Tìm hiểu chung về viêm âm đạo
Viêm âm đạo là gì?
Viêm âm đạo là một thuật ngữ chung để mô tả các tình trạng gây viêm hoặc kích ứng ở âm đạo. Tùy vào nguyên nhân, bạn có thể gặp các triệu chứng như ngứa, cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc khí hư có mùi hôi.
Bạn có thể bị viêm âm đạo do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hoặc các vi sinh vật khác, hoặc do các hóa chất có trong kem bôi hoặc các sản phẩm vệ sinh cá nhân. Trong một số trường hợp, viêm âm đạo xảy ra do các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc tình trạng khô âm đạo do nồng độ estrogen thấp. Viêm âm đạo là tình trạng rất phổ biến, và khả năng cao là bạn sẽ gặp ít nhất một lần trong đời.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm âm đạo, và mỗi nguyên nhân sẽ có triệu chứng và cách điều trị riêng.
Phân loại viêm âm đạo
Các loại viêm âm đạo phổ biến nhất bao gồm:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Là loại viêm âm đạo phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn thường trú trong âm đạo phát triển quá mức vì một lý do nào đó, gây mất cân bằng hệ vi khuẩn.
- Nhiễm nấm âm đạo: Là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây viêm âm đạo. Nguyên nhân là do nấm candida phát triển quá mức. Nấm Candida vốn là một loại nấm sống tự nhiên trong âm đạo mà không gây hại, nhưng khi mất cân bằng với các vi khuẩn “có lợi” khác, chúng có thể gây ra các triệu chứng như nóng rát, ngứa và thay đổi tính chất khí hư.
- Viêm âm đạo do Trichomonas: Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục do một loại ký sinh trùng đơn bào nhỏ tên là Trichomonas vaginalis gây ra. Khi ký sinh trùng này nhiễm vào âm đạo, nó có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa âm đạo và khí hư có mùi hôi.
- Viêm âm đạo không do nhiễm trùng: Loại viêm âm đạo này xảy ra khi bạn bị dị ứng hoặc kích ứng do các sản phẩm như xịt âm đạo, xà phòng có mùi thơm, dung dịch thụt rửa hoặc chất diệt tinh trùng. Da quanh âm đạo cũng có thể nhạy cảm với các sản phẩm vệ sinh phụ nữ, khăn lau, chất bôi trơn khi quan hệ, bột giặt hoặc nước xả vải.
- Hội chứng niệu – sinh dục do mãn kinh (viêm teo âm đạo): Là một dạng viêm âm đạo xảy ra do suy giảm nồng độ estrogen. Tình trạng này khiến âm đạo trở nên mỏng và khô. Viêm teo âm đạo thường xuất hiện trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, dù là do quá trình tự nhiên hay do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng tương tự khi đang cho con bú hoặc sau sinh do thay đổi nội tiết tố.
Triệu chứng viêm âm đạo
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm âm đạo
Viêm âm đạo có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào từng loại. Một số trường hợp thậm chí không gây ra triệu chứng nào. Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc nhiều loại viêm âm đạo cùng lúc.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện ở nhiều loại viêm âm đạo khác nhau, bao gồm:
- Thay đổi về màu sắc, kết cấu hoặc mùi của khí hư.
- Ngứa, nóng rát hoặc kích ứng vùng âm đạo. Âm hộ của bạn có thể sưng lên hoặc trông sưng đỏ.
- Đau khi đi tiểu (tiểu buốt – tiểu khó).
- Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đưa tampon vào âm đạo.
- Ra máu nhẹ hoặc lấm tấm ngoài kỳ kinh.
Khí hư âm đạo có thể cung cấp nhiều manh mối giúp xác định loại viêm âm đạo mà bạn đang mắc phải. Hãy chú ý đến những gì bạn thấy trong quần lót hoặc khi lau sau khi đi vệ sinh. Khí hư có mùi hôi nặng, vón cục hoặc có bọt là dấu hiệu của nhiễm trùng. Khí hư bình thường có màu trong, trắng hoặc trắng đục. Nếu khí hư có màu xanh lá cây hoặc vàng, điều đó cũng có thể cho thấy đang có nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đi khám với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Khí hư âm đạo có mùi hôi khó chịu hoặc có màu sắc, kết cấu khác thường so với bình thường.
- Ngứa, kích ứng hoặc đau vùng âm đạo.
- Đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
Nguyên nhân gây viêm âm đạo
Viêm âm đạo có nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào loại viêm âm đạo mà bạn mắc phải. Một số nguyên nhân bao gồm:
Sự thay đổi hệ vi sinh vật trong âm đạo
Hai trong số các loại viêm âm đạo phổ biến nhất – nhiễm nấm và viêm âm đạo do vi khuẩn – xảy ra khi sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong âm đạo bị phá vỡ.
Việc sử dụng kháng sinh cũng có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn bình thường trong âm đạo, dẫn đến nhiễm nấm men.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Ký sinh trùng, vi khuẩn và virus gây nhiễm trùng có thể lây truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục.
Tùy thuộc vào loại bệnh lây truyền qua đường tình dục, sự lây truyền có thể xảy ra qua quan hệ tình dục âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng, và có thể dẫn đến viêm âm đạo.
Sản phẩm chứa chất kích thích hóa học
Một số sản phẩm vệ sinh cá nhân như kem dưỡng, chất tẩy rửa, xịt thơm vùng kín và các sản phẩm khác có thể chứa hóa chất gây kích ứng, dẫn đến viêm âm đạo.
Chất diệt tinh trùng cũng có thể gây phản ứng dị ứng và làm xuất hiện các triệu chứng của viêm âm đạo.
Sự thay đổi nội tiết tố
Sự suy giảm nồng độ estrogen mà cơ thể sản xuất có thể gây ra những thay đổi ở âm đạo, dẫn đến viêm âm đạo.
