icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
viem_tinh_hoan_8cd63e75c2viem_tinh_hoan_8cd63e75c2

Viêm tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bảo Quyên09/04/2025

Viêm tinh hoàn (Orchitis) là tình trạng viêm nhiễm tại tinh hoàn, thường gặp nhất do virus quai bị gây ra. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sưng và đau tinh hoàn. Việc điều trị dứt điểm viêm tinh hoàn là mối quan tâm lớn của nam giới, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn có nguy cơ dẫn đến vô sinh và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Hãy cùng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu chi tiết về bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung về viêm tinh hoàn

Tinh hoàn là một phần của hệ thống sinh sản, chịu trách nhiệm sản xuất tinh trùng và hormone testosterone. Hầu hết nam giới khi sinh đều có hai tinh hoàn. Viêm tinh hoàn (Orchitis) là tình trạng sưng hoặc viêm ở một hoặc cả hai tinh hoàn.

Viêm tinh hoàn thường không xuất hiện đơn lẻ mà đi kèm với các bệnh lý khác như quai bị hoặc viêm mào tinh hoàn. Trường hợp viêm tinh hoàn đơn thuần rất hiếm gặp.

Việc chẩn đoán viêm tinh hoàn chủ yếu dựa trên tiền sử bệnh và khám lâm sàng. Viêm tinh hoàn có thể ở dạng cấp tính với các triệu chứng rõ ràng khi khởi phát hoặc ở dạng mãn tính không có triệu chứng.

Việc điều trị viêm tinh hoàn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các nguyên nhân thường gặp nhất là viêm tinh hoàn do virus, hoặc do nhiễm các vi khuẩn bao gồm nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs).

Triệu chứng viêm tinh hoàn

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tinh hoàn

Các triệu chứng chính của viêm tinh hoàn bao gồm đau, nhạy cảm và sưng tinh hoàn. Cơn đau thường bắt đầu ở một bên tinh hoàn nhưng có thể lan sang bên còn lại hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ bìu. Bìu là túi da phía sau dương vật, nơi chứa tinh hoàn.

Các dấu hiệu viêm tinh hoàn khác có thể bao gồm:

  • Dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh và đau đầu;
  • Sự đổi màu ở bìu (đỏ, tím, nâu hoặc đen);
  • Đau cơ;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu);
  • Đau khi xuất tinh (rối loạn cực khoái);
  • Có máu trong tinh dịch (xuất tinh ra máu);
  • Dịch chảy ra từ dương vật;
  • Nhịp tim nhanh.
viem-tinh-hoan3.jpg

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tinh hoàn

Các biến chứng có thể được ngăn ngừa nếu chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Hầu hết bệnh nhân hồi phục mà không để lại di chứng, tuy nhiên, một số biến chứng có thể xảy ra, bao gồm:

  • Teo tinh hoàn (có thể gặp ở khoảng 60% trường hợp với mức độ khác nhau).
  • Giảm khả năng sinh sản.
  • Viêm mào tinh hoàn.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn phản ứng.
  • Trong những trường hợp hiếm gặp, viêm tinh hoàn do vi khuẩn sinh mủ hoặc nhồi máu tinh hoàn có thể dẫn đến áp xe, cần can thiệp phẫu thuật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng của viêm tinh hoàn. Nếu đã được điều trị nhưng sau khi hoàn thành toàn bộ liệu trình thuốc mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, bạn cũng nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn thêm.

Nguyên nhân gây viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn có thể do nhiều loại vi khuẩn và virus gây ra.

Nguyên nhân do virus

Ở những người trẻ tuổi, viêm tinh hoàn thường do virus, phổ biến nhất là virus quai bị và virus rubella. Một số trường hợp viêm tinh hoàn đã được ghi nhận sau khi tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR).

Các virus khác có thể gây bệnh bao gồm:

  • Coxsackievirus;
  • Echovirus;
  • Cytomegalovirus.

Nguyên nhân do vi khuẩn

Nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến viêm tinh hoàn. Các vi khuẩn thường gặp gây viêm tinh hoàn gồm:

  • Escherichia coli (E. coli);
  • Klebsiella pneumoniae;
  • Pseudomonas aeruginosa;
  • Các loại Staphylococcus và Streptococcus.

Vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây viêm tinh hoàn ở nam giới có hoạt động tình dục. Các tác nhân phổ biến gồm:

  • Neisseria gonorrhoeae (gây bệnh lậu);
  • Chlamydia trachomatis (gây chlamydia);
  • Treponema pallidum (gây giang mai).
viem-tinh-hoan4.jpg

Viêm tinh hoàn ở người suy giảm miễn dịch

Ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, một số tác nhân hiếm gặp có thể gây viêm tinh hoàn, bao gồm:

  • Mycobacterium avium complex;
  • Cryptococcus neoformans;
  • Toxoplasma gondii;
  • Haemophilus parainfluenzae;
  • Candida albicans.

Viêm tinh hoàn do tự miễn

Bệnh cũng có thể do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tinh hoàn, được phân loại thành viêm tinh hoàn tự miễn nguyên phát và viêm tinh hoàn tự miễn thứ phát.

Nguy cơ mắc phải viêm tinh hoàn

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tinh hoàn?

Viêm tinh hoàn đơn thuần rất hiếm gặp, thường đi kèm với viêm mào tinh hoàn, do đó tỷ lệ thực sự mắc vẫn chưa rõ ràng. Tài liệu hiện tại cũng không có thấy bất kỳ khuynh hướng nào liên quan đến yếu tố chủng tộc.

Viêm tinh hoàn gặp ở khoảng 14% đến 35% người bệnh sau tuổi dậy thì mắc quai bị. Virus quai bị cũng là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp viêm tinh hoàn đơn độc.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tinh hoàn

Các yếu tố nguy cơ phổ biến của viêm tinh hoàn bao gồm:

  • Tiền sử viêm mào tinh hoàn;
  • Sử dụng ống thông Foley (ống thông tiểu) trong thời gian dài;
  • Tắc nghẽn đường ra bàng quang;
  • Bất thường về cấu trúc;
  • Không tiêm vắc xin MMR (tiêm vắc xin làm giảm nguy cơ phát triển viêm tinh hoàn sau khi mắc quai bị).
viem-tinh-hoan5.jpg

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm tinh hoàn

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm tinh hoàn

Chẩn đoán viêm tinh hoàn thường dựa vào việc bác sĩ hỏi bệnh sử, tiền sử và khám lâm sàng. Các xét nghiệm thường không cần thực hiện, tuy nhiên, bác sĩ có thể cho một số xét nghiệm để giúp loại trừ cũng như xác định tình trạng nhiễm trùng, bao gồm:

  • Xét nghiệm mẫu dịch niệu đạo;
  • Xét nghiệm nước tiểu thường quy và cấy mẫu nước tiểu;
  • Siêu âm tinh hoàn trong trường hợp đau và sưng bìu cấp tính, để loại trừ xoắn tinh hoàn.
  • Xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang rất hữu ích trong việc chẩn đoán viêm tinh hoàn do quai bị (nhưng ít khi thực hiện).

Điều trị viêm tinh hoàn

Việc điều trị viêm tinh hoàn phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Kháng sinh: Nếu viêm tinh hoàn do vi khuẩn gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu nguyên nhân là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), cả bạn và bạn tình cần được điều trị để tránh tái nhiễm lẫn nhau.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): NSAIDs giúp giảm đau và viêm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng loại thuốc này, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
viem-tinh-hoan6.jpg

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm tinh hoàn

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm tinh hoàn

Chế độ sinh hoạt

Để hạn chế diễn tiến của viêm tinh hoàn, bạn cần chú ý tuân thủ theo điều trị của bác sĩ. Đồng thời, bạn có thể thực hiện một số cách hỗ trợ như sau:

  • Chườm đá: Sử dụng đá hoặc túi chườm lạnh để giúp giảm đau và sưng. Không đặt đá trực tiếp lên bìu, hãy bọc trong khăn hoặc vải mềm trước khi áp lên vùng bị ảnh hưởng. Chỉ chườm tối đa 15 phút mỗi lần để tránh gây tổn thương da.
  • Nghỉ ngơi: Nằm nghỉ nhiều nhất có thể. Đặt gối dưới hông và mông để nâng cao bìu, giúp giảm áp lực. Khi cần di chuyển, bạn có thể đeo quần lót hỗ trợ thể thao (jockstrap) để cố định và giảm sự di chuyển của tinh hoàn.
  • Dùng thuốc theo hướng dẫn: Tuân thủ dùng đủ liệu trình kháng sinh (nếu viêm tinh hoàn do vi khuẩn), và tái khám đúng hẹn với bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng

Nếu bạn hoặc con bạn bị viêm tinh hoàn do nhiễm virus, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết có thể hỗ trợ hồi phục tốt hơn.

Phòng ngừa viêm tinh hoàn

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc viêm tinh hoàn bằng cách tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR) và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu bạn có đời sống tình dục tích cực và có nhiều bạn tình, hãy thực hiện xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) ít nhất mỗi 3 đến 6 tháng để bảo vệ sức khỏe của mình.

viem-tinh-hoan7.jpg

Viêm tinh hoàn là một bệnh lý cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Việc phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin, duy trì lối sống lành mạnh và thăm khám y tế định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nam giới.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Các triệu chứng của viêm tinh hoàn thường thuyên giảm sau vài ngày kể từ khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, tình trạng sưng có thể kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi hoàn toàn biến mất.

Việc sử dụng kháng sinh để điều trị viêm tinh hoàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm tinh hoàn do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và kiểm soát nhiễm trùng. Điều quan trọng là phải tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị, ngay cả khi triệu chứng đã thuyên giảm, để tránh tình trạng kháng thuốc hoặc tái phát.

Trong thời gian điều trị viêm tinh hoàn, tốt nhất bạn nên kiêng quan hệ tình dục cho đến khi bệnh hoàn toàn khỏi hẳn.

Nếu viêm tinh hoàn do bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) như lậu, chlamydia hoặc giang mai, cả bạn và vợ (hoặc bạn tình) đều cần được điều trị đồng thời. Điều này giúp ngăn ngừa lây nhiễm qua lại, hạn chế biến chứng và ngăn ngừa tái phát.

Nếu không được điều trị, bạn có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng hoặc tổn thương lâu dài, bao gồm bệnh nghiêm trọng, vô sinh hoặc thậm chí mất một bên tinh hoàn.