Người có bệnh nền mạn tính như tiểu đường, tim mạch, hen suyễn hay suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao khi mắc các bệnh truyền nhiễm, vì vậy việc tiêm vắc xin là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Tiêm vắc xin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và biến chứng nghiêm trọng. Vậy người có bệnh nền cần tiêm vắc xin gì để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm?
Vì sao người bị bệnh nền cần tiêm vắc xin?
Vì sao người bị bệnh nền cần tiêm vắc xin là thắc mắc của nhiều người. Sau đây là những lý do quan trọng:
Theo các thống kê tại Việt Nam, người từ 50 tuổi trở lên thường phải đối mặt với nhiều bệnh lý mạn tính đồng thời như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tim mạch, tăng huyết áp và suy thận mạn. Trung bình, mỗi người trên 60 tuổi mắc từ 3 - 4 bệnh nền, trong khi người trên 80 tuổi có thể mắc đến 7 bệnh lý cùng lúc, chủ yếu liên quan đến hô hấp, rối loạn chuyển hóa và sa sút trí tuệ. Những bệnh lý nền này góp phần làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến người bệnh dễ bị nhiễm thêm các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.
Đặc biệt, do hệ thống miễn dịch đã suy giảm, người có bệnh nền không còn khả năng tự bảo vệ cơ thể như người khỏe mạnh. Khi bị tấn công bởi virus hoặc vi khuẩn, bệnh thường chuyển biến nhanh chóng sang giai đoạn nặng hơn, tình trạng nhiễm trùng kéo dài và dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Các bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, hay các bệnh hô hấp mạn tính thường đi kèm với tình trạng viêm kéo dài và tổn thương mô, khiến quá trình hồi phục trở nên chậm chạp và phức tạp hơn.

Thêm vào đó, phản ứng viêm và hiện tượng stress oxy hóa (tình trạng mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể) do bệnh nền gây ra tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển mạnh hơn, làm các triệu chứng bệnh thêm trầm trọng.
Khi đồng thời mắc thêm các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm phổi do phế cầu, ho gà, bạch hầu hay Covid-19, người có bệnh nền sẽ đối mặt với nguy cơ gia tăng các biến chứng như suy hô hấp, tổn thương nội tạng, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì thế, việc chủ động tiêm vắc xin cho người mắc bệnh nền phù hợp là một trong những biện pháp quan trọng nhất giúp tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng tiêm vắc xin đầy đủ sẽ giúp người mắc bệnh nền giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh nặng, biến chứng nghiêm trọng và tử vong. Đồng thời, đây cũng là cách hiệu quả để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, góp phần bảo vệ cộng đồng và những người thân xung quanh.
Người có bệnh nền cần tiêm vắc xin gì?
Để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, người có bệnh nền cần tiêm các loại vắc xin phù hợp. Vậy người có bệnh nền cần tiêm vắc xin gì để đảm bảo an toàn và duy trì sức khỏe ổn định?
Vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu
Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, có thể diễn tiến rất nhanh và đe dọa tính mạng, đặc biệt ở người có bệnh nền vì hệ miễn dịch đã suy yếu. Vi khuẩn Neisseria meningitidis gồm 13 nhóm huyết thanh, trong đó A, B, C, Y và W-135 là phổ biến ở Việt Nam, có thể gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và nhiều biến chứng nặng khác.
WHO cho biết mỗi năm có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do não mô cầu và 135.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc vẫn ở mức đáng lo ngại, với hàng chục trường hợp mỗi năm và chi phí điều trị có thể lên đến hàng trăm triệu đồng hoặc hơn, nhất là khi bệnh gây biến chứng nặng hoặc di chứng lâu dài.
Vì vậy, tiêm vắc xin phòng viêm màng não là giải pháp hiệu quả và tiết kiệm để ngăn chặn bệnh lý này. Hiện Việt Nam có các loại vắc xin như Menactra (phòng nhóm A, C, Y, W-135), VA-Mengoc-BC (phòng nhóm B và C), và Bexsero (phòng riêng nhóm B), đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho người có nguy cơ cao, đặc biệt là người mắc bệnh nền.
