Bệnh quai bị không chỉ gây đau, sốt và sưng tuyến mang tai mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản nếu không điều trị kịp thời. Vậy làm thế nào để chữa bệnh quai bị nhanh nhất mà vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả? Cách chữa bệnh quai bị nhanh nhất?
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh quai bị
Quai bị là một bệnh do virus gây ra, thường ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, đặc biệt là tuyến mang tai, vị trí nằm gần vùng má và hàm. Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau khoảng 2 đến 3 tuần kể từ khi cơ thể bị nhiễm virus. Giai đoạn khởi phát này có thể diễn ra âm thầm với các dấu hiệu nhẹ, nhưng sau đó sẽ rõ ràng hơn khi tuyến nước bọt bắt đầu sưng to và gây đau.

Triệu chứng đặc trưng nhất và dễ nhận biết nhất của bệnh quai bị chính là hiện tượng sưng đau ở một hoặc cả hai bên tuyến mang tai. Người bệnh có thể cảm thấy đau khi nhai hoặc nuốt. Trong những trường hợp nặng, vùng góc hàm nơi có tuyến mang tai sưng to đến mức che khuất cả phần xương hàm dưới, làm biến dạng khuôn mặt. Thông thường, tình trạng sưng có thể bắt đầu ở một bên trước, sau đó lan sang bên còn lại. Tuy nhiên, có khoảng 25% trường hợp chỉ sưng một bên tuyến nước bọt, khiến việc nhận diện bệnh trở nên khó khăn hơn.
Không chỉ tuyến mang tai, trong một số trường hợp ít gặp hơn, tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi cũng có thể bị ảnh hưởng, gây đau và sưng tại những vùng này. Vì vậy, đôi khi bệnh quai bị có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm hạch bạch huyết hoặc sưng tuyến nước bọt do cảm cúm thông thường.
Ngoài triệu chứng sưng đau điển hình, người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân không đặc hiệu như: Sốt nhẹ kéo dài từ 3 đến 4 ngày, đau đầu, đau nhức cơ bắp, chán ăn, mệt mỏi. Những dấu hiệu này thường xuất hiện trước khi tuyến nước bọt bắt đầu sưng.
Điều đáng lưu ý là một số người nhiễm virus quai bị có thể không biểu hiện rõ ràng triệu chứng. Thậm chí, có người gần như không có triệu chứng gì, hoặc chỉ cảm thấy hơi mệt và đau nhẹ, điều này dễ dẫn đến việc bỏ sót bệnh và tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Cách chữa bệnh quai bị nhanh nhất, an toàn và hiệu quả
Hiện nay, bệnh quai bị vẫn chưa có thuốc đặc trị tiêu diệt virus gây bệnh. Do đó, quá trình điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và ngăn ngừa các biến chứng. Khi phát hiện mắc quai bị, người bệnh nên được cách ly y tế trong khoảng 2 tuần, vì đây là giai đoạn virus dễ lây lan nhất. Với những trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể cách ly và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Trong thời gian cách ly, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu. Người bệnh nên đeo khẩu trang thường xuyên và sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như ly, chén, khăn mặt… Những dụng cụ này, cùng với các thiết bị y tế có liên quan, cần được khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn tương đương. Sau khi kết thúc thời gian cách ly, nên tiến hành vệ sinh và khử khuẩn lần cuối toàn bộ khu vực sinh hoạt để tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ tại nhà có thể giúp giảm triệu chứng của bệnh như:
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động mạnh để cơ thể có thời gian hồi phục.
- Uống nhiều nước lọc, tránh các loại nước trái cây có vị chua như cam, chanh, bưởi vì có thể kích thích tuyến nước bọt gây đau thêm.
- Chườm lạnh bên ngoài tuyến nước bọt để giảm sưng đau; đồng thời, có thể chườm ấm và dùng Paracetamol giúp hạ sốt và giảm đau.
- Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước súc miệng chuyên dụng giúp giữ sạch vòm họng và ngăn ngừa bội nhiễm.
- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn, tránh các món cay nóng, chua hoặc có tính nếp như xôi, thịt gà. Ưu tiên bổ sung rau xanh, hoa quả ngọt và thực phẩm lỏng để cơ thể dễ hấp thu.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, mở cửa đón nắng giúp virus không có cơ hội tồn tại lâu.
- Trong trường hợp người bệnh bị biến chứng viêm tinh hoàn, cần mặc quần lót nâng đỡ tinh hoàn để giảm đau, kết hợp sử dụng thuốc tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Phòng ngừa bệnh quai bị như thế nào để hiệu quả và an toàn?
Hiện nay, biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh quai bị là tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Đây là phương pháp chủ động, tiết kiệm chi phí và an toàn cho cả trẻ em và người lớn. Những người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm phòng đều nên chủng ngừa để tạo miễn dịch cộng đồng vững chắc.
Trên thị trường hiện có nhiều loại vắc xin phối hợp phòng bệnh quai bị cùng với sởi và rubella, phổ biến như: Vắc xin MMR II (Mỹ) và vắc xin Priorix (Bỉ). Các loại vắc xin này đều đã được cấp phép lưu hành rộng rãi và được sử dụng tại nhiều cơ sở y tế, trung tâm tiêm chủng.

Lưu ý quan trọng: Phụ nữ nên hoàn tất tiêm chủng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Nếu tiêm xong mới phát hiện có thai, cần thông báo với bác sĩ để được theo dõi, không nên tự ý lo lắng hay quyết định ngừng thai kỳ.
Hiện nay, các trung tâm như Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp đầy đủ các loại vắc xin chính hãng, được bảo quản theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đội ngũ y tế giàu kinh nghiệm. Đây là lựa chọn uy tín cho mọi gia đình khi muốn phòng bệnh quai bị và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.