icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
hoi_chung_reye_d498860db0hoi_chung_reye_d498860db0

Hội chứng Reye là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Hà Phương10/04/2025

Hội chứng Reye (Reye's syndrome) là một tình trạng hiếm gặp xảy ra ở trẻ em sau khi bị nhiễm virus hoặc mắc bệnh, đặc biệt nếu trẻ đã dùng aspirin. Hội chứng Reye ảnh hưởng đến não, máu và gan của trẻ. Các triệu chứng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị sớm.

Tìm hiểu chung về hội chứng Reye

Hội chứng Reye là một rối loạn hiếm gặp gây tổn thương não và gan. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh thường gặp nhất ở trẻ em.

Hội chứng Reye thường xuất hiện ở trẻ em sau khi bị nhiễm virus gần đây, chẳng hạn như thủy đậu hoặc cúm. Việc dùng aspirin để điều trị những bệnh nhiễm trùng này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc hội chứng Reye.

Cả thủy đậu và cúm đều có thể gây đau đầu. Do đó, điều quan trọng là không sử dụng aspirin để điều trị đau đầu ở trẻ. Trẻ có thể đang mắc một bệnh nhiễm virus chưa được phát hiện và có nguy cơ phát triển hội chứng Reye.

Triệu chứng hội chứng Reye

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Reye

Các triệu chứng của hội chứng Reye có mức độ nghiêm trọng khác nhau, tùy thuộc vào ảnh hưởng của bệnh đến trẻ. Dấu hiệu đầu tiên của hội chứng Reye thường là nhiễm virus, chẳng hạn như cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên, cúm hoặc thủy đậu. Sau khoảng 5 đến 7 ngày xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus, trẻ có thể gặp phải các dấu hiệu của hội chứng Reye, bao gồm:

  • Nôn mửa;
  • Lo lắng, bối rối, dễ mất phương hướng hoặc xuất hiện ảo giác;
  • Thay đổi tính cách như kích động, cáu kỉnh hoặc hung hăng;
  • Thở nhanh.
hoi-chung-reye 4.png

Áp lực nội sọ tăng cao làm ảnh hưởng đến chức năng não bộ của trẻ, đồng thời ảnh hưởng đến cả chức năng gan. Các triệu chứng nặng của hội chứng Reye ở trẻ em bao gồm:

  • Co giật;
  • Hôn mê;
  • Mất ý thức;
  • Rối loạn đông máu;
  • Nồng độ amoniac trong máu tăng cao.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hội chứng Reye

Nếu không được điều trị kịp thời, hội chứng Reye có thể khiến trẻ rơi vào hôn mê, dẫn đến tổn thương não hoặc tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi trẻ gặp tình trạng co giật hoặc động kinh, trong đó trẻ tạm thời mất ý thức, cử động tay chân không kiểm soát và có biểu hiện lo lắng hoặc nhầm lẫn. Các cơn co giật thường kéo dài từ 30 giây đến hai phút. Hãy gọi ngay cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Reye

Nguyên nhân chính xác của hội chứng Reye hiện nay vẫn chưa được xác định.

Tình trạng này thường xảy ra sau một đợt nhiễm virus hoặc bệnh lý ở trẻ em, đặc biệt khi trẻ được dùng aspirin để điều trị các triệu chứng bệnh. Một số bệnh nhiễm virus có thể kích hoạt hội chứng Reye bao gồm:

  • Cúm như virus cúm A và B;
  • Thủy đậu;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp;
  • Cảm lạnh.

Các triệu chứng của hội chứng Reye là do sự gia tăng chất lỏng hoặc áp lực trong mô não (phù não) và những thay đổi trong chức năng gan.

hoi-chung-reye 5.png

Nguy cơ mắc phải hội chứng Reye

Những ai có nguy cơ mắc bệnh hội chứng Reye?

Hội chứng Reye chủ yếu xuất hiện ở trẻ em, mặc dù có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Các ca bệnh thường xuất hiện vào mùa thu và mùa đông, chủ yếu ở trẻ em dưới 18 tuổi.

Trẻ em có tiền sử gia đình mắc hội chứng Reye hoặc rối loạn chuyển hóa có thể có nguy cơ cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hội chứng Reye

Rối loạn chuyển hóa di truyền: Trẻ có tình trạng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh có nguy cơ cao hơn phát triển hội chứng Reye khi bị nhiễm virus.

Sử dụng aspirin ở trẻ em: Trẻ em và thanh thiếu niên dùng aspirin hoặc các loại thuốc có chứa salicylate để điều trị sốt hoặc đau do nhiễm virus, như cúm hoặc thủy đậu.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị hội chứng Reye

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng Reye

Các bác sĩ có thể nghi ngờ trẻ mắc hội chứng Reye khi phát hiện tình trạng nhiễm virus trước đó, kèm theo các triệu chứng như nôn mửa và thay đổi hành vi ở trẻ, bao gồm dễ kích động, nhầm lẫn hoặc mất phương hướng. Ngoài ra tiền sử sức khỏe của trẻ, bao gồm cả việc trẻ có sử dụng aspirin hoặc thuốc chứa aspirin hay không cũng sẽ được khai thác.

Các xét nghiệm chẩn đoán sẽ giúp loại trừ những tình trạng khác có triệu chứng tương tự. Các xét nghiệm chẩn đoán hội chứng Reye gồm:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng gan và các dấu hiệu rối loạn khác trong cơ thể.
  • Sinh thiết gan: Lấy một mẫu mô nhỏ từ gan để phân tích, giúp chẩn đoán bệnh. Một số thay đổi đặc trưng trên sinh thiết gan có thể giúp xác định hội chứng Reye.
  • Điện não đồ: Ghi lại hoạt động điện liên tục của não bằng các điện cực đặt trên da đầu.
  • Chọc dò tủy sống: Bác sĩ sử dụng kim để lấy mẫu dịch não tủy từ khu vực xung quanh tủy sống, đồng thời đo áp lực trong ống sống và não. Mẫu dịch này được kiểm tra để xác định xem có nhiễm trùng hay không.
  • Theo dõi áp lực nội sọ: Đo lường áp lực bên trong hộp sọ của trẻ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường mạnh, sóng radio và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể.
hoi-chung-reye 6.jpeg

Điều trị hội chứng Reye

Điều trị hội chứng Reye tập trung vào việc bảo vệ não của trẻ bằng cách giảm sưng, phục hồi tổn thương gan và rối loạn chuyển hóa, đồng thời ngăn ngừa biến chứng ở phổi. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Đặt ống vào khí quản (nội khí quản) để tăng nhịp thở hoặc sử dụng máy thở.
  • Giữ đầu trẻ ở tư thế nâng cao.
  • Dùng thuốc để giảm mức amoniac trong máu.
  • Dùng thuốc để duy trì mức đường huyết ổn định.
  • Sử dụng vitamin K hoặc truyền huyết tương để cải thiện khả năng đông máu.

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng Reye, bác sĩ sẽ ngay lập tức chuyển trẻ vào phòng chăm sóc đặc biệt để điều trị. Nhân viên y tế sẽ theo dõi nhiệt độ cơ thể và tất cả các cơ quan quan trọng của trẻ để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa hội chứng Reye

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng Reye

Chế độ sinh hoạt:

  • Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để giảm nguy cơ nhiễm virus.
  • Giữ vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là các khu vực trẻ thường xuyên tiếp xúc, để hạn chế sự lây lan của virus.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm virus.
  • Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu protein để hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

Phòng ngừa hội chứng Reye

Đặc hiệu

Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin cúmvắc xin thủy đậu theo khuyến nghị của bác sĩ để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm virus có liên quan đến hội chứng Reye.

hoi-chung-reye 7.png

Các loại vắc xin phòng cúm:

Vắc xin VAXIGRIP TETRA (Pháp)

  • Phòng ngừa được 4 chủng virus cúm: 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria).
  • Chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và cho người lớn, đặc biệt trên những người có nguy cơ biến chứng cao.
  • Lịch tiêm: Đối với trẻ dưới 9 tuổi, 2 mũi tiêm cách nhau 1 tháng (đối với lần tiêm đầu), sau đó nhắc lại hàng năm. Còn đối với trẻ từ 9 tuổi và người lớn, 1 mũi tiêm duy nhất, nhắc lại hàng năm.

Vắc xin INFLUVAC TETRA 0.5ml (Hà Lan)

  • Phòng ngừa 4 chủng virus cúm: 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria).
  • Chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
  • Lịch tiêm: Đối với trẻ dưới 9 tuổi, 2 mũi tiêm cách nhau 1 tháng (đối với lần tiêm đầu), sau đó nhắc lại hàng năm. Còn đối với trẻ từ 9 tuổi và người lớn, 1 mũi tiêm duy nhất, nhắc lại hàng năm.

Các loại vắc xin phòng thủy đậu:

Vắc xin VARILRIX (Bỉ):

  • Là vắc xin sống giảm độc lực, giúp phòng ngừa bệnh thủy đậu.
  • Chỉ định cho người từ 9 tháng tuổi trở lên.
  • Lịch tiêm: Đối với trẻ từ 9 tháng đến 12 tuổi, 2 mũi tiêm cách nhau 3 tháng. Đối với trẻ từ 13 tuổi, 2 mũi tiêm cách nhau 1 tháng

Vắc xin VARIVAX (Mỹ):

  • Là vắc xin sống giảm độc lực, giúp phòng bệnh thủy đậu.
  • Chỉ định cho trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi chưa có miễn dịch.
  • Lịch tiêm: Đối với trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi, 2 mũi tiêm cách nhau 3 tháng. Đối với trẻ từ 13 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn, 2 mũi tiêm cách nhau 1 tháng.

Không đặc hiệu

Để giảm nguy cơ mắc hội chứng Reye, bạn cần tránh cho trẻ uống aspirin hoặc các loại thuốc có chứa aspirin để điều trị các bệnh do virus. Các tên gọi khác của aspirin bao gồm: axit acetylsalicylic, acetylsalicylate, axit salicylic và salicylate. Trừ khi được bác sĩ chỉ định và cho phép sử dụng, bạn không được cho trẻ em dưới 19 tuổi uống aspirin.

Nếu con bạn bị cúm hoặc thủy đậu, hãy sử dụng các loại thuốc khác như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen sodium để hạ sốt hoặc giảm đau. Kiểm tra nhãn trên bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo thuốc không có aspirin trước khi cho con bạn uống và đảm bảo cho trẻ uống đúng liều quy định.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Có. Nếu trẻ bị tổn thương não nghiêm trọng do hội chứng Reye, có thể để lại các di chứng như:

  • Chậm phát triển trí tuệ;
  • Rối loạn hành vi;
  • Động kinh hoặc co giật mãn tính;
  • Suy giảm chức năng vận động.

Mặc dù hiếm gặp nhưng người lớn cũng có thể mắc hội chứng Reye, đặc biệt nếu họ sử dụng aspirin khi bị nhiễm virus. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Thời gian phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu được điều trị sớm, trẻ có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, nếu có biến chứng thần kinh, trẻ có thể cần nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để phục hồi.

Có. Một số bệnh có triệu chứng của bệnh lý khác có thể tương tự hội chứng Reye, bao gồm:

  • Viêm não;
  • Ngộ độc thuốc hoặc hóa chất;
  • Suy gan cấp;
  • Nhiễm trùng huyết.

Hội chứng Reye thường sẽ chỉ xảy ra một lần duy nhất. Tuy nhiên, nếu trẻ tiếp tục sử dụng aspirin khi mắc virus, nguy cơ tái phát vẫn có thể xảy ra.