Vắc xin phòng phế cầu khuẩn
Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn nguy hiểm có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng tai giữa, xoang và máu. Vi khuẩn này thường cư trú ở họng và mũi của người khỏe mạnh và dễ lây qua đường hô hấp qua ho, hắt hơi hay nói chuyện. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1,6 triệu người tử vong liên quan đến phế cầu khuẩn, phần lớn do viêm phổi và nhiễm trùng huyết.
Dữ liệu từ CDC Hoa Kỳ cho thấy phế cầu khuẩn có mặt ở 5–90% người khỏe mạnh. Dù bình thường không gây bệnh, nhưng với người suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, COPD hay suy thận, phế cầu khuẩn dễ phát triển và gây hại nghiêm trọng cho cơ thể.
Người mắc bệnh nền có nguy cơ bị phế cầu tấn công cao hơn người bình thường từ 2–38 lần tùy theo loại bệnh. Hút thuốc lá, uống rượu nhiều cũng làm giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn này phát triển. Ngoài ra, các virus đường hô hấp như cúm, COVID-19 cũng khiến niêm mạc tổn thương, tạo cơ hội cho phế cầu khuẩn xâm nhập.
Vì vậy, người có bệnh nền nên chủ động tiêm vắc xin phòng phế cầu để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tại Việt Nam hiện có các loại vắc xin phế cầu như PCV10, PCV13 và PPV23. Trong đó, PPV23 (phế cầu 23) bảo vệ chống lại 23 tuýp huyết thanh phổ biến và thường được khuyến nghị bổ sung cho người đã tiêm PCV10 hoặc PCV13 để mở rộng hiệu quả bảo vệ. Sự kết hợp giữa PCV13 và PPV23 tạo nên “bộ đôi” vắc xin giúp phòng ngừa tối ưu các bệnh do phế cầu khuẩn.
Vắc xin phòng cúm
Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, phổ biến với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là các virus cúm A (H1N1, H3N2), cúm B và cúm C. Virus lây lan nhanh qua đường hô hấp, đặc biệt qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói, có thể truyền từ khoảng cách trên 2 mét.
Cúm từng gây ra những đại dịch nghiêm trọng như cúm Tây Ban Nha năm 1918 hay cúm A/H1N1 năm 2009, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Mặc dù ai cũng có thể mắc cúm, nhưng người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và đặc biệt là người mắc bệnh mạn tính (tim mạch, tiểu đường, phổi, gan, thận…) có nguy cơ gặp biến chứng nặng hơn. Ở những đối tượng này, cúm có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh sẵn có, gây suy hô hấp, viêm phổi hoặc đe dọa tính mạng.
Các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
- Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 10 lần, và đột quỵ tăng 8 lần, nhất là ở người có bệnh tim mạch.
- Người bị hen suyễn dễ gặp đợt cấp, viêm phổi, suy hô hấp do cúm kích thích niêm mạc hô hấp.
- Bệnh nhân tiểu đường có thể bị rối loạn đường huyết, làm tăng nguy cơ tử vong gấp 3 lần và nhập viện cao gấp 6 lần.
Tiêm vắc xin cúm hàng năm là biện pháp hiệu quả, tiết kiệm và an toàn giúp người bệnh nền phòng tránh biến chứng nặng, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.

Vắc xin phòng bệnh do vi khuẩn Hib
Vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (Hib) có thể gây nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, viêm nắp thanh quản và nhiễm khuẩn huyết. Những người có hệ miễn dịch suy yếu như người cắt lách, ung thư, nhiễm HIV/AIDS hoặc cấy ốc tai có nguy cơ mắc Hib cao hơn nhiều so với người khỏe mạnh.
Ở người mắc bệnh nền:
- Viêm phổi do Hib có thể làm trầm trọng tình trạng hô hấp vốn đã suy yếu, dẫn đến suy hô hấp.
- Viêm màng não có thể tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây tử vong hoặc để lại di chứng như mất thính lực hoặc tổn thương não.
- Nhiễm khuẩn huyết do Hib ở người bệnh nền dễ diễn tiến nhanh, gây sốc nhiễm trùng và nguy cơ tử vong cao nếu không được xử lý kịp thời.
Quá trình điều trị ở người bệnh nền thường kéo dài, chi phí cao và phục hồi khó khăn. Vì vậy, vắc xin phòng Hib là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nặng nề do vi khuẩn này gây ra.
