tăng cường đông máu (tranexamic acid) để giảm lượng máu mất trong kỳ kinh.
Điều trị ngoại khoa:
- Nạo buồng tử cung trong trường hợp nội mạc tử cung dày bất thường.
- Đốt nội mạc tử cung để giảm chảy máu lâu dài.
- Phẫu thuật bóc u xơ tử cung hoặc cắt tử cung trong các trường hợp nặng và không có nhu cầu sinh con.
Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị
Thay đổi lối sống khoa học và lành mạnh giúp hỗ trợ điều trị tình trạng rong kinh. Theo các chuyên gia, chị em nên:
- Bổ sung sắt qua thực phẩm: Ăn nhiều thịt đỏ, gan động vật, rau xanh (như cải bó xôi, bông cải xanh) và các loại hạt để phòng ngừa thiếu máu.
- Uống đủ nước: Giúp cơ thể bù lại lượng máu mất và duy trì sức khỏe tổng thể.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Tránh làm việc quá sức, đặc biệt trong những ngày hành kinh.
- Giảm stress: Thực hành yoga, thiền hoặc đi bộ nhẹ nhàng để cải thiện tâm lý và cân bằng hormone.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Tránh béo phì hoặc thiếu cân để ổn định nội tiết tố.

Vậy, rong kinh có sao không? Câu trả lời là có bởi đây không chỉ là biểu hiện rối loạn kinh nguyệt đơn thuần mà còn có thể liên quan đến nhiều bệnh lý phụ khoa nguy hiểm nếu kéo dài. Việc phát hiện sớm nguyên nhân, thăm khám định kỳ và điều trị đúng cách là yếu tố then chốt giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản và chất lượng sống cho phụ nữ. Đừng ngại ngần tìm đến bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong chu kỳ kinh nguyệt. Mong rằng với những chia sẻ hôm nay Tiêm chủng Long Châu có thể giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích.