Tìm hiểu chung về vô sinh
Vô sinh (Infertility) ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, gây tác động không chỉ đến cá nhân mà còn đến gia đình và cộng đồng. Theo ước tính, cứ sáu người trong độ tuổi sinh sản thì có một người gặp phải tình trạng này.
Ở nam giới, vô sinh thường liên quan đến các vấn đề như rối loạn xuất tinh, số lượng tinh trùng thấp hoặc tinh trùng có hình dạng và khả năng di chuyển bất thường.
Ở nữ giới, nguyên nhân có thể xuất phát từ những bất thường ở buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng hoặc hệ thống nội tiết, cùng nhiều yếu tố khác.
Vô sinh được chia thành hai loại:
- Vô sinh nguyên phát xảy ra khi một người chưa từng mang thai.
- Vô sinh thứ phát là tình trạng xảy ra sau khi đã từng mang thai trước đó.
Nếu bạn dưới 35 tuổi, vô sinh được chẩn đoán khi đã cố gắng thụ thai trong 12 tháng bằng cách quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai mà vẫn chưa có thai. Đối với những người từ 35 tuổi trở lên, thời gian này rút ngắn còn 6 tháng.
Như vậy qua phần trên, bạn đã trả lời được cho vô sinh là gì, và vô sinh không hiếm gặp như nhiều người nghĩ. Tuy nhiên, tin tốt là có nhiều phương pháp điều trị giúp phụ nữ có cơ hội mang thai và xây dựng gia đình như mong muốn.
Triệu chứng vô sinh
Những dấu hiệu và triệu chứng của vô sinh
Dấu hiệu chính của vô sinh là không thể mang thai sau 6 tháng hoặc 1 năm quan hệ tình dục đều đặn mà không sử dụng biện pháp tránh thai. Trong nhiều trường hợp, vô sinh không gây ra triệu chứng rõ ràng.
Tuy nhiên, một số nam giới hoặc nữ giới có thể gặp các biểu hiện như:
- Đau vùng chậu hoặc đau bụng.
- Kinh nguyệt không đều, chảy máu bất thường hoặc không có kinh.
- Vấn đề liên quan đến dương vật hoặc rối loạn xuất tinh.
/vo_sinh4_3d514f7595.png)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh vô sinh
Vô sinh có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, căng thẳng và các vấn đề trong mối quan hệ hôn nhân, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến các vấn đề về tài chính của gia đình.
Ngoài các vấn đề trên, trong việc điều trị vô sinh có thể dẫn đến một số biến chứng ở người phụ nữ bao gồm thai ngoài tử cung, hội chứng quá kích buồng trứng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn dưới 35 tuổi và đã cố gắng mang thai trong một năm nhưng chưa thành công, hãy đến gặp bác sĩ. Nếu bạn từ 35 đến 39 tuổi, nên tìm kiếm sự hỗ trợ sớm hơn, sau khoảng 6 tháng cố gắng. Còn nếu bạn từ 40 tuổi trở lên, tốt nhất nên đi khám sau chưa đầy 6 tháng nếu chưa có thai.
Nguyên nhân gây bệnh vô sinh
Một số nguyên nhân gây vô sinh chỉ ảnh hưởng đến một trong hai người, trong khi những nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến cả hai.
Nguyên nhân vô sinh ở nữ giới
Rối loạn rụng trứng là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở nữ giới. Quá trình rụng trứng xảy ra khi buồng trứng giải phóng trứng để gặp tinh trùng và thụ tinh.
Các yếu tố có thể góp phần gây vô sinh ở phụ nữ bao gồm:
- Lạc nội mạc tử cung.
- Bất thường cấu trúc ở âm đạo, tử cung hoặc ống dẫn trứng.
- Bệnh tự miễn như celiac hoặc lupus.
- Bệnh thận.
- Viêm vùng chậu (PID).
- Rối loạn vùng dưới đồi và tuyến yên (cơ quan kiểm soát hormone sinh sản).
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Suy buồng trứng sớm hoặc chất lượng trứng kém.
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- U xơ tử cung hoặc polyp tử cung.
- Rối loạn tuyến giáp.
- Tiền sử triệt sản bằng phẫu thuật (thắt ống dẫn trứng hoặc cắt bỏ ống dẫn trứng).
- Rối loạn di truyền hoặc nhiễm sắc thể.
- Rối loạn chức năng tình dục.
- Không có buồng trứng do bẩm sinh hoặc phẫu thuật.
- Kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh.
/vo_sinh5_2f0c6eadb2.png)
Nguyên nhân vô sinh ở nam giới
Nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở nam giới là các vấn đề liên quan đến hình dạng, khả năng di chuyển (tinh trùng yếu) hoặc số lượng tinh trùng thấp.
Ngoài ra, các yếu tố khác có thể gây vô sinh nam bao gồm:
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh (varicocele), là tình trạng tĩnh mạch trong bìu bị giãn, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
- Rối loạn di truyền, chẳng hạn như xơ nang.
- Bất thường nhiễm sắc thể, như hội chứng Klinefelter.
- Tiếp xúc với nhiệt độ cao ở tinh hoàn, do mặc quần áo quá chật, sử dụng bồn nước nóng, xông hơi thường xuyên hoặc đặt laptop, túi sưởi gần vùng bìu.
- Chấn thương ở bìu hoặc tinh hoàn.
- Testosterone thấp (suy sinh dục nam).
- Lạm dụng steroid đồng hóa.
- Rối loạn chức năng tình dục, bao gồm rối loạn cương dương, không xuất tinh, xuất tinh sớm hoặc xuất tinh ngược dòng.
- Tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không xuống bìu).
- Từng điều trị hóa trị hoặc xạ trị.
- Không có tinh hoàn do bẩm sinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ.
- Đã từng triệt sản bằng phương pháp thắt ống dẫn tinh (vasectomy).
Nguy cơ mắc bệnh vô sinh
Những ai có nguy cơ mắc phải vô sinh?
Cả nam và nữ giới trong độ tuổi sinh sản đều có nguy cơ mắc phải các tình trạng dẫn đến vô sinh. Trong đó, có 33% trường hợp vô sinh liên quan đến nữ giới, 33% liên quan đến nam giới và 33% trường hợp xảy ra ở cả 2 giới hoặc không rõ nguyên nhân.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải vô sinh
Các yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh bao gồm:
- Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ gây vô sinh. Khả năng sinh sản giảm dần sau 30 tuổi, đặc biệt là sau 40. Ở nam giới, ảnh hưởng rõ rệt hơn khi gần 50 tuổi.
- Rối loạn ăn uống chẳng hạn như chán ăn tâm thần (anorexia nervosa) và rối loạn ăn uống vô độ (bulimia).
- Uống rượu quá nhiều.
- Tiếp xúc với độc tố từ môi trường như hóa chất, chì và thuốc trừ sâu.
- Tập thể dục quá mức.
- Xạ trị hoặc hóa trị.
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs).
- Hút thuốc lá và sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá, đây là nguyên nhân gây ra khoảng 13 - 15% các trường hợp vô sinh.
- Lạm dụng chất kích thích.
- Béo phì hoặc thiếu cân.
- Rối loạn hoạt động của vùng dưới đồi hoặc tuyến yên, đây là hai cơ quan trong não kiểm soát hormone sinh sản.
- Các bệnh lý mãn tính.
/vo_sinh6_d789eba85f.png)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị vô sinh
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vô sinh
Chẩn đoán vô sinh ở nữ
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu đầy đủ về tiền sử bệnh lý và tình dục của bạn.
Khả năng sinh sản ở phụ nữ liên quan đến việc rụng trứng khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là não của bạn phải gửi tín hiệu hormone đến buồng trứng để giải phóng trứng di chuyển từ buồng trứng, qua ống dẫn trứng và đến niêm mạc tử cung. Xét nghiệm khả năng sinh sản liên quan đến việc phát hiện vấn đề với bất kỳ quá trình nào trong số này.
Các xét nghiệm khác có thể chẩn đoán xác định hoặc loại trừ các nguyên nhân vô sinh khác ở nữ giới bao gồm:
- Khám vùng chậu;
- Xét nghiệm máu;
- Siêu âm qua ngả âm đạo;
- Nội soi tử cung;
- Siêu âm buồng tử cung bằng nước muối;
- Siêu âm tử cung vòi trứng;
- Chụp X-quang tử cung vòi trứng;
- Nội soi ổ bụng.
Chẩn đoán vô sinh ở nam
Chẩn đoán vô sinh ở nam giới chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra xem tinh trùng có khỏe mạnh hay không. Hầu hết các xét nghiệm sinh sản đều nhằm phát hiện các vấn đề liên quan đến tinh trùng.
Dưới đây là một số xét nghiệm giúp chẩn đoán hoặc loại trừ nguyên nhân gây vô sinh:
- Phân tích tinh dịch: Kiểm tra số lượng tinh trùng và khả năng di chuyển của chúng. Một số trường hợp cần sinh thiết tinh hoàn bằng kim để lấy tinh trùng xét nghiệm.
- Xét nghiệm máu: Đánh giá nồng độ hormone, đặc biệt là tuyến giáp, và phát hiện bất thường về nhiễm sắc thể nếu có.
- Siêu âm bìu: Giúp phát hiện giãn tĩnh mạch thừng tinh (varicocele) hoặc các vấn đề khác ở tinh hoàn.
Điều trị vô sinh
Nội khoa
Điều trị nội khoa vô sinh ở nữ bao gồm việc thay đổi lối sống, sử dụng các thuốc hỗ trợ sinh sản, kích thích buồng trứng rụng nhiều trứng hơn giúp tăng cơ hội mang thai. Điều trị vô sinh ở nam giới bao gồm sử dụng thuốc làm tăng mức testosterone hoặc các hormone khác. Ngoài ra còn có thuốc điều trị rối loạn cương dương giúp bạn duy trì sự cương cứng khi quan hệ tình dục.
Vô sinh có chữa được không? Một số cặp đôi cần thêm sự trợ giúp để thụ thai bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART). Các phương pháp này bao gồm:
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF);
- Tiêm tinh trùng vào bào tương (ICSI);
- Thụ tinh trong tử cung (IUI);
- Hỗ trợ nở phôi;
- ART của bên thứ ba.
/vo_sinh7_019990d100.png)
Ngoại khoa
Trong trường hợp có các bất thường về cấu trúc, điều trị phẫu thuật có thể được áp dụng. Đối với vô sinh ở nữ, phẫu thuật giúp mở ống dẫn trứng bị tắc, loại bỏ polyp, u xơ hoặc mô sẹo. Một số nam giới cần phẫu thuật để mở tắc nghẽn ống dẫn tinh trùng hoặc để sửa chữa các vấn đề về cấu trúc. Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể làm cho tinh trùng khỏe mạnh hơn và cải thiện khả năng thụ thai.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa vô sinh
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của vô sinh
Chế độ sinh hoạt
Để cải thiện khả năng thụ thai, việc thay đổi lối sống có thể giúp ích, bao gồm:
- Tăng hoặc giảm cân (nếu cần).
- Cai thuốc lá hoặc các chất gây nghiện.
- Cải thiện các tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền.
- Theo dõi quá trình rụng trứng thông qua nhiệt độ cơ thể, sử dụng ứng dụng theo dõi hoặc bộ dụng cụ thử rụng trứng để tăng khả năng đậu thai.
Chế độ dinh dưỡng
Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể để cải thiện vô sinh. Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh có thể giúp ích bao gồm việc hạn chế đồ chiên rán, chất béo có hại, đa dạng nguồn thực phẩm và tăng cường các loại rau củ quả.
Phòng ngừa vô sinh
Bạn có thể thực hiện những biện pháp sau để phòng ngừa, bảo vệ khả năng sinh sản, đặc biệt khi đang cố gắng mang thai:
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và duy trì cân nặng hợp lý.
- Tránh hút thuốc, lạm dụng chất kích thích hoặc uống rượu.
- Điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).
- Hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường.
- Duy trì hoạt động thể chất, nhưng không tập luyện quá mức.
- Không trì hoãn việc mang thai đến độ tuổi quá lớn.
- Cân nhắc bảo tồn khả năng sinh sản bằng cách trữ đông trứng hoặc tinh trùng.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian theo dõi bài viết. Chúng tôi hy vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp quý vị có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề vô sinh. Hãy tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong các bài viết tiếp theo để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích về sức khỏe và y tế!