Vắc xin phòng zona thần kinh
Zona thần kinh là bệnh tái hoạt động của virus Varicella Zoster (VZV) – tác nhân gây thủy đậu. Sau khi khỏi bệnh, virus này vẫn ẩn trong hệ thần kinh và có thể tái phát khi cơ thể suy giảm miễn dịch, căng thẳng hoặc có bệnh lý nền.
Bệnh thường gây ra cảm giác đau rát, nhức nhối do virus tấn công dây thần kinh. Cơn đau có thể kéo dài nhiều tuần hoặc thậm chí dai dẳng suốt đời, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Nguy cơ bị zona và đau dây thần kinh sau zona tăng mạnh ở những người:
- Trên 50 tuổi (cao gấp 15–25 lần so với người dưới 30).
- Mắc tiểu đường, tim mạch hoặc bị stress kéo dài.
- Có bệnh nền mạn tính, với tỷ lệ gặp biến chứng zona cao hơn người khỏe mạnh từ 20–40%.
Tiêm vắc xin phòng zona là giải pháp chủ động giúp ngăn ngừa tái phát và biến chứng như: Viêm não, liệt mặt, viêm màng não, mù, điếc hoặc viêm phổi.
Hiện nay, vắc xin Shingrix do hãng dược GSK sản xuất tại Bỉ được sử dụng rộng rãi tại hơn 41 quốc gia và được nhiều tổ chức y tế lớn khuyến nghị cho người trên 50 tuổi hoặc người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao, bao gồm người mắc các bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, hoặc suy giảm miễn dịch.

Vắc xin thủy đậu
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp do virus Varicella Zoster gây ra, có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 2 đến tháng 6. Bệnh ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ và người lớn, phần lớn trường hợp nhẹ và có thể hồi phục trong khoảng 14 ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm gan, viêm não, nhiễm trùng máu hoặc viêm thận.
Những người có hệ miễn dịch suy yếu như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người cao tuổi hoặc người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, COPD, HIV/AIDS… có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm bệnh.
Ngoài ra, virus này có thể ẩn trong hệ thần kinh và tái phát sau nhiều năm dưới dạng zona thần kinh – một bệnh gây đau đớn kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Người mắc zona thần kinh vẫn có thể truyền virus cho người khác, dẫn đến thủy đậu lan rộng. Do đó, tiêm vắc xin thủy đậu là biện pháp bảo vệ chủ động, hiệu quả và an toàn cho người mắc bệnh nền.
Vắc xin sốt xuất huyết
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết là một trong 10 mối nguy lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Trong 20 năm qua, số ca nhiễm đã tăng gấp 10 lần – từ nửa triệu ca năm 2000 lên hơn 5 triệu ca năm 2019. Ước tính mỗi năm có khoảng 390 triệu người mắc, trong đó gần 100 triệu người biểu hiện triệu chứng và 40.000 ca tử vong.
Bệnh diễn tiến khó lường, mọi lứa tuổi đều có thể mắc, nhưng nhóm dễ bị ảnh hưởng nặng là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người thừa cân và người có bệnh lý mạn tính. Nếu không được xử lý kịp thời, sốt xuất huyết có thể dẫn đến tụt huyết áp, suy tim, suy thận, xuất huyết nội tạng hoặc thậm chí tử vong.
Người lớn tuổi có bệnh nền còn dễ bị mất cân bằng điện giải và rối loạn dịch cơ thể, khiến họ dễ rơi vào tình trạng sốc nặng. Việc điều trị nhóm này cần được giám sát kỹ lưỡng và kết hợp kiểm soát bệnh nền.
Vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chi phí chữa trị cao nên tiêm phòng là biện pháp bảo vệ thiết thực. Vắc xin Qdenga (Nhật Bản) có thể phòng cả 4 chủng virus sốt xuất huyết, với hiệu quả hơn 80% và giảm nguy cơ nhập viện đến 90%. Trẻ từ 4 tuổi trở lên được khuyến nghị tiêm 2 liều, cách nhau 3 tháng.

Vắc xin viêm gan A và B
Viêm gan A và B là hai dạng nhiễm trùng gan do virus gây ra, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan. Viêm gan A thường lây qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, dù hiếm khi gây viêm gan mạn, nhưng có thể dẫn đến suy gan cấp và tử vong. Viêm gan B lây qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con, có nguy cơ cao chuyển thành viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.
Người mắc bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, thận hoặc suy giảm miễn dịch dễ bị tổn thương gan nghiêm trọng khi nhiễm virus. Gan phải làm việc nhiều hơn để xử lý độc tố, khiến tình trạng bệnh nền trở nên nặng nề hơn.
Theo thống kê, trong số gần 8 triệu người nhiễm viêm gan B, hàng chục nghìn ca đã chuyển thành xơ gan hoặc ung thư gan, với hơn 30.000 ca tử vong hằng năm.
Vì vậy, tiêm vắc xin phòng viêm gan A và B là cách phòng bệnh chủ động, hiệu quả và cần thiết, đặc biệt với người có bệnh nền, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và hậu quả nghiêm trọng về sau.
Vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella
Ba bệnh truyền nhiễm phổ biến này lây lan qua đường hô hấp và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được phòng ngừa đúng cách. Sởi gây viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong. Quai bị có thể gây viêm tinh hoàn, buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Rubella đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Người có bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim, thận hay suy giảm miễn dịch rất dễ bị biến chứng nặng khi mắc phải. Viêm phổi do sởi có thể khiến bệnh nhân suy hô hấp; quai bị và rubella có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thần kinh hoặc nội tiết.
Do đó, việc tiêm vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella là cần thiết để phòng ngừa hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người mắc bệnh nền, đồng thời giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Vắc xin Ho gà – Bạch hầu – Uốn ván
Người mắc bệnh mạn tính như COPD, tim mạch, tiểu đường thường có hệ miễn dịch yếu hơn, nên dễ gặp biến chứng khi nhiễm các bệnh do vi khuẩn như ho gà, bạch hầu và uốn ván.
Ho gà khiến người có bệnh hô hấp như COPD dễ suy hô hấp. Bạch hầu có thể gây viêm cơ tim, loạn nhịp, thậm chí suy tim ở người mắc bệnh tim mạch. Uốn ván đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân tiểu đường, vì họ dễ bị nhiễm trùng từ các vết thương nhỏ.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nguy cơ tử vong do uốn ván ở bệnh nhân tiểu đường cao hơn 30% so với người khỏe mạnh. Vì vậy, tiêm phòng các bệnh này là biện pháp bảo vệ không thể thiếu đối với người có bệnh nền, giúp giảm thiểu rủi ro và biến chứng nguy hiểm.
Người bị bệnh nền nên tiêm ở đâu?
Tiêm phòng cho người mắc bệnh nền là giải pháp chủ động giúp bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, hạn chế tình trạng phải nhập viện hoặc gặp biến chứng nghiêm trọng do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Vì thế, việc lựa chọn địa điểm tiêm chủng uy tín, chất lượng và đảm bảo an toàn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người.
Nếu bạn đang tìm một nơi đáng tin cậy để tiêm vắc xin cho người có bệnh nền, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu chính là lựa chọn lý tưởng. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế tận tâm và nguồn vắc xin được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt, Long Châu luôn đặt yếu tố an toàn và hiệu quả lên hàng đầu.

Đặt lịch tiêm chủng tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu ngay hôm nay để được tư vấn đầy đủ và tiêm ngừa đúng lịch, đúng loại vắc xin phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn hoặc người thân! Thông tin liên hệ Trung tâm Tiêm chủng Long Châu:
- Hệ thống chi nhánh trên toàn quốc: Tìm trung tâm gần bạn tại đây.
- Hotline tư vấn miễn phí: 1800 6928
- Thời gian hoạt động: 7:30 – 17:00, tất cả các ngày trong tuần
- Website: Trung tâm Tiêm chủng Long Châu.
Người có bệnh nền cần tiêm vắc xin gì là câu hỏi quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm ngày càng gia tăng. Việc chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phù hợp không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh mà còn giảm thiểu biến chứng nặng nề và tử vong. Đừng chờ đến khi bệnh tiến triển, hãy tiêm ngừa đúng lúc để tăng cường sức đề kháng và sống khỏe mạnh mỗi ngày.