Một số thời điểm mà cơ thể trải qua thay đổi nội tiết tố bao gồm:
- Thai kỳ;
- Cho con bú;
- Thời kỳ mãn kinh.
Nguy cơ mắc phải viêm âm đạo
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo?
Những đối tượng có nguy cơ mắc phải viêm âm đạo là:
- Người mắc bệnh đái tháo đường không kiểm soát tốt, hoặc các tình trạng/một số loại thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch.
- Thay đổi nội tiết tố (Ví dụ: Thai kỳ, mãn kinh, cho con bú).
- Những người quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo:
- Điều trị gần đây bằng kháng sinh hoặc sử dụng corticoid kéo dài.
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Mặc quần áo ẩm, đổ mồ hôi nhiều hoặc quá chật.
- Thụt rửa âm đạo.
- Sử dụng các sản phẩm xịt thơm vùng kín hoặc chất diệt tinh trùng có mùi.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm âm đạo
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm âm đạo
Bác sĩ sẽ khai thác kỹ tiền sử bệnh, khám tổng quát và thực hiện khám phụ khoa. Hãy chắc chắn thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trong quá trình khám phụ khoa:
- Bác sĩ có thể dùng que lấy mẫu để quét bên trong âm đạo, thu thập mẫu khí hư.
- Mẫu này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xem có nhiễm trùng hay không.
- Bác sĩ cũng có thể kiểm tra độ pH (mức độ axit) của dịch âm đạo để hỗ trợ chẩn đoán chính xác hơn.
Một số bác sĩ có thể yêu cầu bạn kiêng quan hệ tình dục hoặc không đưa bất kỳ vật gì vào âm đạo (như tampon, thuốc đặt) ít nhất 24 giờ trước khi khám.
Điều trị viêm âm đạo
Chẩn đoán chính xác là yếu tố then chốt để điều trị viêm âm đạo hiệu quả. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng vì các loại viêm âm đạo khác nhau có thể gây ra triệu chứng tương tự nhau.
Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị dựa trên nguyên nhân cụ thể của viêm âm đạo:
Viêm âm đạo do vi khuẩn:
- Bác sĩ sẽ kê kháng sinh, thường là metronidazol hoặc clindamycin.
- Các thuốc này có thể ở dạng gel hoặc kem đặt âm đạo, hoặc viên uống.
Nhiễm nấm âm đạo:
- Có thể điều trị bằng thuốc chống nấm không kê đơn, dưới dạng kem bôi hoặc thuốc đặt âm đạo.
- Tuy nhiên, phải chắc chắn bạn thật sự bị nhiễm nấm trước khi dùng thuốc, vì dùng sai thuốc có thể khiến triệu chứng nặng hơn.
- Bác sĩ cũng có thể kê thuốc uống như fluconazole.
Viêm âm đạo do Trichomonas:
- Cần dùng thuốc kháng sinh đường uống để tiêu diệt ký sinh trùng gây bệnh, phổ biến là metronidazole hoặc tinidazole.
- Bạn tình trong vòng 3 tháng gần đây (hoặc gần nhất) cũng nên được điều trị để tránh tái nhiễm.

Viêm âm đạo không do nhiễm trùng:
- Cần xác định tác nhân gây kích ứng và ngưng sử dụng.
- Ví dụ: nếu bạn vừa đổi xà phòng, nước xả vải, hay chất tẩy rửa, hãy ngừng dùng để xem triệu chứng có cải thiện không.
Viêm teo âm đạo:
- Nguyên nhân là do thiếu estrogen, bác sĩ có thể kê thuốc estrogen để cải thiện triệu chứng.
- Estrogen có thể ở dạng kem bôi, viên đặt hoặc vòng đặt âm đạo.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm âm đạo
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm âm đạo
Chế độ sinh hoạt:
- Rửa vùng kín bằng nước ấm và dung dịch nhẹ, không dùng xà phòng có mùi hoặc chất tẩy rửa mạnh.
- Lau vùng kín từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn lan vào âm đạo.
- Mặc quần lót bằng chất liệu cotton thoáng khí, tránh mặc quần quá chật hoặc làm từ chất liệu giữ ẩm.
- Vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.
- Hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, thực phẩm giàu probiotic như sữa chua để hỗ trợ cân bằng vi khuẩn đường ruột và âm đạo.
- Hạn chế đồ ngọt, đồ uống có cồn và thức ăn nhiều dầu mỡ.

Phòng ngừa viêm âm đạo
Có một số việc bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị viêm âm đạo. Vệ sinh sạch sẽ và quan hệ tình dục an toàn là rất quan trọng. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý những điều sau:
- Tránh mặc quần áo giữ nhiệt và độ ẩm cao. Hãy chọn các loại vải rộng rãi, thoáng khí và không giữ ẩm, như cotton.
- Tránh để cơ thể ở trong bộ đồ bơi ướt hoặc quần áo tập thể dục đẫm mồ hôi quá lâu.
- Tránh rửa vùng âm đạo bằng xà phòng hoặc nước xịt có mùi thơm nồng.
- Không thụt rửa âm đạo. Việc thụt rửa có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo và gây viêm nhiễm.
- Lau vùng kín theo hướng từ trước ra sau. Cẩn thận không để phân từ hậu môn lan vào âm đạo.
- Nếu bạn đang bước vào thời kỳ mãn kinh hoặc có mức estrogen thấp hãy khám bác sĩ để được chỉ định thuốc hoặc kem hormone âm đạo để giữ cho âm đạo được bôi trơn và khỏe mạnh.
- Khám phụ khoa đầy đủ, bao gồm cả tầm soát ung thư cổ tử cung, theo lịch trình được bác sĩ khuyến cáo.