Trong quá trình nuôi con, không ít cha mẹ từng hoang mang khi nghe bác sĩ chẩn đoán con mình mắc hen suyễn. Vậy trẻ bị hen suyễn có chữa được không, liệu bệnh có thể dứt điểm hoàn toàn hay chỉ kiểm soát phần nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp câu trả lời đầy đủ, dễ hiểu, cùng những thông tin quan trọng giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng này, từ đó có định hướng chăm sóc phù hợp cho con.
Trẻ bị hen suyễn có chữa được không?
Hen suyễn là một bệnh mạn tính và hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát tốt, trẻ hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường như các bạn cùng trang lứa.
Việc chủ động phòng ngừa, kết hợp với phác đồ điều trị phù hợp sẽ giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn hen. Nhờ đó, các triệu chứng được kiểm soát hiệu quả, hạn chế tối đa tổn thương cho phổi và tránh những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ.

Hen suyễn ở trẻ có thể khỏi hoàn toàn không?
Như đã đề cập qua ở phần trên, cho đến nay vẫn chưa có thuốc nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, tin vui là nếu được theo dõi sát sao và điều trị đúng cách, bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả, giúp trẻ sống khỏe mạnh và sinh hoạt như bình thường.
Phác đồ điều trị thường bao gồm hai nhóm thuốc chính là thuốc phòng ngừa để ngăn chặn các cơn hen xuất hiện và thuốc giãn phế quản giúp giảm nhanh triệu chứng khi lên cơn. Mục tiêu điều trị là để trẻ không còn bị giới hạn trong các hoạt động hằng ngày, không gặp khó khăn trong vận động và không xuất hiện triệu chứng hen trong cuộc sống thường nhật.
Điều quan trọng là cha mẹ cần kiên trì tuân thủ điều trị theo chỉ định bác sĩ, đưa trẻ đi tái khám định kỳ để kịp thời điều chỉnh thuốc nếu cần. Bên cạnh đó, việc nhận diện và tránh xa các yếu tố dễ kích hoạt cơn hen như khói bụi, phấn hoa, lông thú hoặc thời tiết lạnh,... cũng góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát bệnh. Khi được chăm sóc đúng cách, trẻ hoàn toàn có thể phát triển khỏe mạnh và hạn chế tối đa những ảnh hưởng của hen suyễn trong suốt quá trình trưởng thành.

Các phương pháp điều trị hen suyễn ở trẻ em
Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến mà trẻ bị hen suyễn có thể được chỉ định:
Thuốc kiểm soát dài hạn
Đây là nhóm thuốc có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cơn hen xuất hiện và giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Trẻ cần sử dụng thuốc đều đặn mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc thường dùng gồm:
- Thuốc steroid dạng hít.
- Thuốc hít kết hợp steroid và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.
- Thuốc đối kháng muscarinic tác dụng kéo dài.
- Thuốc kháng leukotriene.
- Thuốc sinh học điều trị hen suyễn.
Những loại thuốc này không có tác dụng cắt cơn hen ngay lập tức nhưng giúp kiểm soát bệnh hiệu quả về lâu dài.
Thuốc cắt cơn hen
Khi trẻ lên cơn hen đột ngột, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc có tác dụng nhanh để làm giãn phế quản, giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Một số loại thuốc thường dùng trong nhóm này bao gồm:
- Thuốc giãn phế quản (beta-agonist tác dụng nhanh).
- Thuốc hít phối hợp với steroid.
- Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài như formoterol.
- Thuốc steroid dạng uống hoặc tiêm (trong trường hợp nặng).
Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết và không thay thế được vai trò của thuốc kiểm soát dài hạn.
Tái khám định kỳ
Mỗi trẻ có thể có biểu hiện hen khác nhau, vì vậy việc tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh thuốc nếu cần. Cha mẹ nên ghi nhớ lịch tái khám, theo dõi biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường như khó thở, ho kéo dài hay cơn hen nặng hơn bình thường.

Phòng ngừa hen suyễn cho trẻ em
Phòng bệnh luôn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho con. Đừng đợi đến khi trẻ lên cơn hen mới bắt đầu lo lắng và tìm hiểu xem trẻ bị hen suyễn có chữa được không. Ngay từ bây giờ, cha mẹ hãy chủ động trang bị kiến thức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Dưới đây là những điều quan trọng mà phụ huynh nên lưu ý để giúp con giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Khuyến khích trẻ vận động đều đặn: Tập luyện thể dục, đặc biệt là các bài tập thở như bơi lội, yoga trẻ em hoặc thổi bóng sẽ giúp tăng cường chức năng phổi, nâng cao sức đề kháng, cải thiện hô hấp.
- Theo dõi sức khỏe định kỳ: Với trẻ có tiền sử bệnh hô hấp hoặc dị ứng, việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ tiến triển thành hen suyễn và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Cân nặng không phù hợp, dù là thừa cân hay suy dinh dưỡng thì đều có thể làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn. Cha mẹ cần chú ý chế độ ăn và vận động để giúp trẻ đạt được cân nặng lý tưởng theo độ tuổi.
- Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn giàu dưỡng chất với rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm tươi sạch giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ dị ứng, yếu tố góp phần khởi phát hen suyễn.
- Tiêm chủng đầy đủ theo lịch: Việc tiêm vắc xin đúng và đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế là yếu tố then chốt trong phòng ngừa các bệnh lý hô hấp, nguyên nhân phổ biến gây khởi phát cơn hen ở trẻ. Những loại vắc xin cần tiêm đầy đủ cho trẻ bao gồm vắc xin phòng cúm mùa, vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn, vắc xin phòng bệnh do Hib,...

Trên đây là toàn bộ lời giải đáp cho câu hỏi “Trẻ bị hen suyễn có chữa được không?”. Hy vọng qua những thông tin trên, cha mẹ đã phần nào hiểu rõ hơn về bệnh hen suyễn và cách chăm sóc trẻ đúng cách. Khi được phát hiện sớm, điều trị đúng và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, trẻ hoàn toàn có thể sống vui khỏe, học tập và phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa.