icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
dau_tai_bd54565c91dau_tai_bd54565c91

Đau tai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bảo Quyên01/04/2025

Đau tai (Ear Pain, Earache hoặc Otalgia) là một trong những lý do phổ biến khiến chúng ta đi khám bác sĩ mỗi năm. Nó có thể do nhiễm trùng hoặc một vấn đề sức khỏe nào đó. Thông thường, đau tai không nguy hiểm, nhưng hiếm khi nó có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Cách điều trị tùy vào nguyên nhân, có thể dùng thuốc, mẹo chữa tại nhà hoặc chườm nóng, chườm lạnh. Mời quý bạn đọc cùng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu khám phá nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả tình trạng đau tai.

Tìm hiểu chung về đau tai

Đau tai (nhức tai) là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe. Nó có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn hoặc cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng tai.

Cơn đau này có thể âm ỉ, nhói, nhẹ hoặc dữ dội. Một số người bị đau tai theo từng cơn. Phần lớn các trường hợp, đau tai không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu đau tai xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài hơn ba ngày, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng đau tai

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau tai

Đau tai có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột, với mức độ đau khác nhau như âm ỉ, nhói, rát và có thể kéo dài hoặc chỉ thoáng qua. Thông thường, cơn đau xuất hiện ở một bên tai, nhưng đôi khi có thể ảnh hưởng đến cả hai tai. Một số dấu hiệu nhận biết đau tai bao gồm:

  • Sốt;
  • Tai chảy dịch;
  • Giảm thính lực hoặc mất khả năng nghe;
  • Đau đầu;
  • Khó khăn khi nhai;
  • Đau vùng hàm.
  • Ở trẻ em bị đau tai có thể biểu hiện như trẻ khóc, cáu kỉnh, bỏ ăn, mất thăng bằng khi đi lại.
dau-tai3.jpg

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đau tai

Đau tai không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn ba ngày, bạn nên đi khám bác sĩ. Nếu bị nhiễm trùng, nó có thể lan sang các khu vực lân cận như hàm hoặc hộp sọ. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng tai có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm xương chũm hoặc viêm màng não.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị đau tai tái đi tái lại, hoặc cơn đau tai kéo dài hơn 3 ngày mà không thuyên giảm, hãy đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, bạn (hoặc con của bạn) cũng cần đến khám ngay nếu gặp các tình trạng sau:

  • Sốt cao hoặc cảm thấy nóng và ớn lạnh;
  • Sưng quanh tai;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Chảy dịch từ tai;
  • Mất thính giác hoặc nghe kém đi;
  • Có vật gì đó mắc kẹt trong tai;
  • Trẻ dưới 2 tuổi bị đau tai ở cả hai bên.

Nguyên nhân gây đau tai

Có nhiều nguyên nhân khiến tai bạn bị đau. Các chuyên gia y tế chia đau tai thành hai loại là đau tai nguyên phát (cơn đau bắt nguồn từ chính tai) và đau tai thứ phát (cơn đau xuất phát từ một vấn đề không liên quan trực tiếp đến tai, điều này xảy ra vì tai và các bộ phận xung quanh chia sẻ chung hệ thần kinh với não).

Các nguyên nhân đau tai nguyên phát:

  • Chấn thương do áp suất (thay đổi áp suất không khí hoặc nước);
  • Tích tụ ráy tai;
  • Rối loạn chức năng ống Eustachian;
  • Dị vật trong tai;
  • Nhiễm trùng tai trong;
  • Nhiễm trùng tai giữa;
  • Thủng màng nhĩ;
  • Viêm tai do nước (tai người bơi lội).
dau-tai4.jpg

Các nguyên nhân đau tai thứ phát:

  • Dị ứng;
  • Cảm lạnh;
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD);
  • Đau răng;
  • Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ);
  • Viêm amidan;
  • Viêm xoang.

Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến đau tai nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm mô tế bào, bệnh zona. Tình trạng bệnh quai bị gây sưng tuyến nước bọt mang tai cũng có thể dẫn đến đau quanh vùng tai của bạn.

Nguy cơ mắc phải đau tai

Những ai có nguy cơ mắc phải đau tai?

Đau tai là tình trạng phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên, người lớn cũng có thể bị đau tai do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung:

  • Đau tại nguyên phát thường gặp ở nam giới hơn.
  • Phụ nữ thường mắc đau tai thứ phát.
  • Người bệnh trên 65 tuổi có nguy cơ mắc đau tai do bệnh cột sống cổ.
  • Trẻ em thường gặp đau tai do viêm tai giữa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau tai

Các yếu tố nguy cơ gây đau tai sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh cụ thể. Ví dụ như yếu tố nguy cơ của viêm tai giữa sẽ bao gồm tiếp xúc với khói thuốc lá, sống ở môi trường có ô nhiễm không khí, và đi nhà trẻ cũng là một yếu tố nguy cơ.

dau-tai5.jpg

Phương pháp chẩn đoán và điều trị đau tai

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm đau tai

Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh của người bệnh trước tiên. Sau đó, họ sẽ kiểm tra tai, mũi và họng. Những gì bác sĩ tìm thấy trong quá trình hỏi bệnh và kiểm tra thường giúp xác định nguyên nhân gây đau tai và các xét nghiệm cần thiết. Họ cũng có thể sử dụng bộ thử âm thoa để đánh giá thính lực.

Một yếu tố quan trọng là tình trạng của tai khi kiểm tra. Nếu có vấn đề ở tai giữa hoặc tai ngoài, bác sĩ có thể phát hiện bất thường bằng ống soi tai hoặc kính hiển vi. Khi kết hợp với triệu chứng và tiền sử bệnh, những dấu hiệu này thường giúp xác định nguyên nhân.

Nếu kết quả kiểm tra tai bình thường, đau tai có thể do nguyên nhân khác, như viêm amidan. Nếu không phát hiện bất thường nhưng người bệnh bị đau dai dẳng, bác sĩ có thể nghi ngờ rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) hoặc đau nửa đầu. Tuy nhiên, với trường hợp đau kéo dài, cần kiểm tra kỹ vùng đầu và cổ, bao gồm nội soi để loại trừ nguy cơ ung thư hoặc khối u trong mũi họng.

Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chỉ bằng khám lâm sàng mà không cần làm thêm xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu tai không có dấu hiệu bất thường nhưng người bệnh bị đau kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra để loại trừ nguy cơ ung thư. Các xét nghiệm thường bao gồm:

  • Nội soi: Kiểm tra mũi, họng và thanh quản bằng ống nội soi mềm.
  • Chụp CT hoặc MRI: Đánh giá khu vực nền sọ để tìm bất thường.

Điều trị đau tai

Điều trị đau tai phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen có thể giúp giảm đau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc dưới dạng thuốc nhỏ tai hoặc viên uống, bao gồm:

  • Thuốc kháng nấm;
  • Corticosteroid.

“Nếu tai bị đau nhức bên trong tai phải làm sao?” là một câu hỏi mà các bác sĩ thường gặp phải. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thử một số biện pháp tại nhà để làm dịu cơn đau tai. Đôi khi, nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách có thể mang lại hiệu quả tốt:

  • Chườm nóng hoặc lạnh: Chườm lạnh giúp giảm đau và viêm, trong khi chườm nóng giúp thư giãn cơ và cải thiện lưu thông máu.
  • Kê cao đầu: Giúp giảm áp lực bên trong tai.
  • Dùng thuốc nhỏ tai không kê đơn: Hỏi ý kiến bác sĩ để chọn loại phù hợp. Không sử dụng thuốc nhỏ tai nếu bạn bị thủng màng nhĩ.
dau-tai6.jpg

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa đau tai

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của đau tai

Chế độ sinh hoạt

Bạn có thể hạn giúp hạn chế diễn tiến cũng như ngăn ngừa đau tai thứ phát bằng các cách sau:

  • Tuân thủ điều trị và quản lý các bệnh lý tiềm ẩn;
  • Khám kiểm tra tai mũi họng định kỳ;
  • Chườm ấm hoặc lạnh để giúp giảm đau;
  • Tập thể dục điều độ cường độ vừa phải trong 150 phút mỗi tuần;
  • Tránh nước vào tai;
  • Tránh cố gắng loại bỏ ráy tai;
  • Không cho đồ vật như tăm bông sâu vào trong tai.
dau-tai7.jpg

Chế độ dinh dưỡng

Nếu bạn bị đau tai do cảm cúm hoặc nhiễm virus, việc chăm sóc sức khỏe đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh hơn. Bạn nên duy trì dinh dưỡng đầy đủ và chú ý bổ sung đủ nước để tránh mất nước. Bạn có thể dùng thêm các loại trà ấm, trà gừng, nước súp để giúp làm dịu cổ họng và thông mũi.

Phòng ngừa đau tai

Đau tai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và không phải lúc nào cũng có thể tránh được. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bị đau tai bằng cách:

  • Vệ sinh tai đúng cách: Chỉ dùng tăm bông để làm sạch bên ngoài tai, không đưa sâu vào ống tai.
  • Bảo vệ tai khi đi máy bay: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh đau tai do thay đổi áp suất.
  • Rửa tay thường xuyên: Giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, hạn chế các bệnh có thể gây đau tai.

Đau tai là một vấn đề sức khỏe phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhiễm trùng, cảm cúm đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Hầu hết các trường hợp không quá nguy hiểm và có thể tự cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài, tái phát nhiều lần hoặc đi kèm các triệu chứng bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Hầu hết các trường hợp đau tai là do nguyên nhân không nguy hiểm. Trong một số ít trường hợp, đau tai có thể là biểu hiện của bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, nếu bạn bị đau tai không thuyên giảm, hãy đến khám bác sĩ để được kiểm tra.

Nếu con bạn có vật gì đó mắc kẹt trong tai, hãy đưa bé đến bác sĩ nhi ngay. Đặc biệt, nếu bạn đã thử lấy ra nhưng không thành công, việc cố gắng nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ tổn thương tai. Nếu bạn đã lấy được vật đó ra, vẫn nên liên hệ với bác sĩ nếu bé có các triệu chứng như đau tai, chảy dịch hoặc nghe không rõ.

Có, đau tai có thể tự khỏi trong nhiều trường hợp, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Một số trường hợp đau tai có thể tự cải thiện mà không cần điều trị y tế như thay đổi áp suất (đi máy bay, leo núi), tích tụ ráy tai nhẹ, đau tai do cảm lạnh.

Nhiễm cúm hoặc các loại virus có thể gây đau tai. Một số loại virus có thể dẫn đến viêm nhiễm hoặc ảnh hưởng đến tai, gây ra cảm giác đau và khó chịu.

Có thể, do bệnh quai bị gây sưng tuyến nước bọt mang tai, khiến cho bạn cảm thấy đau ở vùng quanh tai của bạn.